Cách hành động đúng trong từng giai đoạn thị trường
XU HƯỚNG TĂNG ĐƯỢC XÁC NHẬN
Bối cảnh
Khi các chỉ số chính đang có xu hướng tăng, hầu hết các cổ phiếu riêng lẻ cũng tăng theo. Đó là lý do bạn muốn mua và chỉ nên mua cổ phiếu khi thị trường đang ở trong xu hướng tăng. Bạn cũng cần lưu ý các cổ phiếu mạnh nhất có xu hướng tăng vọt và thực hiện cú chạy giá mới ngay ở điểm khởi đầu của xu hướng tăng mới, thường chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi thị trường chuyển từ “Điều chỉnh” sang “Xu hướng tăng được xác nhận“. Vì vậy, để tóm được những cổ phiếu chiến thắng đó, bạn cần xây dựng danh sách theo dõi trước khi thị trường thay đổi xu hướng.
Hành động thế nào khi thị trường chuyển sang Xu hướng tăng được xác nhận?
-
- Tập trung vào các cổ phiếu mạnh về cơ bản phá vỡ thoát khỏi các mẫu biểu đồ vững chắc. “Xu hướng tăng được xác nhận” nghĩa là điều kiện thị trường đang tích cực và thường có lợi cho việc mua cổ phiếu mới. Nhưng đừng mua những cổ phiếu cũ mà phải tập trung vào các cổ phiếu mới – có đặc điểmCANSLIM và đang phá vỡ khỏi các mẫu hình nền giá thích hợp.
- Mua vào từ từ sau khi thị trường xác nhận trở lại xu hướng tăng. Không phải tất cả những ngày FTD hay những thời điểm thị trường quay đầu đi lên đều dẫn đến một đợt “leo dốc” bền vững. Đôi khi, thị trường sẽ đảo chiều và trượt dốc trở lại rồi tiếp tục điều chỉnh. Vì vậy, khi trạng thái thị trường chuyển về lại “Xu hướng tăng được xác nhận”, bạn hãy tham gia từ từ, dần dần. Nếu thị trường chung và cổ phiếu bạn mua tiếp tục thể hiện sức mạnh, bạn có thể mua mạnh tay hơn. Nhưng nếu thị trường và cổ phiếu của bạn bắt đầu suy yếu, bạn có thể “táp vào lề đường” một cách an toàn mà không phải chịu thiệt hại quá nhiều tiền. Ví dụ, khi thị trường trở lại xu hướng tăng, bạn nhìn thấy 1 cổ phiếu cơ bản tốt có đặc điểm canslim đang cho điểm mua phá vỡ nền giá, bạn mua cổ phiếu này với tỷ trọng 20-25%. Ngày hôm sau bạn phát hiện một cổ phiếu tương tự, thị trường vẫn mạnh, cổ phiếu mua trước đó vận động tốt, bạn có thể tiếp tục giải ngân vào cổ phiếu này với tỷ trọng 20-25% tiếp theo. Cứ như vậy cho tới khi giải ngân hết tiền, nếu thị trường vận động đúng bạn sẽ giải ngân hết tiền rất nhanh. Ngược lại, nếu như thị trường không thuận lợi và thất bại, thường bạn sẽ bị đẩy ra ngay do dính dừng lỗ, hoặc không xuất hiện thêm cơ hội mới, không thể thuận lợi giải ngân được nhiều tiền, do danh mục của bạn chỉ tiếp xúc với thị trường vị thế nhỏ, giúp cho thiệt hại của bạn giữ ở mức nhỏ, không ảnh hưởng đến đại cục.
- Giữ kỷ luật và tuân thủ các quy tắc mua, bán. Ngay cả trong xu hướng tăng, không phải mọi giao dịch đều hiệu quả. Vì vậy, cần phải “kén chọn” và kiên nhẫn tiến bước, đồng thời tuân thủ “các quy tắc mua” và sử dụng các chiến lược trong trong phần “cách bán cổ phiếu” để chốt lãi và cắt bỏ mọi khoản thua lỗ.
