Thị trường chung đang di chuyển theo hướng nào?
Lý do gì khiến chúng ta phải học cách nhận diện xu hướng thị trường xem liệu thị trường đang trên đường đi lên hay đang trong quá trình đi xuống? Bởi vì khi thị trường chung (được xác định bởi các chỉ số S&P 500, chỉ số tổng hợp NASDAQ và chỉ số công nghiệp Dow Jones) đạt đỉnh và đi xuống, ba trong số bốn cổ phiếu của bạn sẽ đi xuống theo thị trường, bất kể chất lượng của chúng như thế nào hay chúng từng hoạt động tốt ra sao.
Bên cạnh đó, nếu học được cách nhận biết khi nào thị trường đạt đỉnh, bạn sẽ có một kỹ năng mà rất ít nhà đầu tư phát triển được, kể cả những tay chuyên nghiệp ở Phố Wall. Nhóm này thất bại vì không tư vấn được cho khách hàng của mình bán cổ phiếu để nắm giữ tiền mặt vào năm 2000, khi toàn bộ thị trường đạt đỉnh, khiến cho 98% các nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ.
Các nhà môi giới, các nhà chiến lược và các nhà kinh tế đã làm sai điều gì? Họ sai bởi họ hoàn toàn dựa vào ý kiến cá nhân, họ muốn thị trường phải đi theo ý mình. Họ cũng dựa dẫm quá nhiều vào việc giải thích hàng tá các chỉ báo kinh doanh và kinh tế mà họ ưa thích.
Cách tiếp cận này hiếm khi hiệu quả vì nền kinh tế không dẫn dắt thị trường, mà chính thị trường dẫn dắt nền kinh tế. Đó là lý do tại sao từ nhiều năm về trước, những bộ óc thông thái đã đưa chỉ số thị trường chung là S&P 500, trở thành một trong những chỉ báo kinh tế “đi trước” được chính phủ công bố mỗi tháng, chứ không phải là một chỉ báo “ngẫu nhiên” hoặc “đi sau” nền kinh tế. Nói tóm lại, các chuyên gia ở Phố Wall đã làm ngược khi sử dụng nền kinh tế để dự đoán thị trường chứng khoán, họ đã khiến tất cả nhà đầu tư phải đi lùi.
Một nhóm chuyên gia khác, được gọi là các nhà phân tích kỹ thuật thị trường, theo dõi 50 đến 100 chỉ báo kỹ thuật, ví dụ như đường Advance-Decline (đường Số Cổ Phiếu Tăng/Số Cổ Phiếu Giảm), các chỉ báo thước đo tâm lý và các chỉ báo đo lường quá mua – quá bán. Nhưng trong suốt 45 năm qua, tôi không thể nhớ được một chuyên gia kỹ thuật nào có thể liên tục xác định đúng cả đỉnh thị trường và đáy thị trường. Nhóm chuyên gia này thường xuyên rơi vào tình trạng lúc đúng lúc sai. Nguyên nhân là do một loạt các chỉ báo kỹ thuật mà họ theo dõi chỉ là chỉ báo thứ cấp và kém chính xác hơn nhiều so với chỉ số thị trường chung.
Để biết thị trường đang di chuyển theo hướng nào, bạn phải quan sát và phân tích các chỉ số thị trường chung mỗi ngày. Đừng bao giờ hỏi bất cứ ai rằng: “Bạn nghĩ thị trường sẽ thế nào?” Hãy học cách đọc vị chính xác thị trường đang thực sự làm gì mỗi ngày bằng cách quan sát chính hành động của thị trường.
