Toàn cảnh thị trường 3/11/2021 – Dòng tiền luân chuyển từ vốn hóa nhỏ và vừa sang vốn hóa lớn
Diễn biến thị trường – SSI RS
TTCK Việt Nam hôm nay có một phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản. Chỉ số VNIndex giảm 8,16 điểm (-0.56%) với GTGD qua kênh khớp lệnh trên HOSE đạt 41 nghìn tỷ đồng, cao hơn 14 nghìn tỷ đồng (+50%) so với phiên hôm qua và cũng là cao nhất trong lịch sử. Trong đó, sự phân hóa diễn ra rất rõ nét với lợi thế nghiêng hoàn toàn về nhóm vốn hóa lớn.
Cụ thể, chỉ số VN30 đi ngược xu hướng chung với mức tăng 9,3 điểm (+0,61%), cùng với GTGD tăng thêm 5,8 nghìn tỷ đồng (+66%) 14.640 tỷ. Số mã tăng giảm trong rổ khá cân bằng khi có 13 mã đóng cửa với sắc xanh và 15 mã giảm. Các mã Ngân hàng trong rổ đều tăng điểm và đóng góp chính cho sự đi lên của chỉ số như TCB, VPB, STB, HDB, ACB, MBB,…
Nhìn chung, nhóm Ngân hàng là nhóm duy nhất đồng loạt đi lên trong phiên hôm nay. Nhiều cổ phiếu ngoài rổ VN30 cũng tăng rất tốt như OCB, LPB dư mua trần, MSB tăng 6,2%, tương tự cũng ghi nhận ở các mã Ngân hàng giao dịch trên HNX và UpCom như NVB, BAB, NAB, ABB, VBB.
Trong khi đó, cung chốt lời diễn ra mạnh mẽ ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Chỉ số VNMidcap giảm 1,6% với GTGD tăng từ 9,2 nghìn tỷ đồng lên 13,8 nghìn tỷ đồng. Tương tự, chỉ số VNSmallcap đã có phiên thật sự điều chỉnh sau mạch tăng từ cuối tháng 9; áp lực bán tăng mạnh ở nhóm này khi chỉ số giảm đến 3,6% với GTGD tăng lên 8,6 nghìn tỷ đồng.
Tâm điểm trong nhóm cổ phiếu bị điều chỉnh là nhóm Bất động sản. VHM, NVL là các cổ phiếu tác động mạnh mẽ nhất lên chỉ số VNIndex theo chiều hướng tiêu cực. Ở nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, DIG, DXG, NLG, HDC… là các mã có biến động rất mạnh khi giao dịch ở vùng giá xanh trong phiên sáng và bất ngờ chịu sức ép giá thấp cho đến khi đóng cửa với mức giảm hơn 6%; trong đó NLG và DIG có dư bán sàn.
Nhóm Khu công nghiệp và nhóm Xây dựng cũng có cùng diễn biến với nhóm Bất động sản. SZC, KBC và ITA là các mã dư bán sàn vào cuối phiên; IDC giảm mạnh 7,1%, GVR, IDV và LHG giảm quanh 6%. Ở nhóm Xây dựng và Hạ tầng, KSB, CTI, CII, HBC, FCN, DPG là các mã giảm gần như kịch sàn khi đóng cửa.
Phân bón, Thủy sản, Dệt may… là các nhóm nằm trong diễn biến điều chỉnh chung với nhiều mã trong nhóm giảm khá mạnh sau các phiên tăng tốt trước đó. Nhóm Thép-Tôn mạ cũng đóng cửa hầu hết trong sắc đỏ, tuy nhiên cổ phiếu đầu ngành là HPG vẫn đóng cửa trong sắc xanh nhờ sức mua mạnh từ khối ngoại.
Xu hướng thị trường
Theo phương pháp market direction trong canslim, thị trường hôm nay có thêm 1 ngày phân phối mới khi Vnindex giảm điểm với Khối lượng lớn. Tổng cộng đang có 2 ngày phân phối. Tuy vậy, có sự luân chuyển dòng tiền rõ rệt trong phiên hôm nay (dòng tiền rút khỏi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ nhưng lại gia tăng ở nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng), cùng với số ngày phân phối thấp, nên xu hướng thị trường vẫn là xu hướng tăng không thay đổi.
Mặc dù xu hướng vẫn là tăng, nhưng không có nghĩa là không cần bán chốt lời khi các cổ phiếu riêng lẻ xuất hiện tín hiệu bán điển hình. Đối với các cổ phiếu BDS đã tăng nóng suốt giai đoạn vừa qua thì nên canh bán, tín hiệu bán có thể là tín hiệu đỉnh cao trào đi kèm gap kiệt sức/đảo chiều chủ chốt như DIG và nhiều mã khác như đã khuyến nghị trong phiên trước, Trường hợp chưa bán trong phiên trước thì quan sát và tùy cơ ứng biến trong các phiên kế tiếp.
Đói với các cổ phiếu BDS hoặc các ngành khác chưa có sự tăng nóng nhưng cũng bị bán sàn thì có thể sẽ là cơ hội mua khi tình hình chung ổn định trở lại, quan sát vận động ở các vùng hỗ trợ như vùng đỉnh nền giá hoặc các ngưỡng ma50 để tìm kiếm cơ hội.
Với các cổ phiếu vốn hóa lớn hoạt động tích cực phiên gd 3/11, chúng ta theo dõi sát để tìm kiếm cơ hội. Đa số cổ phiếu ngân hàng đã có mẫu hình đảo chiều hoặc đã chuyển sang mặt phải của nền giá.