Phân tích đầu tư theo phương pháp BOTTOM-UP hay TOP-DOWN? Vĩ mô có quan trọng trong đầu tư hay người ta chỉ đang phóng đại nó quá mức?
Đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN (Bottom-up investing) là phương pháp đầu tư tập trung vào việc phân tích từng cổ phiếu riêng lẻ và KHÔNG ĐẶT NẶNG tầm quan trọng của kinh tế vĩ mô và chu kỳ thị trường. Nói cách khác, đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN thường tập trung vào phân tích các yếu tố cơ bản của một công ty cụ thể, chẳng hạn như tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, so với ngành hoặc so với nền kinh tế tổng thể. Phương pháp đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN giả định rằng các công ty riêng lẻ có thể hoạt động tốt ngay cả trong bối cảnh một ngành hoạt động kém hiệu quả, ít nhất là trên cơ sở tương đối.
Đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN buộc các nhà đầu tư phải xem xét các yếu tố kinh tế vi mô, như tình hình tài chính tổng thể của công ty, báo cáo tài chính, sản phẩm và dịch vụ của công ty, cung và cầu, tăng trưởng đơn hàng, điểm rơi lợi nhuận từ sản phẩm mới/nhà máy mới/dự án mới, giao dịch nội bộ…
Ví dụ: chiến lược tiếp thị bán hàng hoặc cơ cấu tổ chức độc đáo của một công ty có thể là chỉ số hàng đầu khiến nhà đầu tư theo phương pháp LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, những bất thường trong kế toán trên báo cáo tài chính của một công ty cụ thể có thể chỉ ra những vấn đề đối với một công ty trong một ngành công nghiệp đang bùng nổ, khiến nhà đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN ra quyết định không đầu tư vào công ty này, mà đầu tư vào một công ty đối thủ.
Đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN hoạt động như thế nào
Cách tiếp cận LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN trái ngược với từ trên xuống (TOP-DOWN, xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô trước tiên khi đưa ra quyết định đầu tư). Các nhà đầu tư từ trên xuống nhìn vào hiệu quả hoạt động tổng thể của nền kinh tế và sau đó tìm kiếm các ngành đang hoạt động tốt, đầu tư vào những cơ hội tốt nhất trong ngành đó. Ngược lại, việc đưa ra quyết định dựa trên chiến lược đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN đòi hỏi phải chọn một công ty và xem xét kỹ lưỡng công ty đó trước khi đầu tư.
Hầu hết các nhà đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN không dừng lại ở cấp độ phân tích công ty riêng lẻ, mặc dù đó là nơi bắt đầu phân tích và có tầm quan trọng hàng đầu. Nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường và các yếu tố kinh tế vĩ mô… cũng được họ đưa vào phân tích tổng thể. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu đầu tư bắt đầu ở mức vi mô nhất là từ công ty riêng lẻ, và tiến dần theo quy mô.
Các nhà đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN thường sử dụng các chiến lược mua và nắm giữ dài hạn dựa chủ yếu vào phân tích cơ bản, và sao đó chọn vùng giá mua phù hợp BẰNG NHIỀU CÁCH KHÁC NHAU, ví dụ như CÁCH MUA BẰNG PHÂN TÍCH BIỂU ĐỒ CỦA PHƯƠNG PHÁP CANSLIM. Điều này là do cách tiếp cận đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN giúp nhà đầu tư hiểu biết sâu sắc về một công ty và cổ phiếu của nó, cung cấp cái nhìn sâu sắc về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của khoản đầu tư. TRÁI LẠI, các nhà đầu tư CHỌN LỰA TỪ TRÊN XUỐNG có thể có nhiều cơ hội hơn trong chiến lược đầu tư của mình và có thể tìm cách vào và thoát vị thế một cách nhanh chóng để kiếm lợi nhuận từ những biến động thị trường ngắn hạn.
