
CON ĐƯỜNG NÀO DẪN TỚI THÀNH CÔNG: PHÂN TÍCH CƠ BẢN, PHÂN TÍCH KỸ THUẬT HAY PHÂN TÍCH TÂM LÝ?
THỜI KỲ SƠ KHAI: PHÂN TÍCH CƠ BẢN
Có ai còn nhớ từ khi nào phân tích cơ bản được xem là phương pháp duy nhất và đúng nhất để đưa ra quyết định giao dịch? Khi tôi bắt đầu giao dịch năm 1978, chỉ có một số rất ít nhà giao dịch sử dụng phân tích kỹ thuật, họ được coi là nhóm thiểu số của cộng đồng giao dịch, rất ít và rất kỳ lạ. Cũng thật khó tin, cách đây cũng không lâu lắm, khi đó Wall Street và hầu hết các tổ chức tài chính vẫn còn cho rằng phân tích kỹ thuật là hình thức rất thần bí, bị coi là trò lừa gạt.
Bây giờ tất nhiên là ngược lại, hầu như tất cả các nhà giao dịch đều có kinh nghiệm sử dụng một vài hình thức phân tích kỹ thuật giúp họ xây dựng chiến lược giao dịch. Ngoại trừ một số nhỏ cá biệt trong giới khoa học hàn lâm, còn các nhà phân tích cơ bản “thuần túy” thì hầu như ko còn nữa. Điều gì đã gây ra sự thay đổi đáng kể về quan điểm này? Tôi chắc chắn với bất kỳ ai, câu trả lời rất đơn giản đó là: TIỀN! Ra quyết định giao dịch theo quan điểm cơ bản để kiếm tiền đều đặn là rất khó.
Nếu bạn chưa quen với thuật ngữ phân tích cơ bản, hãy để tôi giải thích. Phân tích cơ bản là việc xem xét tất cả các biến có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng tương đối hoặc mất cân đối giữa nguồn cung và cầu đối với bất kỳ loại cổ phiếu, hàng hóa, hoặc các công cụ tài chính cụ thể nào đó. Phân tích cơ bản sử dụng chủ yếu mô hình toán học để đo lường một loạt các yếu tố (như lãi suất, bảng cân đối kế toán, thời tiết, và nhiều thứ khác) từ đó các nhà phân tích dự báo một mức giá nào đó tại một số thời điểm trong tương lai.
Các mô hình này thường không có vấn đề gì, nếu có, thì đó là các yếu tố của biến đổi bên trong của các nhà giao dịch. Con người, thường thể hiện niềm tin và kỳ vọng về tương lai, chính họ làm cho giá di chuyển-chứ không phải các mô hình cơ bản. Thực tế là một mô hình có tính hợp lý và logic khi dựa trên tất cả các biến, nó sẽ không có giá trị nếu tất cả các nhà giao dịch, những người chịu trách nhiệm cho hầu hết khối lượng giao dịch, không nhận thức được các mô hình hoặc không tin vào mô hình.
Có một thực tế là nhiều nhà giao dịch, đặc biệt là trên sàn giao dịch phái sinh có khả năng di chuyển giá rất mạnh theo hướng này hay hướng khác, nhưng họ không có ý tưởng gì về phân tích cơ bản. Hơn nữa, tại bất kỳ thời điểm nào, nhiều hành động giao dịch của họ được ra đưa ra bởi một tác động tới yếu tố cảm xúc, nó hoàn toàn nằm bên ngoài các thông số của mô hình phân tích cơ bản. Nói cách khác, những người giao dịch thường hành động một cách không hợp lý.
Cuối cùng, các nhà phân tích cơ bản có thể thấy rằng dự đoán giá tại một số điểm trong tương lai là đúng. Nhưng đồng thời, sự biến động giá ngắn hạn có thể rất lớn. Nên rất khó, nếu như không muốn nói là không thể, khi ở trong một giao dịch để cụ thể hóa mục tiêu.
CHUYỂN HƯỚNG SANG PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích kỹ thuật đã xuất hiện khá lâu từ khi thị trường mới hình thành dưới hình thức trao đổi. Nhưng cộng đồng giao dịch đã không chấp nhận phân tích kỹ thuật như một công cụ hữu hiệu để kiếm tiền cho đến cuối năm 1970 hoặc đầu năm 1980. Dưới đây là những bằng chứng cho thấy phân tích kỹ thuật đã chiếm ưu thế chủ đạo trong thế hệ hiện nay khi nắm bắt xu thế thị trường.
Một số lượng hữu hạn các nhà giao dịch tham gia các thị trường vào bất kỳ ngày, tuần, hoặc tháng cụ thể nào. Nhiều người trong số những nhà giao dịch này lặp đi lặp lại những việc giống nhau trong nỗ lực kiếm tiền của họ. Nói cách khác, các cá nhân phát triển các mẫu hành vi và một nhóm cá nhân, tương tác với nhau trên cơ sở nhất quán, hình thành các mẫu hành vi tập thể. Các mẫu hành vi này có thể quan sát và định lượng được, và chúng tự lặp lại với độ tin cậy thống kê. Phân tích kỹ thuật là một phương pháp sắp xếp hành vi tập thể này thành các mẫu hình có thể xác định được để có thể đưa ra dấu hiệu rõ ràng về thời điểm có khả năng xảy ra điều này cao hơn điều khác. Theo một nghĩa nào đó, phân tích kỹ thuật cho phép bạn đi sâu vào tâm trí thị trường để dự đoán những gì có thể xảy ra tiếp theo, dựa trên loại mô hình mà thị trường đã tạo ra tại một số thời điểm trước đó.
