CTG bật tăng phá vỡ mẫu hình cốc tay cầm với thông tin KQKD quý 1 vượt mặt VCB – cổ phiếu vẫn trong vùng mua
[Update 19/3] VietinBank ước lãi 7.000-8.000 tỷ đồng quý I/2021, gấp đôi cùng kỳ, thúc đẩy định giá lại cổ phiếu
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích tuần qua, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết lãi trước thuế quý I ước đạt 7.000-8.000 tỷ đồng (chưa gồm phí upfront từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife), cao hơn 135-170% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng lãi sau thuế 5.600 – 6.400 tỷ đồng (thuế TNDN năm 2020 là 20%).
Trước đó, theo KQKD quý 4/2020, CTG đạt tới 5.356 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng trên 100% so với KQKD đạt được quý 4 năm 2019. Luỹ kế cả năm 2020, VietinBank lãi sau thuế hơn 13.679 tỷ đồng, tăng trưởng 44.5%, so với năm trước. Ngân hàng đã áp dụng Basel II đầy đủ từ đầu năm. Như vậy, KQKD quý 4/2020 của CTG vừa mới bất ngờ đánh bại mọi ước tính khi tăng vọt so với năm trước để áp sát mức lãi sau thuế quý 4 của đàn anh VCB (đạt 5.600 tỷ đồng), thì nay CTG tiếp tục khiến giới đầu tư tiếp tục phải giật mình với ước tính KQKD quý 1/2021. Nếu đạt mức cao nhất mà chủ tịch Lê Đức Thọ đưa ra là 6400 sau thuế thì CTG chính thức soán ngôi vua của VCB về lợi nhuận theo quý.
Hiện nay, VCB đang có vốn hoá thị trường là 349.4 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn hoá của CTG mới chỉ có 150 nghìn tỷ đồng, bằng 0.43% vốn hoá của VCB.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của CTG đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm (tương đương VCB). Tiền gửi khách hàng tăng 11%, lên 990.331 tỷ đồng (Chỉ thấp hơn con số 1 triệu tỷ của VCB một chút). Cho vay khách hàng tăng 9% lên hơn 1 triệu tỷ đồng (cao hơn con số cho vay khách hàng của VCB là 839,8 nghìn tỷ). Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,16% xuống 0,94% (nợ xấu của VCB từ 0.7% về 0.6%). Những con số này, cùng với KQKD đạt được trong quý 4 vừa qua và quý 1 tới đây, cho thấy CTG xứng đáng được định giá lại ở một mức giá cao hơn, để kéo giảm thêm khoảng cách với đàn anh VCB.
Kế hoạch tăng vốn vẫn chưa được thực hiện (cơm không ăn thì gạo còn đó)
Năm 2021, Ngân hàng dự kiến trình kế hoạch chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Về tiến độ triển khai tăng vốn theo phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 28,8%, ngân hàng đang thực hiện các thủ tục cần thiết và trình các cơ quan chức năng. Thời gian cụ thể chưa được đề cập.
Cuối năm 2020, ngân hàng được cổ đông thông qua phát hành hơn 1,07 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ gần 28,8% cổ phiếu đang lưu hành. Nguồn thực hiện trích từ lợi nhuận sau thuế và quỹ các năm 2017 – 2018, lợi nhuận sau thuế còn lại, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền năm 2019. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ VietinBank sẽ nâng từ 37.234 tỷ đồng lên 47.953 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước là cổ đông lớn nhất, sở hữu 64,46% vốn và MUFG nắm 19,73% vốn.
Khi được tăng vốn xong, CTG sẽ được “cởi trói” bởi hệ số CAR sẽ tăng lên mạnh, nhờ đó mới được cấp thêm room tín dụng để rộng đường phát triển. Đây là yếu tố được cộng đồng đầu tư rất chú tâm, và sẽ là xúc tác mạnh cho CTG khi được triển khai tăng vốn chính thức.
