Toàn cảnh thị trường tuần 6/6-10/6/2022: Triển vọng thị trường rất tệ
Ngày phân phối thứ 4 kết hợp mẫu hình hai đỉnh khiến cho triển vọng thị trường rất tệ hại. Hãy thực hiện phòng thủ, tích trữ thật nhiều tiền mặt.
- Khúc Ngọc Tuyên
- Ngày 13/6/2022
Như đã đánh giá trên room Zalo trước khi mở cửa phiên giao dịch 10/6: “Mặc dù thị trường tăng điểm vượt 1300, nhưng phiên đẩy thị trường vượt qua 1300 có khối lượng kém, không thuyết phục, cả 3 ngày phân phối vẫn còn nguyên hiệu lực, thị trường vẫn đang ở trạng thái không tích cực để mua cổ phiếu, và thị trường càng lên thêm thì rủi ro càng lớn hơn”, thị trường đã “không bất ngờ” khi giảm -1.82% (-23.73 điểm) với khối lượng lớn (KL tăng 29%), xuyên thủng ngưỡng trung bình 10 ngày. Thị trường mất điểm ở toàn bộ các mặt trận, trong đó VNMidcap VNSmallcap bị bán tháo mạnh nhất với mức giảm lần lượt -2,5% và -2,92%; kế đến là VN30 mất 1,28%.
Trong phiên phân phối mạnh ngày 10/6, cũng là ngày phân phối số 4 của đợt hồi này, thật bình thường khi tất cả các ngành đều mất điểm. Nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu mất điểm nhiều nhất với mức giảm -5,37%, kế đến là dầu khí (-5,36%), Tiện ích gồm điện nước & xăng dầu khí đốt (-4,27%), công nghệ thông tin (-4,23%), phân bón hóa chất (-3,74%), dịch vụ tài chính (-3,29%), bảo hiểm (-2,52%), bán lẻ (-1,83%). Bất động sản, Thép, Ngân hàng, Thực phẩm cũng đều mất điểm. Quả thực, khi thị trường chung quay đầu, nó không tha cho bất cứ cổ phiếu nào.
Ngày phân phối 10/6 là một ngày phân phối có chất lượng cao, làm hiển lộ rõ bộ mặt thật của phe gấu. Thực tế, bên bán đã để lại dấu vết ở các ngày phân phối 31/5, 2/6 và 6/6, nhưng chúng được che giấu khá khéo léo, nên đã qua mặt được đa số mọi người. Có thể vì đa số đều ôm hy vọng nên không muốn nhìn nhận thực tế này.
Cú giảm mạnh ngày 10/6 cũng định hình rõ nét mẫu hình hai đỉnh trên chỉ số thị trường chung. Mẫu hình hai đỉnh này giúp chúng ta khẳng định chắc chắn hơn về việc thị trường đã đi đến đỉnh của nhịp hồi lần này. Theo hướng dẫn của Dan Zanger, nhà giao dịch năng động nên bán ngay lập tức khi giá giảm từ đỉnh 2 xuống bên dưới đỉnh số 1.
Nhiều người đã hỏi rằng chúng tôi đánh giá thị trường như thế nào sau phiên 10/6. Chúng tôi đã trả lời rằng “thị trường vẫn thế”. Có nghĩa là chúng tôi vẫn duy trì quan điểm nhất quán ngay từ đầu, vẫn là 1 thị trường có nhiều ngày phân phối, vẫn là triển vọng thị trường kém khả quan, vẫn là chẳng thấy có cổ phiếu nào có khả năng dẫn dắt… vẫn chẳng có gì mới, chẳng có gì bất ngờ!
