QUẢN TRỊ DANH MỤC ĐẦU TƯ
Bí quyết kiếm được số tiền lớn trên thị trường không phải là đúng 100% ở mọi lần mua, vì đó là điều không thể. Điều thực sự quan trọng là xử lý đúng cách sau khi mua, việc này gọi là Quản lý danh mục đầu tư. Việc quản lý danh mục các cổ phiếu bạn đang đầu tư cũng giống chăm sóc một khu vườn. Nếu không giữ gìn, những khóm hoa đáng yêu bạn trồng sẽ mọc um tùm cỏ dại, khiến bạn nhức đầu, mất hết hứng thú. Các cổ phiếu trong danh mục đầu tư cũng cần được theo dõi sát sao như chăm sóc vườn hoa, thậm chí còn hơn thế. Và nếu cỏ dại xuất hiện, đừng ngần ngại “nhổ tận gốc”.
Làm thế nào để phân biệt cỏ dại với hoa? Dễ lắm! Hãy để thị trường cho bạn biết. Cổ phiếu tăng giá nhiều nhất từ nơi bạn mua là hoa; cổ phiếu giảm giá nhiều nhất, hoặc tăng giá ít nhất, là cỏ dại. Giả sử bạn có 5 cổ phiếu, trong đó 1 cổ phiếu tăng 15%, 1 cổ phiếu khác tăng 7%, 1 cổ phiếu hòa vốn, 1 cổ phiếu giảm 5% và 1 cổ phiếu khác giảm 10%. Hãy bắt đầu nhổ cỏ từ vị trí cuối cùng, là cổ phiếu thua lỗ 10%.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đối với hầu hết nhà đầu tư thì không. Thật tự nhiên khi hy vọng cái cành khẳng khiu đáng thương trong góc vườn, cái thứ đang chật vật để theo kịp những cây trồng khác, sẽ sớm trở thành một khoản đầu tư thành công. Tuy nhiên, như chúng ta đã tìm hiểu, thị trường không quan tâm bạn hy vọng những gì. Thị trường chứng khoán là một sàn đấu giá, hành động giá của nó cho bạn biết rằng một hoặc nhiều cổ phiếu của bạn là món hàng khiếm khuyết. Giờ đây bạn phải chấp nhận thực tế đó, hành động theo thực tế và bước tiếp. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể giữ cho danh mục đầu tư của mình khỏe mạnh và luôn nở rộ với những cổ phiếu chiến thắng.
Các thương gia thông thái cũng tiến hành công việc kinh doanh của họ theo cách nói trên. Nếu một loại hàng hóa ế ẩm, họ sẽ hạ giá để có thể nhanh chóng bán chúng đi rồi bỏ tiền vào các loại hàng hóa đang có nhu cầu nhiều hơn. “Hàng hóa” bạn sở hữu cũng cần được giám sát như thế. Bạn nên kiểm tra hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm, để danh mục đầu tư không có những khoản thua lỗ. Làm như vậy giúp bạn thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên. Bạn không bao giờ nên có một khoản thua lỗ dài hạn trong tài khoản.
Theo thời gian, bạn sẽ biết rằng chỉ 1 hoặc 2 trong số 10 cổ phiếu bạn mua thực sự nổi bật và có khả năng tăng gấp đôi, gấp ba hoặc hơn thế nữa. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận biết được những cổ phiếu này khi bạn nhìn thấy chúng. Có một phương pháp là theo dõi cẩn thận cách cổ phiếu hoạt động trong giai đoạn đầu tăng giá. Những cổ phiếu có tiềm năng chiến thắng lớn, sau khi phá vỡ thoát khỏi các nền giá hình thành thích hợp, sẽ bắn vọt từ 20% trở lên trong 1 hoặc 2 hoặc 3 tuần. Khi điều đó xảy ra với cổ phiếu mà tôi vừa mua, tôi luôn đặt nó sang một bên và nắm giữ lâu hơn. Nói cách khác, cổ phiếu đó trở thành ngoại lệ, không áp dụng quy tắc bán và thu lợi nhuận ở mức 20 – 25%. Chẳng có gì tệ hơn việc sở hữu một “phiên bản tiếp theo” của siêu cổ phiếu như Microsoft hay Apple nhưng lại bán nó với mức lợi nhuận 20 hoặc 30%, rồi đau đớn nhìn nó tăng gấp đôi hoặc gấp ba sau đó. Bán quá sớm siêu cổ phiếu luôn khiến nhà đầu tư đau khổ.
Một chìa khóa khác để quản lý danh mục đầu tư hiệu quả cao là hiểu được mục tiêu của bạn trên thị trường không chỉ là đúng, mà là kiếm được số tiền lớn khi đúng. Để kiếm được số tiền lớn, bạn cần đầu tư tập trung và sáng suốt, mua theo phương pháp trung bình giá lên đúng đắn, thay vì đa dạng hóa vào một danh mục dài dằng dặc và khó quản lý.