Khi thị trường đang trong một xu hướng tăng, lên giá ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, bạn không chỉ cần theo dõi hành động giá của chỉ số thị trường chung mỗi ngày, mà điều quan trọng hơn là phải theo dõi khối lượng giao dịch hàng ngày. Những gì bạn cần quan sát là tổng khối lượng giao dịch trong ngày tăng hay giảm so với ngày hôm trước. Bạn cũng phải lưu ý xem liệu khối lượng của ngày hôm đó cao hơn hay thấp hơn mức khối lượng trung bình hàng ngày gần đây. Những gì bạn muốn thấy trong một thị trường có xu hướng tăng là cả giá và khối lượng giao dịch đều tăng song song với nhau trong phần lớn các ngày. Điều đó cho thấy thị trường đang tích lũy, lực mua mạnh hơn bán.
Cách dễ nhất để theo dõi hành động này là sử dụng biểu đồ thanh giá thể hiện mức giá cao nhất ngày, thấp nhất ngày và giá đóng cửa của các chỉ số thị trường, cùng với khối lượng được vẽ ở bên dưới. Một biểu đồ phù hợp sẽ có phần biểu thị khối lượng nằm đủ gần với phần biểu thị giá để bạn có thể dễ dàng đưa mắt quan sát cả hai, không bị nhầm thanh giá của ngày này với cột khối lượng của ngày khác.
Trong bất kỳ xu hướng tăng nào, sẽ có những ngày hoạt động bán vượt trội so với hoạt động mua. Chúng tôi gọi những ngày như thế là ngày phân phối, và điều quan trọng là bạn phải nhận ra ngày phân phối khi nó đang diễn ra. Ngày đầu tiên của đợt phân phối xảy ra khi chỉ số đóng cửa giảm so với ngày hôm trước kèm theo khối lượng tăng lên cao hơn.
Tuy nhiên, xu hướng tăng của thị trường không bị thay đổi chỉ sau một ngày khối lượng bán gia tăng. Bằng cách nghiên cứu mọi đỉnh thị trường trong vòng 50 năm trở lại đây, chúng tôi đã phát hiện ra quy luật 3 đến 5 ngày phân phối xuất hiện trong khung thời gian từ 2 đến 4 tuần là đủ để biến xu hướng tăng của thị trường thành xu hướng giảm (trong những năm gần đây là 5 ngày).
Khi phát hiện ra một ngày phân phối đầu tiên, bạn tiếp tục quan sát để phát hiện ngày phân phối thứ hai, sau đó là ngày thứ ba, thứ tư và thứ năm. Sau ngày phân phối đầu tiên, thị trường có thể tăng tiếp trong hai hoặc ba ngày trước khi bạn thấy ngày phân phối thứ hai, cũng với đặc điểm là thị trường đóng cửa giảm nhiều hơn -0.2% với khối lượng cao hơn ngày hôm trước. Khi xuất hiện ngày phân phối thứ hai hoặc thứ ba, bạn bắt đầu đặt ra nghi vấn về sự thay đổi tính nết của thị trường. Đến lúc đó, bạn đã chứng kiến thấy lực bán nhiều hơn những gì bản thân mong đợi, và hãy sẵn sàng bán ra một hoặc hai cổ phiếu. Đến khi ngày phân phối thứ năm xuất hiện, bạn nhận ra khả năng rất cao là toàn bộ thị trường đang đảo chiều và đi xuống.
Có một cách phân phối khác được chúng tôi gọi là hành động “chững lại” (stalling action hay churning day). Trong trường hợp này, thị trường sẽ tăng lên mức đỉnh mới cao hơn với giao dịch năng động, sau đó đột nhiên thu hẹp mức tăng. Chỉ số không giảm xuống; nhưng không tăng nhiều so với một hoặc hai ngày trước đó. Ví dụ, thị trường đang có xu hướng tăng rõ ràng trong một số tuần, sau đó có 1 ngày tăng 40 điểm với khối lượng lớn, ngày hôm sau chỉ số tăng tiếp 30 hoặc 40 điểm nhưng sau đó mức tăng bị thu hẹp, đóng cửa chỉ còn tăng một hoặc hai điểm với khối lượng giao dịch ngang bằng hoặc cao hơn ngày hôm trước.