Nhìn lại, chúng tôi đã đánh giá đây chỉ là nhịp hồi mà thôi, và chúng tôi cũng đã kiên quyết khẳng định từ trước là sẽ không tham gia bất kế thị trường có xuất hiện ngày xác nhận FTD đi chăng nữa. Và chúng tôi khuyên các nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi phục này để bán hạ tỷ trọng nếu như còn nhiều cổ phiếu, nếu cầm tiền mặt thì nên nghỉ ngơi sau 2 năm dài chinh chiến, dành thời gian cho gia đình và xã hội thực. Nhiều người sẽ nói rằng một vài cổ phiếu đã hồi rất mạnh, nếu mua được thì kiếm tiền còn hơn cả uptrend. Nhưng cỗ máy thời gian chỉ có trong truyện Doremon dành cho tuổi thơ của chúng ta mà thôi, khi trưởng thành rồi chúng ta đều nên hiểu sự thật là cuộc sống không có chữ nếu như, giá như, biết thế…! Chúng ta đầu tư chứng khoán, và chúng ta phải nhận biết được rằng chúng ta hành động dựa trên các khả năng, chúng ta không đánh bạc, chúng ta không nếu như, chắc ăn thì chúng ta đầu tư, không chắc thì chúng ta không đầu tư. Rõ ràng, những người tận dụng được nhịp hồi này để hạ tỷ trọng là đúng, những người không tham gia thị trường đợt này là đúng, những người kiếm được tiền trong nhịp hồi này dù được tiền nhưng họ mất kỷ luật và sớm muộn họ sẽ mất hết vì họ không tôn trọng kỷ luật, không tôn trọng rủi ro. Chưa kể đến việc đa số người ta sẽ mua rất ít ở thời điểm bắt đầu nhịp hồi và sau đó hưng phấn mua thêm cả đống ở cuối nhịp hồi, chỉ 1-2 phiên giảm là sẽ mất sạch số tiền may mắn kiếm được ở khúc đầu.
Tiếp tục tích trữ tiền mặt và gia tăng tích trữ tiền mặt trong bối cảnh tệ hại hiện nay
Triển vọng thị trường vốn đã bị chúng tôi hạ triển vọng về trạng thái “khôi phục xu hướng giảm” trong ngày phân phối số 3 (6/6). Giờ đây, với sự xuất hiện của ngày phân phối mạnh 10/6, là ngày phân phối số 4 của đợt hồi, cũng là một Key Reversal day của mẫu hình hai đỉnh, chúng ta đã chắc chắn rằng bối cảnh thị trường vô cùng tệ hại. Vì thế, chúng ta tiếp tục tích trữ tiền mặt, và chúng tôi khuyến khích việc gia tăng tích trữ tiền mặt nếu bạn còn giữ cổ phiếu, chúng tôi cũng khuyến khích việc sở hữu 100% tiền mặt tại thời điểm này, càng sớm càng tốt.
Trên thị trường tài chính, hầu hết các nhà chiến lược thị trường đều chỉ dám đưa ra lời khuyên theo nhiều kịch bản, vì họ ngại mình bị sai, ngại bị mất uy tín. Nhưng cách đưa ra lời khuyên theo nhiều kịch bản đó chẳng giúp ích được gì, không thể giúp các NĐT phòng thủ trước những cơn bão lớn. Họ không hiểu được nguyên lý căn bản trong đầu tư là “đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là đúng thì nhà đầu tư follow họ được gì, sai thì mất gì”. Chúng tôi không bao giờ sợ sai lầm, vì sai đúng không phải là yếu tố quan trọng. Chúng tôi luôn nhắc đi nhắc lại với chiến hữu của chúng tôi nguyên lý phòng thủ cơ bản nhất: “còn rừng thì không lo thiếu củi”, “đúng sai không quan trọng, quan trọng là phải sống đã”, “hồi hay không, hồi bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là phần thưởng phải lớn hơn nhiều lần rủi ro”, và “leader quan trọng hơn index”. Chính những nguyên tắc căn bản này đã giúp chúng tôi và chiến hữu kiên quyết thoát ra khi thị trường đi vào xu hướng giảm (với tín hiệu đỉnh và đáy sau thấp hơn đỉnh và đáy trước đồng thời cắt thủng MA200 bị là phẳng vào tháng 4), và kiên quyết giữ tiền mặt không tham gia bắt đáy ở 1400, 1380, 1340, 1320, 1300, 1280, 1250, 1220, 1280, 1300, 1310… (danh sách điểm bắt đáy còn dài)
Khi được hỏi về các yếu tố làm nên một giao dịch tốt là gì, Huyền thoại Ed Seykota đã nói: “(1) Cắt lỗ (2) Cắt lỗ và (3) Cắt lỗ. Nếu anh có thể tuân theo ba nguyên tắc này anh sẽ có cơ hội.” Nếu nhà đầu tư đã trót tham gia vào cuối đợt hồi phục vừa rồi, thì đây là câu nói họ nên ghi nhớ. Nếu như NĐT vẫn giữ cổ phiếu để chờ hồi, thì đây là lúc nên dừng hy vọng thị trường sẽ hồi thêm nữa. Giai đoạn này không phải vô cớ mà được người ta đặt cho cái tên “dốc hy vọng”, có nghĩa là trong quá trình xuống dốc, mọi người đều hy vọng, được 1 lại hy vọng 2, được voi lại đòi cả tiên.
Sẽ có người hỏi hôm nay giảm sâu luôn thì bán sao được nữa? Đúng vậy, chờ mọi thứ rõ mồn một thì bạn phải trả thêm chi phí. Chúng tôi đã cảnh báo cả tuần rồi chứ không phải hôm nay mới nói. Chúng tôi hy vọng mọi người đều đã an toàn từ trước để khỏi mất tiền và gặp khó khăn hôm nay.
Đánh giá các dữ liệu về kinh tế và vĩ mô
Có thể người ta sẽ hỏi: “sao không đánh giá gì về vĩ mô, số liệu kinh tế mà đã khuyến nghị mạnh mồm thế hử”? Thử hỏi, chỉ nhìn vào tín hiệu trên đây thôi đã thấy xấu như ma như quỷ rồi thì có cần thiết phải đánh giá thêm hay không? Chúng tôi đã nói rất nhiều lần rằng các số liệu kinh tế kinh doanh luôn đi sau tín hiệu thị trường, sử dụng chúng không có ích gì cả. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nói nhiều về những tín hiệu và số liệu liên thị trường rồi, các số liệu đó có hiệu lực trong thời gian dài, nên không cần thiết nhắc lại nữa. Ngoài ra, bạn cần nhớ rằng “khi mua thì nhìn xu hướng, nền giá, điểm mua, xúc tác vĩ mô, xúc tác cơ bản, triển vọng ngành, quan điểm trái chiều… nhưng khi bán thì chỉ nhìn vào tín hiệu bán trên biểu đồ”. Câu này đã được rất rất nhiều nhà đầu tư huyền thoại khẳng định. Hôm nay tôi tái khẳng định chân lý này.
Liệu thị trường sẽ giảm như thế nào?
