GIAO DỊCH THEO CÁC KHOẢNG TRỐNG GIÁ
Hướng dẫn giao dịch theo các khoảng trống giá ở đây được trích từ nội dung cuốn Sách Phân tích Mẫu hình biểu đồ – Bí quyết giao dịch của nhà giao dịch siêu hạng Dan Zanger.
Khoảng trống giá là các khu vực trong biểu đồ không có giao dịch nào được thực hiện. Khoảng trống giá về cơ bản là “lỗ hổng”, “khoảng trống giao dịch” hay một điểm không liên tục trên biểu đồ. Khoảng trống được hình thành bởi vì không có (1) lệnh mua (hoặc bán) tại thời điểm đó; hoặc (2) do một lượng quá lớn lệnh mua (hoặc bán) ở mức giá cao hơn nhiều hoặc thấp hơn nhiều.
Ví dụ: trong xu hướng tăng, giá mở cửa cao hơn giá cao nhất của ngày hôm trước, để lại một “khoảng trống” hoặc một lỗ hổng trên biểu đồ không được lấp đầy trong ngày. Trong xu hướng giảm, giá mở cửa dưới mức thấp của ngày hôm trước, để lại khoảng trống “giảm” không được lấp đầy trong ngày giảm. Khoảng trống tăng là dấu hiệu sức mạnh của thị trường trong khi khoảng trống giảm là dấu hiệu của thị trường suy yếu. Cả hai đều đại diện cho sức mạnh tiềm ẩn trong các biến động giá sau đó.
Khoảng trống giá là các mô hình lai tạp trong đó chúng có thể là các mô hình tiếp diễn như trường hợp Breakaway Gap (Khoảng trống phá vỡ) và Runaway Gap (Khoảng trống bỏ rơi) nhưng chúng cũng có thể xuất hiện dưới dạng các mô hình đảo chiều như ở Exhaustion Gaps (khoảng trống kiệt sức) liên quan đến đỉnh hoặc đáy hình chữ “V” (xem chương 7).
Có bốn loại khoảng trống, mỗi loại có các đặc điểm khác nhau:
1. The Breakaway Gap (Khoảng trống phá vỡ)
2. The Runaway (Measuring) Gap (Khoảng trống bỏ rơi hay khoảng trống đo lường)
3. The Exhaustion Gap (Khoảng trống kiệt sức)
4. The Common Gap (Khoảng trống thông thường)
KHOẢNG TRỐNG PHÁ VỠ – BREAKAWAY GAP
Khoảng trống phá vỡ được đặt tên như vậy vì nó tự tách ra khỏi mẫu hình nền giá trước đó. Nó có xu hướng phá vỡ kháng cự hoặc phá thủng hỗ trợ.
Khoảng trống phá vỡ thường xảy ra khi hoàn thành một mẫu hình biểu đồ quan trọng và thường báo hiệu sự bắt đầu của một động thái mạnh mẽ của thị trường. Do đó, khi hoàn thành một mẫu hình biểu đồ lớn (cốc tay cầm, hai đáy, nền phẳng…), giá phá vỡ đường xu hướng và di chuyển rất nhanh đến mức tạo thành Khoảng trống phá vỡ.
Điều ngược lại cũng đúng, sau khi một cổ phiếu hoặc thị trường đã hoàn thành một hình đỉnh đảo chiều chính như Hai đỉnh hoặc Đỉnh tròn, thì giá có thể giảm rất nhanh đến mức tạo thành Khoảng trống phá vỡ đâm thủng đường hỗ trợ của mẫu hình.
Khoảng trống này thường xảy ra với các sự kiện tin tức cơ bản tích cực mặc dù đây không phải là yêu cầu cần thiết. Do vị trí và thời điểm xảy ra, khoảng trống phá vỡ hầu như luôn xảy ra sau khi quá trình tích lũy (khoảng trống phá vỡ tăng) hoặc phân phối (khoảng trống phá vỡ giảm) đã diễn ra, do đó nó gợi ý một số phản ứng cấp bách (phải hành động nhanh chóng). Thị trường thường sẽ nhanh chóng bắt đầu xu hướng mới theo chiều hướng của khoảng trống.