Các nhà đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN có thể thành công nhất khi họ đầu tư vào một công ty mà họ tích cực sử dụng và biết rõ từ đầu. Các công ty FPT, FRT, VTP… đều là những ví dụ điển hình về chiến lược chọn cổ phiếu theo cách tiếp cận LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN, vì mỗi công ty đều có yếu tố cơ bản xuất sắc. Phương pháp đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN đòi hỏi sự hiểu biết về nội tại của một công ty, như các sản phẩm/dự án, lợi thế cạnh tranh, tình hình tài chính, triển vọng tăng trưởng…
Ví dụ cách tiếp cận LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN để chọn lọc cổ phiếu
FPT là một ứng cử viên tiềm năng tốt cho cách tiếp cận từ dưới lên vì các nhà đầu tư dễ dàng hiểu rõ về sản phẩm và dịch vụ của nó bằng cách quan sát trực tiếp các thông tin về triển vọng kinh doanh, kết quả đạt được, hoặc sử dụng sàng lọc bằng biểu đồ… Khi một ứng cử viên như FPT được xác định là một công ty “tốt”, nhà đầu tư sẽ tiến hành tìm hiểu sâu về cơ cấu quản lý và tổ chức, báo cáo tài chính, sản phẩm dịch vụ, xu hướng giá cổ phiếu, điểm mua… Những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình tìm hiểu công ty bao gồm việc tính toán tỷ số tài chính, phân tích những số liệu đó đã thay đổi như thế nào theo thời gian, từ đó dự đoán mức tăng trưởng trong tương lai, rồi đưa ra ước tính giá mục tiêu trong một khung thời gian nhất định như 9 tháng, 3 năm, 5 năm, 10 năm.
Tiếp theo, nhà phân tích tiến thêm một bước, so sánh FPT với từng công ty và so sánh tình hình tài chính của FPT với các đối thủ cạnh tranh và các công ty cùng ngành công nghệ. Làm như vậy có thể cho thấy liệu FPT có những khác biệt gì, hoặc liệu nó có thể hiện những điểm bất thường gì mà những công ty khác không có hay không. Bước tiếp theo có thể là so sánh FPT với các công ty công nghệ tương đồng có quy mô lớn hơn trên thế giới, trên cơ sở các phép so sánh tương đối. Sau đó mới xem xét đến các điều kiện chung của thị trường, chẳng hạn như liệu tỷ lệ tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng cao như FPT thì chỉ số P/E cao hơn mức chung toàn thị trường liệu có phải là đắt không hay vẫn rất rẻ, hoặc liệu thị trường chứng khoán có đang ở trong một thị trường bò tót hay không… Cuối cùng mới đưa các dữ liệu kinh tế vĩ mô và tiền tệ vào quá trình ra quyết định, chẳng hạn như xem xét xu hướng thất nghiệp, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng GDP, tỷ giá hối đoái, các hành vi điều hành của SBV sẽ nới lỏng chính sách để ưu tiên tăng trưởng hay sẽ từ bỏ mục tiêu tăng trưởng để ưu tiên ổn định vĩ mô (*)… Khi tất cả các yếu tố này được đưa vào quyết định lựa chọn của nhà đầu tư từ dưới lên, thì có thể đưa ra quyết định thực hiện giao dịch.