Hầu như tất cả mọi người đều như bị tẩy não khi tin rằng đa dạng hóa vào một danh mục rộng, tức là chia lẻ tiền vào nhiều cổ phiếu thay vì một số ít, là bí quyết để đầu tư an toàn và thận trọng. Nhưng điều này chỉ đúng một phần. Đúng vậy, càng đa dạng hóa danh mục đầu tư, bạn càng có ít rủi ro trong bất kỳ một loại cổ phiếu nào. Nhưng cách này không thể bảo vệ bạn khỏi những đợt điều chỉnh đáng kể của thị trường chung, và chắc chắn bạn chưa nghĩ đến việc cần phải kiếm được số tiền lớn khi bạn đúng.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư, theo như tôi nghĩ, chỉ là cách phòng ngừa rủi ro cho những người thiếu kiến thức. Bạn không chắc mình nên sở hữu những cổ phiếu nào, vì vậy bạn mua rất nhiều cổ phiếu khác nhau, đều là những cổ phiếu mà bạn không biết nhiều về chúng. Bằng cách đó, những vị thế sai sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bạn như khi bạn đầu tư tập trung hơn.
Nếu bạn muốn đa dạng hóa để phòng ngừa rủi ro, có một cách tốt hơn nhiều. Khi quyết định số tiền phải đầu tư, hãy luôn đặt ra giới hạn nghiêm ngặt cho số lượng cổ phiếu bạn sẽ sở hữu trong danh mục đầu tư của mình. Sau đó, thực thi giới hạn đó bằng cách từ chối mua thêm loại cổ phiếu mới cho đến khi bạn đã bán đi một cổ phiếu trong danh mục. Nếu đã quyết định sở hữu không quá 10 cổ phiếu và bạn muốn thực hiện một giao dịch mua mới, bạn nên buộc mình phải bán những cổ phiếu kém hấp dẫn nhất trong số 10 cổ phiếu bạn có và sử dụng số tiền thu được để mua mới. Nếu không đặt giới hạn, bạn sẽ thấy rằng mặc dù chỉ dự định sở hữu 10 cổ phiếu, nhưng cuối cùng bạn sẽ có 15, 20 rồi 25 cổ phiếu. Và trước khi nhận ra, bạn đã có đầy rẫy những khóm cỏ dại trong vườn hoa của mình.
Không ai có thể hiểu cặn kẽ và theo dõi sát một loạt vài chục cổ phiếu. Qua nhiều năm, tôi nhận thấy tốt hơn hết bạn nên cho tất cả trứng vào một vài chiếc giỏ và sau đó quan sát những chiếc giỏ đó thật kỹ, biết rõ những cổ phiếu nào trong số chúng đang tiến bước, và những cổ phiếu nào đang lùi bước.
Nếu tôi chỉ sở hữu bốn cổ phiếu và thị trường chung bắt đầu đi vào một đợt suy giảm quan trọng, tôi có thể sẽ bán một trong bốn cổ phiếu vì một quy tắc bán nào đó bị kích hoạt, như quy tắc đỉnh cao trào cổ điển, hoặc quy tắc chốt lãi ở mức 20 đến 25%, hoặc quy tắc cắt lỗ. Một cổ phiếu khác có thể đã được bán vì tôi không thích cách thị trường chung hoạt động, ví dụ thị trường có quá nhiều ngày phân phối với khối lượng cao. Bằng việc bán ra 2 cổ phiếu, tôi đã có 50% tiền mặt trên con đường bảo vệ bản thân bằng cách mua bảo hiểm để tránh khả năng thị trường mất giá nghiêm trọng. Sở hữu đến cả chục cổ phiếu sẽ khiến bạn khó hành động hơn rất nhiều. Về lâu dài, bạn cần phải thực hành thói quen chỉ sở hữu 4-6 cổ phiếu tốt nhất mà thôi.
Nếu tôi rải tiền vào 50 cổ phiếu, khi thị trường quay đầu đi xuống, việc bán một hoặc hai cổ phiếu sẽ không giúp tôi bảo vệ được gì cả. Tôi hầu như vẫn đầu tư toàn bộ giá trị tài sản ròng, và sẽ phải hứng chịu toàn bộ tác động từ sự sụt giảm của thị trường chung. Hãy nhớ rằng: khi thị trường đi xuống, ba trong số bốn cổ phiếu của bạn sẽ đi xuống theo thị trường. Các nghiên cứu toàn diện lịch sử thị trường cũng cho thấy rằng nhiều cổ phiếu khi đã trải qua một đợt sụt giảm nghiêm trọng sẽ không tăng trở lại. Do đó, một nhà đầu tư có danh mục đầu tư đa dạng hóa rộng có thể kết thúc với nhiều cổ phiếu có thể từng là cổ phiếu dẫn đầu trong quá khứ, nhưng hiện tại đã trở nên lỗi thời, không còn được thị trường quan tâm. Các khoản nắm giữ này có thể bào mòn tài khoản trong nhiều năm, làm loãng hiệu suất đầu tư tổng thể mà một nhà đầu tư có thể đạt được.
