Thị trường phá thủng đáy tháng 6 – ngưỡng hỗ trợ cuối cùng – không còn gì để bấu víu – nên đầu tư vào đâu bây giờ?
Thị trường tiếp tục đi xuống phiên GD 29/9, phá thủng ngưỡng hỗ trợ cuối cùng là đáy hồi tháng Sáu. Các cổ phiếu mạnh mẽ nhất cuối cùng cũng gục ngã.
Chúng tôi dự tính với bối cảnh vĩ mô quá yếu kém cả trong nước và thế giới thì ngày Vnindex thủng đáy sẽ xảy ra vào thời điểm nào đó cuối năm nay, nhưng nó đã đến quá sớm. Sau nhiều vị thế bị dính stoploss từ trước, buộc chúng tôi phải đưa ra khuyến nghị co hẹp danh mục, chỉ duy trì tỷ trọng nhỏ ở một vài cổ phiếu còn giữ được sức mạnh. Nhưng khi ngưỡng hỗ trợ cuối cùng bị phá thủng thì toàn bộ các vị thế còn lại đều đã dính stoploss với mức lỗ từ 7 đến trên 10%.
Những người đã quen với phương pháp CANSLIM đều đã biết rằng khi cổ phiếu bị dính dừng lỗ từ 7-10% thì chúng ta là những người bán, không thắc mắc, bất kể việc chúng ta hy vọng như thế nào về thị trường. Phương pháp cắt lỗ này sẽ giữ cho chúng ta không bị thiệt hại quá nhiều khi những dự trù không diễn ra như kỳ vọng.
Triển vọng thị trường đã bị hạ cấp từ báo cáo “Bức tranh toàn cảnh thị trường đã bị phá nát…“, ở đó chúng tôi đã hạ cấp thị trường thành thị trường điều chỉnh và khuyến nghị bán các cổ phiếu bị dính dừng lỗ. Chúng tôi mong đợi một đợt nỗ lực hồi phục tại vùng hỗ trợ đáy tháng 6 nhưng điều này không những không xảy ra mà thị trường bị bán thẳng tay khiến vài vị thế còn lại cũng dính dừng lỗ nốt. LIỆU BÁN THÌ CÓ ĐÚNG ĐÁY THỊ TRƯỜNG HAY KHÔNG, LIỆU BÁN XONG CỔ PHIẾU HỒI LẠI THÌ SAO? CHÚNG TA KHÔNG CẦN BIẾT NHỮNG CÁI ĐÓ, CÁI CHÚNG TA CẦN BIẾT VÀ CẦN TUÂN THỦ LÀ “KHI BỊ DÍNH DỪNG LỖ 7-10%, CHÚNG TA LÀ NGƯỜI BÁN, KHÔNG THẮC MẮC”.
Sau khi bị dính dừng lỗ hàng loạt thế này, NĐT không nên quay lại ngay bằng cách cố gắng bắt đáy, mà nên tạm nghỉ chờ xem có đợt nỗ lực hồi phục thành công nào không. Một đợt nỗ lực hồi phục được coi là thành công có nghĩa là phải có ngày bùng nổ theo đà để xác nhận đáy ở ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 kể từ ngày thị trường đóng cửa rời khỏi mức đáy thấp nhất. Nhưng cho dù có ngày bùng nổ theo đà ở giai đoạn cuối năm thì khả năng dẫn đến uptrend thành công cũng thấp, chúng ta sẽ chỉ có uptrend bền vững khi lãi suất ổn định, nền kinh tế ổn định, lạm phát thấp…
Giai đoạn cuối năm chúng ta sẽ tiếp tục hứng chịu những biến động đến từ khá nhiều vấn đề của nền kinh tế, bao gồm rủi ro từ cú đổ vỡ bong bóng BDS, diễn biến khó lường ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tình hình lạm phát cao, sự thắt chặt chính sách tiền tệ của các cường quốc, sự bất ổn ở châu âu, sự bất ổn về tỷ giá ở khu vực châu á, và những sự kiện khó lường khác về địa chính trị…Việc giao dịch lớn trong môi trường biến động tiềm ẩn rủi ro cao, không thể đảm bảo được tỷ lệ Phần thưởng/ rui ro = 3/1.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng nên chờ đợi xem qua đầu năm 2023 tình hình có cải thiện hay không, đầu năm sau khi các ngân hàng được cấp chỉ tiêu tín dụng mới và tình hình CPI thế giới hạ nhiệt thì có thể sẽ có cơ hội cho thị trường phục hồi và ổn định hơn. Nếu tình hình cải thiện thì có thể có đợt tăng 10-12 tuần vào giai đoạn đầu năm 2023, nhưng môi trường đầu tư thực sự dễ dàng thì phải chờ đợi lãi suất ổn định, nền kinh tế ổn định, lạm phát thấp. Những điều này khả năng phải tới cuối 2023 hoặc đầu 2024 mới có. Việc giữ được tài sản trải qua giai đoạn mùa đông dài sẽ rất thách thức, nếu ghiền quá thì chỉ nên bỏ vào 1 phần tài sản vào chứng khoán theo chiến lược kiểu swing, cách làm này cũng đòi hỏi phải có kỹ năng tốt, và thú thực thì đây không phải sở trường của chúng tôi.
Một câu hỏi mà nhiều ACE quan tâm là nên chuyển sang đầu tư đô la, vàng, BDS hay nên làm gì đây?
Ở VN, do chính sách cấm buôn bán ngoại tệ nên không thể đầu tư vào đồng đô la được, sẽ bị phạt nặng. Còn trade USD forex thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về lừa đảo, về đòn bẩy không hợp lý… nó chỉ dành cho dân chuyên nghiệp thôi.
Khi đô la đang mạnh lên thì vàng sẽ bị tổn thương, vàng chỉ tăng giá khi đô la đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống, như chúng tôi đã nói hồi tháng 4, vì thế cũng không nên đầu tư vào vàng.
Đất đai là loại tài sản mẫn cảm với lãi suất, BDS chỉ tăng giá ở thời kỳ tiền rẻ, còn khi lãi suất đã tăng thì BDS là loại tài sản bị bất lợi, vì thế cũng không đầu tư BDS được.
Tiền số là loại tài sản mẫn cảm hàng đầu với lãi suất nên cũng không đầu tư được.
Mặc dù VND cũng là đồng tiền bị mất giá so với USD, nhưng vẫn là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất, bị mất giá rất ít so với USD. Mới đây VN đã tăng lãi suất điều hành làm cho đồng VND mạnh lên, và có thể sẽ còn các đợt nâng nữa làm tăng sức mạnh cho VND. Xét lại 2 năm covid, VN là quốc gia có sự gia tăng cung tiền M2 trong giai đoạn dịch bệnh thấp hơn đáng kể so với mặt băng chung, chỉ khoảng hơn 18% (Mỹ tăng cung tiền M2 khoảng 38% trong 2 năm 2020 và 2021, Châu âu cũng không thua kém Mỹ, Trung quốc cao hơn mỹ nhiều…), đồng thời dự trữ ngoại hối dồi dào, cán cân vãng lai cũng ổn, nên chúng tôi cho rằng tiền VND sẽ không mất giá nhiều so với USD trong giai đoạn 1 năm tới. Chỉ cần chống chọi đến giữa năm 2023 thôi là sẽ ổn. Vì thế, việc giữ tiền VND trong tài khoản tiết kiệm là an toàn, không cần phải bân tâm nhiều đến việc tiền VN mất giá.