Mẫu hình này được hình thành như thế nào?
Khoảng trống phá vỡ thường xảy ra với khối lượng lớn. Như một quy luật, khối lượng càng cao thì khả năng bị lấp khoảng trống càng ít. Tuy nhiên, nếu giá di chuyển trở lại trong vùng khoảng trống, thì khoảng trống phá vỡ có thể thực sự là một tín hiệu sai.
Cách giao dịch với khoảng trống phá vỡ
Một khi Khoảng trống phá vỡ được xác định, câu hỏi trước tiên là liệu khoảng trống này sau đó có bị lấp lại hay không – tức là đây là Khoảng trống phá vỡ thực sự (không bị lấp) hay chỉ là một tín hiệu thất bại (bị lấp). Thật không may, rất khó dự đoán điều này, và chúng ta có thể không bao giờ biết được cho đến khi thực tế diễn ra xong. Tuy nhiên, nếu khoảng trống phá vỡ đi kèm với khối lượng lớn sau khi hoàn thành một mẫu hình biểu đồ chủ chốt, thì khoảng trống đó có thể đủ tin cậy để đủ điều kiện là Khoảng trống phá vỡ.
Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị để thiết lập một vị thế mới theo hướng của khoảng trống khi nhìn thấy Khoảng trống phá vỡ – tức là mua cổ phiếu nếu đó là Khoảng trống phá vỡ tăng giá. Ngoài ra, lệnh cắt lỗ được đặt ngay bên dưới khoảng trống để thoát ra, vì khi bị lấp hết thì khoảng trống phá vỡ bị thất bại.
KHOẢNG TRỐNG BỎ RƠI HAY KHOẢNG TRỐNG ĐO LƯỜNG (RUNAWAY GAP/MEASURING GAP)
Trong một đợt tăng ở đó giá đã biến động mạnh trong một thời gian, ở đâu đó quanh khoảng giữa của đợt di chuyển, giá sẽ nhảy vọt về phía trước tạo thành một loại khoảng trống thứ hai (hoặc một loạt các khoảng trống) được gọi là Runaway Gap.
Loại khoảng trống này đôi khi còn được gọi là “Khoảng trống đo lường” vì nó thường xảy ra ở khoảng giữa của một xu hướng.
Loại khoảng trống này cho thấy tình huống ở đó giá thị trường di chuyển tăng hoặc giảm một cách dễ dàng với khối lượng vừa phải. Trong xu hướng tăng, đó là dấu hiệu sức mạnh của thị trường; trong xu hướng giảm, đó là dấu hiệu suy yếu của thị trường.
Giao dịch với khoảng trống bỏ rơi
Bằng cách đo khoảng cách mà xu hướng đã trải qua từ lần phá vỡ ban đầu, chúng ta có thể ước tính mức độ của lần di chuyển còn lại – bằng cách tăng gấp đôi số lãi đã đạt được.
Thiết lập một vị thế mới tại điểm này có mức độ rủi ro lớn hơn vì khoảng trống này phải được phân biệt với Khoảng trống kiệt sức (được thảo luận bên dưới), và do đó khoảng trống sau đó có thể bị lấp lại, trở thành khoảng trống kiệt sức. Nếu nhà giao dịch thực sự xác định thành công khoảng trống này là Khoảng trống bỏ rơi, thì anh ta nên bắt đầu một vị thế mua mới, theo định nghĩa, xu hướng còn một nửa chặng đường nữa để đi trước khi hoàn thành.
Vì yếu tố rủi ro trong tình huống này cao hơn so với Khoảng trống phá vỡ, nên lệnh cắt lỗ thường được đặt bên dưới khoảng trống (trong trường hợp khoảng trống này sau đó bị lấp lại). Ở TTCK VN, chu kỳ thanh toán là T3 nên không giao dịch theo cách này, mà chỉ là tín hiệu để quyết định nên giữ tiếp chờ nhân đôi số lãi hay nên bán chốt lãi khi khoảng trống bị lấp.