Trong cả hai kiểu phân phối nói trên, thị trường đang tăng một cách ổn định bỗng dưng bị dừng lại đột ngột. Đó là do có sự thay đổi từ tỷ lệ mua mạnh hơn sang thành bán mạnh hơn. Trong thị trường có xu hướng tăng, lực mua sẽ chiếm ưu thế. Nhưng khi thị trường chao đảo với khối lượng cao và bắt đầu cắm đầu giảm, cho thấy bên bán đã chiếm được ưu thế.
Lưu ý ở đây tôi không nói đến số lượng người bán. Trong thị trường đang có xu hướng tăng, không nhất thiết số lượng người mua phải nhiều hơn số lượng người bán. Sự tích lũy tích cực có thể xảy ra với số lượng người bán nhiều hơn người mua nếu bên mua là các tổ chức đầu tư lớn, còn bên bán là các tay chơi nhỏ lẻ. Trường hợp này, các tay chơi lớn mua vào số lượng cổ phiếu lớn hơn số lượng cổ phiếu mà nhiều tay chơi nhỏ lẻ đã bán ra. Trường hợp khác, có hàng trăm người mua với khối lượng mua vào nhỏ, họ dễ dàng bị lấn át hoàn toàn bởi một số ít các tổ chức đầu tư với khối lượng bán ra cực lớn.
Đây là lý do tại sao việc theo dõi đồng thời cả giá và khối lượng là rất quan trọng. Nếu thị trường đi xuống nhưng khối lượng thấp hơn thì phiên giảm này không có nghĩa lý gì. Nhưng nếu khối lượng tăng lên đáng kể thì các con số đang kể một câu chuyện khác. Chúng muốn nói rằng tỷ lệ cung cầu đang dịch chuyển đến điểm mà lực bán đang ngày càng gia tăng và có ảnh hưởng đến xu hướng thị trường.
Khi đếm được từ 3 đến 5 ngày phân phối, hầu hết sẽ là những ngày thị trường thực sự giảm, chỉ 1 hoặc có thể 3 ngày thể hiện mức tăng rất ít theo kiểu ngày lưỡng lự (stalling day). Phát hiện ra chúng dễ dàng hơn trước đây nhiều. Điều quan trọng nhất là bạn phải nhận ra và đếm chính xác số ngày phân phối với khối lượng cao hơn dưới cả hai hình thức mà tôi đã mô tả.
Sự phân phối có thể xảy ra trên một trong các chỉ số chính gồm S&P 500, NASDAQ composite, hoặc Dow Jones. Trong hầu hết các ngày, Nhật Báo IBD xếp chung các biểu đồ của cả ba chỉ số lại với nhau trên cùng một trang, và chính tôi kiểm tra từng biểu đồ trên IBD mỗi ngày. Bằng cách đó, tôi không bao giờ ngủ quên khi thị trường bị phân phối mạnh. Nếu hầu hết các nhà môi giới chứng khoán và cố vấn đầu tư học được phương pháp phân tích thị trường này, họ có thể đã cứu vãn được tình thế, không làm cho khách hàng thất vọng, đồng thời gia tăng đáng kể lượng khách hàng mới, cũng như giữ chân các khách hàng của họ.
Để có thêm bằng chứng cho thấy thị trường đang đạt đỉnh, bạn cũng có thể kiểm tra các cổ phiếu riêng lẻ đã dẫn đầu đà tăng. Các nghiên cứu của chúng tôi về lịch sử thị trường cho thấy các cổ phiếu dẫn dắt này đạt đỉnh cùng lúc ngày phân phối diễn ra. Trong chương sau, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số quy tắc có giá trị về thời điểm bán cổ phiếu khi chúng vẫn đang tăng giá và đang có lãi. Bạn sẽ thấy nhiều quy tắc trong số đó sẽ được kích hoạt cùng lúc thị trường chung đang bị phân phối. Vì vậy, bây giờ bạn có hai cách khác nhau để xác định thời điểm thị trường bắt đầu gặp khó khăn, đó là theo dõi các chỉ số thị trường chung và theo dõi các cổ phiếu dẫn dắt riêng lẻ.