Tương tự câu nói “Không có gì có thể tăng giá mãi mãi”, chúng ta cũng có triết lý tương tự: “không gì có thể giảm mãi mãi”. Sớm muộn thị trường sẽ giảm đến đáy, đó là điều chắc chắn. Nhưng chúng ra rất khó, thậm chí có thể nói không thể biết thị trường giảm tới đâu, “nó sẽ đi đến bất cứ nơi nào nó muốn”. Hơn nữa, nhiều cổ phiếu sẽ giảm tiếp tục ngay cả khi thị trường về tới đáy, trớ trêu hơn là nhiều cổ phiếu sẽ đi ngang và nhiều năm không phục hồi được sau khi chạm tới đáy khiến chúng ta ôm nỗi đau rất lâu không thoát ra được. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tránh việc xác định đáy ở đâu, cũng như phỏng đoán xem thời điểm nào thì thị trường sẽ ổn trở lại. Những việc làm này có thể khiến cho tâm lý hy vọng càng tiến triển, và các quy tắc sẽ dễ dàng bị bỏ qua, mọi người sẽ không phòng thủ được khi cần phòng thủ. Rất có thể tháng 7 chúng ta sẽ được chứng kiến một đợt phục hồi mới, có thể nó sẽ bền vững hơn lần này, nếu không phải tháng 7 thì sẽ là tháng 8 hoặc tháng 9, đáy có thể sẽ là 1200, nếu không phải 1200 thì 1100 hoặc bên dưới nữa. Bạn thấy buồn cười đúng không, đoán thế thì ai chả đoán được. Nhưng đúng thế đấy, suy đoán đáy thị trường là việc làm rất buồn cười như vậy đó. Nếu bạn suy đoán thị trường sẽ không giảm nhiều, sẽ sớm tăng trở lại để đưa bạn lên bờ, thì chúng tôi chúc bạn may mắn và chúc bạn đúng, cũng chúc bạn không bán đúng đáy thấp nhất khi mức thua lỗ trầm trọng hơn nhiều nếu thị trường không như ý bạn.
Các sự kiện quan trọng trong tuần này
Theo thông báo của Bô phận nghiên cứu thị trường, FED sẽ tiến hành kỳ họp lớn vào hai ngày 14 và 15/06. Theo dự báo, FED có thể sẽ nâng lãi suất thêm 0,5% hoặc 0,75% nhằm ứng phó với biến số lạm phát. Bên cạnh quyết định về lãi suất, tổ chức này sẽ công bố bảng ước tính số liệu kinh tế vĩ mô và bảng dự báo lãi suất (FED dot plot). Thông tin chi tiết về cuộc họp sẽ được công bố vào rạng sáng ngày thứ Năm, theo giờ Việt Nam. Liên quan các số liệu của nền KT Hoa Kỳ, Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã bị đánh gục khi dữ liệu về lạm phát tồi tệ hơn dự báo, nhiều nhà đầu tư đã cố tháo chạy tới nơi an toàn khi mà hi vọng về đợt tăng giá đã không trở thành hiện thực. Bạn có thể xem thêm về diễn biến và trạng thái thị trường Hoa Kỳ tại đây.
Hợp đồng phái sinh chỉ số VN30 tháng 6 sẽ đáo hạn vào ngày 16.06 tới. Kể từ khi trở thành F1M, hợp đồng tháng 6 chủ yếu ghi nhận basis âm với cơ sở, trong đó biên độ lớn nhất ghi nhận là vào phiên 10.06 (-14,6 điểm). Theo thống kê, nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước đã mua ròng 488 tỷ đồng trong thời gian F2206 trở thành F1M, qua đó có thể kéo theo áp lực đóng vị thế khi kỳ đáo hạn tới. Điều này có thể ảnh hưởng tới vận động trong ngắn hạn của VN30 Index.
Cơ cấu ETF: FTSE Rusell và MVIS đã công bố kết quả danh mục các chỉ số mới, theo đó FTSE loại APH và không thêm mới cổ phiếu nào, còn MVIS loại ORS và thêm mới SHB, VCG. Các quỹ ETF mô phỏng sẽ hoàn tất cơ cấu vào thứ Sáu tuần tới (17.06). Theo dự báo của SSI Research (dựa trên số liệu trong phiên gần nhất), SHB sẽ được mua nhiều nhất trong kỳ này với quy mô 16,1 triệu cổ phiếu, xếp tiếp theo là HPG (gần 9 triệu cp), VND (hơn 8 triệu cp),… Ở chiều ngược lại, VIC có thể ghi nhận quy mô bán ra gần 4,2 triệu cổ phiếu, xếp tiếp theo là SHS (-3 triệu cp).
Chúng tôi chúc những nhà đầu tư đang ôm tiền mặt có thêm một tuần nghỉ ngơi vui vẻ, và chào mừng các nhà đầu tư muốn tham gia đội ngũ CIK của chúng tôi!