Toàn cảnh thị trường và khuyến nghị đầu tư ngày 13/4/2022
Vnindex tiếp tục bị vùi dập phiên giao dịch 12/3, chỉ số Vnindex đã giảm thẳng một mạch về đường trendline dưới như đề cập trong báo cáo trước. Chỉ số mở rộng biên độ hơn so với các phiên giảm trước, mặc dù khối lượng khớp lệnh thấp hơn, điều này thể hiện lực cầu suy yếu, chứ không phải tín hiệu tích cực như nhiều anh chị em lầm tưởng. Tại ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1450-1460 chúng ta quan sát xem liệu chỉ số có dừng đà giảm và thể hiện những tín hiệu được hỗ trợ hay không, nhưng cần nhớ rằng chúng ta không chờ thị trường giảm để mua các cổ phiếu bị bán tháo, mà quan sát các cổ phiếu có mẫu hình tốt, khỏe, sẵn sàng tăng giá. Có thể cần một ít thời gian để thị trường tìm điểm cân bằng, vì hiện nay gần như không có nhiều cổ phiếu có biểu đồ tốt: Khi thị trường sẵn sàng để quay đầu đi lên thì luôn có nhiều cổ phiếu ở trong tư thế sẵn sàng.
GIL và MWG đang thể hiện là hai cổ phiếu rất khỏe, chúng ta theo dõi sát sao hai cổ phiếu này để tham gia khi thị trường giảm bớt độ biến động. Đừng tự sát bằng cách mua ngay lập tức toàn bộ tiền mặt trong 1 2 lệnh mua, hãy đầu tư thông minh bằng cách giải ngân từng phần và nghe ngóng, nếu thị trường cân bằng và quay đầu, sẽ có rất nhiều cơ cơ hội để mua. Giai đoạn này chúng tôi xác định rõ nếu có mua chỉ mua không quá 30% và tập trung vào những cổ phiếu mạnh, tự tách được mình khỏi đám hỗn loạn: Các cổ phiếu dẫn dắt luôn tạo đáy trước khi thị trường chạm đáy.
Nhà đầu tư còn kẹp tỷ trọng lớn, không kịp phòng thủ trước khi thị trường rớt mạnh hai phiên qua, thì hiện đang bị thiệt hại, bị mất tiền. Nhưng dù sao vẫn có cái được, đó là những bài học kinh nghiệm. Chúng tôi cũng từng phải trả giá, có lần mất cả nửa cơ nghiệp để học được bài học về cách phòng thủ. Qua những lần thị trường giảm mạnh thế này, chúng ta hiểu rằng rủi ro trên TTCK là rất lớn, vì thế không được sử dụng đòn bẩy khi chưa có kinh nghiệm, phải biết phòng thủ khi các leader suy yếu bằng cách bán chốt lãi và cắt lỗ nhanh chóng những cổ phiếu thua lỗ trên 7%, thậm chí bán chốt lãi cả những cổ phiếu chỉ lãi rất ít 5-7% nếu nhận thấy khả năng có thể xảy ra tình huống nguy hiểm, ngoài ra phải chọn được cổ phiếu dẫn dắt ở đầu mỗi con sóng để khi biến cố xảy ra cùng lắm chỉ mất đi một phần lợi nhuận: mua phải các cổ phiếu yếu kém thì rất dễ gặp tình huống cả sóng tăng không kiếm được tiền, nhưng khi thị trường giảm thì các mã yếu kém là những mã có thể giảm mạnh hơn cả mặt bằng chung.
Mua tại đường trendline dưới hoặc các vùng hỗ trợ mạnh ở các cổ phiếu có cơ bản mạnh là một lựa chọn tốt trong lúc thị trường khó khăn, nhưng cần hiểu rằng cách mua này vẫn có rủi ro khá cao, vì thế tỷ trọng mua theo cách này phải ở mức thấp thôi, tầm 25-30% NAV như nói trên. Sau đó, nếu quan sát thấy thị trường có cải thiện thì có thể nâng một chút lên 40% NAV. Phần còn lại để dành cho các leader mới chắc chắn sẽ xuất hiện sau mùa báo cáo quý 1 vào giai đoạn 20-30/4.
Một yếu tố phải cân nhắc là gđ này bị chi phối bởi các thông tin bí ẩn mà chúng ta không được biết. Giao dịch trong điều kiện này như đi leo núi trong đêm mà không có đèn và dây bảo hộ. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ rủi ro/phần thưởng khi trở lại thị trường. Và hãy lưu ý, chúng ta mua cổ phiếu là phải mua các cổ phiếu khỏe, bật lên từ những nền giá mạnh, để kiếm những khoản lãi lớn 20-25% hoặc hơn nhiều trong vòng trên 2 tháng đầu tư, chứ không phải cố gắng mua giá thấp các cổ phiếu bị giảm sâu.