Là một phương pháp dự đoán chuyển động giá trong tương lai, phân tích kỹ thuật hóa ra lại vượt trội hơn nhiều so với cách tiếp cận cơ bản thuần túy. Nó giữ cho nhà giao dịch tập trung vào những gì thị trường đang làm hiện tại, liên quan đến những gì nó đã làm trong quá khứ, thay vì tập trung vào những gì thị trường nên làm chỉ dựa trên những gì hợp lý được xác định bởi một mô hình toán học. Mặt khác, phân tích cơ bản tạo ra cái mà tôi gọi là “khoảng cách thực tế” giữa lý thuyết và thực tiễn. Khoảng cách thực tế khiến cho việc đưa ra bất cứ nhận định gì trở nên vô cùng khó khăn, những dự đoán rất dài hạn có thể khó khai thác, ngay cả khi chúng đúng.
Ngược lại, phân tích kỹ thuật không chỉ thu hẹp khoảng cách thực tế này mà còn cung cấp cho nhà giao dịch một số lượng khả năng hầu như không giới hạn để tận dụng. Cách tiếp cận kỹ thuật mở ra nhiều khả năng hơn vì nó xác định cách các mẫu hành vi lặp lại giống nhau xảy ra trong mọi khung thời gian – khoảnh khắc, hàng ngày, hàng tuần, hàng năm và mọi khoảng thời gian giữa những khung thời gian này. Nói cách khác, phân tích kỹ thuật biến thị trường thành một dòng cơ hội vô tận để làm giàu cho bản thân.
CHUYỂN HƯỚNG SANG PHÂN TÍCH TÂM LÝ
Nếu phân tích kỹ thuật rất tốt, vậy tại sao ngày càng có nhiều nhà giao dịch chuyển sự tập trung của họ từ phân tích kỹ thuật sang phân tích tâm lý, tức là phân tích tâm lý giao dịch cá nhân của chính các nhà giao dịch? Để trả lời câu hỏi này, bạn không cần làm bất cứ điều gì, chỉ cần tự hỏi tại sao bạn mua cuốn sách này. Lý do rất có thể là bạn đang không hài lòng với kết quả giao dịch của bản thân vì dù bạn đã nhận thức được cách kiếm tiền không giới hạn, nhưng bạn lại không thể hành động được theo phương pháp đó. Đây chính là vấn đề của phân tích kỹ thuật. Một khi bạn tìm hiểu được cách xác định mô hình và đọc được thị trường, bạn thấy có vô số cơ hội để kiếm tiền. Nhưng tôi chắc chắn bạn cũng đã đã biết rằng có một khoảng cách rất lớn giữa những gì bạn hiểu về thị trường, và khả năng biến kiến thức đó thành lợi nhuận đều đặn một cách chắc chắn.
Hãy nghĩ xem đã bao nhiêu lần bạn nhìn vào một biểu đồ giá và nói với chính mình, “Có vẻ như thị trường đang đi lên (hoặc xuống, và các khả năng có thể xảy ra)”, và những gì bạn nghĩ sẽ xảy ra đã thực sự xảy ra. Nhưng bạn đã không làm được gì ngoài việc chỉ ngồi nhìn các chuyển động của thị trường, và rồi bạn đau khổ tiếc nuối vì đã để vuột mất số tiền đáng lẽ bạn có thể kiếm được.
Có một sự khác biệt lớn giữa việc dự báo cái gì đó sẽ xảy ra trên thị trường, và suy nghĩ về tất cả số tiền bạn có thể đã kiếm được, với thực tế của việc vào lệnh và thoát lệnh giao dịch. Tôi gọi sự khác biệt này và những điều tương tự là “khoảng cách tâm lý”. Đây có thể là vấn đề làm cho giao dịch trở thành một trong những nghề khó khăn nhất mà bạn đã chọn và chắc chắn “ khoảng cách tâm lý” này còn là một trong những bí ẩn lớn nhất khiến bạn chưa trở thành chuyên gia. Vậy câu hỏi lớn được đặt ra là: Có thể làm chủ các giao dịch được hay không? Có thể trải nghiệm các giao dịch một cách đơn giản và dễ dàng không? Khi mà bạn chỉ nhìn, quan sát thị trường và nghĩ về thành công, nó hoàn toàn trái ngược với thực tế khi bạn vào lệnh và chiến thắng. Câu trả lời rất rõ ràng: “bạn có thể làm chủ được giao dịch”, hơn thế nữa cuốn sách này ra đời để cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc và sự hiểu biết cần thiết về chính con người bạn và về bản chất của giao dịch. Vì vậy, kết quả thực sự trở nên dễ dàng, đơn giản, và không có gì căng thẳng, bạn chỉ cần quan sát thị trường và suy nghĩ rồi hành động.
Điều này có vẻ cao siêu, thậm chí một số người còn cho là gần như không thể. Nhưng không khó vậy đâu. Đã có những người làm chủ được nghệ thuật giao dịch, và có những người đã thu hẹp được khoảng cách giữa khả năng sẵn có và hiện thực hoá kết quả. Tuy nhiên, đúng như bạn nghĩ đấy, số người thắng cuộc là tương đối ít so với số lượng nhà giao dịch có kết quả đáng thất vọng, tất cả đều thể hiện sự khắc nghiệt, tức giận, và tự hỏi tại sao họ không thể tạo ra những thành công đều đặn mà họ khao khát.
