
Có cần phải đúng 100% để giành được hiệu suất đầu tư siêu hạng hay không?
Khi mới tham gia vào thị trường chứng khoán cho tới bây giờ, có những giai đoạn tôi chọn 10 cổ phiếu thì tới 9 cổ phiếu tăng giá mạnh, dĩ nhiên những giai đoạn hiếm khi xảy ra này chắc chắn sẽ mang lại cho tôi thành quả giao dịch rất tốt. Thắng tới 90% cơ mà!
Thế nhưng có những giai đoạn tôi chỉ chọn đúng 50% trong số đó, còn lại là những cổ phiếu không đi đến đâu, thậm chí lỗ, hoặc giả dụ là lỗ khá nặng nếu giữ tới khi nó tìm thấy đáy. Vậy thành tích giao dịch của tôi chỉ là hoà hoặc lãi một ít thôi đúng không?
Thực tế thì ngay cả khi chỉ đúng 50% số lần xuống tiền đầu tư thì vẫn có thể thắng lớn. Lý do là vì sao?
Đó chính là bí quyết quản lý vốn, một trong số ba trụ cột của chiến lược giao dịch. Hai trụ cột còn lại gồm phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật (cả thị trường và cổ phiếu).
Khó có thể nói hết tất cả các mặt về quản lý vốn trong một chủ đề. Nhưng ở đây, tôi muốn nói về quy tắc đặt cược để lợi thế nghiêng về phía chúng ta và lựa chọn mức thua lỗ phải chịu.
Giả sử tỷ lệ chọn đúng điểm mua trên cổ phiếu chiến thắng của tôi là 50/50. Tức cứ 8 cổ phiếu tôi chọn (dựa trên các tiêu chí cơ bản và kỹ thuật định trước) thì có 4 mã sinh lời tốt và 4 mã chẳng đi tới đâu, thậm chí gây thua lỗ. Thoạt nhìn thì tỷ lệ thắng 50/50 này chẳng khác gì trò đoán sấp hay ngửa, lẻ hay chẵn trong môn xóc đĩa. Nhưng cách xử lý các cổ phiếu và cơ cấu vốn sau khi mua lại chính là yếu tố mang lại sự khác biệt.
Ở đây, đối với 4 cổ phiếu tôi chọn đúng và sinh lời tốt, vận động có trật tự, mang lại thành tích tốt… tôi sẽ nắm giữ để chúng sinh lời theo các quy tắc giao dịch (quy tắc 7 tuần, quy tắc 8 tuần…) cho tới khi xu hướng kết thúc hoặc khi cổ phiếu vận động không còn như tôi mong đợi. Lợi nhuận thu được tuỳ theo giai đoạn thị trường, và các yếu tố khác về nội tại cổ phiếu, upsize còn lại, nhưng thường trong các xu hướng tăng thì phải trên 20% mới chốt lãi, những khoản lãi 30-70 % không phải là hiếm…. Để cho bài toán đơn giản, tôi tính cố định tất cả các mã đều được chốt ở mức 20% thôi.
Đối với các cổ phiếu thua lỗ, tôi giới hạn khoản lỗ ở -7%. Các cổ phiếu không lãi không lỗ tôi xử lý theo quy tắc dừng vị thế theo thời gian, từ 2-4 tuần tuỳ theo từng vị thế. Để bài toán đơn giản, tôi coi như tất cả 4 cổ phiếu không hiệu quả đều bị lỗ 7% thì dừng lỗ thoát vị thế. Như vậy tỷ lệ phần thưởng/ rủi ro là 20/7, tức gần 3 lần. Tính đến đây thôi chúng ta đã thấy rằng với tỷ lê thắng 50/50 chúng ta đã có lãi rồi, mức lãi là khá đáng kể. Nhưng bài toán chưa kết thúc…
Sau khi đã thoát khỏi 4 vị thế thua lỗ này (thường là không quá 2-4 tuần là bạn biết mình chọn đúng hay sai rồi, nên thoát hay không rồi), tôi tiếp tục cơ cấu sang 4 vị thế mới. Giả dụ lúc này tỷ lệ chọn của tôi vẫn rất tệ là 50/50, thì tôi có tiếp 2 cổ phiếu chiến thắng với mức lãi trên 20%, 2 cổ phiếu còn lại cứ cho là cắt lỗ 7%, như vậy tôi lại tiếp tục là kẻ chiến thắng.
Hai cổ phiếu phải cắt lỗ còn lại, tôi tiếp tục cơ cấu sang 2 mã mới. Câu chuyện tiếp tục với 1 thắng 1 thua, 1 thắng mang lại thành quả 20%, 1 thua bị mất 7% thì cắt lỗ.
Như vậy, thực tế là với tỷ lệ chiến thắng chỉ 50/50 và mức chốt lãi chỉ 20% nhưng tôi vẫn có được thắng lợi đều đặn trên thị trường với mức lợi nhuận ít nhất 15%, tôi chưa tính toán cụ thể, nhưng ước lượng tối thiểu phải được 15%, bởi những cổ phiếu bị lỗ không hẳn là các khoản lỗ, những lần cơ cấu danh mục sẽ biến các khoản lỗ trở thành lãi. Và nếu sử dụng cả đòn bẩy, mức lãi sẽ là 30%. Mỗi năm bình quân có 2 đợt sóng lớn để bạn có thể thuận lợi kiếm tiền như vậy, và với chiến lược đơn giản này bạn hoàn toàn có thể đạt lợi nhuận 60%/năm với đòn bẩy 1/1.
Dĩ nhiên, đối với 1 nhà đầu tư có kinh nghiệm thì tỷ lệ chọn thành công sẽ cao hơn 50/50 và mức lãi trung bình khi chốt sẽ cao hơn 20% khá nhiều, bên cạnh đó 50% bị thua lỗ sẽ có những món hoà hoặc lãi nhẹ chứ không phải tất cả đều lỗ 7% như cách tính đơn giản phía trên. Và như vậy, thành tích lợi nhuận ba con số 1 năm không phải là chuyện lạ trên thị trường chứng khoán! Bài toán này khá đơn giản, và tôi tin với những gì vừa nói, hầu như ai cũng có thể hiểu được.
Kết lại, chứng khoán là một môn khoa học (và nhà đầu tư chứng khoán là một nhà khoa học), chứ không phải là một môn cờ bạc. Khi tham gia thị trường, may mắn kiếm được một vài vụ lợi nhuận lớn chỉ là phong độ nhất thời. Nắm được các quy tắc đầu tư khoa học và vận dụng chúng để kiếm được lợi nhuận đều đặn và bền vững, tính chắc chắn được sau mỗinăm đầu tư chúng ta có thêm những gì, sau 2 – 3 – 4 – 5 năm sau chúng ta có những gì một cách chắc chắn… đó mới là một nhà đầu tư thực thụ. Nếu thấy 1 nhà đầu tư phím cho bạn 1 2 mã bị sai, đừng vội đánh giá họ là kẻ dở tệ, bởi lỗ 1 2 trận nhỏ đối với họ là chuyện quá bình thường. Bản thân tôi sau 8 năm chinh chiến không thể nhớ hết mình đã lỗ bao nhiêu lần.
Cuối cùng, hãy kết thúc câu chuyện bằng bài toán trong hình bên dưới. A hay B sẽ là người chiến thắng theo thời gian?
Tag:trading tips