Bạn cũng có thể đa dạng hóa khôn ngoan hơn bằng cách xây dựng các vị thế cổ phiếu của mình một cách thận trọng và có cân nhắc hơn. Đừng bao giờ đặt cược toàn bộ tiền vào một quyết định. Thay vào đó, hãy buộc bản thân phải thực hiện xây dựng vị thế từng phần theo thời gian, và chỉ mua thêm vị thế sau khi các khoản nắm giữ khác trong danh mục đầu tư của bạn bắt đầu có tiến triển. Bằng cách này, bạn đang đa dạng hóa theo thời gian và chỉ mua thêm khi mọi thứ diễn ra theo ý bạn. Nếu không, chẳng có lý do gì để tiếp tục bỏ thêm tiền! Bạn không bao giờ nên đầu tư toàn bộ tiền cho đến khi bạn đang kiếm được lợi nhuận và nhìn thấy một số cổ phiếu bạn sở hữu tiến bước.
Giả sử bạn có 1 tỷ đồng và quyết định bỏ phần tiền bằng nhau vào không quá 5 cổ phiếu, tức là mỗi cổ phiếu sẽ đầu tư 200 triệu. Bạn không cần giải ngân toàn bộ 200 triệu trong lần đầu tiên mua mỗi cổ phiếu. Bạn có thể giải ngân một nửa số tiền, và sau đó nếu 100 triệu ban đầu bắt đầu cho thấy hiệu quả, hãy từ từ giải ngân bổ sung số tiền còn lại cho đến khi đạt được vị thế đầy đủ 200 triệu.
Nếu bạn bán các cổ phiếu hoạt động kém nhất của mình khi thực hiện quản trị danh mục đầu tư, một phần tiền đó có thể được chuyển không chỉ vào các vị thế mới mà còn vào các cổ phiếu tốt hơn mà bạn sở hữu, nếu chúng đang ở các điểm mua mới. Theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng danh mục đầu tư đa dạng gồm 10 cổ phiếu sẽ được xén bớt lại thành 6, 7 hoặc 8 cổ phiếu. Danh mục đầu tư của bạn vẫn đa dạng, nhưng sẽ mạnh hơn vì bạn chuyển tiền từ những cổ phiếu hoạt động kém hơn sang những lựa chọn tốt hơn. Tôi gọi đây là phương pháp “vỗ béo ép buộc”. (Thông thường, tỷ lệ tốt nhất là 25% tổng tài khoản cho một vị thế, có nghĩa sở hữu 4 cổ phiếu là tốt nhất, vừa đủ để tập trung lớn để kiếm được nhiều khi đúng, vừa đủ để tránh những khoản lỗ lớn khi bạn không may chọn sai).
Chính thị trường sẽ giúp bạn trong quá trình này bằng cách phân loại danh mục đầu tư của bạn và tách thóc (những cổ phiếu tăng giá) ra khỏi vỏ trấu (những cổ phiếu không tăng giá). Bạn chỉ cần đảm bảo bản thân không tranh cãi với các quyết định của thị trường.
Có một số cách để mua bổ sung các vị thế dài hạn. Nếu bạn là một nhà đầu tư rất thận trọng, bạn có thể chỉ mua một nửa trong những lần mua đầu tiên, sau đó chờ xem liệu chúng có tăng 20 đến 25% hay không. Nếu chúng tăng 20-25%, sau đó xây dựng những nền giá hoàn toàn mới có vẻ vững trãi, bạn có thể thực hiện mua lần thứ hai, với số lượng ít hơn một chút khi chúng phá vỡ từ nền giá đó.
Các nhà đầu tư năng động hơn nên bổ sung ngay lập tức các vị thế sau lần mua đầu tiên khi cổ phiếu tăng từ 2 đến 3% so với giá mua ban đầu. Chỉ cần đảm bảo bạn mua số lượng tiền ít hơn ở lần mua thứ hai, để không làm tăng giá vốn trung bình quá nhanh. Ví dụ: nếu mua ở mức 50, sau đó cổ phiếu tăng lên 51, bạn có thể tiếp tục mua thêm, lý do chỉ đơn giản vì nó đã tăng lên 51, là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang đi đúng hướng. Nếu bạn đã mua 10.000 cổ phiếu ở lần mua đầu tiên, bạn có thể mua 6.500 cổ phiếu lần thứ hai, để giải ngân thêm một ít tiền vào một vị thế có thể đúng, số lượng ít hơn lần mua đầu. Lần mua thứ hai của tôi hầu như luôn diễn ra một cách tự động và được thực hiện ngay khi giá tăng 2 đến 3 % so với giá mua ở lần mua đầu tiên. Bằng cách đó, tôi sẽ không bao giờ bỏ lỡ việc mua thêm một cổ phiếu có tiềm năng chiến thắng. Lần mua thứ ba có thể được thực hiện sau đó với số lượng 3.500 cổ phiếu khi giá tăng lên mức 52. Nhưng đừng mua bình quân giá lên kiểu kim tự tháp nếu giá đã vượt quá 5% so với điểm mua đúng của bạn là 50. Trong trường hợp này, đừng mua khi cổ phiếu đã tăng quá 52,5 nếu không bạn sẽ có nguy cơ bị gia tăng rủi ro trong đợt giảm giá tự nhiên kế tiếp, là điều thường xuyên xảy ra.