Trong thực tế, sự khác biệt giữa hai nhóm nhà giao dịch này (nhóm chiến thắng đều đặn và nhóm còn lại) cũng giống như sự khác biệt giữa trái đất và mặt trăng. Trái đất và mặt trăng đều là các thiên thể tồn tại trong cùng hệ mặt trời, do đó, chúng có một điểm chung. Nhưng khác nhau về bản chất và đặc điểm, khác biệt như ngày và đêm. Tương tự, bất cứ ai khi đặt một lệnh giao dịch có thể tuyên bố mình là một nhà giao dịch, nhưng khi bạn so sánh các đặc điểm của số ít những nhà giao dịch chiến thắng đều đặn so với đặc điểm của hầu hết các nhà giao dịch khác, thì bạn cũng sẽ tìm thấy điểm khác biệt như màn đêm với ban ngày.
Nếu coi việc đi lên tới mặt trăng đại diện cho sự thành công đều đặn của một nhà giao dịch, thì có thể nói rằng đi đến mặt trăng là hoàn toàn có thể. Nhưng cuộc hành trình sẽ có vô vàn khó khăn và chỉ có một số ít người làm được. Từ quan điểm của chúng ta khi đứng trên trái đất, mặt trăng có thể nhìn thấy được mỗi tối, và có vẻ như rất gần, tới nỗi tưởng như có thể chỉ với tay ra là chạm được vào.
Giao dịch thành công cũng được cảm nhận cảm theo cách tương tự. Ở bất kỳ ngày, tuần, hoặc tháng nào, các thị trường luôn luôn bày sẵn số lượng tiền rất lớn cho bất cứ ai có khả năng đặt lệnh giao dịch. Khi thị trường đang chuyển động liên tục, số tiền này không những không ngừng chảy, mà còn làm cho khả năng thành công phóng đại rất nhiều, và dường như nó nằm trong tầm tay của bạn. Tôi dùng từ “dường như” để làm nổi bật sự khác biệt quan trọng giữa hai nhóm người giao dịch. Đối với những người đã học được cách chiến thắng đều đặn, hoặc đã thấu hiểu những gì tôi gọi là “ngưỡng cửa nhất quán”, tiền không chỉ nằm trong tầm tay của họ; mà hầu như họ có thể lấy tiền mang đi bao nhiêu tuỳ thích. Tôi chắc chắn một số người sẽ thấy tuyên bố này gây sốc hoặc khó tin, nhưng đó là sự thật. Đối với hầu hết các nhà giao dịch thành công, dòng tiền chảy vào tài khoản của họ một cách dễ dàng và không hề vất vả, đến mức những khoản tiền lời lớn chỉ lởn vởn trong tâm trí họ theo đúng nghĩa đen.
Tuy nhiên, đối với các nhà giao dịch không thuộc trong nhóm này, từ “dường như” có nghĩa chính xác như ngụ ý của nó. Có vẻ như chiến thắng đều đặn hay thành công cuối cùng mà họ mong muốn là “ngay trong tầm tay”, hoặc “đã nằm trong tầm tay của họ”, trước khi nó bốc hơi ngay trước mắt, hết lần này đến lần khác. Điều duy nhất đều đặn trong giao dịch đối với nhóm người này là nỗi đau tinh thần. Vâng, họ chắc chắn có những giây phút hứng khởi, nhưng không quá cường điệu khi nói rằng hầu hết thời gian họ sống trong trạng thái sợ hãi, giận dữ, thất bại, lo lắng, thất vọng, phản bội, và tiếc nuối. Vì vậy, điều gì đã ngăn cách phân biệt hai nhóm nhà giao dịch này? Đó là thông minh chăng? Những người thắng cuộc đều đặn chỉ đơn giản thông minh hơn những người khác hay sao? Họ làm việc chăm chỉ hơn ư? Họ phân tích tốt hơn, hay họ có quyền truy cập vào hệ thống giao dịch tốt hơn? Họ có đặc điểm tính cách bẩm sinh giúp họ dễ dàng đối phó với những áp lực căng thẳng của giao dịch hơn người khác?
Tất cả những khả năng này nghe đều có vẻ khá hợp lý, nhưng bạn cần biết một điều: hầu hết những người thất bại trong ngành công nghiệp giao dịch cũng chính là những người sáng giá nhất và thành công nhất của xã hội này. Nhóm người thua lỗ nhiều nhất gồm chủ yếu là bác sĩ, luật sư, kỹ sư, nhà khoa học, các CEO, người về hưu giàu có, và các doanh nhân .
Hơn thế nữa, hầu hết các nhà phân tích thị trường tốt nhất của ngành công nghiệp giao dịch lại là những nhà giao dịch tệ nhất, thật không thể tưởng tượng được. Thông minh và phân tích thị trường tốt chắc chắn là những yếu tố đóng góp cho sự thành công, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định tạo nên sự khác biệt giữa những người chiến thắng đều đặn với những người khác. Vâng, vậy nếu không phải là thông minh hơn hay phân tích tốt hơn, thì là cái gì?
Tôi đã từng làm việc với một số nhà giao dịch tốt nhất và một số nhà giao dịch tồi nhất trong ngành công nghiệp giao dịch, tôi đã giúp một số nhà giao dịch tồi nhất trở thành một trong những nhà giao dịch tốt nhất, tôi có thể chỉ thẳng ra mà không có nghi ngờ gì, đó là có những lý do rất cụ thể giải thích tại sao các nhà giao dịch tốt nhất luôn thực hiện giao dịch thành công đều đặn hơn so với tất cả những người khác.
Nếu phải chắt lọc tất cả những lý do thành một câu, thì đơn giản tôi chỉ muốn nói rằng các nhà giao dịch tốt nhất suy nghĩ khác biệt so với những người còn lại. Tôi biết rằng câu này nghe có vẻ không sâu sắc lắm, nhưng nó thực sự có ý nghĩa sâu sắc nếu bạn suy xét ý nghĩa của cụm từ “suy nghĩ khác biệt”.
Ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều suy nghĩ khác với mọi người. Chúng ta có thể không phải lúc nào cũng lưu tâm đến thực tế này; Có vẻ tự nhiên khi cho rằng những người khác đồng tình với các nhận thức và cách giải thích của chúng ta về các sự kiện. Trên thực tế, sự lầm tưởng này vẫn tiếp tục có giá trị cho đến khi chúng ta thấy mình có sự bất đồng cơ bản với ai đó về điều gì đó mà cả hai đều đã trải qua. Ngoài những đặc điểm ngoại hình, cách chúng ta nghĩ là điều khiến chúng ta trở nên độc đáo, thậm chí có thể độc đáo hơn những đặc điểm ngoại hình của chúng ta.
Hãy quay lại với các nhà giao dịch. Có những khác biệt tinh tế nào giữa tư duy của các nhà giao dịch giỏi nhất so với cách nghĩ của những người vẫn đang gặp khó khăn? Mặc dù thị trường có thể được mô tả như một đấu trường với vô số cơ hội, nhưng thị trường đồng thời đối đầu chống lại với các cá nhân tham gia bằng một số điều kiện tâm lý bất lợi mang tính bền vững nhất mà bạn từng gặp. Tại một số thời điểm trong quá trình phát triển, tất cả những nhà giao dịch đều học được điều gì đó về thị trường, giúp họ nhận biết khi nào cơ hội tồn tại. Nhưng học cách xác định cơ hội mua hoặc bán không có nghĩa là bạn đã học được cách suy nghĩ như một nhà giao dịch.
Đặc điểm định trước phân biệt những người chiến thắng đều đặn với những người khác là: Những người chiến thắng đã đạt được tư duy và tập hợp được những thái độ tốt, cho phép họ duy trì kỷ luật, duy trì sự tập trung và trên hết, họ tự tin bất chấp những điều kiện bất lợi. Do đó, họ không còn dễ mắc phải những nỗi sợ hãi và lỗi giao dịch phổ biến mà những người khác thường mắc phải. Tất cả những người tham gia giao dịch đều học được điều gì đó về thị trường; nhưng rất ít người học được những thái độ cực kỳ cần thiết để trở thành người chiến thắng đều đặn. Giống như việc mọi người đều có thể học cách hoàn thiện kỹ thuật vung gậy đánh gôn hay vung vợt tennis, chắc chắn họ có sự đều đặn hay không là do thái độ của họ mà thôi. Những nhà giao dịch đã vượt qua được “Ngưỡng chiến thắng đều đặn” thường đã phải trải qua nỗi đau rất lớn (cả tinh thần lẫn tài chính) trước khi họ có được thái độ đúng đắn cho phép họ hành động hiệu quả trong thị trường giao dịch. Các trường hợp ngoại lệ khá hiếm, họ là những người đã được sinh ra trong những gia đình giao dịch thành công hoặc những người bắt đầu sự nghiệp giao dịch theo sự hướng dẫn của người thầy hiểu rất rõ bản chất thực sự của giao dịch, và quan trọng hơn, người thầy đó phải biết cách đào tạo.
Tại sao nỗi đau tinh thần và thảm họa tài chính lại xảy ra phổ biến đối với các nhà giao dịch? Câu trả lời đơn giản là hầu hết chúng ta đều không đủ may mắn để bắt đầu sự nghiệp giao dịch của mình dưới sự chỉ dẫn đúng đắn.
Tuy nhiên, lý do thực sự còn sâu xa hơn nhiều. Tôi đã làm việc suốt mười bảy năm qua để mổ xẻ các động lực tâm lý đằng sau giao dịch, vì vậy tôi có thể phát triển các phương pháp hiệu quả cho việc giảng dạy các nguyên tắc của sự thành công. Điều tôi đã khám phá ra là giao dịch chứa đầy rẫy những nghịch lý và mâu thuẫn trong suy nghĩ, khiến cho việc tìm ra cách giao dịch thành công cực kỳ khó khăn. Trong thực tế, nếu phải chọn một từ để gói gọn bản chất của giao dịch, tôi sẽ chọn từ “nghịch lý”.
(Theo từ điển,nghịch lý là cái gì đó dường như có bản chất mâu thuẫn hoặc trái với niềm tin thông thường hoặc trái với những gì con người cho là có lý.)
Thảm họa về tài chính và tinh thần rất thường gặp ở các nhà giao dịch vì có rất nhiều các quan điểm, thái độ và nguyên tắc có thể có rất có ý nghĩa đến mức hoàn hảo và chúng hoạt động khá tốt trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại thành những thứ gây phản tác dụng trong môi trường giao dịch. Do không biết điều này, hầu hết các nhà giao dịch bắt đầu sự nghiệp với sự thiếu hiểu biết cơ bản về ý nghĩa của việc trở thành một nhà giao dịch, các kỹ năng liên quan, và mức độ chuyên sâu mà những kỹ năng đó cần được phát triển.
Sau đây là một ví dụ điển hình về những gì tôi đang nói: giao dịch vốn dĩ có rủi ro. Theo hiểu biết của tôi, không có giao dịch nào đảm bảo cho bạn chắc thắng; Do đó, khả năng bị sai và mất tiền luôn luôn hiện diện. Cho nên, khi đặt một lệnh giao dịch, bạn có xem mình như một người dám chấp nhận rủi ro hay không? Mặc dù nghe có vẻ là câu đố mẹo, nhưng không phải vậy đâu.