Tại những thời điểm như vậy, bạn phải lùi bước và không thực hiện bất kỳ giao dịch mua nào. Bạn cũng phải bán để huy động một lượng tiền mặt, và chắc chắn phải loại bỏ các khoản vay ký quỹ. Bạn phải hành động cùng pha với hành động thực tế của thị trường, đừng hành động theo hy vọng hay theo những ý kiến cá nhân muốn thị trường phải tuân theo. 99% công chúng đầu tư đều phạm phải sai lầm khi giao dịch lệch pha với thị trường. Họ bị dắt mũi bởi ý kiến cá nhân, bởi suy đoán hoặc hy vọng của chính họ cũng như của những người khác. Bạn phải hành động theo các dữ kiện – sự kiện trên chỉ số thị trường, chúng cho bạn biết liệu thị trường có đang bị phân phối mạnh hay không.
Mục tiêu của bạn là đồng ý 100% với những gì đang thực sự xảy ra trên thị trường, chứ không phải cố gắng nói cho thị trường biết nó nên làm gì. Thị trường không quan tâm bạn là ai hay bạn nghĩ gì, bạn đang hy vọng hay mong muốn điều gì. Một khi học cách nhận ra thực tế, là những gì thực sự đang xảy ra trên thị trường, bạn đã có được một kỹ năng mà hầu hết mọi người sẽ không bao giờ có được. Quan trọng hơn nữa, bạn sẽ bán, nắm giữ tiền mặt và có được một khoản lãi đáng kể ở những thời điểm quan trọng, chẳng hạn như đỉnh thị trường năm 2000, là nơi mà hầu như mọi nhà đầu tư của nước Mỹ đều bỏ lỡ.
Đừng nản lòng nếu bạn không học được kỹ năng này ngay lập tức. Giống như mọi kỹ năng khác, cần phải có sự kiên nhẫn và luyện tập chăm chỉ. Trong quá trình học, đôi khi bạn sẽ nhận diện sai một hoặc hai ngày phân phối.
Tôi thấy sai lầm phổ biến nhất khi nhận diện ngày phân phối là những ngày có biên độ giá chặt hơn, trong đó biên độ giao dịch của chỉ số có mức chênh lệch từ đỉnh tới đáy trong ngày là rất nhỏ, và mức giảm giá thực tế so với ngày trước đó cũng rất nhỏ. Vì vậy, mặc dù có sự gia tăng về khối lượng và giá đóng cửa giảm, nhưng mức biến động trong ngày là nhỏ. Nếu phần lớn các ngày trong số từ ba đến năm ngày phân phối bạn quan sát thấy có đặc điểm như vậy, thì sự phân phối có thể không đủ lớn để khiến thị trường quay đầu giảm. Tuy nhiên, thông thường, những ngày giảm với khối lượng cao hơn sẽ dễ dàng phát hiện, và mức chênh lệch giữa đỉnh và đáy trong ngày sẽ ở mức trung bình đến rộng hơn so với mức trung bình.
Trong chuyên mục “Bức Tranh Toàn Cảnh (Big Picture)” trên trang nhất ra hàng ngày của Nhật Báo IBD, các ngày phân phối được quan sát, đếm và đánh dấu bằng các mũi tên trên biểu đồ chỉ số thị trường ở trang thị trường chung. Đọc chuyên mục này thường xuyên là một cách rất hiệu quả giúp bạn tinh chỉnh và cải thiện đáng kể kỹ năng phân tích thị trường chung. Nhiều người đăng ký sử dụng Nhật Báo IBD đã đọc và theo dõi chuyên mục “Bức tranh toàn cảnh” mỗi ngày trong suốt năm 2000 đã có thể bán ra và chuyển sang nắm giữ tiền mặt khi chuyên mục liên tục cảnh báo về sự phân phối đang diễn ra. Những nhà đầu tư nghiêm túc chú ý theo dõi mục này đã bảo vệ được số tiền khổng lồ khi thị trường nổ tung sau đó.