Nếu sau lần mua đầu tiên tại mức 50, giá nhanh chóng giảm xuống còn 48, hãy bỏ nó lại đó. Đừng mua thêm với lý do cổ phiếu đang rẻ hơn. Làm như vậy có nghĩa là bạn đang tranh cãi với thị trường, bạn tuyên bố rằng thị trường đang sai. Như tôi đã nói trước đây, chống lại thị trường là hành động dại dột, tiềm ẩn nguy hiểm.
Sẽ luôn có những trường hợp cổ phiếu tăng từ 50 lên 51, sau đó lao dốc rồi cuối cùng sụp đổ. Nhưng đó chỉ là thiểu số, còn xét về lâu dài, phương pháp mua thêm vị thế ở cổ phiếu tăng giá có hiệu quả tốt hơn, giúp bạn đầu tư nhiều tiền hơn vào những cổ phiếu bạn có thể đúng, và đầu tư ít tiền hơn vào những cổ phiếu có thể sai. Hãy luôn tăng thêm tiền cho những cổ phiếu hiệu quả và cắt giảm những cổ phiếu không hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp mua kim tự tháp chỉ áp dụng trong thị trường bò tót. Phương pháp này hoàn toàn không hoạt động tốt trong thị trường gấu, vì trong thị trường gấu hầu như mọi điểm mua phá vỡ hay những đợt phục hồi đều thất bại.
Trong thị trường gấu, bạn chủ yếu nên giữ tiền mặt. Khi xu hướng tăng được xác nhận, hãy quay lại thị trường bằng cách giải ngân từng phần, và nếu những lần đầu giải ngân hiệu quả bạn mới giải ngân tiếp. Nếu giải ngân một vài lần đầu mà bị thua lỗ, các quy tắc bán dừng lỗ sẽ đẩy bạn ra mà không phải chịu tổn hại lớn.
Có một điều khác cần cân nhắc khi quản lý danh mục đầu tư, đó là bạn nên dành bao nhiêu tỷ trọng cho cổ phiếu trong một nhóm ngành hoặc một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, tỷ trọng bao nhiêu cho cổ phiếu ngành công nghệ, bao nhiêu cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao nhiêu cho bán lẻ? Bạn không nên đầu tư quá nhiều vào bất kỳ nhóm nào, bởi vì bạn sẽ bị tổn thương nếu nhóm đó đột nhiên không còn được ưa chuộng hay bị điều chỉnh mạnh. Giống như việc xác định số lượng cổ phiếu riêng lẻ bạn sẽ sở hữu trong danh mục đầu tư của mình, bạn nên đặt giới hạn về tỷ trọng đầu tư vào một ngành đơn lẻ.
Giới hạn của tôi là khá cao từ 50% đến 60% cho một ngành. Nhưng tôi là người đã có kinh nghiệm đầu tư nhiều năm. Hầu hết mọi người có lẽ nên đặt giới hạn thấp hơn. Tôi biết bạn đang nghĩ gì: việc phân bổ vốn vào nhiều nhóm ngành thế này là đi ngược lại với khái niệm về đầu tư tập trung mà chúng ta mới nói vài phút trước, vốn là chìa khóa để kiếm tiền lớn khi bạn đúng. Và thực sự là như vậy. Nhưng ở đây, tôi nói một lần nữa, bạn có thể đưa ra các ngoại lệ nếu bạn có kinh nghiệm, biết mình đang làm gì và luôn sẵn sàng thực hiện các kỷ luật bán nghiêm ngặt để bảo vệ bản thân.
Nếu bạn sở hữu những cổ phiếu tốt nhất trong nhóm ngành tốt nhất và nếu bạn là người đi đầu với một khoản tiền lãi ngọt ngào trong những cổ phiếu đó, thì không có gì sai khi nâng tỷ trọng lên 50% hoặc 60% trong một lĩnh vực. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thể xử lý được khi đầu tư tập trung nhiều như vậy vào một nhóm ngành. Bạn phải nhanh chân vì về cơ bản bạn có nhiều rủi ro hơn. Bởi vậy, tỷ trọng đầu tư giới hạn điển hình cho một ngành có lẽ nên là 25 đến 30%. Bạn có thể bị tổn thương nặng nếu đầu tư quá tập trung vào một lĩnh vực, hoặc tệ hơn nữa là sở hữu chúng bằng tiền vay ký quỹ.