XU HƯỚNG TĂNG GẶP ÁP LỰC
Bối cảnh
-
-
- Mặc dù có trường hợp ngoại lệ, nhưng sự thay đổi đột ngột từ “Xu hướng tăng được xác nhận” sang “Thị trường điều chỉnh” thường không xảy ra trong một đêm. Quá trình này thường mất một vài tuần, cho bạn đủ thời gian để thiết lập kế hoạch phòng thủ.
- Khi sự thay đổi xu hướng xảy ra, trạng thái thị trường thường thay đổi từ “Xu hướng tăng được xác nhận” sang “Xu hướng tăng gặp áp lực”. Đó là dấu hiệu cảnh báo, cho biết xu hướng tăng có thể sắp hết hơi và thị trường sắp điều chỉnh. Mặc dù xu hướng tăng về cơ bản là vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đây là lúc để cần phải hành động thận trọng. Những năm gần đây, trên thị trường chứng khoán VN, thường thị trường sẽ thay đổi từ xu hướng tăng sang “xu hướng tăng gặp áp lực” khi xuất hiện 4-5 ngày phân phối. Các xác định ngày phân phối sẽ được giải thích ở phần tiếp theo.
-
Phải làm gì khi thị trường chuyển trạng thái Xu hướng tăng gặp áp lực?
-
-
- Thận trọng khi thực hiện bất kỳ vị thế mua mới nào. Bạn vẫn có thể mua các vị thế mới, nhưng tốt hơn là nên tạm dừng mua vì áp lực bán đang ngày càng tăng trên thị trường chung. Nếu bạn quyết định mua, hãy đặt thêm điều kiện, phải khó tính hơn và chỉ tập trung vào các cổ phiếu thể hiện sức mạnh cơ bản và kỹ thuật đặc biệt.
- Lập kế hoạch phòng thủ cho mỗi cổ phiếu bạn sở hữu. Hãy xem xét kỹ từng vị thế đang có để xem liệu có bất kỳ cổ phiếu nào đang bắt đầu bị bán tháo với khối lượng tăng lên hay không? Những món lợi nhuận bạn kiếm được trước đó có bắt đầu mất đi không? Bạn có bất kỳ cổ phiếu nào đang trong vùng chốt lãi 20% – 25% không? Căn cứ vào những gì bạn thấy để quyết định xem nên bán hay nắm giữ. Nếu nắm giữ, hãy đặt một mức giá bán phòng vệ, gọi là điểm dừng chặn, từ 7-8% từ đỉnh gần nhất, khi cổ phiếu trượt đến mức đó thì thoát ra. Phương pháp này tạo cho bạn một kỷ luật khách quan, không bị cảm xúc, giúp bạn giữ lợi nhuận và tự vệ trong suốt cuộc đời đầu tư.
- Giữ kỷ luật và giữ cả sự linh động. Khi thị trường chuyển sang trạng thái “xu hướng tăng gặp áp lực”, chúng ta không rõ “con tạo sẽ xoay vần” theo cách nào. Thị trường có thể sẽ chỉ tạo ra sự rũ bỏ và quay lại trạng thái “Xu hướng tăng được xác nhận”, nhưng thị trường cũng có thể rơi luôn vào trang thái điều chỉnh và tiếp tục lấy đi thêm thành quả của chúng ta. Thay vì cố gắng dự đoán kết quả, chúng ta tập trung vào những gì thực sự diễn ra, sau đó hành động phù hợp, bám sát kế hoạch đối với từng giai đoạn thị trường
-
THỊ TRƯỜNG ĐIỀU CHỈNH
Bối cảnh
-
-
- Sự suy giảm trên các chỉ số chính có xu hướng kéo hầu hết các cổ phiếu riêng lẻ xuống theo. Do đó, mua cổ phiếu trong thị trường điều chỉnh sẽ rủi ro hơn nhiều, và phải vất vả theo sát mọi cổ phiếu trong danh mục.
