
BÁO CÁO PHÂN TÍCH BIẾN ĐỘNG LỢI NHUẬN SAU THUẾ – NGÂN HÀNG STB Q1/2025
Tóm tắt
Báo cáo này nhằm đánh giá chi tiết sự thay đổi trong lợi nhuận sau thuế của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) trong quý 1 năm 2025, đồng thời phân tích liệu sự sụt giảm so với quý trước có phản ánh dấu hiệu suy yếu trong hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không. Việc so sánh được thực hiện trên hai trục chính: quý liền trước (Q4/2024) và cùng kỳ năm trước (Q1/2024), nhằm bóc tách các yếu tố mang tính mùa vụ, yếu tố một lần, và chất lượng lợi nhuận thực sự.
Kết quả và nhận định
Kết quả phân tích cho thấy, trong quý 1/2025, STB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.896 tỷ đồng, giảm 19,5% so với quý trước (Q4/2024), nhưng vẫn tăng mạnh 37% so với cùng kỳ năm trước (Q1/2024).
Việc lợi nhuận sụt giảm so với quý liền trước có thể khiến một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng suy yếu của hoạt động kinh doanh chính.
Tuy nhiên, kết quả phân tích sâu cho thấy: Sự sụt giảm này phần lớn đến từ việc trong quý 4/2024, có một khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng lớn đã khiến lợi nhuận quý đó tăng vọt, không phải do kết quả kinh doanh cốt lõi của ngân hàng suy yếu.
Cụ thể, trong Q4/2024, STB ghi nhận hoàn nhập dự phòng lên tới 367 tỷ đồng, trong khi các quý trước đó thường xuyên trích lập hàng trăm đến cả ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, so với quý 3/2024 – thời điểm STB trích lập tới hơn 1.198 tỷ đồng chi phí dự phòng. Hàng quý, mỗi ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng 1 khoản, nhưng sự đảo chiều thành hoàn nhập +367 tỷ, cho thấy rằng Q4 có mức đảo chiều lớn, có thể lên đến hơn 1.560 tỷ đồng (ước tính sơ bộ).
Nhìn sâu hơn vào các cấu phần cấu thành lợi nhuận, thu nhập lãi thuần – nguồn đóng góp chủ yếu trong lợi nhuận ngành ngân hàng – tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý 1/2025. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 6.863 tỷ đồng, tăng 12,5% so với Q4/2024 và tăng 15,3% so với quý cùng kỳ là Q1/2024. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh việc STB duy trì hiệu quả hoạt động tín dụng và kiểm soát tốt chi phí vốn trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được áp dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tuy có giảm nhẹ so với Q4/2024, thường là do yếu tố mùa vụ, nhưng vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập dịch vụ đạt 1.433 tỷ đồng trong Q1/2025, thấp hơn mức 1.725 tỷ của quý 4 nhưng cao hơn 5,6% so với Q1/2024.
Một điểm cần chú ý là chi phí hoạt động trong Q1/2025 tăng vọt lên 3.927 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với mức 3.150 tỷ trong Q4/2024. Mức tăng hơn 776 tỷ đồng này là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận thuần bị thu hẹp so với quý trước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chi phí hoạt động tăng không hẳn là dấu hiệu tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, đây là biểu hiện của chiến lược đầu tư cho hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao hoặc tăng chi cho marketing và chuyển đổi số – các khoản đầu tư cần thiết để phục vụ tăng trưởng dài hạn.
Phân tích cho thấy có thể kết luận sơ bộ rằng, STB đang cho thấy những chuyển động tích cực trong chất lượng hoạt động. Mặc dù lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 có giảm so với quý 4/2024, đây không phải dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của STB đang đi xuống. STB đang có xu hướng tăng trưởng đều đặn, với nền tảng thu nhập cốt lõi mở rộng, dịch vụ ổn định, và chiến lược chi phí hợp lý. Điều này mang lại sự an tâm cho nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng nâng cao chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động.
Không chỉ vậy, STB đang trong năm cuối đề án tái cơ cấu, sẽ có những quý hoàn nhập rất lớn tạo ra những cú tăng lợi nhuân đột biến đầy bất ngờ, nhất là sau khi đấu giá xong các khoản nợ của nhóm ông Trầm Bê, với khoản lãi treo còn phải trả lên tới 57.6 ngàn tỷ đông, thì STB sẽ là một ngân hàng dễ có sự bùng nổ về giá nhất trong cả hệ thống. Việc của nhà đầu tư chỉ là… “chờ cơ chín”!
Thẻ:STB