Một nguyên tắc đã được đề cập là: đừng bao giờ mua trung bình giá xuống với bất kỳ cổ phiếu nào trong danh mục đầu tư của bạn. Nếu bạn mua một cổ phiếu với giá 50 và nó giảm về 45, đừng bao giờ mua thêm. Vâng, đôi khi bạn sẽ tháo chạy khỏi cổ phiếu này, nhưng thỉnh thoảng bạn sẽ mua thêm để trung bình giá xuống. Về lâu dài, cách mua trung bình giá xuống này sẽ chống lại bạn, và bị tổn thương nặng nề chỉ là điều sớm muộn.
Hãy cảnh giác với bất kỳ nhà môi giới nào khuyên bạn mua thêm một cổ phiếu đã giảm giá so với giá mua ban đầu; về bản chất, nhà môi giới này đang bảo bạn ném tiền qua cửa sổ. Hãy tìm một nhà môi giới khác thông minh hơn. Ở đây, một lần nữa, bản chất con người đang chi phối cuộc chơi. Sẽ dễ dàng hơn khi nói với bạn rằng cổ phiếu mà họ đã giới thiệu giờ đây là một món hàng thậm chí còn tốt hơn để mua, vì giá rẻ hơn, trong khi đáng ra họ phải thừa nhận sai lầm và khuyên bạn phải bán để cắt lỗ. Ngay cả những người môi giới biết rõ điều này cũng sẽ gặp khó khăn khi nói ra, vì đó là điều cuối cùng mà khách hàng của họ muốn nghe. Các chuyên gia giỏi nhất đều mua trung bình giá lên, chứ không mua trung bình giá xuống.
Đừng bao giờ mua một cổ phiếu trên đường đi xuống, đừng bao giờ trung bình giá xuống. Hãy nhanh chóng cắt bỏ tất cả các vị thế thua lỗ… Nếu không, bạn hoàn toàn có thể lỗ nặng với tỷ lệ mất mát có thể lên tới 50-90%.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa trung bình giá xuống với việc mua gia tăng các cổ phiếu trong những lần kéo ngược sau khi chúng đã tăng lên một chút. Ví dụ, bạn mua một cổ phiếu khi nó rời khỏi nền giá thích hợp tại mức 50, sau đó cổ phiếu tăng lên, chẳng hạn như mức 57, rồi kéo ngược trở lại mức 53 hoặc 54, về đường trung bình động 10 tuần, kế đó cổ phiểu bật tăng lên từ đường 10 tuần với khối lượng tăng mạnh mẽ, bạn mua thêm ngay tại thời điểm này. Cách mua thêm này là trung bình giá lên chứ không phải là trung bình giá xuống (lần mua đầu tiên của bạn là 50). Chỉ cần nhớ rằng: không bao giờ bỏ thêm nhiều tiền hơn vào thứ gì đó trừ khi khoản tiền đầu tiên có hiệu quả. Nói chung, bạn có thể mua gia tăng tỷ trọng một công ty dẫn đầu thị trường xuất sắc trong hai lần kéo ngược đầu tiên về đường trung bình động 10 tuần, sau khi đã mua tại điểm mua phá vỡ nền giá.
Một nguyên tắc chắc chắn khác để quản lý danh mục đầu tư chuyên nghiệp là tránh những cổ phiếu được bán với giá rất thấp hoặc được giao dịch với thanh khoản rất mỏng (khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày thấp). Luôn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng theo nguyên tắc chung, mọi thứ đều được bán đúng với giá trị của nó vào thời điểm đó. Một cổ phiếu đang giao dịch ở mức 20 đáng giá 20, một cổ phiếu giao dịch ở giá 10 đáng giá 10, và một cổ phiếu đang giao dịch ở giá 5 đáng giá 5. Xác suất để hầu hết các cổ phiếu giá rẻ đang được bán ở mức 2 hoặc 5 tăng giá lên rất nhiều là thấp. Nó giảm về mức giá đó vì có gì đó không ổn với nó ngay từ đầu. Ngược lại, cổ phiếu đang giao dịch ở giá 50, 75 hoặc 100 được bán ở mức giá đó vì nó thành công hơn. Và trong điều kiện thị trường bò tót, khả năng để những cổ phiếu này tiếp tục tăng giá là cao hơn.
Thông thường, các tổ chức lớn không thể xây dựng những vị thế hàng triệu cổ phần trong các cổ phiếu giá 2. Họ có tổng số tiền lớn để đầu tư, và họ không thích tham gia vào các cổ phiếu chất lượng thấp hơn, là những cổ phiếu có tính thị trường kém và có mức bảo trợ của các tổ chức thấp. Nếu bạn sở hữu một cổ phiếu trị giá 2 hoặc 5, bạn sẽ bán nó cho ai khi có sự cố? Không có nhiều tay chơi chuyên nghiệp xung quanh sẵn sàng mua những cổ phiếu trong danh mục đó. Những gì bạn muốn đằng sau các công ty của mình là hoạt động mua của những thế lực chuyên nghiệp quy mô lớn, có hiểu biết và có sự bảo trợ mạnh mẽ bởi các tổ chức. Và bạn sẽ nhận được điều đó chủ yếu trong các cổ phiếu chất lượng cao, được định giá cao hơn. Bạn phải tìm kiếm công ty tốt nhất trong một ngành, chứ không phải công ty tệ nhất.
