“SBV chào bán tín phiếu sẽ làm thị trường sập mạnh” – Một lầm tưởng tai hại
SBV chính thức đăng tin chào thầu bán tín phiếu cuối phiên giao dịch ngày 11/3 đã đẩy thị trường đi tiếp vào trạng thái giảm điểm. Trước đó tin đồn đã xuất hiện vào đầu phiên GD thứ 6 tuần trước khiến cho thị trường giảm 21.11 điểm với khối lượng bán rất cao, đạt 1.3 tỷ đơn vị. Mặc dù tin bán tín phiếu chính thức công bố nhưng điểm tích cực là biên độ giảm là không nhiều, chỉ giảm -11.86 điểm, trong khi khối lượng giao dịch cũng thu hẹp rất nhiều, chỉ còn 923 triệu đơn vị (giảm vol 29.5%), trong khi nhiều cổ phiếu sản xuất và bất động sản công nghiệp cũng như nhiều cổ phiếu họ viettel và một số cổ phiếu bán lẻ vẫn tăng giá, thậm chí tăng rất mạnh. Những điều này cho thấy là thị trường vẫn vững vàng. Nhìn thuần tuý hành động của Vnindex, ta thấy rằng thị trường đón nhận thông tin này một cách khá bình thường, bình thản, không hề thấy hiện tượng bán tháo mạnh mẽ trong phiên ATC, đây là một điểm rất quan trọng cho thấy tình trạng sức khoẻ của thị trường là tốt.
Chỉ đơn thuần tư duy logic thì giai đoạn đầu năm khi mà kinh tế đang bắt đầu tốt lên thì SBV sẽ phải duy trì các chính sách hỗ trợ kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm. Chuyện chào bán tín phiếu này không đồng nghĩa với thắt chặt chính sách tiền tệ. Nó chỉ là mang ý nghĩa là tạm thời hút bớt tiền thừa ở các ngân hàng đang có tình trạng tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng, dẫn đến thừa nguồn, từ đó điều chỉnh giảm tỷ giá. Việc hút tín phiếu chỉ đáng lo khi khối lượng bán là rất lớn có nguy cơ tác động làm tăng lãi suất cho vay tiêu dùng, doanh nghiệp. Còn khi lượng bán không đủ độ lớn thì không ảnh hưởng làm tăng lãi suất cho vay, không hề ảnh hưởng đến chính sách nới lỏng tiền tệ lãi suất thấp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó ko ảnh hưởng thị trường chứng khoán. Quan sát phản ứng của thị trường, thấy rằng từ lúc ra tin chính thức là trước phiên ATC tầm 15 20 phút thì lúc sau thị trường mở rộng điểm giảm, nhưng vào ATC lại không thấy đẩy mạnh đà bán mà cầu mua vẫn mua, bán thì không thấy gấp, biên độ giảm và khối lượng bán đều thu hẹp mạnh, nhiều nhóm cổ phiếu vẫn tăng rất tốt, thống kê giao dịch cho thấy tự doanh, quỹ vẫn mua ròng >> ảnh hưởng của việc hút tín phiếu này sẽ không còn nhiều, có thể chỉ giảm thêm chút ít nữa rồi ổn định trở lại.
Lật lại đợt hút tín phiếu mạnh vào đầu năm 2023, diễn ra từ tháng 2 đến 15 tháng 3, cơ quan quản lý tiền tệ đã liên tục hút ròng thanh khoản hệ thống qua kênh tín phiếu 7 ngày và 91 ngày. Tổng cộng, NHNN đã hút ròng lên tới 210.000 tỷ đồng trong giai đoạn đó. Trong đó, riêng lượng rút ròng qua tín phiếu 91 ngày lên tới hơn 90.000 tỷ đồng; và số tiền này đến giữa tháng 5 và đầu tháng 6 mới được trả lại thị trường (chi tiết xem link bên dưới). Giai đoạn này thị trường chỉ đi ngang biên độ hẹp, sau đó là sóng tăng mạnh tới tận đầu tháng 9. >> Đây là tấm phao nhắc bài quan trọng để chúng ta hiểu rõ rằng không phải cứ hút tín phiếu thì thị trường sẽ sập, mà còn tuỳ thuộc lượng hút là bao nhiêu, và có gây ảnh hưởng đến lãi suất cho vay hay không. Theo logic thì đầu năm phải ưu tiên kích thích nên chính sách tiền tệ chủ đạo vẫn là nới lỏng kích thích tiêu dùng và kích thích vay sản xuất. Bên cạnh đó, cầu tín dụng đang ấm lên cũng sẽ giúp hấp thục bớt tiền thừa đi. Cả hai điều này đều gợi ý rằng khả năng lần này SBV sẽ hút không nhiều. Biểu đồ tỷ giá đô la/VND cũng đã hạ nhiệt từ vài phiên trước khi SBV chào bán tín phiếu rồi, gợi ý là áp lực tỷ giá cũng đã hạ nhiệt trước đó, hành động của SBV giống như đổ thêm dầu vào lửa để tỷ giá tụt nhanh hơn.
Chi tiết đơn bán tín phiếu chân sóng đầu năm 2023 xem tại link ở đây
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BSC cũng rất nhanh chân khi làm 1 bảng thống kê các lần chào bán tín phiếu của SBV từ 2018 đến hết 2023. Kết quả từ bảng bên dưới và xem lại xu hướng thị trường giai đoạn tương ứng, ta thấy việc SBV hút tín phiếu không có mối tương quan với các đợt thị trường giảm mạnh. Hầu hết chúng ta chỉ thực sự quan tâm đến việc chào bán tín phiếu của SBV sau cú hút ròng tháng 9 và 10 năm 2023, khi mà thị trường sập mạnh sau khi SBV hút lượng tín phiếu lớn. Thực tế, con sóng năm 2023 là con sóng tăng giá đồng loạt, nóng bỏng, do thị trường sập sâu năm 2022 làm giá cổ phiếu rất rẻ và chủ các doanh nghiệp phải ôm lại rất nhiều, đồng thời tiền bị nghẽn không biết ngày nào mới ra được nền kinh tế, hai điều này đã kích hoạt một con sóng đầu cơ khổng lồ. Vào giai đoạn đó, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là BDS có nhu cầu rút lượng lớn tiền qua kênh chứng khoán để đảo nợ và dàn xếp các khoản nợ, nên họ bán ra rất nhiều, khiến thị trường mỏng manh dễ vỡ. Con sóng lúc đó cũng chỉ là sóng đầu cơ tiền rẻ, không hề có ảnh sáng tăng trưởng cuối đường hầm như bây giờ, nên lại càng dễ vỡ, vì thiếu niềm tin bền vững vào triển vọng kinh tế và triển vọng thị trường dài hạn. Nên khi SBV hút mạnh tín phiếu sau khi thị trường đạt đỉnh khi đó là thị trường sập ngoài cả sức tưởng tượng. Điều này gây ra lầm tưởng rằng cứ có chào bán tín phiếu thì thị trường sẽ sập, đây là một cái lầm tưởng khá tai hại.
Kết luận: Anh chị đang cầm hàng tốt thì cứ ôm tiếp, không cần để ý đến việc SBV hút tín phiếu, vì khả năng cao SBV chỉ hút vài chục nghìn tỷ chứ không hút nhiều, chỉ đủ để giảm tỷ giá, chứ không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Hàng tốt là các cổ phiếu giữ trend tốt, có câu chuyện hấp dẫn, không vị phạm các quy tắc quản trị rủi ro.