(*) Ví dụ về phân tích hành vi điều hành vĩ mô -tiền tệ của SBV gần đây ĐỂ BỔ TRỢ CHO QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ BẰNG PHƯƠNG PHÁP LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN:
+ Ví dụ trung tuần tháng 9/2023, khi quan sát thấy Vnindex xuất hiện mẫu hình hai đỉnh, kèm theo nhiều ngày phân phối, nên dù đang ôm hàng VỚI QUY MÔ CỰC ĐẠI, và đang kỳ vọng mục tiêu điểm số cao hơn nữa là 1300, nhưng tôi đã tỉnh táo ngồi lại cùng anh em chiến hữu để phân tích tình hình vĩ mô xem liệu có rủi ro gì ngoài tầm mắt mà chúng tôi không biết đến, khiến chỉ số vận động có vấn đề như vậy hay không? Kết quả, chúng tôi phát hiện rằng sau 3 quý đầu năm cố gắng duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá để kích thích kinh tế nhưng không hiệu quả, vì đơn hàng xuất khẩu vẫn yếu kém kéo dài, dẫn đến tăng trưởng GDP yếu. Kích thích kinh tế bằng chính sách làm cho cung tiền tăng, lại không hấp thụ được vào nền kinh tế mà chảy vào đầu cơ; trong khi đơn hàng kém dẫn đến xuất khẩu yếu, thặng dư thương mại kém, và hệ quả là lượng đô la thu về rất kém, không đủ để giữ cân đối tỷ giá, hai điều này kết hợp làm tỷ giá gặp áp lực cao. Chúng tôi nhận ra rằng trong tình thế này, rất có thể chính phủ sẽ sớm hạ mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm, tức từ bỏ mục tiêu tăng trưởng, để tập trung điều hành giảm tỷ giá, ổn định vĩ mô, tạo dư địa sang năm điều hành kinh tế khi điều kiện quốc tế phù hợp hơn. Chính vì thế, chúng tôi đột ngột ra quyết định bán hết tại đỉnh 1250 vào trung tuần tháng 9/2023. Đúng dự tính, khoảng cuối tháng 9 thủ tướng đã chọn mục tiêu GDP trong kịch bản thấp hơn ở hai kịch bản đặt ra ban đầu, và SBV bắt đầu quyết liệt điều hành tỷ giá. Những điều này trở thành xúc tác xấu làm thị trường giảm rất sâu, thậm chí sâu hơn cả dự tính tại vùng 1100 của chúng tôi, vì xúc tác vĩ mô này xảy ra trong bối cảnh chính là nhiều nhóm cổ phiếu tăng nóng cao trào (mà chúng tôi tư vấn bán ngay tại đỉnh tháng 9) bị chủ DN bán mạnh rút tiền mang về trả nợ, một số công ty lớn gặp khó khăn về dòng tiền nhưng giai đoạn đó rất khó huy động vốn mới gây lo ngại lớn, cùng với bối cảnh một số tin đồn sai sự thật…
Vài minh chứng cho nhận định chính xác thoát ra tại đỉnh 1250 vào tháng 9/2023
của chúng tôi nhờ kết hợp vĩ mô và phân tích biểu đồ
+ Trái lại, Tháng 4/2024, SBV đang nới lỏng chính sách tiền tệ, bất chấp tỷ giá tăng cao, để ưu tiên tăng trưởng. Cho thấy SBV đang QUYẾT LIỆT NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH, BẤT CHẤP HẾT… Và vì thế, nếu đang ôm các cổ phiếu ngon có tiềm năng mà các bạn tin rằng chúng sẽ tăng mạnh, thì cách điều hành này là xúc tác tăng giá, là thông tin cực kỳ tốt cho cổ phiếu của các bạn. Có thể xem chi tiết trong bài phân tích BÀN VỀ Ý ĐỒ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU HÀNH TỶ GIÁ gần đây của tôi:
SO SÁNH PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN VỚI ĐẦU TƯ TỪ TRÊN XUỐNG
Như chúng ta đã thấy, đầu tư từ dưới lên bắt đầu từ tình hình tài chính và kinh doanh của một công ty riêng lẻ, sau đó bổ sung thêm các phân tích vĩ mô.
