Nhật báo IBD ngày 17/08/2022
Cổ phiếu dầu mỏ nâng đỡ S&P 500; các chỉ số chính liệu có đầu hàng đợt test quan trọng?
Giữa tháng 8 được cho là thời điểm giao dịch khá buồn tẻ đối với các trader chứng khoán. Nhưng phiên vừa qua, thị trường lại có dịp tiêu hóa khá nhiều thông tin. Đúng là cuối cùng thì phe bò của phố Wall đã có cơ hội nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Mức giảm lợi nhuận sốc 89% trong quý 2 của gã bán lẻ khổng lồ Target (TGT) cùng áp lực đẩy hàng tồn kho cũng như thúc đẩy lợi nhuận trong nửa cuối năm nay khiến thị trường mở cửa trầm lắng.
Doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 có vẻ trái chiều. Những dữ liệu quan trọng cho thấy tăng trưởng bán lẻ không đổi so với tháng 6. Nhưng nếu loại trừ lĩnh vực khí gas và xe cộ thì doanh thu bán lẻ tăng 0,7%, cao hơn nhiều so với ước tính 0,3% của Econoday.
“Chúng tôi đã kỳ vọng giá xăng dầu giảm sẽ khiến tiêu dùng bán lẻ tăng trong tháng 7 nhưng điều đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy những điểm tích cực trong quý này. Dòng tiền gia tăng khi giá nhiên liệu tiếp tục đi xuống sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong tháng 8 với doanh thu cải thiện từ lĩnh vực ô tô”, ông James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế từ ING cho biết.
Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed khiến nhà đầu tư hào hứng. Theo đó, các nhà điều hành tập trung thảo luận về các rủi ro đối với nền kinh tế hơn là việc tăng lãi suất quá đà. Tuy nhiên, các chỉ số chính đã dần hạ nhiệt trong 75 phút cuối cùng của phiên giao dịch
Chắc chắn là mức giảm 1.3% với khối lượng nhỉnh một chút của Nasdaq không thể hiện là một pha kéo ngược lý tưởng cho lắm. Nhưng nhìn về mức độ phục hồi từ đáy tháng 6 có thể nói bối cảnh tích cực của thị trường là vẫn còn đó.
Hãy nhìn tổ chức bán
Việc sụt giảm tương đối lớn kèm khối lượng giao dịch tăng khiến Nasdaq ghi nhận ngày phân phối thứ hai ở mức vừa phải. Điều này cho thấy tổ chức bán mạnh. Xu hướng tăng được xác nhận sẽ được duy trì nếu số lượng các ngày phân phối thưa thớt. Nhưng nếu chỉ số sụt giảm mạnh với khối lượng gia tăng xuất hiện liên tục trong một thời gian ngắn thì sẽ là lúc nhà chúng ta phải co về phòng thủ.
Hãy nhìn lại thị trường ở khung thời gian từ 22/11 đến 13/12/2021.
Nasdaq trải qua 4 ngày phân phối trong 15 phiên giao dịch, Cụ thể là ngày 22/11 giảm 1,3%; 30/11 giảm 1,6%; 3/12 giảm 1,9% và 13/12 giảm 1,4%.
Sau ngày bán tháo 3/12, IBD hạ bậc triển vọng thị trường xuống thị trường điều chỉnh, chỉ 3 ngày sau khi thị trường rơi vào trạng thái uptrend gặp áp lực.
Ngày 15/12 xuất hiện phiên bùng nổ theo đà. Cả Nasdaq và S&P 500 đều nhanh chóng bật đèn xanh cho việc tìm cổ phiếu tốt và cổ phiếu breakout. Giai đoạn đó không kéo dài lâu. Ngày phân phối lớn và sớm trên S&P 500 đã khiến IBD hạ bậc triển vọng trở lại sang uptrend gặp áp lực vào ngày 17/12. Hành động mạnh mẽ trên Nasdaq diễn ra vào ngày 23/12 kéo thị trường quay trở lại trạng thái uptrend. Tuy nhiên, việc bán mạnh vào 2 trong 3 phiên đầu tiên của năm 2022 đã đẩy nhà đầu tư vào thị trường gấu hiện nay.
Cổ phiếu dầu mỏ nâng đỡ S&P 500
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 đánh rơi 1,6% trong khi S&P 500 chỉ mất 0,7%. Cổ phiếu dầu mỏ giúp ngăn đà giảm của chỉ số vốn hóa lớn này. Energy Select Sector SPDR (XLE) hôm nay tăng 0,8%, kết thúc 2 ngày liên tiếp giảm giá.
XLE tăng 8.3% trong quý này và 39% kể từ đầu năm. So với cùng kỳ năm ngoái thì cổ phiếu này tăng đến 68%.
Khối lượng giao dịch giảm 10% trên sàn NYSE. Điều đó đồng nghĩa S&P 500 không ghi nhận thêm ngày phân phối.
Chỉ số vốn hóa vừa SPDR S&P Mid Cap 400 (MDY) giảm 1.3% trong phiên vừa qua.
Tuy nhiên, ở mức 474.61, MDY vẫn giữ được mức tăng đáng kể, gần 19% kể từ đáy 400.05 ngày 16/6.
MDY đóng cửa ngay phía trên đường trung bình động 200 ngày.
Theo dõi sát lãi suất trái phiếu
Dow Jones Industrial Average giảm 0,5% trong phiên giao dịch vừa qua, với sự hỗ trợ của đường MA200 đang dốc xuống. Mức đỉnh trong ngày 4325 của S&P 500 chỉ cách MA200 chỉ 1 điểm.
Độ rộng của thị trường đã cải thiện khá nhiều trong thời gian gần đây nhưng phiên thứ Tư này là một sự ngoại lệ. Số cổ phiếu giảm giá áp đảo cổ phiếu tăng giá với tỷ lệ 3-1 trên sàn Nasdaq và 4-1 trên sàn New Your.
Xác suất Fed tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp sắp tới giảm xuống còn 36,6% so với mức 49,2% cách đây một tháng. Trong khi đó, theo CME khả năng tăng nửa điểm lãi suất là 63,5%, tăng nhiều so với mức 36,9% hôm 15/7.
Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 10 điểm cơ sở lên 2,89%, mức cao nhất trong 3 tuần vừa qua.
Các nhà đầu tư theo đà tăng trưởng cần theo dõi sát diễn biến của lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài. Không phải ngẫu nghiên mà kể từ tháng 1 đến tháng 6, S&P 500 rơi mất 25% và Nasdaq bốc hơi 33% trong bối cảnh lãi suất trái phiếu tăng mạnh ở cùng giai đoạn.
Theo nhật báo IBD, Ninh TSI lược dịch