Nhiều người có kinh nghiệm lâu năm đặt ra quy tắc không bao giờ mua cổ phiếu dưới 20. Bạn hoàn toàn có thể mua cả các cổ phiếu giá dưới 10, nhưng đòi hỏi phải thẩm định kỹ càng, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Nhìn chung, nên tránh những cổ phiếu chất lượng thấp, giá rẻ. Việc loại bỏ các cổ phiếu giá thấp giúp bạn tiết kiệm thời gian quý báu khi kiểm tra các danh sách các cổ phiếu chính quan trọng hơn.
Bản tính con người khiến bạn cho rằng nếu giao dịch cổ phiếu giá thấp bạn có thể mua nhiều cổ phiếu hơn và kiếm được nhiều tiền nhanh chóng. Hầu hết các nhà đầu tư nghiệp dư hoặc các nhà đầu tư mới đều nghĩ theo cách này. Nhưng suy nghĩ này chỉ đơn giản là không đúng sự thật. Những gì bạn thực sự đang giao dịch là những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, không có nội tại vững vàng, và ít khi có sự bảo trợ của các tổ chức. Vì vậy, xác suất để bạn đầu tư thành công bền vững dài hạn là thấp hơn, và nguy cơ thua lỗ lớn cao hơn. Tôi đã thấy nhiều người thông minh, nhưng sự thông minh của họ không giúp họ nhận ra hoặc phá vỡ thói quen cờ bạc tồi tệ này.
Đừng nghĩ về số lượng cổ phiếu bạn có thể mua, mà hãy nghĩ: “Tôi có rất nhiều tiền để đầu tư, và tôi sẽ đặt số tiền đó vào những khoản đầu tư tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy.” Các khoản đầu tư tốt nhất thường không có giá dưới mệnh giá, chính xác là thường không dưới 20. Và nếu đã không mua cổ phiếu giá 5, bạn chắc chắn nên tránh đầu tư những cổ phiếu giá thấp hơn. Chúng thậm chí còn rất rất rất tệ.
Hãy đầu tư số tiền mồ hôi nước mắt của bạn vào những cổ phiếu tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy, với bất kỳ số lượng cổ phần nào bạn có thể mua được. Nếu bạn chỉ đủ tiền để mua 100 hoặc 200 cổ phần, hãy cứ mua chừng đó.
Bạn cũng không cần nhiều tiền để bắt đầu tham gia thị trường. Theo thời gian, bạn có thể bỏ thêm vốn vào những khoản đầu tư của mình, giống như khi gửi tiết kiệm. Và khi bạn học được cách đầu tư tốt hơn thông qua đọc và nghiên cứu, tiền vốn của bạn sẽ tăng lên theo thời gian. Tôi cũng khuyên bạn không nên cố gắng làm giàu nhanh chóng bằng cách giao dịch vô độ chứng quyền hoặc hợp đồng phái sinh. Những công cụ này có đòn bẩy quá cao, và việc chú trọng quá mức hoặc giao dịch vô tội vạ những thứ này sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ lớn.
Một khái niệm quan trọng khác được quảng bá rộng rãi, tương tự như đa dạng hóa danh mục đầu tư, gọi là phân bổ tài sản. Cách làm này thoạt nghe có vẻ mang lại sự an toàn và thận trọng, nhưng thực tế không thể tạo cho bạn được mức lợi nhuận tối ưu, nên không thể coi là một cách để quản trị danh mục đầu tư. Đúng vậy, mọi người đều phải xác định rõ họ cần chi bao nhiêu tiền cho cuộc sống, bao nhiêu cho những trường hợp khẩn cấp, cần tiết kiệm bao nhiêu và sẽ đầu tư bao nhiêu. Và sau đó, từ “ổ trứng” dùng để đầu tư này, họ lại phải tính toán bao nhiêu sẽ đầu tư vào cổ phiếu.
Nhưng nhiều nhà đầu tư, với sự thúc giục của các cố vấn tài chính, đã đi quá xa. Họ sẽ xác định tỷ lệ bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư được phân bổ cho cổ phiếu thường, bao nhiêu cho trái phiếu, bao nhiêu cho cổ phiếu quốc tế, bao nhiêu cho vàng, vân vân và vân vân. Ở đây, một lần nữa, mục đích lại là đa dạng hóa rộng: bạn càng đầu tư vào nhiều loại tài sản, bạn càng an toàn. Nếu bạn là người rất, rất thận trọng, thì điều này có giá trị. Nhưng phân bổ tài sản theo cách này chắc chắn dẫn đến một cái kết tất yếu là hiệu quả sinh lời tổng thể rất tầm thường. Nếu bạn sử dụng các quy tắc bán đã được thực tế chứng minh để giảm rủi ro cho danh mục đầu tư ở những thời điểm thích hợp, tôi thấy có rất ít lý do để phân bổ vốn đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp hoặc các quỹ trái phiếu.