Chia sẻ về hợp đồng ký kết với Manulife Việt Nam, Chủ tịch VietinBank cho biết dự kiến sẽ triển khai các hoạt động bán bảo hiểm theo hợp đồng mới từ đầu quý II. Nguồn thu từ bancassurance sẽ đóng góp tích cực cho thu nhập của ngân hàng.
Kết quả kinh doanh quý 4 năm 2020 bứt phá mạnh tăng trưởng trên 100%
KQKD quý 4/2020 CTG đạt tới 5.356 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng trên 100% so với KQKD đạt được quý 4 năm 2019. Luỹ kế cả năm 2020, VietinBank lãi sau thuế hơn 13.679 tỷ đồng, tăng trưởng 44.5%, so với năm trước.
Thu ngoài lãi tăng trưởng tốt (+32,5% so với năm 2019), thu nhập lãi thuần chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập hoạt động (78,6%), tuy nhiên, tỷ lệ này dần có xu hướng giảm xuống (-3,4% so với năm 2019). Thu nhập lãi thuần năm 2020 của VietinBank tăng trưởng 7,18% so với cùng kỳ năm trước do chi lãi giảm, ngân hàng đã linh hoạt điều hành công tác cân đối vốn chuyển dịch cơ cấu kỳ hạn của nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng tiền gửi CASA, cấu trúc nguồn vốn nhằm tối ưu hóa chi phí huy động vốn và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Các chiến lược kinh doanh ngoại tệ, chứng khoán hợp lý, hiệu quả, đồng thời thu hồi nợ xử lý rủi ro tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước đã mang lại nguồn thu tốt trong năm 2020.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tối đa cho nền kinh tế. Ngân hàng đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị chi phí. Tỷ lệ CIR năm 2020 duy trì ở mức thấp (35,5%) và tiếp tục có xu hướng giảm (-3,4% so với năm 2019).
Ngược lại với mức tăng của lợi nhuận thì chi phí cho nhân viên của VietinBank lại giảm (-1,8% so với năm 2019), trong đó, chi lương và phụ cấp giảm -4,4%. Thực hiện đúng chính sách của Chính phủ, NHNN, các NHTM hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, toàn bộ CBNV VietinBank đã cùng đồng hành với khó khăn chung của nền kinh tế.
Trong năm 2020, VietinBank đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC, thực hiện xử lý rủi ro nợ xấu trong năm với số lượng lớn (song song với việc thực hiện các biện pháp xử lý để thu hồi nợ trong thời gian sớm nhất). Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động của ngân hàng trong thời gian tiếp theo.
VietinBank luôn chủ động nhận diện rủi ro và chuyển nhóm nợ phù hợp với mức độ rủi ro của KH, đồng thời thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để chủ động trong các phương án xử lý nợ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu 31/12/2020 là 132%.
Năm 2020, cho vay khách hàng tăng 8,9%, VietinBank đã chủ động điều hành tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Đáng chú ý, tiền gửi của khách hàng tăng 11% và tăng đều cả tiền gửi không kỳ han và tiền gửi có kỳ hạn. biến động theo nhu cầu thanh khoản của ngân hàng và cân đối với việc rút giảm quy mô huy động tiền gửi từ KBNN. Ngoài ra, trong bối cảnh NHNN đang có những điều chỉnh về giảm trần lãi suất, việc tăng quy mô huy động vốn đã thể hiện được vị thế của VietinBank với mạng lưới rộng khắp và được sự tin tưởng của các tổ chức và dân cư.
Với những kết quả tích cực đạt được trong quý IV và trong năm 2020, VietinBank đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2045, đồng bộ chiến lược phát triển của VietinBank với chiến lược phát triển của quốc gia, của ngành Ngân hàng. Với khát vọng vươn tầm khu vực và thế giới VietinBank xác định tầm nhìn trở thành: “Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, nằm trong Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới”.