Sản xuất công nghiệp tháng Tư tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực: Chỉ số sản xuất của ngành Chế Biến – Chế tạo tăng mạnh 7%
“Sản xuất công nghiệp tháng Tư tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.“
Các bên đều hân hoan nhận định Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Tư tăng trưởng tích cực, với những nội dung đại loại như trích dẫn ở trên. Nhưng có ý kiến lại cho rằng số liệu như vậy là kém sáng. Rốt cục là sao?
Trên thực tế anh em công tác ở các ngành đều thông báo năm nay công ăn việc làm rất tốt, đơn hàng rất nhiều. Như vậy, Chỉ số IIP phải rất tích cực thì mới đúng. Nhưng số liệu chỉ số IIP tháng 4 đúng là hơi gây thất vọng thật, nó không khớp với thực tế đang diễn ra là năm nay đơn hàng xuất khẩu về rất tốt, việc làm rất nhiều, nên lẽ ra số liệu chỉ số IIP lẽ ra phải tốt hơn nhiều. Vậy, nguyên do dẫn đến số trên giấy không phù hợp tình hình thực tế là do đâu? Muốn biết, cần tiến hành bóc tách từng chỉ số thành phần để tìm xem vấn đề nằm ở chỗ nào.
Kết quả tra cứu và bóc tách số liệu (Bảng 1 và 2) cho thấy rằng chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng liên tục đi lùi các tháng gần đây (tô màu đỏ trong hai bảng). Cụ thể, tháng 3/2024 chỉ số ngành khai khoáng chỉ đạt 92.2%, tụt rất thảm. Sang tháng 4 số liệu ngành khai khoáng tiếp tục thê thảm khi chỉ bằng 96% của mức nền thấp tháng 3 mà thôi, và chỉ bằng 93.2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất của nhóm khai khoáng thấp là rất bình thường vì tài nguyên dầu mỏ, than… nước ta hiện tại không còn nhiều trữ lượng, đang phải đẩy mạnh khai thác các mỏ mới bù đắp trữ lượng; trong khi các tài nguyên khoáng sản để sản xuất các kim loại công nghiệp và những loại khoáng sản liên quan khác sẽ tăng trưởng tốt ở giữa chu kỳ kinh tế trở đi chứ không phải ở giai đoạn đầu chu kỳ này. Vì vậy, việc chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tụt mạnh giai đoạn này là điều hoàn toàn bình thường, không hề phản ánh thực trạng chung của nền kinh tế.
Trái lại với khai khoáng, chỉ số sản xuất của ngành chế biến – chế tạo lại vô cùng sáng (tô màu xanh trong bảng 1 và 2). Ngành Chế biến – Chế tạo gồm các lĩnh vực chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của công nghiệp Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam. Công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế. Đứng về quy mô, ngành công nghiệp này đóng góp tới hơn 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo ra doanh thu mỗi năm hơn 8 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với hoạt động nông nghiệp, bán buôn bán lẻ, hay khoáng sản, Vì thế, trong các chỉ số thành phần cấu tạo nên Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), chỉ có chỉ số sản xuất của ngành chế biến – chế tạo là quan trọng và cần xem xét, chứ không phải ngành Khai Khoáng, không phải ngành điện – khí đốt, càng không phải ngành quản lý và xử lý rác thải – nước thải.
Theo hai bảng số liệu, tại phần tô màu xanh, ta thấy Chỉ số sản xuất của ngành Chế Biến – Chế tạo trong tháng Ba chỉ đạt mức tăng trưởng 4.6% so với cùng kỳ, còn tháng Tư thì tăng tới 7% so với cùng kỳ. Đồng thời, Chỉ số sản xuất của ngành Chế Biến – Chế tạo trong tháng Tư tăng tới 1.1% so với tháng ba. Đây là những dữ liệu cho thấy sản xuất hàng hoá xuất khẩu càng ngày càng tốt lên, phải nói tháng Tư là tháng cực kỳ tốt, tháng Năm sẽ còn tốt hơn, càng về cuối năm càng tốt hơn nữa. Số liệu chỉ số sản xuất tháng Tư thực tế là không hề kém sáng, mà là vô cùng sáng. Bảng 3 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến chế tạo vào quý 1 hàng năm từ 2020 đến 2024 chỉ tăng cao nhất là 7-8% mà thôi, và mức tăng 7% của tháng 4 vừa rồi là ở mức cao so với cùng kỳ năm trước và so với các tháng từ đầu năm 2024 tới hết tháng 3/2024.
Nếu như không tiếp xúc với thực tế anh em công tác trong các ngành sản xuất hàng hoá xuất khẩu và nắm được tình hình thực tế, cũng như đã nghiên cứu kỹ dữ liệu đơn hàng các ngành sản xuất hàng xuất khẩu từ trước, thì khi nghe nói IIP tháng 4 không sáng, tôi cũng chẳng bóc tách từng chỉ số thành phần trong IIP làm gì. Nhưng tình hình thực tế việc làm và đơn hàng xuất khẩu đang quá tốt như hiện tại, thậm chí những ngành lẽ ra phải đang rất kém như xây dựng dân dụng mà anh em thầu phụ còn báo năm nay đầy việc làm, kinh tế năm nay rõ ràng cực tốt so với trước đó, nên nghe IIP kém tôi đoán ngay chỉ số thành phần nào đó kéo tụt số chung. Quả không ngoài dự liệu.
Bảng 1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2024
Nguồn: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2024/04/IIP-vie.xlsx
Bảng 2. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2024
Bảng 3. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến chế tạo nói riêng và toàn ngành công nghiệp (IIP) nói chung trong quý I các năm 2020-2024
Nguồn: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/04/tinh-hinh-san-xuat-cong-nghiep-quy-i-trong-cac-nam-2020-2024/
THAM KHẢO
1/ CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP THÁNG 4 NĂM 2024
https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/04/chi-so-san-xuat-cong-nghiep-thang-4-nam-2024/
Sản xuất công nghiệp tháng Tư tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 11,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,8%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,7%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.
2/ CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP THÁNG 3 NĂM 2024
https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/03/chi-so-san-xuat-cong-nghiep-thang-3-nam-2024/
Tính chung quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,1% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,1%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,6%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,1% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.