TCB, NLG, HAH và PET là các cổ phiếu có KQKD bứt phá mạnh, có nền giá khoẻ và đang ở gần vùng mua
Thị trường quay trở lại với tâm lý dè dặt sau kỳ nghĩ lễ trước lo ngại khả năng bùng phát Covid-19 trở lại trong cộng đồng. Trong phiên sáng, cung giá thấp liên tục thử thách khiến toàn thị trường chìm trong sắc đỏ, VNIndex có lúc rơi mạnh hơn 26 điểm về ngưỡng 1212.56 điểm. Tuy nhiên, nhờ sự hồi phục của VIC và nhóm Ngân hàng giúp VNIndex thu hẹp dần đà giảm và lấy lại được sắc xanh về cuối phiên khi tăng +0.23% lên 1242.20 điểm lúc đóng cửa.
Nhóm VN30 giao dịch cân bằng với 15 mã tăng và 15 mã giảm, chỉ số VN30 tăng 1.2% khi đóng cửa. Trong số đó, nhiều cổ phiếu có mức tăng ấn tượng như TCB (+5.9%), CTG (+5.4%), HPG (+2.9%) hay VIC dù chịu áp lực bán trong phần lớn thời gian nhưng đảo chiều tăng +2.0% về cuối phiên giúp củng cố thêm vào đà tăng chung của thị trường. Ngược lại, VNM (-2.0%), MSN (-2.1%) và VCB (-0.9%) diễn biến theo chiều ngược lại, gây tác động tiêu cực lên chỉ số.
Đà tăng của thị trường chưa có được sự đồng thuận cao khi nhóm VN30 chưa tạo được sự lan tỏa. Sàn HOSE ghi nhận 247 mã giảm áp đảo so với 94 mã tăng. Do đó, chỉ số VNMidcap và VNSmallcap vẫn giảm 1.05% và 0.52%. Dù vậy, vẫn có rất nhiều nhân tố nổi trội trong nhóm ghi nhận mức tăng mạnh như GIL (tăng trần), DGW (+6.7%), LHG (+3.9%), NLG (+6.1%), ANV (+3.7%), …
Thị trường sôi động trở lại, thanh khoản cải thiện khá nhiều khi GTGD khớp lệnh trên HOSE tăng +3.9% lên mức 18.6 nghìn tỷ đồng còn KLGD khớp lệnh đạt mức 685.7 triệu đơn vị.
Ngân hàng là nhóm thể hiện vai trò dẫn dắt chính và đóng góp hầu hết vào điểm số tăng thêm cho 2 chỉ số chính. TCB và CTG, MBB (+3.0%), TPB (+2.2%), VPB (+1.7%) là các mã vận động tích cực nhất. Ngoài ra, nhóm Thép-Tôn mạ cũng ghi nhận phiên giao dịch khả quan, gần như toàn bộ các mã thành phần đều có sắc xanh và cho mức sinh lời tốt như TLH (+6.2%), HSG (+5.8%), NKG (+5.8%), SMC (+3.3%), HPG (+2.9%), TVN (+2.8%)…
Vn30 hiện đã tiến về gần vùng đỉnh cũ, giúp phá bỏ nguy cơ của mẫu hình falling 3 methods, dòng tiền hiện vẫn đang tập trung ở nhóm này trong khi các nhóm midcap và smallcap vẫn đang thể hiện sự yếu kém hơn.
Trong khi đó Vnindex vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ từ mẫu hình falling 3 methods, chỉ số này sẽ tích cực hơn khi điểm số vượt qua mức đỉnh của ngày 26/4 tại mức 1251 điểm.
Mặc dù thị trường trông có vẻ ổn nhờ sự tích cực của nhóm Vn30, nhưng giao dịch trong môi trường biến động mạnh hiện nay vẫn tiềm ẩn rủi ro, vì vậy việc mua vào nên được cân nhắc kỹ càng.
TCB và NLG là hai cổ phiếu có nền giá khoẻ, với KQKD tăng trưởng tốt, nếu muốn giải ngân nhà đầu tư có thể cân nhắc hai cổ phiếu này. Bên cạnh đó, HAH vẫn đang trong vùng mua của mẫu hình tam giác đối xứng. Như đã đề cập trong báo cáo trước đây, HAH có KQKD mạnh mẽ và nền giá dài gần 40 phiên, vùng mua là quanh 26.
NLG có 2 quý liên tục báo cáo KQKD mạnh, nhưng giá hầu như chưa tăng so nhiều với thời điểm công bố BCTC quý 4/2020. Đây là cổ phiếu có sự tham gia của một số quỹ đầu tư lớn như Dragon Capital, hiện đã hơi nằm ngoài vùng mua một chút. Nếu giá điều chỉnh về dưới 38 thì sẽ trở lại vùng mua.
TCB vừa báo cáo KQKD tăng trưởng cao 77%, có nền giá phẳng 6 tuần chồng lên 1 nền giá nhỏ hơn kéo dài 3 tuần. Đây là cổ phiếu có nền giá khoẻ và vẫn trong vùng mua (42-44).
PET đang hình thành một mẫu hình hai đáy tiềm năng, điểm mua sớm sẽ xuất hiện khi giá vượt qua ngưỡng MA50 ngày tại mốc 21.2. Đây là cổ phiếu có kqkd quý 1 tăng trưởng cao, thuộc nhóm ngành đang hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số quốc gia cũng như hưởng lợi nhờ việc tăng doanh số sau khi hợp tác phân phối sản phẩm cho APPLE.
Chứng khoán Hoa Kỳ bị hạ triển vọng khi có thêm ngày phân phối, nhưng nhóm ngân hàng và nhóm nhạy cảm chu kỳ kinh tế vẫn vận động tốt. Phiên bán tháo trên NASDAQ và SP500 diễn ra trong bối cảnh chủ tịch FED tuyên bố có thể FED sẽ nâng lãi suất để tránh nền kinh tế phát triển quá nóng.
Tag:TSI Daily Report