Dĩ nhiên là có câu trả lời hợp lý cho câu hỏi này. Nếu tôi tham gia vào một hoạt động mang tính rủi ro, đương nhiên tôi phải là một người chấp nhận rủi ro. Đây là một giả định hoàn toàn hợp lý đối với bất kỳ giao dịch nào. Trên thực tế, hầu như không chỉ tất cả các nhà giao dịch đều đưa ra giả định này mà hầu hết các nhà giao dịch đều tự hào khi nghĩ mình là người chấp nhận rủi ro. Vấn đề là giả định này hoàn toàn xa rời sự thật. Tất nhiên, bất kỳ nhà giao dịch nào cũng chấp nhận rủi ro khi giao dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đang chấp nhận rủi ro đó một cách tương ứng. Nói cách khác, tất cả các giao dịch đều có rủi ro vì mọi khả năng đều có thể xảy ra, và không có gì bảo đảm cho kết quả thắng lợi. Nhưng hầu hết các nhà giao dịch có thực sự tin rằng họ chịu rủi ro khi giao dịch không? Họ đã thực sự chấp nhận rằng giao dịch có kết quả không được đảm bảo có thể xảy ra hay chưa? Hơn nữa, họ đã hoàn toàn chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra hay chưa?
Câu trả lời rõ ràng là không! Hầu hết các nhà giao dịch hoàn toàn không có khái niệm gì về việc trở thành người chấp nhận rủi ro theo cách một nhà giao dịch thành công nghĩ về rủi ro. Các nhà giao dịch giỏi nhất không chỉ chấp nhận rủi ro, họ còn học cách chấp nhận và đón nhận rủi ro đó. Có một khoảng cách tâm lý rất lớn giữa việc bạn là một người chấp nhận rủi ro vì bạn đặt lệnh vào các giao dịch so với việc bạn chấp nhận hoàn toàn những rủi ro vốn có trong mỗi giao dịch.
Chấp nhận hoàn toàn rủi ro có tác động sâu sắc đến hiệu quả hoạt động giao dịch của bạn. Các nhà giao dịch giỏi nhất có thể thực hiện giao dịch mà không có chút do dự hay xung đột nào, họ giao dịch một cách tự do thoải mái, họ thừa nhận rằng giao dịch có khả năng không thành công. Họ có thể thoát khỏi giao dịch – ngay cả khi thua lỗ – và họ thoát ra mà không có chút khó chịu nào về mặt cảm xúc. Nói cách khác, những rủi ro vốn có trong giao dịch không làm cho những nhà giao dịch giỏi nhất đánh mất kỷ luật, sự tập trung hay cảm giác tự tin.
Nếu bạn không thể giao dịch mà không có một chút cảm xúc khó chịu (cụ thể là sợ hãi), thì bạn đã không học được cách chấp nhận rủi ro vốn có trong giao dịch. Đây là một vấn đề lớn, bởi vì dù cho bạn không chấp nhận rủi ro ở mức độ nào đó thì bạn cũng không tránh được rủi ro ở mức độ tương ứng. Cố gắng tránh một điều vốn dĩ không thể tránh khỏi sẽ dẫn đến những tác động tai hại đối với khả năng giao dịch thành công của bạn.
Học cách thực sự chấp nhận rủi ro trong bất kỳ việc gì đều khó, nhưng đối với các nhà giao dịch thì cực kỳ khó, đặc biệt là khi xem xét những vị thế đang bị đe dọa. Chúng ta thường sợ điều gì nhất (ngoài cái chết và việc phải đứng ra thuyết trình trước công chúng)? Chắc chắn sợ mất tiền và sợ phạm sai lầm là hai nỗi sợ hàng đầu trong danh sách. Thừa nhận rằng chúng ta đã phạm sai lầm và chịu mất tiền có thể là điều vô cùng đau đớn, và chắc chắn là điều cần tránh. Tuy nhiên, là nhà giao dịch, chúng ta phải đối mặt với hai khả năng này hầu như bất cứ lúc nào chúng ta tham gia giao dịch. Bạn có thể tự nói với chính mình: “Ngoài thực tế mất tiền và phạm sai lầm là rất đau đớn, thì không muốn sai lầm và không muốn mất mát là những cảm giác tự nhiên; do đó, tôi muốn làm mọi cách có thể để tránh sai lầm và tránh bị mất tiền”. Tôi đồng ý với bạn. Nhưng cũng chính xu hướng tự nhiên này khiến việc giao dịch (tưởng chừng như dễ dàng) trở nên vô cùng khó khăn.
Giao dịch đã chỉ cho chúng ta thấy một nghịch lý cơ bản: Làm thế nào chúng ta vẫn giữ được tính kỷ luật, sự tập trung và tự tin khi đối mặt với những việc không chắc chắn liên tục? Khi bạn đã học được cách để “suy nghĩ” như một nhà giao dịch, thì khi đó bạn sẽ có thể giao dịch một cách chính xác. Học các định hình lại các hoạt động giao dịch của bạn theo cách cho phép bạn hoàn toàn chấp nhận rủi ro, đó chính là chìa khóa để tư duy như một nhà giao dịch thành công. Học cách chấp nhận rủi ro là một kỹ năng giao dịch quan trọng nhất mà bạn có thể học hỏi. Tuy nhiên, rất hiếm các nhà giao dịch đang học nghệ tập trung chú ý hay dành ra nỗ lực để tìm hiểu học hỏi.
Khi bạn học được các kỹ năng giao dịch chấp nhận rủi ro, thị trường sẽ không thể sinh ra các thông tin khiến bạn phiền muộn. Nếu các thông tin thị trường tạo ra không có khả năng gây ra cho bạn cảm giác phiền muộn, thì không có gì phải tránh né. Nó chỉ là thông tin, nó nói cho bạn các khả năng đang có. Đây được gọi là quan điểm khách quan, là quan điểm không bị lệch lạc hoặc bị bóp méo bởi những điều bạn sợ sẽ xảy ra hoặc sợ sẽ không xảy ra.
