
Thị trường trở lại xu hướng tăng với ngày bùng nổ theo đà
Thị trường khởi đầu năm 2023 băng một phiên tăng mạnh mẽ. Chỉ số VNINdex tăng 36,81 điểm (+3,66%) lên 1.043,9. VN30 tăng mạnh nhất với mức tăng 4,18%. Chỉ số đại diện nhóm Small-cap không kém cạnh bao nhiêu với mức tăng 3%. VNMidcap khiêm tốn hơn những mức tăng cũng rất lớn, đạt 2,6%.
Độ rộng thị trường trên HOSE nghiêng hẳn về bên mua với 352 mã tăng/ tổng số 457 công ty niêm yết trên sàn này.
Khối lượng giao dịch trên Vnindex đạt 551,3 triệu đơn vị, tăng hơn hôm trước 60%. Tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 8400 tỷ, tăng 49% so với hôm trước.
Như vậy, phiên GD ngày 3/1 khởi đầu năm 2023 đã đạt điều kiện là ngày bùng nổ theo đà, đưa thị trường trở lại trạng thái xu hướng tăng sau đợt điều chỉnh gần 11%. KLGD không vượt mức bình quân 50 phiên, nhưng nó vẫn đạt điều kiện ngày FTD, vì FTD không yêu cầu KLGD trên trung bình. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn ngầm hiểu rằng KLGD cao hơn mức bình quân 50 phiên thì sẽ tốt hơn là chỉ đạt mức dưới trung bình gần 20% như thế này.

Hành động thế nào khi thị trường chuyển sang Xu hướng tăng được xác nhận?
Tập trung vào các cổ phiếu mạnh về cơ bản phá vỡ thoát khỏi các mẫu biểu đồ vững chắc. “Xu hướng tăng được xác nhận” nghĩa là điều kiện thị trường đang tích cực và thường có lợi cho việc mua cổ phiếu mới. Nhưng đừng mua những cổ phiếu cũ mà phải tập trung vào các cổ phiếu mới – có đặc điểmCANSLIM và đang phá vỡ khỏi các mẫu hình nền giá thích hợp.
Mua vào từ từ sau khi thị trường xác nhận trở lại xu hướng tăng. Không phải tất cả những ngày FTD hay những thời điểm thị trường quay đầu đi lên đều dẫn đến một đợt “leo dốc” bền vững. Đôi khi, thị trường sẽ đảo chiều và trượt dốc trở lại rồi tiếp tục điều chỉnh. Vì vậy, khi trạng thái thị trường chuyển về lại “Xu hướng tăng được xác nhận”, bạn hãy tham gia từ từ, dần dần. Nếu thị trường chung và cổ phiếu bạn mua tiếp tục thể hiện sức mạnh, bạn có thể mua mạnh tay hơn. Nhưng nếu thị trường và cổ phiếu của bạn bắt đầu suy yếu, bạn có thể “táp vào lề đường” một cách an toàn mà không phải chịu thiệt hại quá nhiều tiền. Ví dụ, khi thị trường trở lại xu hướng tăng, bạn nhìn thấy 1 cổ phiếu cơ bản tốt có đặc điểm canslim đang cho điểm mua phá vỡ nền giá, bạn mua cổ phiếu này với tỷ trọng 20-25%. Ngày hôm sau bạn phát hiện một cổ phiếu tương tự, thị trường vẫn mạnh, cổ phiếu mua trước đó vận động tốt, bạn có thể tiếp tục giải ngân vào cổ phiếu này với tỷ trọng 20-25% tiếp theo. Cứ như vậy cho tới khi giải ngân hết tiền, nếu thị trường vận động đúng bạn sẽ giải ngân hết tiền rất nhanh. Ngược lại, nếu như thị trường không thuận lợi và thất bại, thường bạn sẽ bị đẩy ra ngay do dính dừng lỗ, hoặc không xuất hiện thêm cơ hội mới, không thể thuận lợi giải ngân được nhiều tiền, do danh mục của bạn chỉ tiếp xúc với thị trường vị thế nhỏ, giúp cho thiệt hại của bạn giữ ở mức nhỏ, không ảnh hưởng đến đại cục.
