Học phân tích kỹ thuật (TA) có dễ như đa số mọi người nghĩ hay không?
Thực ra TA = Phân tích kỹ thuật có hàng chục trường phái khác nhau, có hàng trăm loại chỉ báo (indicator). Riêng điều này thôi đã đủ làm cho người muốn học thấy rối bời vì không biết nên học cái nào trong mớ hỗn độn này.
T cũng từng lên mạng xem cách dùng đủ các loại, nhưng cuối cùng thấy hiệu quả ngày càng giảm đi, loay hoay thử hết cái này đến cái khác, kết quả tệ hơn ngày chỉ dùng PTCB. Cuối cùng, T nảy ra một ý rằng tại sao không theo dõi những người giao dịch giỏi nhất thế giới xem họ giao dịch theo trường phái TA nào? Rất may thời 2016 đã mua cuốn sách Phù Thủy Sàn Chứng Khoán của Jack D. Schwager nên việc tìm ra những người giỏi nhất không gặp khó khăn gì.
Từ đó T bắt đầu tìm kiếm các sách và các tài liệu dạy giao dịch của những bậc thầy giỏi nhất trong đó. Cuối cùng tìm được các tài liệu dạy giao dịch của Mark Minervini, Dan Zanger, David Ryan… Đặc biệt từ một tài liệu phỏng vấn David Ryan nên T mò ra được một kho báu tài liệu hướng dẫn đầu tư CANSLIM, gồm cả những điều mà sách Làm giàu từ chứng khoán không có hoặc không nói rõ.
Điểm chung của các nhà giao dịch này, ngoài những thành tích vô tiền khoáng hậu, thì họ đều dùng phương pháp phân tích mẫu hình biểu đồ (chart pattern analysis) kết hợp với phân tích cơ bản. T lao vào dịch thuật tất cả tài liệu của mấy ông này. Cuối cùng thì cũng biết phân tích biểu đồ ở mức đủ để dùng.
T học cách giao dịch mất bao công sức như thế mới biết đủ dùng, mà cũng chỉ biết mỗi mảng phân tích mẫu hình biểu đồ thôi, các loại TA khác thì mù tịt. Các tài liệu mà T và cộng sự dịch, muốn đọc và hiểu hết cũng phải mất vài năm vừa đọc vừa trải nghiệm và nghiền ngẫm. Phân tích biểu đồ mà T nói ở đây là phân tích biểu đồ để bổ trợ cho phương pháp đầu tư trung – dài hạn, để hình thành kiểu Position trade: mua khi cổ phiếu sắp hoàn thiện nền giá, nắm giữ lâu nhất các cổ phiếu mạnh nhất, loại bỏ các cổ phiếu chậm và gây thua lỗ để chuyển vốn sang chỗ mới hiệu quả hơn. Position trade (PT) cũng gần giống kiểu đánh Buy And Hold, chỗ khác nhau là PT chỉ hold các cổ phiếu mạnh nhất tăng giá tốt sau khi mua, bỏ cổ phiếu yếu và cổ phiếu lỗ, cơ cấu lại vốn vào chỗ tốt hơn, và tới thời điểm thích hợp sẽ chốt lời.
Phân tích biểu đồ mà T nói ở đây không phải kiểu phân tích TA đánh T+. Đánh T+ thì về dài hạn lời lãi chỉ ngang đánh lô thôi không hơn được đâu vì vi phạm hết tất cả các quy tắc đầu tư quan trọng. Phải siêu cao thủ mới kiếm được tiền bằng cách này, còn làm giàu được bằng cách đánh T+ thì phải cực kỳ siêu siêu cao thủ.
Thực tế T học cách phân tích cơ bản mất 3 năm mới thạo, sau 2 năm đầu học PTCB thì bắt đầu học phân tích biểu đồ. Để thạo được phân tích biểu đồ cũng phải mất 3 năm. Vậy mà không hiểu sao các chuyên gia ở VN ông nào cũng bảo TA dễ học lắm, ba buổi là xong?
Nhiều a e hỏi sao không mở lớp dạy chứng khoán. Nhưng T học mất 5 năm như vậy mới thạo, nếu có dạy lại thì chí ít cũng phải mất 1 năm may ra hòm hòm. Mà dạy 1 năm trời thì T không có thời gian, và chi phí học sẽ rất đắt. Các khóa học vài chục triệu trong vài tuần chắc chắn chỉ dạy được a bờ cờ thôi, không thể dạy cho tốt nghiệp được, nên tốt nhất là kiếm sách từ cơ bản tới nâng cao mà tự học.
Học theo phương pháp nào thì tùy tính cách và điều kiện thời gian. Nếu không có nhiều thời gian thì học đầu tư tích sản (mỗi tháng trích 1 phần thu nhập bỏ vào mua vài cổ phiếu vốn hóa lớn cơ bản mạnh, tiềm năng tăng trưởng dài hạn, thuộc ngành nghề ít mẫn cảm với chu kỳ kinh tế… đại khái thế), cách này cũng có thể kiếm được hơn gửi tiết kiệm nhiều. Nhưng cần xác định trong quá trình đầu tư theo cách này có thể phát sinh tâm lý chán nản nếu gặp giai đoạn cổ phiếu đi ngang quá lâu, rồi cuối cùng bị trôi dạt sang phong cách T+ lúc nào không hay là chết dở. Có thể khắc phục bằng cách mua 3-4 cổ phiếu khác nhau, để lúc con này chán có con khác làm niềm vui.