Nhà đầu tư từ trên xuống làm ngược lại, họ sẽ xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô khác nhau để xem những yếu tố này có thể ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chung và do đó ảnh hưởng đến cổ phiếu mà họ quan tâm đầu tư. Họ sẽ phân tích GDP, mức giảm hoặc tăng lãi suất, lạm phát và giá cả hàng hoá… để cân nhắc xem liệu thị trường có thể đi đến đâu. Sau đó, họ có thể xem xét đến hiệu quả hoạt động của toàn bộ khu vực kinh tế hoặc toàn bộ nhóm ngành. Những nhà đầu tư này tin rằng nếu nhóm ngành/lĩnh vực này hoạt động tốt thì những cổ phiếu mà họ đang xem xét cũng sẽ hoạt động tốt và mang lại lợi nhuận. Những nhà đầu tư nàycũng xem xét các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp như giá dầu hoặc giá hàng hóa tăng giảm, hoặc xem xét sự thay đổi lãi suất sẽ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực nhất định như thế nào so với các lĩnh vực khác, và do đó ảnh hưởng đến các công ty trong các lĩnh vực này.
Ví dụ: giả sử giá của một mặt hàng như dầu tăng lên và công ty mà họ đang xem xét đầu tư sử dụng một lượng lớn dầu để sản xuất sản phẩm của họ. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư sẽ xem xét mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá dầu đến lợi nhuận của công ty. Vì vậy, cách tiếp cận của họ bắt đầu từ xem xét nền kinh tế vĩ mô, sau đó là ngành và sau đó mới đến bản thân các cổ phiếu. Các nhà đầu tư từ trên xuống cũng có thể chọn đầu tư vào một quốc gia hoặc khu vực nếu nền kinh tế của quốc gia đó hoạt động tốt. Ví dụ, nếu chứng khoán châu Âu đang chững lại, nhà đầu tư sẽ đứng ngoài châu Âu và thay vào đó có thể đổ tiền vào chứng khoán châu Á nếu khu vực đó đang có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Hình dưới được trích từ bài giảng TỔNG QUAN VỀ PHÂN TÍCH CƠ BẢN mà tôi vinh dự được giao nhiệm vụ đứng lớp đào tạo các đồng nghiệp mới, tôi thích gọi đó là một buổi chia sẻ hơn. Nó thể hiện một cách khái quát nhất sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận đầu tư Bottom-up và Top-down, giúp người xem dễ nhớ.
CÁC NHÀ ĐẦU TƯ THÀNH CÔNG NHẤT THẾ GIỚI ĐẦU TƯ THEO CÁCH NÀO? VÀ BẠN CHỌN CÁCH NÀO?
Trong cuốn Những bậc thầy đầu tư theo đà tăng trưởng mà tôi là người biên dịch 10 chương trong số 11 chương sách (các cộng sự đã giúp tôi tra soát kỹ càng bản dịch, dịch lại những chỗ tôi dịch ẩu, và dịch nốt phần tôi chưa dịch), tất cả 4 đại cao thủ, gồm Mark Minervini, David Ryan, Dan Zanger, Ritchie II, đều là những nhà giao dịch LỰA CHỌN DƯỚI LÊN, tức chọn công ty trước, sau đó mới xem xét vĩ mô. Mark Minervini nhận định rất chính xác: “Tôi bắt đầu từ việc nghiên cứu thị trường chung, sau đó xem xét các nhóm ngành đang dẫn sóng, và cuối cùng là tìm cổ phiếu tốt nhất trong nhóm ngành đó. Về sau, tôi nhận ra để cả nhóm ngành tăng giá mạnh trong một thị trường khỏe, các cổ phiếu tốt nhất đã tăng giá quá xa rồi. Vì thế, tôi liên tục bỏ lỡ các cổ phiếu dẫn dắt thị trường thực sự, tức cổ phiếu có những sóng tăng giá mạnh mẽ nhất. Sau đó, tôi quyết định đảo ngược toàn bộ quá trình, tức sử dụng phương pháp lọc từ dưới lên và hiệu suất đầu tư được cải thiện rõ rệt…” (Xem full lý do cả 4 đại cao thủ đều chọn bottom-up trong hình cuối bài).
