Nhận định thị trường ngày 15/3/2022 và chiến lược giao dịch
Đường xu hướng của cấu trúc vai đầu vai trên chỉ số Vnindex đã bị phá thủng, nhìn có vẻ đáng ngại, nhưng có vài điều cần lưu ý.
Điều cần lưu ý thứ nhất, khối lượng của Vnindex phiên hôm nay giảm 4.65% so với hôm trước, trong khi giá đóng cửa nằm cách xa mức đáy trong ngày, chỉ mất 1,36%. Hành động này cho thấy mức bán tháo là không mạnh, thậm chí phiên giảm này còn không đáp ứng nổi tiêu chuẩn của một ngày phân phối. Hành động giảm thủng đường xu hướng với khối lượng thấp và không đóng cửa ở mức 25% thấp nhất trong ngày là chưa đủ độ tin cậy cho một tín hiệu Breakdown. Như quan điểm đã trình bày trong báo cáo trước, tốt hơn hết hãy chờ tới nửa sau phiên giao dịch kế tiếp để tránh bị dính bẫy giảm giá Bear Trap.
Điều thứ hai cần lưu ý là trạng thái phân hoá giữa các nhóm ngành. Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, bao gồm nhóm Dầu khí, Phân bón, Thép đều giảm mạnh. Nhưng 2 lĩnh vực có vốn hóa lớn nhất thị trường là Ngân hàng và Bất động sản vẫn hoạt động tốt. Ngoài ra, các cổ phiếu xi măng vẫn tiếp đà tăng giá từ cuối tuần trước, và các cổ phiếu thuộc nhóm kỳ vọng hưởng lợi mở cửa ngành Du lịch cũng hoạt động tốt (HVN tăng 1,4%, VJC tăng 4,7% còn SKG tăng 4%…). Điều này cho thấy dòng tiền không phải bán và bỏ đi mà vẫn len lỏi tìm kiếm cơ hội. Điều này cũng thể hiện mặt tích cực của thị trường trong phiên hôm nay.
Điều thứ ba cần lưu ý, những gì quá rõ ràng trước đám đông thì hiếm khi hiệu quả, như W. J. O’Neil đã nói: “Tâm lý đám đông luôn sai ở những điểm đảo chiều quan trọng của thị trường, là lúc nhà đầu tư cần phải đánh giá đúng đắn nhất”. Khi ai cũng thấy giá giảm thủng đường xu hướng của cấu trúc vai đầu vai và cùng nhau bán thì rất dễ dính bẫy. Các cổ phiếu dẫn đầu thường xuất hiện rũ bỏ ở beartrap và sau đó nhanh chóng tiếp tục tăng giá mạnh.
Về phía TTCK thế giới, phiên giảm của Vnindex hôm nay có thể còn chịu thêm ảnh hưởng bởi mức giảm mạnh trên chỉ số của Trung Quốc, khiến cho 1 bộ phận nhà đầu tư cá nhân giật mình. Thông thường, khi số đông hoảng hốt bán thì thường không phải tín hiệu đáng ngại. Sự sụt mạnh trên các chỉ số của TQ rất dễ lý giải. Hiện TQ đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid mới, thành phố Thâm Quyến là trung tâm công nghệ chính của đất nước vừa bị Lock-Down. Lo ngại một số công ty công nghệ lớn của TQ sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn New York do không đáp ứng các yêu cầu kiểm toán cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh. Nhìn chung, vài năm nay nền kinh tế TQ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, các chỉ số của TQ là những kẻ đội sổ, ít gây ảnh hưởng như các chỉ số dẫn đầu thế giới. Chính sách Zero Covid của TQ gây trở ngại cho TQ và các nước theo đuổi chính sách này, theo logic thì dòng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ không ưu tiên các nước như vậy mà ưu tiên hơn cho các nước đã tiêm chủng đầy đủ và bình thường hoá trở lại như Việt Nam ta.
Các chỉ số của Châu Âu đã tăng tốt đúng như dự kiến với mức tăng tốt nhất trên chỉ số của Đức (DAX +2.21%). Giá dầu cũng đi xuống mạnh như dự kiến, mất hơn 6%, về 102$, củng cố cho xu hướng tạo đáy của các TTCK thế giới.
Các chỉ số của Mỹ vẫn đang đi xuống, NASDAQ giảm hơn 2% để tạo đáy mới, trong khi SP500 chỉ mất nhẹ -0,7% và Downjone gần như đứng giá. Nhật báo IBD nói rằng “Vàng đen giảm mạnh nhưng không giúp được gì cho TTCK, chính sách tiền tệ đang là mối quan tâm hàng đầu”. TTCK nước này đang đứng trước một mốc thời gian qua trọng là kỳ họp về lãi suất kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang, bắt đầu từ ngày thứ Ba 15/3. Chi phí lãi vay đã quá rẻ trong nhiều năm, và không ai mong đợi việc FED bắt đầu tăng lãi suất. Tuy nhiên, Fed đã nói rõ rằng kiềm chế lạm phát là Công việc số 1 lúc này. Công cụ FedWatch của CME cho thấy xác suất 61% lãi suất cho vay ít nhất sẽ được nâng lên phạm vi 1,5% -1,75% khi cuộc họp kết thúc vào ngày 15 tháng 6. Điều này có nghĩa là lãi suất ngắn hạn sẽ tăng ít nhất một phần tư điểm trong tuần này và tổng cộng năm lần tăng thêm phần tư trong tháng 5 và tháng 6. Thông thường, như những lần trước, TTCK Mỹ sẽ giảm trước để phản ánh trước những tiêu cực của chính sách tiền tệ, và sẽ bắt đầu tạo đáy tăng lên khi chính sách được công bố. Vì vậy, nhiều khả năng TTCK Mỹ sẽ tạo đáy ngắn hạn trong nay hoặc mai, bất kể kết quả họp của FED như thế nào.
Kỳ họp chính sách của FED, hoạt động cơ cấu của ETF và đáo hạn hợp đồng tương lai vào ngày thứ 5 sẽ là những hòn đá đè lên tâm lý của NĐT VN trong tuần này. Đầu tư chứng khoán mà gặp phải giai đoạn nhiều sự kiện, nhiều biến động như vừa qua thực sự là khó khăn, nhưng mọi thứ sẽ qua đi vào cuối tuần. Chúng ta quan sát các chỉ số và các TTCK thế giới để có được gợi ý về tổng thể, nhưng đừng quên rằng dù các chỉ số thị trường như thế nào thì việc quản trị rủi ro theo các vị thế riêng lẻ luôn được đặt lên hàng đầu. Trong phiên GD ngày 14/3, các cổ phiếu hàng hoá đồng loạt bị bán tháo, vì ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine có biến chuyển theo hướng tích cực, gây ra lo ngại nhóm này sẽ bị đánh mất động lực tăng giá.