[Báo cáo thị trường 21/7/2021] Thị trường giảm nhẹ KL thấp sau phiên nỗ lực hồi phục, chúng ta muốn thấy điều gì ở phiên kế tiếp?
Sau phiên nỗ lực hồi phục hôm trước, Vnindex bước vào ngày thứ 2 của đợt nỗ lực hồi phục với đà tăng vào phiên sáng, nhưng vì còn chưa có đủ tín hiệu để khẳng định thị trường tạo đáy nên lực cầu nhanh chóng suy yếu khi bước vào phiên chiều, khiến cho Vnindex giảm nhẹ 2,5 điểm với khối lượng GD khớp lệnh giảm 27%.
KLGD thấp trong cả phiên nỗ lực hồi phục ngày hôm trước lẫn phiên hôm nay, cho thấy rằng chưa có sự tham gia mạnh mẽ từ lực mua của các tổ chức mà chỉ cho thấy lực bán ngắn hạn tạm thời đang bị suy yếu.
Như đã nói trong báo cáo trước, “Mẫu hình nến Bullish Tasuki Line xuất hiện tại đường xu hướng dài hạn là những manh mối cho thấy có khả năng khoảng trống giảm giá ngày hôm trước là một khoảng trống kiệt sức, cho thấy bên bán tạm thời suy yếu trong ngắn hạn, có thể mở ra cơ hội cho một nhịp phục hồi. Tuy vậy, mô hình nến tăng hôm nay có khối lượng thấp hơn hôm trước 20%, nên phiên tăng này chưa được trọn vẹn. Do đó, nhà đầu tư chưa kịp mua ở vùng giá thấp nên tiếp tục chờ đợi các tín hiệu xác nhận, ví dụ như một khoảng trống tăng ở phiên kế tiếp để tạo mẫu hình đảo chiều hoang đảo, hoặc một phiên bùng nổ theo đà xuất hiện ở ngày thứ 4 kể từ ngày nỗ lực hồi phục hôm nay (20/7). Trường hợp không có ngày bùng nổ theo đà, nhiều khả năng thị trường vẫn chỉ là một nhịp hồi về lại đường MA50 ngày tại vùng 1.33x, do đó việc mua đuổi có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí có thể gặp rủi ro nếu đợt nỗ lực hồi phục của thị trường thất bại.“
Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm chờ đợi thêm các tín hiệu xác nhận như nói trên trước khi mở lại vị thế. Với nhà đầu tư năng động đã giải ngân bắt đáy, tiếp tục chờ cổ phiếu về tài khoản và quan sát thị trường phiên 22/7 và 23/7. Những gì chúng ta muốn thấy trong phiên GD 22/7 là trạng thái suy yếu của bên bán cần được tiếp diễn, tức là nếu thị trường đỏ điểm thì mức giảm phải nhẹ, đi kèm khối lượng thấp. Điều này sẽ giúp cho dòng tiền bắt đáy tiếp tục ở lại thị trường, vì hàng về có lãi thì lực bán tháo sẽ không tái xuất.
Cập nhật KQKD:
+ HSG: Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 NĐTC 2020-2021 (từ 01/4/2021 đến 30/6/2021). Theo đó, sản lượng tiêu thụ ước đạt 615.425 tấn, doanh thu ước đạt 12.986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.701 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 56%, 90%, 435% so với cùng kỳ NĐTC 2019 – 2020 và 13%, 20%, 64% so quý 2 vừa qua. Riêng tháng 6/2021, sản lượng tiêu thụ ước đạt 175.763 tấn, doanh thu ước đạt 3.870 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 562 tỷ đồng.
Hệ số EPS trượt của 04 quý gần nhất của cổ phiếu HSG tiếp tục gia tăng lên mức 7.814 đồng/cổ phiếu vào cuối quý 3 NĐTC 2020-2021 (đã bao gồm số lượng cổ phiếu chia cổ tức 10% ngày 15/6/2021). Nếu lấy giá 35.400 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 20/7/2021 thì hệ số PE của cổ phiếu HSG là 4,53 lần, thấp hơn so với trung bình ngành thép và thấp hơn so với trung bình toàn thị trường rất nhiều.
Tại Việt Nam, làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 kéo dài đến nay đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế – xã hội. Đại diện HSG cho biết hơn một tháng trước đây, HSG đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất. HSG đã đưa toàn thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) vào hệ thống các nhà máy và hệ thống các cửa hàng trên toàn quốc thực hiện “sản xuất tại chỗ – ăn uống tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ”, thực hiện các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch, xét nghiệm RT-PCR mỗi tuần một lần. Do có sự chủ động từ trước nên điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tốt, chế độ đãi ngộ phù hợp nên sức khoẻ và tinh thần của cán bộ công nhân viên rất tốt, đảm bảo việc sản xuất kinh doanh của công ty được liên tục, không bị gián đoạn bởi tình hình đại dịch Covid-19.
Đại diện HSG cũng cho biết sản lượng xuất khẩu của HSG đang tăng trưởng mạnh ở cả các thị trường truyền thống đến các thị trường mới khai thác, đặc biệt tại các thị trường đang có nhu cầu cao về tôn mạ như Bắc Mỹ và Châu Âu. HSG đã ký các hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến hết tháng 11/2021, với sản lượng xuất khẩu trung bình trên 120.000 tấn/tháng. Hệ thống 536 chi nhánh – cửa hàng bán lẻ phân bổ rộng khắp các vùng miền và 10 nhà máy phân bổ gần các cảng quốc tế đã đảm bảo chắc chắn việc sản xuất và cung ứng hàng hoá trong mọi điều kiện. Vì vậy, dù thị trường nội địa bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi đại dịch Covid-19, nhưng HSG vẫn duy trì được sản lượng bán hàng ổn định ít nhất 160.000 – 170.000 tấn/tháng, mang về doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng. HSG luôn chủ động tính toán và kết hợp hài hòa sản lượng giữa thị trường nội địa vả thị trường xuất khẩu một cách tối ưu tại từng thời điểm nhằm đáp ứng tốt nhất và phục vụ nhanh nhất nhu cầu của tất cả khách hàng trong và ngoài nước, bảo đảm cho các nhà máy sản xuất với công suất tối đa từ bây giờ đến hết niên độ tài chính. Đại diện HSG khẳng định trên cơ sở lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đã đạt 3.371 tỷ đồng và chiến lược chủ động ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, HSG hoàn toàn tự tin lợi nhuận sau thuế NĐTC 2020 – 2021 sẽ vượt 4.000 tỷ đồng (theo Fireant).