William O’Neil, W. Buffet, Petter Lynch, Ed Seykota… và cực kỳ nhiều nhà đầu tư danh tiếng khác mà tôi và các bạn đã biết, đều tiếp cận theo phương pháp đầu tư TỪ DƯỚI LÊN, với trình tự chọn cổ phiếu là sử dụng phân tích cơ bản để chọn cổ phiếu mục tiêu, rồi chờ thời điểm thích hợp để giao dịch, có thể bằng cách nhìn biểu đồ giá hoặc không, tuỳ theo quy mô đầu tư và chiến lược đầu tư của từng người. Ví dụ cách mua của các tay chơi siêu lớn, như cụ Buffet, khi mua cổ phiếu cụ kết sẽ tìm thời điểm thích hợp để mua được nhiều hàng nhất có thể ở giá tốt nhất có thể, nhằm hài hoà hai mục tiêu là giá mua và khối lượng mua. Hoặc vốn dự định đầu tư không quá nhiều so với quy mô vốn hoá công ty muốn mua, có thể chờ đến khi sắp tăng giá thì mới mua, như chọn giai đoạn cổ phiếu đi ngang nhiều tuần, biên độ thắt chặt.
Bản thân tôi, một môn đồ của đầu tư CANSLIM, cũng dùng phương pháp Lựa chọn từ dưới lên là chủ yếu, tức là chọn công ty tiềm năng, sau đó chờ cổ phiếu của công ty phát triển nền giá và xuất hiện điểm mua ở giai đoạn thị trường chung phù hợp, thì tôi sẽ nhảy vào. Các phân tích vĩ mô, phân tích ngành, giá hàng hoá, tỷ giá hối đoái, phân tích ý đồ điều hành của SBV và chính phủ… chỉ đóng vai trò chất xúc tác thứ cấp để tôi tin tưởng nắm giữ cổ phiếu tiếp mỗi khi có những biến động do tình hình vĩ mô mang tới, hoặc đóng vai trò xác nhận cho quyết định bán hết rời thị trường như đỉnh tháng 4/2022, đỉnh tháng 9/2023 khi biểu đồ thị trường đang cất lên hồi chuông cảnh báo. Vì Tôi chỉ sử dụng phân tích vĩ mô làm xúc tác thứ cấp (phụ gia) cho các quyết định đầu tư, nên trình vĩ mô của tôi chỉ đủ dùng, có nhiều cái tôi chưa biết, hoặc hiểu sai, và tôi vẫn đang học hỏi thêm từng ngày. Vì vậy, khi thấy tôi phát biểu một khái niệm vĩ mô nào đó chưa chuẩn, hãy cứ cười thoải mái, vì Tôi không phải một NHÀ KINH TẾ HỌC VĨ MÔ, HAY MỘT MACRO TRADER THẦN THÁNH!
Tôi chỉ là anh kỹ sư nông dân đam mê đầu tư chứng khoán theo phong cách CANSLIM mà thôi! Nên có nhiều khái niệm không mang tính sách vở. Ví dụ, đôi khi tôi gọi tắt hành động bán tín phiếu để hút tiền về SBV là “hút tín” cho nó nhanh, hút tín là hút tiền bằng công cụ tín phiếu, chứ không thể hiểu là hút tín phiếu về SBV và bơm tiền ra hệ thống được. Bởi vì trong nghiệp vụ thị trường mở, khi nói đến bơm và hút có nghĩa là nói đến bơm hút tiền mặt vào hệ thống, những thứ khác không ai gọi bằng từ bơm và hút cả, bắt lỗi những cái này chẳng qua là bắt bẻ câu chữ theo lối khái niệm sách vở. Mà thôi, đúng sai chẳng quan trọng, tôi là anh nông dân nên tôi dùng ngôn ngữ nông dân, hiểu thì hiểu mà không hiểu thì thôi, cứ cười vô tư thoải mái :)))
Về các nhà đầu tư theo phương pháp Vĩ Mô, tức từ trên xuống (Top-Down) nổi tiếng, cũng có nhiều nhà đầu tư có tiếng, đa số là những tay chơi siêu lớn, có thể kể đến những cái tên sau:
- George Soros – Là một trong những nhà đầu tư vĩ mô nổi tiếng nhất, Soros đã kiếm được danh tiếng thông qua việc dự đoán các biến động lớn trong thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả việc “phá vỡ Ngân hàng Trung ương Anh” vào năm 1992.