Thực ra đầu tư tích sản cũng không hẳn dễ dàng và phù hợp với tất cả, nhất là khi gặp lúc thị trường khó khăn có thể khiến cổ phiếu bị sập mạnh, nếu không vững niềm tin bền ý chí là dễ mất hàng đúng đáy. Chẳng có cách đầu tư nào vừa nhàn hạ lại vừa dễ dàng cả.
Còn nếu có thời gian và thực sự muốn hiệu suất đầu tư vượt trội thì học đầu tư theo CANSLIM, SEPA… nhưng cách này khá khó, phải nỗ lực nhiều mới được, và nên bắt đầu với số vốn nhỏ. Vì các năm đầu sẽ không kiếm được tiền bằng cách này đâu, chỉ kiếm được kinh nghiệm thôi, đầu tư lớn bằng cách này sẽ vừa mất tiền mà không học được kinh nghiệm gì, tất nhiên cũng có ngoại lệ kiếm được nhưng hiếm.
Nếu vốn lớn mà muốn đầu tư ngay, thì có thể chơi kiểu 1 nửa hoặc hơn đầu tư tích sản, còn 1 nửa hoặc 25% NAV sẽ dành ra để thực hành đầu tư theo CANSLIM, SEPA. Khi nào thạo rồi thì chuyển tăng tỷ trọng sang đầu tư CANSLIM, SEPA nhiều hơn.
Nhiều người sẽ nói rằng dùng phân tích cơ bản (FA) vẫn có thể kiếm tiền mà không cần đầu tư tích sản. Nhưng thực tế thì để kiếm được tiền đều đặn nhờ phân tích cơ bản lại cực kỳ khó. Đặc biệt ở chỗ sau 1 thời gian dùng FA, các nhà đầu tư FA sẽ tự phát triển cho mình cảm nhận về thời điểm nên mua, thời điểm nên bán chốt lãi, đó chính là dạng phân tích kỹ thuật sơ khai, dù không hề cố gắng học. Nhiều nhà đầu tư FA trong lúc giữ 2-3 cổ phiếu theo phân tích cơ bản, nhưng sẽ có 1 mã giữ mãi không tăng, cuối cùng phát hiện một mã mới cơ bản tốt hơn, và họ bán mã không tăng kia để mua sang mã mới, đây chính là quy tắc Giữ lâu các cổ phiếu mạnh, bán các cổ phiếu chậm chạp của phương pháp Position trade, chẳng qua họ hành động 1 cách tự nhiên mà không cố ý học. Hai trường hợp này là sự tiến hóa của 1 nhà đầu tư theo phân tích cơ bản, cuối cùng họ sẽ cảm nhận tốt hơn, hành động nhanh hơn, và trở thành một nhà giao dịch theo vị thế lúc nào không hay. Bản thân T cũng tiến hóa từ đầu tư thuần túy cơ bản theo con đường này.
Cũng có người tình cờ phát hiện được, hoặc được nhà cái chỉ cho một cổ phiếu ngon, mua xong ôm 1 vài năm lãi rất to. Nhưng sau đó để lặp lại được lần ăn to như thế sẽ cực khó. Cái chúng ta đang bàn là vấn đề học cách để thành 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp, trường hợp này không phải dân chuyên nghiệp nên không bàn ở đây.
Tài liệu học đầu tư kiếm ở đâu? Hiện nay các đầu sách về đầu tư nhan nhản muôn hình vạn trạng, tìm được những đầu sách thực chiến để đọc cũng là cả một vấn đề. Chưa kể đọc hổ lốn các sách không bổ trợ được cho nhau, nên bị tẩu hỏa nhập ma, khi xuống tiền mua cổ phiếu thì theo CANSLIM, không may lỗ thì đầu tư dài hạn theo 3M, về đến đáy sợ quá lại bán cắt lỗ theo CANSLIM để “còn tiền là còn cơ hội”. Chưa hết, mua xong nếu may mắn có lãi thì hết khúc này nến nhật kêu tín hiệu bán, chỗ kia lại bị phân kỳ… Suốt ngày sợ “TA cho thấy sắp chỉnh rồi”, nên không cầm được những cổ phiếu tăng giá nhiều nhất… Cuối cùng tiền mất tật mang.
Đọc sách để học tích sản thì T không rõ vì không sử dụng cách này. Còn học đầu tư CANSLIM, SEPA thì website nhadaututhanhcong.com có đủ cả, từ phân tích mẫu hình, phân tích cơ bản, đến cách quản trị tiền… Nhưng như nói ở trên, đọc xong có hiểu được không hay bị tẩu hỏa nhập ma cũng còn tùy vào ngộ tính của từng người. Đọc xong đánh vẫn thua là chuyện bình thường, do đọc chưa kỹ chưa hiểu, hoặc nền tảng căn bản chưa đủ, hoặc chưa đủ kinh nghiệm để có thể hiểu được cặn kẽ. Chứng khoán là một nghề kỳ lạ, muốn thắng chứng khoán thì phải đọc sách, học hỏi, nhưng muốn đọc và hiểu được sách lại phải có kinh nghiệm. Vì thế, đọc xong, phải trải nghiệm thực tế, chấp nhận có thể bị lỗ, sau mỗi năm lại đọc lại, cứ thế đúc kết nghiền ngẫm 5-3 năm nữa mới ngon được. Đó là lý do tại sao những người đầu tư tốt nhất lại thường là những người không có nhiều tiền khi mới bắt đầu.