
Một góc nhìn khác về cổ phiếu TCH
Nhiều nđt có quan điểm khá là thiếu thiện cảm với cổ phiếu TCH – HHS, bày tỏ sự không hài lòng khi T khuyến nghị mua. Nhưng T nghiên cứu khá kỹ TCH và có một góc nhìn khác.
Lưu ý, hãy coi đây là một case study về góc nhìn cá nhân trên một cổ phiếu, không phải khuyến nghị mua. T không đưa ra giá mục tiêu, không chịu trách nhiệm về quyết định mua bán của bất kỳ ai khi tham khảo góc nhìn cá nhân của T.
Đầu tiên T muốn nói đến là chúng ta có một số tiêu chí nhất định để chọn cổ phiếu tiềm năng đối với từng ngành nghề, các tiêu chí này sẽ được giữ nguyên bất kể bối cảnh. Nhưng có một số tiêu chí sẽ phải thay đổi cho phù hợp với tình hình môi trường đầu tư từng giai đoạn. Ví dụ, trong bong bóng bất động sản và chứng khoán do covid năm 2020-2022, các công ty BDS nào tung hết sạch tiền mặt ra ôm được càng nhiều dự án thì càng được định giá cao, kể cả đó chỉ là dự án trên giấy chưa đên bù giải phóng mặt bằng. Cứ có dự án là nhân diện tích để kỳ vọng. Các công ty ôm nhiều tiền mặt, các dự án chỉ mới bắt đầu triển khai chưa tạo ra nhiều doanh thu lợi nhuận như TCH không được đánh giá cao trong bối cảnh lúc đó là hoàn toàn chính xác, không phải bàn cãi. Nhưng hiện nay, sau cơn khủng hoảng tài chính 2022, chúng ta cần một số thay đổi khi chọn cổ phiếu BDS. Trong một bối cảnh chung đa số cổ trong ngành BDS đều bị kẹp dự án, chết dòng tiền, đang loay hoay tái cơ cấu bán rẻ tài sản để trả nợ thì các cổ phiếu BDS có tài chính mạnh như TCH, với lượng tiền mặt nhiều và không vay bank, có dự án lớn chuẩn bị mở bán, lại có đại dự án gối đầu, bị định giá rẻ do bị bán tháo chung theo cả ngành, với vốn hóa thấp hơn cả lượng tiền gửi ngân hàng… lại trở thành điểm sáng. Với lượng tiền lớn này, TCH có thể làm được khá nhiều việc đại sự, kể cả là đi nhặt xác các dự án ngon đang chết dòng tiền của các công ty khác, cho tới việc triển khai tiếp các đại dự án đã giải phóng mặt bằng của công ty.
Chơi các cổ phiếu BDS có tình hình tài chính kém sẽ rất khó nắm giữ để đi hết trend vì không có sự tự tin, một khi chúng giảm giá mạnh sẽ mất ăn mất ngủ. Dòng BDS từ tháng 4 tới nay t chỉ thích các mã tài chính mạnh, có dự án sắp bán thuộc phân khúc cầu ở thật, để tạo sự an tâm. Các mã BDS thuộc loại này gồm ITC TIG t KN hồi tháng 4 đều đã tăng tốt và mọi người đều dễ dàng ôm được hàng hưởng trọn vẹn thành quả, không bị lo lắng sợ hãi như khi ôm các mã BDS kẹp dự án chết dòng tiền. TCH cũng là một cổ điển hình theo dạng này, được chúng tôi khuyến nghị mua lần đầu giữa tháng 5, giữa mùa hè rực lửa :))
Xem sơ sơ báo cáo tài chính sẽ dễ dàng nhận thấy lượng tiền mặt trên báo cáo hợp nhất 7000 tỷ cao hơn cả vốn điều lệ của TCH, dĩ nhiên không phải toàn bộ lượng tiền mặt này đều thuộc sở hữu của cổ đông công ty mẹ. Dễ dàng nhân ra dòng tiền này là tiền xịn vì mỗi năm gửi bank lãi vài trăm tỷ.
Về các dự án BDS của TCH và các công ty con, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu trên báo cáo thường niên các năm qua.
Điểm mà nhiều người băn khoăn nhất là các dự án BDS của TCH được dồn hết về cho công ty con CRV. Nhiều người không tìm hiểu kỹ sẽ nghĩ rằng TCH làm thế này là bất lợi cho cổ đông nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy câu chuyện hoàn toàn khác.
CRV đang có 3 cổ đông lớn gồm Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) sở hữu 38,09% vốn điều lệ; Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) nắm giữ 35,17% vốn; CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang sở hữu 8,41%; và các cổ đông khác cầm 18,33% còn lại.
Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) là công ty mẹ nắm giữ hơn 51% vốn của Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), trong khi Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang lại là công ty con của HHS với tỷ lệ lợi ích lên đến 99,79%. Như vậy, TCH sở hữu trực tiếp 38% CRV, HHS sở hữu 43.58% CRV, lợi ích của TCH ở CRV là 60.3%, và chi phối 82%. Ở ngoài chỉ có 18%.
Vốn điều lệ của CRV là 6.724,2 tỷ đồng. Trong đó trên bctc hợp nhất của HHS, khoản góp vốn vào CRV là 3126 tỷ. Như vậy, việc lập công ty CRV giúp TCH sử dụng được nguồn tiền mặt rất lớn tại HHS chỉ để gtk nhiều năm qua. Cách làm này là cổ đông TCH hưởng lợi, là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi chứ không phải thiệt hại cho cổ đông TCH.