- Hãy nhớ rằng: Để kiếm tiền bền vững dài hạn, chúng ta cần bảo vệ lợi nhuận khi thị trường suy thoái.
-
Phải làm gì khi thị trường điều chỉnh?
-
-
- Tránh mua mới. Trong suốt thời kỳ thị trường suy thoái, tỷ lệ thành công thấp, không có lợi cho đầu tư cổ phiếu. Bạn nên chờ đợi xu hướng tăng tiếp theo bắt đầu trước khi mua các vị thế mới.
- Bảo vệ lợi nhuận và cắt lỗ sớm.
-
-
-
-
- Xem xét bán các cổ phiếu yếu trong danh mục. Nếu sở hữu một cổ phiếu đang bị bán tháo và đang bị khoản lỗ nhỏ hoặc hòa vốn, nên thực hiện hành động phòng thủ và giảm tỷ trọng. Ít nhất, tuân thủ quy tắc bán và luôn bán ra nếu cổ phiếu giảm 7% – 8% so với giá mua (trong thị trường yếu, nên cắt lỗ sớm hơn nữa). Điều này sẽ giới hạn khoản lỗ bất kể thị trường giảm nghiêm trọng tới đâu.
- Theo dõi sát các cổ phiếu mạnh trong danh mục. Bạn không cần phải cắm đầu cắm cổ bán tất cả các cổ phiếu trong thị trường điều chỉnh. Nếu bạn có mức tăng kha khá trong một cổ phiếu đang khuynh đảo thị trường và nó thể hiện sức mạnh cũng như khả năng phục hồi bất chấp sự suy thoái chung, chắc chắn vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu này. Nhưng hãy sẵn sàng hành động phòng thủ nếu những dấu hiệu rắc rối bắt đầu xuất hiện. Bạn cũng có thể chọn giải pháp bán một phần vị thế. Bằng cách đó, bạn có thể sẽ bị giảm lợi nhuận nhưng vẫn duy trì vị thế trong cổ phiếu trong trường hợp nó tăng tiếp bất chấp thị trường.
- Thiết lập giá bán mục tiêu trên bất kỳ cổ phiếu nào bạn đang sở hữu. Một trong những nguyên lý quan trọng của đầu tư thành công là không bao giờ để khoản lợi nhuận tốt biến thành khoản thua lỗ. Vì vậy, nếu đang giữ cổ phiếu trong thị trường điều chỉnh, hãy thiết lập mức giá bán phòng vệ. Ví dụ: nếu bạn đang lãi 20% ở một vị thế cụ thể, có thể bạn vẫn thoải mái và sẵn sàng chấp nhận mức lãi đó giảm xuống còn 10%, nhưng chỉ đến mức này mà thôi. Nếu cổ phiếu giảm xuống thấp hơn giá mục tiêu đó thì bán nó đi. Đặt giá bán trước như vậy giúp giữ cảm xúc thoải mái và bảo vệ những khoản lợi nhuận mà nhọc nhằn mới kiếm được.
-
-
-
-
- Chuẩn bị kiếm tiền trong xu hướng tăng tiếp theo bằng cách xây dựng danh sách theo dõi.
-
-
-
-
- Trong thị trường điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư chán nản, rời bỏ thị trường. Đây là sai lầm lớn! Nhiều cổ phiếu dẫn đầu xây dựng nền giá trong xu hướng giảm của thị trường, sau đó phá vỡ nền giá và bắt đầu những tăng giá ngay khi xu hướng tăng mới bắt đầu. Vì vậy, nếu muốn tóm được những khoản lợi nhuận lớn đó, bạn cần phải chuẩn bị danh sách theo dõi trong khi thị trường vẫn đang giảm.
-
-