Một manh mối cuối cùng để xác định đỉnh: thị trường gấu thường mở cửa tăng điểm vào đầu ngày giao dịch nhưng sau đó đóng cửa giảm. Ngược lại, thị trường tăng giá có thể mở cửa giảm điểm nhưng đóng cửa tăng điểm. Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy các cổ phiếu đội sổ có thị giá thấp hơn, chất lượng thấp hơn đứng gần đầu danh sách các cổ phiếu tăng mạnh nhất hàng ngày trong vài phiên gần đây, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường chung đang suy yếu.
Chúng tôi đã chỉ cho bạn thấy xu hướng thị trường giảm giá bắt đầu như thế nào, giờ thì hãy chuyển sang cách nhận biết biết khi nào xu hướng giảm kết thúc và xu hướng tăng mới bắt đầu. Nói cách khác, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách bạn nhận ra đáy của thị trường.
Bạn không bao giờ biết được xu hướng giảm của thị trường sẽ kéo dài bao lâu và sẽ giảm tới đâu. Tất cả những gì bạn biết là thị trường đang bị phân phối mạnh và thị trường đang trên đường đi xuống. (Hầu hết mọi người hoàn toàn không biết điều này, vì vậy bạn đã có một lợi thế rất lớn so với họ). Mặc dù bạn không biết được thị trường chung sẽ đi xuống tới đâu, nhưng bạn vẫn phải theo dõi thị trường từng ngày khi nó đang giảm. Tại một điểm nào đó, thị trường sẽ tăng và phục hồi trong vài ngày. Không cần chú ý đến ngày đầu tiên và ngày thứ hai của đợt nỗ lực phục hồi vì sẽ luôn có những ngày thị trường vọt tăng mạnh trong bất cứ đợt giảm giá nào, nhưng xu hướng chính vẫn là xu hướng giảm.
Để kết luận xu hướng thị trường đã thay đổi từ giảm thành tăng với độ tin cậy cao, bạn hãy quan sát ngày thứ tư trở đi của đợt nỗ lực hồi phục. Nếu khối lượng bất ngờ tăng lên so với ngày hôm trước ở một hoặc nhiều chỉ số thị trường chung và điểm số thị trường có mức tăng đáng kể, bạn có cái mà chúng tôi gọi là ngày xác nhận của đợt nỗ lực hồi phục (bắt đầu từ ngày tăng điểm đầu tiên của đáy thấp nhất).
Ngày xác nhận, hay còn gọi là ngày bùng nổ theo đà (follow-through day), thường xuất hiện vào ngày thứ tư đến ngày thứ bảy của một đợt nỗ lực hồi phục. Đôi khi ngày xác nhận có thể đến vào ngày thứ mười hoặc thậm chí muộn hơn, nhưng vẫn có hiệu lực kiến tạo. Tuy nhiên, ngày xác nhận xuất hiện kéo dài như thế là muộn, và thị trường có thể không mạnh mẽ bằng những xu hướng tăng với ngày xác nhận xuất hiện sớm. Vào ngày xác nhận, chỉ số thị trường chủ chốt phải tăng một cách mạnh mẽ và quyết đoán, thường là khoảng 1.7% trở lên, với khối lượng giao dịch cao hơn ngày hôm trước và thường tốt hơn mức trung bình hàng ngày[4]. Tuy nhiên, điều quan trọng là không tham gia thị trường vào ngày tăng điểm đầu tiên hoặc ngày thứ hai, vì bạn có thể bị cuốn vào một đợt phục hồi giả tạo. Bạn sẽ không thực sự biết chắc chắn liệu thị trường có quay đầu hay không cho đến khi ngày xác nhận xuất hiện.