Tôi chắc rằng có không dưới một nhà giao dịch đọc cuốn sách này đã vào lệnh quá sớm trước khi thị trường thực sự tạo ra tín hiệu giao dịch, hoặc vào lệnh quá muộn sau khi thị trường đã tạo ra tín hiệu. Lỗi kế tiếp là nhà giao dịch không chấp nhận thua lỗ, và hậu quả tất yếu là khoản lỗ nhỏ ban đầu đã biến thành khoản lỗ lớn hơn; hoặc nhà giao dịch thoát khỏi giao dịch chiến thắng quá sớm; hoặc bản thân đã giữ được các giao dịch chiến thắng nhưng cuối cùng lại không thu được bất kỳ khoản lợi nhuận nào, sau đó để cho các giao dịch chiến thắng biến thành giao dịch thua lỗ; hoặc nhà giao dịch đã di chuyển các điểm dừng lỗ đến gần điểm vào lệnh của bản thân hơn, để rồi bị đá văng khỏi giao dịch và sau đó thị trường quay đầu tiếp tục di chuyển theo chiều hướng anh ta xác định ban đầu? Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều lỗi mà các nhà giao dịch thường mắc phải hết lần này đến lần khác. Đây không phải là lỗi do thị trường tạo ra. Có nghĩa là, những lỗi này không đến từ thị trường. Thị trường trung lập, nghĩa là thị trường tạo ra các thông tin về chính bản thân khi nó vận động. Vận động và thông tin đó cung cấp cho mỗi chúng ta cơ hội để làm điều gì đó, nhưng chỉ có vậy! Thị trường không có bất kỳ quyền lực nào đối với cách thức duy nhất mà mỗi người trong chúng ta nhận thức và diễn giải thông tin, thị trường cũng không kiểm soát các quyết định và hành động mà chúng ta thực hiện. Những lỗi mà tôi đã đề cập và nhiều lỗi khác chính là kết quả của cái mà tôi gọi là “quan điểm và thái độ giao dịch sai lầm”. Những thái độ sai lầm nuôi dưỡng nỗi sợ hãi thay vì sự tin tưởng và tự tin vào bản thân.
Điều khác biệt nhất giữa người chiến thắng đều đặn so với những người khác: Các nhà giao dịch giỏi nhất là những người không biết sợ. Họ không sợ hãi bởi họ đã phát triển được những thái độ giúp họ có mức độ linh hoạt về tinh thần lớn nhất, nhờ đó họ vào và thoát khỏi giao dịch dựa trên những điều thị trường đang nói với họ về các khả năng dựa trên quan điểm của chính thị trường. Đồng thời, những nhà giao dịch giỏi nhất đã phát triển được thái độ ngăn họ trở nên liều lĩnh. Mọi nhà giao dịch khác, những người chưa đạt tới đẳng cấp chiến thắng đều đặn, đều có sự sợ hãi, ở một mức độ nào đó, theo cách này hay cách khác. Khi họ không sợ hãi mà đang hưng phấn và tự tin với những giao dịch chiến thắng liên tiếp, họ sẽ nảy sinh xu hướng trở nên liều lĩnh và sớm hay muộn sẽ tự tạo ra cho bản thân loại trải nghiệm khiến họ kể từ đó trở nên sợ hãi.
95% các lỗi giao dịch bạn có khả năng mắc phải, đó là do bạn nhìn thấy tiền bốc hơi trước mắt mình, các lỗi giao dịch xuất phát từ thái độ của bạn về việc sợ bị sai, sợ mất tiền, sợ bỏ lỡ mất cơ hội, và sợ nhìn những khoản lãi đã xuất hiện trên tài khoản rồi lại đội nón ra đi. Tôi gọi đó là 4 nỗi sợ hãi chính trong giao dịch.
Đọc tới đây, bạn có thể đang nói với chính mình rằng: “Tôi không biết điều này: Tôi luôn nghĩ các nhà giao dịch nên có một nỗi sợ hãi lành mạnh về thị trường.” Một lần nữa, đây là một giả định hoàn toàn hợp tình hợp lý. Nhưng khi nói đến giao dịch, nỗi sợ hãi sẽ hành động chống lại bạn theo cách bạn sẽ khiến điều bạn sợ thực sự xảy ra. Nếu bạn sợ sai, nỗi sợ sẽ tác động lên nhận thức của bạn về thông tin thị trường theo cách khiến bạn làm điều gì sai lầm. Khi bạn sợ hãi, không có khả năng nào khác tồn tại. Bạn không thể nhận thức được những khả năng khác hoặc không thể hành động đúng đắn ngay cả khi bạn đã cố gắng nhận ra chúng, bởi vì nỗi sợ hãi đang làm bạn bị cóng. Về mặt vật lý, nó khiến chúng ta bị đóng băng hoặc bỏ chạy. Về mặt tinh thần, nó khiến chúng ta thu hẹp sự tập trung vào đối tượng gây ra sự sợ hãi, có nghĩa là những suy nghĩ về các khả năng khác, cũng như các thông tin có sẵn khác từ thị trường, sẽ bị chặn lại. Bạn sẽ không còn suy nghĩ về tất cả những điều hợp lý mà bạn đã học được về thị trường cho đến khi bạn không còn sợ hãi và sự kiện đã kết thúc. Sau đó, bạn sẽ tự nghĩ, “Tôi biết điều đó. Tại sao tôi không nghĩ về nó?” hoặc, “Tại sao tôi không thể hành động sau đó?”