Phân bổ tài sản chắc chắn phải có, miễn là giới hạn chủ yếu ở các cổ phiếu phổ thông và tiền mặt. Nói cách khác, phân bổ tài sản phải thực hiện một cách đơn giản. Bạn có được sự bảo vệ trong giai đoạn thị trường xấu nhờ bán cổ phiếu phổ thông và chuyển trở lại tiền mặt. Sự bảo vệ không đến từ việc giảm tỷ trọng từ 55% cổ phiếu xuống 50% và tăng vị thế trái phiếu lên 5 hoặc 10%. Các nhà đầu tư theo chiến lược phân bổ tài sản cũng có thể gặp rủi ro từ việc tăng hoặc giảm phân bổ quá muộn hoặc sai thời điểm. Bên cạnh đó, phân bổ không đảm bảo chống lại thua lỗ trong thị trường gấu: nếu bạn đang sở hữu 70% cổ phiếu, bạn cắt giảm phân bổ xuống còn 60%, và bạn đang ở trong một thị trường gấu khủng khiếp, bạn vẫn có thể thua lỗ nặng nề, bởi vì tỷ trọng thay đổi là quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể. Các nhà đầu tư cũng có thể sai lầm khi giảm phân bổ vốn đầu tư vào cuối thị trường gấu, rồi chuyển nhiều tiền hơn vào trái phiếu, sau đó không quay trở lại cổ phiếu kịp thời khi thị trường chắc chắn đã chạm đáy và bắt đầu một xu hướng tăng mới. Do đó, một nhà phân bổ phải đưa ra hai quyết định chính xác: khi nào lùi bước và khi nào trở lại.
Hơn nữa, một số khoản đầu tư có thể hoạt động kém hiệu quả ngay cả trong thời kỳ thị trường chứng khoán tăng giá. Ví dụ như Vàng, vàng là thứ sẽ chẳng đi đến đâu trong nhiều năm thị trường chứng khoán bùng nổ, vàng chỉ tạo được một đợt tăng giá mạnh khi thị trường gấu ngắn ngủi dịch chuyển, sau đó nằm im, và người ta lại biện minh rằng đây là loại tài sản phải sở hữu lâu dài.
Cũng giống như đa dạng hóa, phân bổ tài sản quá mức là cách phòng ngừa rủi ro của những người thiếu hiểu biết. Trong trường hợp này là sự thiếu hiểu biết về cách đầu tư đúng đắn. Nhưng nó cung cấp cho một số nhà cố vấn tài chính lý do để thực hiện các điều chỉnh trong tài khoản với hy vọng cải thiện kết quả hoặc bảo vệ thành quả, và lý do này được người ta chấp nhận rộng rãi. Việc phân bổ tài sản mà họ đề xuất có luôn mang lại hiệu quả cho hầu hết các nhà đầu tư hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm thực tế của người cố vấn được công ty tư vấn đầu tư tuyển dụng.
Tuy nhiên, đừng nhẫm lẫn, quản lý một danh mục cổ phiếu phổ thông với tính tập trung cao hơn đòi hỏi phải có kỷ luật và kỹ năng. Bạn phải giữ tỷ lệ lãi/lỗ ở mức 3 trên 1 bằng cách cắt lỗ ở mức 7% đến 8%, và thường xuyên chốt lãi một số vị thế sinh lời ở mức 20% đến 25%, đồng thời phải nhận ra và nắm giữ một số cổ phiếu chiến thắng thực sự trong thời gian lâu hơn theo quy tắc 8 tuần. Thực hiện được những quy tắc này đòi hỏi bạn phải kiên trì. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ bị thua lỗ, và cổ phiếu đột ngột giảm 15% hoặc 20% so với giá vốn. Khi điều này xảy ra, việc bán cổ phiếu đó càng trở nên cấp bách hơn. Sự đổ vỡ quá mức và bất ngờ dẫn đến tỷ lệ thua lỗ bất thường có thể báo hiệu công ty đó có lẽ đang gặp rắc rối thực sự nghiêm trọng.
Tôi đề cập đến điều này bởi vì một khi nó xảy ra, nhiều người bị cóng tâm lý. Họ quyết định sẽ đợi cổ phiếu tăng trở lại để có thể bán tại nơi đáng lẽ họ phải bán ngay từ đầu. Hoặc họ sẽ nghĩ cổ phiếu đã xuống quá nhiều nên không thể giảm được nữa, hoặc sự mất mát xảy ra quá nhanh và quá lớn khiến họ không muốn chấp nhận. Dù thế nào đi nữa, họ cũng không hiểu được sự thật là cổ phiếu càng giảm nhiều bao nhiêu, thì càng có nhiều lý do để bán trước khi nó gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn nữa. Một ngọn lửa trại nhỏ nếu không được dập tắt có thể trở thành một trận cháy rừng tàn khốc.