KHOẢNG TRỐNG KIỆT SỨC (EXHAUSTION GAP)
Gần hoặc tại nơi kết thúc của thị trường tăng nước rút, giá có thể lao về phía trước ở lần tăng cuối cùng và tạo khoảng trống tăng ở đó. Sau đó, giá gục ngã và rơi xuống bên dưới mức khoảng trống. Lực đẩy tăng cuối cùng này được gọi là Khoảng trống kiệt sức. Giá ban đầu có thể dao động bằng hoặc cao hơn một chút phía trên khoảng trống này, nhưng sau đó sẽ rơi xuống bên dưới mức khoảng trống. Theo đó, chúng ta không thể xác nhận trạng thái của Khoảng trống kiệt sức cho đến khi nó được xác nhận bởi sự rơi xuống của giá. Ngoài ra, giá vẫn có thể tiếp tục tăng, và khi đó đây sẽ là Khoảng trống bỏ rơi.
Trong một xu hướng tăng mạnh, có thể phát hiện nhiều Khoảng trống bỏ rơi. Ngay cả khi có hai khoảng trống bỏ rơi đã được phát hiện trước đó, không nhất thiết cho rằng khoảng trống thứ ba là Khoảng trống kiệt sức vì có những ví dụ biểu đồ cho thấy ngay cả trong trường hợp này, một Khoảng trống nghi là kiệt sức đã trở thành một Khoảng trống bỏ rơi khác.
Khi giá đóng cửa bên dưới khoảng trống này với khối lượng rất lớn, đó là một dấu hiệu chết chóc cho thấy Khoảng trống kiệt sức đã xuất hiện. Tại đây, kiến thức hoặc các mẫu hình như “Đảo chiều chủ chốt” (“Key Reversal”) và “Đảo chiều đảo hoang” (Island Reversal) sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.
Giao dịch với Khoảng trống kiệt sức
Khoảng trống kiệt sức đánh dấu sự kết thúc của xu hướng, đặc biệt nếu khoảng trống giá này bị phủ kín bởi Ngày Đảo chiều chủ chốt, là nơi giá rơi xuống đi vào vùng khoảng trống, hoặc ngay cả khi khoảng trống không bị phủ kín trong cú rớt giá mà tạo 1 khoảng trống giảm thẳng xuống phía dưới khoảng trống ban đầu – như trong trường hợp mẫu hình Đảo chiều hoang đảo.
Một dấu hiệu khác báo hiệu sự đảo chiều là quan sát mẫu hình khối lượng. Vào ngày đảo chiều chủ chốt, khối lượng đặc biệt lớn. Đó là thời điểm phải hành động ngay lập tức. Đóng tất cả các vị thế trước đó và đảo ngược vị thế thành vị thế đối lập mới (bán khống), đặt lệnh dừng lỗ bên trên mức cao nhất của ngày đảo chiều trong trường hợp thị trường tiếp tục xu hướng trước đó.
KHOẢNG TRỐNG THƯỜNG (COMMON GAP)
Khoảng trống thường là loại ít quan trọng nhất trong bốn loại khoảng trống, có rất ít hoặc không có giá trị dự báo. Nó thường xảy ra trong các cổ phiếu hoặc thị trường giao dịch với thanh khoản rất mỏng hoặc ở giữa các phạm vi giao dịch nằm ngang. Đó là triệu chứng của sự thiếu quan tâm thôi chứ không có gì đặc biệt, ở đó các lệnh giao dịch tương đối nhỏ có thể tạo ra những khoảng trống như vậy trên biểu đồ. Hầu hết các nhà giao dịch thường bỏ qua các Khoảng trống thường.
Xem thêm cách giao dịch theo các mẫu hình biểu đồ khác trong cuốn sách Phân tích Mẫu hình biểu đồ – Bí quyết giao dịch của nhà giao dịch siêu hạng Dan Zanger (link đặt mua bên dưới).