Rất khó để nhận ra rằng nguồn gốc của những vấn đề này là do thái độ không phù hợp của chính chúng ta. Đó là điều khiến nỗi sợ hãi trở nên âm ỉ. Nhiều kiểu suy nghĩ ảnh hưởng xấu đến giao dịch của chúng ta là chức năng tự nhiên mà chúng ta được nuôi dạy để suy nghĩ và nhìn nhận thế giới. Những kiểu suy nghĩ này đã ăn sâu đến mức khiến chúng ta không thể nhận ra rằng nguồn gốc của những khó khăn trong giao dịch của chúng ta là nội tại, xuất phát từ trạng thái tâm trí của chúng ta. Thật vậy, có vẻ tự nhiên hơn nhiều nếu xem nguồn gốc của vấn đề là ở bên ngoài, ở thị trường, bởi vì có cảm giác như thị trường đang gây ra nỗi đau, gây nên sự thất vọng và sự không hài lòng của chúng ta.
Rõ ràng đây là những khái niệm trừu tượng và chắc chắn không phải là điều hầu hết các nhà giao dịch sẽ quan tâm. Tuy nhiên, hiểu được mối quan hệ giữa niềm tin, thái độ và nhận thức là điều cơ bản để giao dịch, giống như học cách giao bóng để chơi tesnnis, hay học cách vung gậy để chơi gôn. Nói cách khác, việc hiểu và kiểm soát nhận thức về thông tin thị trường chỉ quan trọng nếu như bạn muốn đạt được kết quả chiến thắng đều đặn.
Tôi nói điều này bởi vì có điều gì đó khác về giao dịch đúng như tuyên bố mà tôi vừa đưa ra: Bạn không cần phải biết bất cứ điều gì về bản thân hoặc thị trường để thực hiện một giao dịch thắng lợi, cũng như bạn không cần phải biết cách vung vợt tennis hoặc cách vung gậy đánh gôn thích hợp để thỉnh thoảng đánh được một cú đánh tốt. Lần đầu tiên chơi gôn, tôi đã đánh nhiều cú tốt trong suốt trận đấu mặc dù tôi chưa học bất kỳ kỹ thuật cụ thể nào; nhưng điểm của tôi vẫn hơn 120 cho 18 lỗ. Rõ ràng, để cải thiện điểm tổng thể, tôi cần phải học kỹ thuật. Tất nhiên, điều này cũng đúng với giao dịch. Chúng ta cần kỹ thuật để đạt được thắng lợi đều đặn. Nhưng kỹ thuật gì? Đây thực sự là một trong những khía cạnh khó hiểu nhất của việc học cách giao dịch hiệu quả. Nếu chúng ta không nhận thức được hoặc không hiểu niềm tin và thái độ của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức của chúng ta về thông tin thị trường, thì có vẻ như chính hành vi của thị trường đang gây ra sự thiếu đều đặn. Do đó, có thể lý giải rằng cách tốt nhất để tránh thua lỗ và trở nên thành công đều đặn là tìm hiểu thêm về thị trường.
Chút tư duy logic này là một cái bẫy mà hầu như tất cả các nhà giao dịch đều rơi vào ở một thời điểm nào đó, và tư duy kiểu đó dường như hoàn toàn hợp lý. Nhưng cách làm này không hiệu quả. Đơn giản là thị trường cung cấp quá nhiều biến số, các biến số thường mâu thuẫn, cần xem xét. Hơn nữa, không có giới hạn nào với hành vi của thị trường. Thị trường có thể làm bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào. Trên thực tế, bởi vì mỗi người tham gia giao dịch là một biến số của thị trường, có thể nói bất kỳ nhà giao dịch đơn lẻ nào cũng có thể gây ra hầu như bất cứ điều gì. Điều này có nghĩa là cho dù bạn có tìm hiểu về hành vi của thị trường đến đâu, cho dù bạn có trở thành một nhà phân tích xuất sắc đến đâu, bạn cũng sẽ không bao giờ học đủ để lường trước mọi cách có thể xảy ra trên thị trường, khiến bạn có thể sai hoặc khiến bạn mất tiền. Vì vậy, nếu bạn sợ sai hoặc mất tiền, điều đó có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ học đủ để bù đắp cho những tác động tiêu cực mà những nỗi sợ này sẽ ảnh hưởng đến khả năng khách quan và khả năng hành động không do dự của bạn. Nói cách khác, bạn sẽ không tự tin khi đối mặt với những bất ổn thường xuyên. Thực tế khó khăn và lạnh lùng của giao dịch là mọi giao dịch đều có một kết quả không chắc chắn. Trừ khi bạn học cách hoàn toàn chấp nhận khả năng xảy ra một kết quả không chắc chắn, bạn sẽ cố gắng có ý thức hoặc vô thức để tránh bất kỳ khả năng nào mà bạn cho là đau đớn. Trong quá trình này, bạn sẽ phải đối mặt với bất kỳ lỗi lầm và tổn thất nào tự tạo ra.
Ý của tôi ở đây không phải là chúng ta không cần một số hình thức phân tích thị trường hay phương pháp luận để xác định cơ hội và cho phép chúng ta nhận ra chúng; chúng ta chắc chắn phải có phương pháp phân tích. Tuy nhiên, phân tích thị trường không phải là con đường dẫn đến kết quả chiến thắng đều đặn. Nó sẽ không giải quyết được các vấn đề trong giao dịch do thiếu tự tin, thiếu kỷ luật hoặc tập trung không đúng cách. Khi bạn cho rằng phân tích nhiều hơn hoặc tốt hơn sẽ tạo ra chiến thắng đều đặn, bạn sẽ bị thúc đẩy theo hướng cố gắng thu thập càng nhiều biến số thị trường càng tốt vào kho công cụ giao dịch của mình. Nhưng điều gì xảy ra sau đó? Bạn vẫn thất vọng và vẫn bị thị trường phản bội hết lần này đến lần khác, vì điều gì đó mà bạn không nhìn thấy hoặc không cân nhắc đủ. Bạn sẽ cảm thấy như không thể tin tưởng vào thị trường; nhưng thực tế là bạn không thể tin tưởng vào chính mình.