Có một điểm nữa cần chú ý. Đó là mỗi khi bạn quyết định mua hoặc bán một cổ phiếu, hãy thực hiện theo giá thị trường, nghĩa là mua hoặc bán với bất kỳ giá nào mà cổ phiếu đang giao dịch vào thời điểm đó. Nếu sử dụng lệnh giới hạn ấn định giá bán hoặc giá mua ở một mức cụ thể, sẽ có ngày bạn bị bỏ rơi, tức là không khớp được lệnh, và do đó không thoát được khỏi thứ bạn muốn bán hoặc không sở hữu được cổ phiếu bạn muốn mua. Bạn không đầu tư để vắt lấy từng giọt lãi nhỏ nhoi. Bạn đang đầu tư để kỳ vọng mức lãi tiềm năng lớn hơn thế nhiều.
Trung thực, đạo đức và khiêm tốn là những phẩm chất quan trọng hơn nhiều đối với nhà đầu tư thành công. Cái tôi lớn hay chỉ số IQ cao chẳng giúp ích được gì. Bạn phải luôn sẵn sàng phân tích, thảo luận và thừa nhận nhiều sai lầm của mình trên thị trường. Đó thực sự là cách tất cả chúng ta học hỏi và thông minh hơn. Đó cũng có thể là lý do tại sao phụ nữ đầu tư tốt như nam giới, hoặc đôi khi tốt hơn cả nam giới. Họ dường như ít bướng bỉnh hơn, cái tôi nhỏ hơn, và dễ tiếp thu hơn khi đọc và học các phương pháp đầu tư đúng đắn hơn.
Sau nhiều năm, tôi đã kết luận rằng lựa chọn cổ phiếu thành công phụ thuộc 60 đến 65% vào sự hiểu biết mọi yếu tố cơ bản chủ chốt về một công ty và ngành của nó, 35 đến 40% phụ thuộc vào hiểu biết về biểu đồ và hành động thị trường. Tất cả những cổ phiếu chiến thắng tốt nhất của tôi trong những năm qua đều có sự gia tăng lớn về lợi nhuận và doanh số bán hàng, biên lợi nhuận mạnh mẽ, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao. Vào thời điểm đó, chúng là những công ty hàng đầu trong ngành theo các phép đo cơ bản đó, và hầu như tất cả đều được bán với tỷ lệ PE cao hơn bình thường. Ban đầu tôi có thể bị biểu đồ hoặc hành động thị trường của nhiều cổ phiếu trong số chúng thu hút, nhưng chúng sẽ không bao giờ hoạt động tốt như vậy nếu không sở hữu các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ cần thiết, sự bảo trợ của tổ chức và các sản phẩm hoặc dịch vụ mới mang tính cách mạng.
Mọi nỗ lực và cố gắng mà bạn bỏ ra đều sẽ luôn được đền đáp. Tất cả những chi tiết quan trọng bạn học được bằng cách nghiên cứu và quan sát lặp đi lặp lại sẽ giúp bạn bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng, tạo ra sự thành công khác biệt trong thế giới đầu tư.
Khi đã lựa chọn đúng cổ phiếu và xác định đúng thời điểm mua, bạn sẽ thấy cổ phiếu của mình tăng ngay sau lần mua ban đầu, cung cấp cho bạn tấm đệm. Một tấm đệm tốt cho phép bạn có lợi nhuận để thực hiện một vài lần mua tiếp theo sau lần mua đầu tiên.
Để trở thành một nhà đầu tư thành công, bạn cần phải làm bài tập về nhà và đánh giá càng nhiều thông tin liên quan càng tốt. Bằng cách đó, bạn sẽ tự tin hơn vào khả năng của chính mình, và bạn sẽ không còn bị dao động bởi ý kiến của người khác, bất kể những ý kiến đó đanh thép hay được chấp nhận rộng rãi như thế nào, bất kể nó đến từ từ nguồn hoặc phương tiện nào .
Sẽ có hàng chục cổ phiếu dẫn dắt thị trường mới tuyệt vời trong mọi thị trường bò tót trong tương lai. Cơ hội sẽ là không giới hạn, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào bạn. Nắm bắt được các cơ hội đó không phải là dễ dàng, bởi vì bạn cần phải đọc đi đọc lại để hiểu được tất cả. Lặp đi lặp lại là cách bạn học bất kỳ kỹ năng mới nào – và đầu tư thành công là kỹ năng bạn có thể học nếu bạn có mong muốn cháy bỏng cho đến khi bạn thành công. Chứng khoán thực sự là vùng đất của cơ hội cho tất cả mọi người.