- Ray Dalio – Người sáng lập Bridgewater Associates, quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới. Dalio sử dụng một phương pháp tiếp cận dựa trên các nguyên tắc kinh tế vĩ mô để đưa ra quyết định đầu tư.
- Jim Rogers – Đồng sáng lập Quantum Fund cùng với George Soros, Rogers nổi tiếng với việc đầu tư dựa trên xu hướng kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Ông cũng là một trong những nhà đầu tư hàng hóa và thị trường mới nổi hàng đầu.
- Stanley Druckenmiller – Cũng là một cựu thành viên của Quantum Fund, Druckenmiller đã phát triển sự nghiệp đầu tư của mình với những chiến lược dựa trên các dự đoán kinh tế vĩ mô, thường là với những khoản đầu tư lớn và dài hạn.
- Jeffrey Gundlach – Được mệnh danh là “vua trái phiếu mới”, Gundlach là người sáng lập DoubleLine Capital, nơi ông quản lý các quỹ tập trung vào trái phiếu và các chiến lược đầu tư khác dựa trên quan điểm vĩ mô.
- Mộ Dung Đứt – Được mệnh danh là Macro Trader giỏi nhất VN, sử dụng phân tích vĩ mô to tát trên trời để giao dịch phái sinh VN30 theo ngày, với triết lý đầu tư: Tích cực quay tay, vận may sẽ đến.
BÀI HỌC MẤU CHỐT
- Đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN là phương pháp đầu tư tập trung vào việc phân tích từng cổ phiếu riêng lẻ và KHÔNG ĐẶT NẶNG tầm quan trọng của kinh tế vĩ mô và chu kỳ thị trường (chỉ tránh đầu tư trong Thị trường gấu và thị trường điều chỉnh mạnh, xảy ra do những biến cố vĩ mô nghiêm trọng).
- Các nhà đầu tư LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN tập trung vào một công ty cụ thể và các yếu tố cơ bản của nó, trong khi các nhà đầu tư LỰA CHỌN TỪ TRÊN XUỐNG (TOP-DOWN) tập trung vào phân tích vĩ mô, bao gồm phân tích ngành và phân tích nền kinh tế.
- Các nhà đầu tư các nhà giao dịch vĩ đại đa phần đều tiếp cận bằng chiến lược LỰA CHỌN TỪ DƯỚI LÊN, và chỉ coi vĩ mô là xúc tác phụ gia, điển hình là William O’Neil, W. Buffet, Petter Lynch, Ed Seykota… và cực kỳ nhiều nhà đầu tư danh tiếng khác.
PHẦN PHỤ: LÝ DO CÁC ĐẠI CAO THỦ TRONG MOMENTUM MASTER ĐỀU CHỌN BOTTOM-UP, TỨC ĐI TỪ CHỌN CỔ PHIẾU TRƯỚC
TÀI LIỆU THAM KHẢO: BÀI VIẾT DỬ DỤNG DỮ LIỆU TỪ NHIỀU NGUỒN, NHƯ INVESTOR PEDIA, WIKI… DO THỜI GIAN CÓ HẠN NÊN KHÔNG THỐNG KÊ CHI TIẾT ĐƯỢC, SẼ THỐNG KÊ SAU KHI CÓ THỜI GIAN.