Việc dồn hết dự án vào CRV như vậy, quy mô dự án rất lớn, giúp tận dụng được nguồn tiền mặt rất lớn của HHS, có lợi cho TCH khi triển khai dự án không phải vay ngân hàng, cách làm rất chắc ăn của các lãnh đạo lớn tuổi. Tính ra, nếu TCH tự làm hết các dự án BDS này thì sau khi trừ chi phí vay cũng chưa chắc được lợi ích 62% như khi làm chung với HHS qua công ty con CRV.
Triển khai dự án bằng nguồn tiền mặt nội bộ tập đoàn như vậy giúp công ty hoạt động cực an toàn, không bị rủi ro kẹt dòng tiền như các công ty bds khác.
Về phần 18% CRV do bên ngoài nắm giữ thì chắc là phần nhường cho bên ngoài để có thêm vốn làm dự lớn, cũng đồng thời giúp CRV đạt đk là công ty đại chúng để có thể niêm yết được lên hose. Nếu TCH cầm tỷ trọng lớn quá thì không thể niêm yết hose được. Hiện đã nộp hồ sơ lên HOSE từ 8/2022, các DN niêm yết mới từ năm ngoái đến nay đều không được duyệt, gần đây bắt đầu có DN được duyệt niêm yết. Nên có thể CRV cũng sắp được niêm yết hose. Khi được niệm yết trên hose với tỷ lệ cổ rất cô đặc như thế thì khả năng cao CRV được định giá khá cao. Điều này cũng có lợi trong việc thị trường định giá lại TCH. Dự án lớn doanh thu gần 10 nghìn tỷ bàn giao cuối năm cũng là câu chuyện giúp TCH lên giá.
Nhắc lại, đây chỉ là góc nhìn cá nhân, không phải khuyến nghị mua, chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu bạn mua theo góc nhìn cá nhân của chúng tôi
Một vài điểm về CRV
Tính hết năm 2022, tổng tài sản của Bất động sản CRV tăng 670 tỷ đồng so với đầu năm tài chính lên mức 9.125,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương với tiền giảm 20,4% về còn 309,4 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng hơn 2.000 tỷ đồng lên 2.913,6 tỷ đồng; chi phí trả trước ngắn hạn tăng gần 12 lần lên 185 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của CRV là 4.559,6 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của công ty. Các khoản đầu tư này là tiền gửi có kỳ hạn, được gửi tại các ngân hàng thương mại trong nước với lãi suất từ 5% đến 11%/năm.
Bên cạnh đó, trái ngược với hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khác, với lượng lớn tiền gửi ngân hàng, CRV không ghi nhận bất cứ khoản nợ vay tài chính nào. Đây là điều hiếm có đối với một doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại.
Sức khỏe tài chính trên giấy tờ của công ty này là không phải bàn cãi. Để có được điều đó, không thể không kể đến sự giúp sức của pháp nhân chi phối ở sau là Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH).
Vào tháng 10/2021, TCH chào bán thành công 200 triệu cổ phiếu TCH cho cổ đông hiện hữu với giá 12.800 đồng/CP, thu về gần 2.555 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, TCH sẽ dùng số tiền này để đầu tư vào 2 dự án tại thành phố Hải Phòng là Hoàng Huy Commerce (1.800 tỷ đồng) và Hoàng Huy – Sở Dầu (755 tỷ đồng).
Sau nhiều lần thay đổi phương án sử dụng vốn, vào cuối tháng 11/2021, HĐQT TCH quyết định đổi phương án sang góp vốn bổ sung vào CTCP Phát triển Nhà Đại Lộc (1.800 tỷ đồng) và CTCP Xây dựng Đại Thịnh Vượng (755 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trước đó 1 tháng, TCH đã có nghị quyết chuyển nhượng dự án Hoàng Huy Sở Dầu cho Đại Thịnh Vượng với giá gần 186 tỷ đồng. Tới ngày 27/12/2021, HĐQT TCH ra nghị quyết về việc bán toàn bộ gần 106,5 triệu cổ phần, tương đương 99,99% vốn Đại Thịnh Vượng cho Bất động sản CRV với giá 1.270 tỷ đồng.
Vào tháng 10/2021, TCH tiếp tục có nghị quyết chuyển nhượng một phần dự án Hoàng Huy Commerce cho Nhà Đại Lộc. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 vào tháng 7 năm ngoái, cổ đông TCH tiếp tục thông qua việc chuyển nhượng một phần dự án này cho Nhà Đại Lộc với giá 890 tỷ đồng, con số này tăng lên hơn 987 tỷ đồng vào tháng 9/2022 sau quá trình rà soát, xác định giá trị chuyển nhượng.
Tới tháng 9/2022 vừa qua, HĐQT TCH đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng gần 182 triệu cổ phần, tương đương 99,99% vốn Nhà Đại Lộc cho CRV, với mức giá 2.462 tỷ đồng, tương ứng 13.500 đồng/CP.
Việc sang tay 2 dự án tiềm năng ngay trung tâm thành phố Hải Phòng cho CRV được ban lãnh đạo TCH lý giải là để nâng cao hiệu quả phát triển các dự án.
“TCH có định hướng tổ chức việc đầu tư dự án thông qua việc chuyển nhượng các dự án bất động sản (hoặc công ty dự án) cho công ty con là CTCP Tập đoàn Bất động sản BĐS CRV để tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu bất động sản”, Chủ tịch HĐQT TCH – ông Đỗ Hữu Hạ cho biết trong biên bản các nghị quyết ngày 27/12/2021 và 25/8/2022.
Ghi chú: Bài viết có sử dụng nhiều thông tin từ bài báo của tác giả MINH PHONG đăng trên mekongasean.