Giá trị to lớn của hệ thống xác định xu hướng thị trường mà chúng tôi tạo ra không chỉ nằm ở chỗ giúp bạn rút lui khi thị trường chung đạt đỉnh và tham gia ngay sau khi thị trường thoát khỏi đáy để bắt đầu xu hướng tăng mới. Hệ thống còn giúp bạn nắm giữ chắc tiền mặt trong nhiều bẫy tăng giá. Nguyên lý đầu tư này có những lợi thế rất lớn. Đã có hai hoặc ba thị trường gấu (mức giảm từ 18% đến 20% hoặc nhiều hơn ở một hoặc nhiều chỉ số thị trường chung) chưa từng trải qua một ngày xác nhận hợp lệ trong suốt nhiều đợt nỗ lực hồi phục, cho đến khi tạo được đáy thực sự.
Một thị trường đang giảm thường sẽ có những đợt phục hồi trong một vài ngày. Trong nhiều trường hợp (nhưng không phải tất cả), ngày đầu tiên thị trường đóng cửa giảm với khối lượng tăng cao hơn mức trung bình có thể là khởi đầu cho sự thất bại của đợt hồi phục, và thị trường tiếp tục quay trở lại xu hướng giảm.
Điều quan trọng cần phải hiểu rõ là không có thị trường bò tót mới nào bắt đầu mà không có ngày xác nhận, và hầu hết các ngày xác nhận đều diễn ra vào ngày thứ tư đến ngày thứ bảy của đợt nỗ lực hồi phục. Với kiến thức này, bạn đã có được một hệ thống do chúng tôi thiết kế và phát triển, có thể đưa bạn tham gia vào thị trường trong vòng từ bốn đến bảy ngày kể từ khi thị trường chạm đáy thực sự. Bạn sẽ không bao giờ làm tốt hơn nếu sử dụng bất cứ kỹ thuật nào khác, và bạn có thể sẽ tham gia muộn hơn nhiều nếu theo dõi tin tức (điều này sẽ thật tệ) hoặc đi theo cảm giác của bạn (điều này cũng chẳng tốt hơn việc theo dõi tin tức là bao).
Qua nhiều năm, tôi thấy rằng khi tín hiệu ngày xác nhận xuất hiện, phần lớn các nhà đầu tư đều sẽ không tin vào sự thật, họ không dám tin thị trường đã tạo đáy thành công và bước vào xu hướng tăng mới. Họ bị dư âm của giai đoạn bán tháo trước đó dọa cho sợ chết khiếp. Họ quá bận rộn liếm láp vết thương của mình do xu hướng giảm quá tồi tệ trước đó gây ra. Những tin tức tiêu cực khiến họ nghi ngờ và sợ hãi mọi đợt phục hồi tăng điểm trên các chỉ số thị trường. Ở đây, một lần nữa phải nhắc lại, điều quan trọng không phải là bạn cảm thấy như thế nào vào thời điểm sự sợ hãi đang bao trùm này, hay bạn đang nghĩ gì, mà bạn phải tỉnh táo nhận ra và thấu hiểu chính bản thân chỉ số thị trường đang thực sự nói gì với bạn. Nếu thị trường xuất hiện ngày bùng nổ theo đà vào ngày thứ tư, thứ năm, thứ sáu hoặc thứ bảy của đợt nỗ lực hồi phục, với khối lượng gia tăng, thì thị trường đang nói rằng: “Tôi hiện tại đang bắt đầu một xu hướng tăng hoàn toàn mới, bất kể bạn hyvọng, sợ hãi hay có ý kiến gì.”
…
Nguồn: Nhà đầu tư thành công