Giữ kỷ luật và tuân thủ các quy tắc mua, bán. Ngay cả trong xu hướng tăng, không phải mọi giao dịch đều hiệu quả. Vì vậy, cần phải “kén chọn” và kiên nhẫn tiến bước, đồng thời tuân thủ “các quy tắc mua” và sử dụng các chiến lược trong trong phần “cách bán cổ phiếu” để chốt lãi và cắt bỏ mọi khoản thua lỗ.
Cần lưu ý ngày bùng nổ theo đà (FTD) không phải lúc nào cũng dẫn đến 1 uptrend bền vững. Do đó, phải theo dõi sát sao 3-4 ngày sau ngày FTD, nếu xuất hiện ngày phân phối (chỉ số giảm với KL cao) thì khả năng cao FTD sẽ thất bại, lúc này cần thoái lui phòng thủ, không nên gia tăng thêm tỷ trọng. Khác với phương pháp đếm số ngày phân phối để xác định vùng đỉnh/đỉnh ngắn hạn vốn có độ tin cậy rất cao, phương pháp sử dụng FTD để xác định thị trường tạo đáy có xác xuất thành công không cao. Tất cả mọi uptrend đều có ngày bùng nổ theo đà, nhưng chỉ có 60% số ngày bùng nổ theo đà dẫn đến uptrend thành công, 40% sẽ thất bại. Vì thế, để khắc phục nhược điểm này, người ta không dùng tín hiệu FTD trên chỉ số để mua lung tung các cổ phiếu có tính thị trường cao mà chỉ áp dụng để mua các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt (có các chữ cái C-A-N) khi chúng bắt đầu thoát ra khỏi một nền giá kiến tạo hoặc ở cuối giai đoạn tích lũy trong nền giá kiến tạo. Chính các cổ phiếu đạt tiêu chuẩn sẽ là lớp xác nhận thứ hai để tăng khả năng thành công cho FTD. Lần FTD này chỉ có vài cổ phiếu bước vào giai đoạn 2 tăng giá mà thôi, đa số vẫn ở trong xu hướng giảm hoặc ở giai đoạn 1. Giai đoạn tháng 4/2020 thị trường xác nhận uptrend cũng với rất ít cổ phiếu ở giai đoạn 2 tăng giá, nhưng bối cảnh lúc đó rất đặc biệt, chúng ta sẽ không gặp lại trong rất nhiều năm về sau. Những điều này có nghĩa là vẫn nên giữ một sự cảnh giác nhất định chứ không nên quá hứng khởi với ngày FTD, khi tiến hành mua vẫn phải xác định sẵn sàng cho khả năng thất bại.
Mặc dù chưa có cổ phiếu đang ở cuối của giai đoạn tích lũy, nhưng ta vẫn có thể áp dụng chiến lược giao dịch swing để kiếm lời ngắn hạn khi thị trường chung được xác nhận kết thúc điều chỉnh với ngày FTD, nhưng cần nhớ đó không phải là chiến lược mua CANSLIM chuẩn để kiếm những khoản lãi lớn 20-30% trở lên, và cách chơi này phải chấp nhận rủi ro cao hơn. Hiện thị trường đang có những cổ phiếu bật lên từ mẫu hình vai đầu vai, với mức định giá ổn, có thể tham gia cũng được. Theo thống kê thì mẫu hình vai đầu vai có khoảng một phần ba số mẫu hình không thể tăng được trên 20%. Vì vậy, tốt hơn hết nên chốt lời ở mức 10-15% khi mua theo mẫu hình vai đầu vai.
Đã có 1 vài cổ phiếu có thể swing trade nhưng cần chờ điều chỉnh mới tham gia được, sẽ được gửi riêng lên nhóm không chat mà không đi kèm báo cáo toàn cảnh này.