Tự tin và sợ hãi là những trạng thái tâm trí trái ngược nhau xuất phát từ niềm tin và thái độ của chúng ta. Để tự tin hoạt động trong một môi trường mà bạn có thể dễ dàng mất nhiều hơn những gì bạn định mạo hiểm, đòi hỏi bạn phải tin tưởng tuyệt đối vào bản thân. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể đạt được sự tin tưởng đó cho đến khi rèn luyện được tâm trí của mình để vượt qua khuynh hướng tự nhiên của bản thân, nhờ đó suy nghĩ theo những cách ngược lại với bản ngã tự nhiên để trở thành một nhà giao dịch thành công liên tục. Học cách phân tích hành vi của thị trường đơn giản không phải là cách đào tạo thích hợp. Bạn có hai lựa chọn: Bạn có thể cố gắng loại bỏ rủi ro bằng cách tìm hiểu về càng nhiều biến số thị trường càng tốt. Hoặc bạn có thể học cách xác định lại các hoạt động giao dịch của mình theo cách mà bạn thực sự chấp nhận rủi ro, và bạn không còn sợ hãi.
Khi bạn đã đạt được trạng thái tinh thần thực sự chấp nhận rủi ro, bạn sẽ không còn tiềm thức xác định và giải thích thông tin thị trường theo những cách khó khăn. Khi bạn loại bỏ được tiềm thức xác định thông tin thị trường theo những cách khó khăn, bạn cũng loại bỏ xu hướng hợp lý hóa, do dự, hành động quá sớm, hy vọng rằng thị trường sẽ mang lại cho bạn tiền hoặc hy vọng rằng thị trường sẽ cứu bạn khỏi khả năng phải cắt lỗ.
Chừng nào bạn còn dễ dàng mắc phải sai lầm do hậu quả của việc kiếm cớ biện hộ cho sai lầm, viện lý do, do dự, hy vọng và hành động quá sớm, bạn sẽ không thể tin tưởng chính mình. Nếu bạn không thể tin tưởng bản thân là người khách quan và luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của bản thân, thì việc đạt được kết quả thành công đều đặn sẽ là không thể. Cố gắng làm một điều trông có vẻ rất đơn giản có thể là việc khiến bạn bực bội nhất. Điều trớ trêu là khi có thái độ phù hợp, khi bạn đã có được “tư duy của nhà giao dịch” và có thể tự tin khi đối mặt với những bất ổn thường xuyên, giao dịch sẽ trở nên dễ dàng và đơn giản đến không ngờ, như khi bạn bắt đầu giao dịch lần đầu tiên (ND – hồi mới giao dịch ai cũng nghĩ đó là việc quá đơn giảm và dễ dàng).
Vậy giải pháp là gì? Bạn sẽ cần phải học cách điều chỉnh thái độ và niềm tin của mình về giao dịch theo cách mà bạn có thể giao dịch mà không có một chút sợ hãi nào, nhưng đồng thời giữ cho mình một khuôn khổ không cho phép bạn trở nên liều lĩnh. Đó chính xác là những gì cuốn sách này được thiết kế để dạy bạn. Khi bạn tiến lên phía trước, tôi muốn bạn ghi nhớ một số điều.
Nhà giao dịch thành công mà bạn muốn trở thành là một phiên bản dự báo tương lai của bản thân mà bạn phải phát triển thành. Phát triển nghĩa là mở rộng, học hỏi và tạo ra một cách mới để thể hiện bản thân. Điều này đúng ngay cả khi bạn đã là một nhà giao dịch thành công và đang đọc cuốn sách này để trở nên thành công hơn. Nhiều cách mới, là những cách bạn sẽ học để thể hiện bản thân sẽ mâu thuẫn trực tiếp với những ý tưởng và niềm tin mà bạn hiện đang nắm được về bản chất của giao dịch. Bạn có thể đã biết hoặc chưa biết về một số niềm tin này. Trong mọi trường hợp, những gì bạn hiện đang cho là đúng về bản chất của giao dịch sẽ biện hộ để giữ mọi thứ theo đúng đường mòn lối cũ, bất chấp sự thất vọng và kết quả giao dịch không hài lòng của bạn.
Những tranh luận nội bộ này là tự nhiên. Thách thức của tôi trong cuốn sách này là giúp bạn giải quyết những tranh luận này một cách hiệu quả nhất có thể. Việc bạn sẵn sàng xem xét rằng có tồn tại những khả năng khác, những khả năng mà bạn có thể không nhận thức được hoặc có thể chưa cân nhắc đủ, rõ ràng sẽ làm cho quá trình học tập nhanh hơn và dễ dàng hơn.
DỊCH TỪ CHƯƠNG 1 SÁCH GIAO DỊCH VỚI PHONG ĐỘ ĐỈNH CAO – TRADING IN THE ZONE, HIỆN TẠI CUỐN SÁCH NÀY ĐÃ CÓ ẤN PHẨM TIẾNG VIỆT ĐƯỢC DỊCH GIẢ DƯƠNG HUY VÀ CS XUẤT BẢN. NẾU BẠN CÒN YẾU VỀ TÂM LÝ GIAO DỊCH VÀ MUỐN CẢI THIỆN NÓ THÌ NÊN TÌM ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY.