
Kịch bản nào hậu đàm phán thương mại Việt – Mỹ?
Paris những ngày đầu tháng 6, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã mang đến một không khí không thể nồng ấm hơn, gọi Việt Nam là ‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt được thỏa thuận. Những nụ cười và những cái bắt tay dường như báo hiệu một con đường đàm phán đầy hoa hồng.
Thế nhưng, cùng lúc đó tại Washington, những phát ngôn lạnh lùng và cứng rắn của Bộ trưởng thương mại Howard Lutnick trong phiên điều trần tại thượng viện, lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác: một sự ‘có đi có lại’ phải dựa trên năng lực sản xuất thực chất, một cuộc chiến không khoan nhượng với gian lận xuất xứ, và một hàng rào bảo hộ vững chắc cho các ngành công nghiệp Mỹ.
Vậy, giữa những lời có cánh của ông Greer và những phát ngôn cứng của ông Lutnick, đâu mới là lập trường thực sự của Hoa Kỳ? Và quan trọng hơn, kịch bản nào đang thực sự chờ đợi các doanh nghiệp Việt Nam ở cuối con đường đàm phán?
Các Kịch Bản Trọng Yếu Hậu Đàm Phán
Khi phân tích kỹ các phát biểu của hai đại diện chính phía Mỹ, kết hợp với thông tin công khai về tiến trình đàm phán, các kịch bản thuế quan trở nên khá rõ nét.
Kịch bản 1: Lý tưởng – “Đối tác Toàn diện & Tuân thủ Hoàn hảo” (Xác suất: 15%)
Diễn biến: Việt Nam không chỉ đón nhận thiện chí của Greer mà còn đáp ứng xuất sắc các tiêu chí kỹ thuật khắt khe của Lutnick gần như ngay lập tức.
Phân tích: Kịch bản này đòi hỏi một sự thay đổi cấu trúc thần tốc từ phía Việt Nam, điều rất khó xảy ra trong ngắn hạn. Do đó, xác suất được đánh giá là thấp.
Kịch bản 2: Thực tế – “Thỏa Thuận Có Điều Kiện & Cú Hích Chuyển Đổi” (Xác suất: 70%)
Đây là kịch bản hợp lý và có khả năng xảy ra cao nhất. Hai bên đạt được thỏa thuận, và văn kiện cuối cùng sẽ bao gồm những ngôn từ tốt đẹp, nhấn mạnh sự thành công của quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, các phụ lục chi tiết sẽ chứa đựng một “Chương trình Xác thực Chuỗi cung ứng” và các điều khoản kỹ thuật chặt chẽ theo đúng tinh thần của Lutnick. Cụ thể:
– Hàng hóa được hưởng ưu đãi (thuế suất 0-5%): Các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao, cùng với một số lĩnh vực công nghệ mà Mỹ khuyến khích Việt Nam sản xuất (phù hợp với lợi thế về chi phí nhân công), sẽ được miễn thuế hoặc hưởng mức thuế thấp hơn sàn 10%. Mức thuế ưu đãi này là phần thưởng cho Việt Nam khi tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chiến lược của Mỹ.
– Hàng hóa bị áp thuế cao (thuế suất 10-25%, tùy theo hàm lượng nội địa): Các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa thấp sẽ bị áp mức thuế cao hơn, nhưng có khả năng vẫn thấp hơn mức áp lên hàng hóa Trung Quốc. Mỹ sẽ đặt ra các rào cản kỹ thuật để sàng lọc, chỉ cho phép các doanh nghiệp “sạch” hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp FDI chỉ đặt nhà máy gia công, lắp ráp công đoạn cuối tại Việt Nam sẽ đối mặt với mức thuế này, trừ khi họ dịch chuyển thêm nhà máy từ Trung Quốc sang để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
– Hàng hóa thuộc ngành Mỹ cần bảo hộ: Mỹ sẽ duy trì hàng rào bảo hộ vững chắc cho các ngành công nghiệp nhạy cảm mà họ muốn kéo về nước. Các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này vốn đã có chiến lược đa dạng hóa thị trường, trong khi các sản phẩm như chip cao cấp thì Việt Nam chưa sản xuất nên không chịu thiệt hại đáng kể.
– Một chi tiết quan trọng là Lộ trình Giảm thuế “Theo Thời gian” đối với các DN bị áp thuế cao có nỗ lực nâng tỷ lệ nội địa, hoặc thay đổi nguyên liệu đầu vào thành nguồn ngoài Trung Quốc.
Bốn Lớp Tác Động Của Kịch Bản 2 Lên Nền Kinh Tế và Thị Trường Chứng Khoán VN
1: Tác động Trực tiếp – Phân hóa Doanh nghiệp
Hiệu ứng tức thời này sẽ diễn ra ngay sau khi chính sách có hiệu lực.
– Nhóm chịu tác động tiêu cực: Các doanh nghiệp gia công đơn giản, phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu Trung Quốc và có biên lợi nhuận mỏng. Khi bị áp thuế cao, họ sẽ mất khả năng cạnh tranh và đứng trước lựa chọn: thu hẹp sản xuất, chuyển đổi chuỗi cung ứng, hoặc đánh mất cơ hội kinh doanh tại thị trường Mỹ. Tuy vậy, mức thuế sẽ không cao như hù dọa, mà được deal xuống thấp hơn đáng kể do những nỗ lực của VN.
– Nhóm hưởng lợi: Các doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao, quản trị minh bạch và năng lực R&D tốt. Họ không chỉ hưởng lợi từ thuế suất ưu đãi mà còn có cơ hội nhận được các đơn hàng giá trị cao hơn từ đối tác Mỹ.
2: Tác động Thứ cấp – Nước đi Bắt buộc của các Tập đoàn Đa quốc gia (MNCs)
Chính sách này đặt các MNCs của Mỹ (Apple, Nike, Dell,…) vào một thế khó khi chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Hành động của họ gần như là tất yếu:
Phân tích các lựa chọn:
– Quay trở lại Mỹ: Bất khả thi về mặt kinh tế do chi phí lao động cao và thiếu hụt hệ sinh thái sản xuất.
– Quay lại Trung Quốc: Đi ngược lại hoàn toàn chiến lược địa chính trị của Hoa Kỳ.
– Chuyển sang nước khác (Ấn Độ, Mexico): 1) Tốn kém, rủi ro và mất nhiều năm để xây dựng lại hệ sinh thái đã có nền móng tại Việt Nam. 2) Không phù hợp với mong muốn và nguyện vọng mà các DN Mỹ đang thể hiện.
>> Hành động tất yếu – “Cú Hích FDI”: Lựa chọn logic nhất và hiệu quả nhất chính là đầu tư sâu hơn vào Việt Nam để tự mình “vá” lại chuỗi cung ứng. Đây là một nước cờ bắt buộc để tồn tại và phát triển.
3: “Làn sóng FDI Thế hệ mới”
“Cú hích” ở Lớp 2 sẽ tạo ra một làn sóng FDI mới về chất, tập trung xây dựng hệ sinh thái bền vững ngay tại Việt Nam.
Đầu tư vào Công nghiệp Hỗ trợ: Các nhà máy sản xuất linh kiện, vi mạch, vải công nghệ cao, khuôn mẫu chính xác… sẽ xuất hiện để cung cấp cho các nhà máy lắp ráp.
Chuyển giao Công nghệ và R&D: Để tăng giá trị gia tăng, các MNCs sẽ buộc phải chuyển giao công nghệ và đặt trung tâm R&D tại Việt Nam.
Bùng nổ Hạ tầng và Logistics cao cấp: Các trung tâm logistics thông minh, kho bãi hiện đại, cảng nước sâu sẽ được đầu tư mạnh mẽ.
Đây chính là nghịch lý kiến tạo: Chính sách thuế quan của Mỹ, ban đầu tưởng chừng là rào cản, cuối cùng lại trở thành động lực mạnh mẽ nhất, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam thực hiện cuộc nâng cấp công nghiệp mà chính chúng ta đã theo đuổi trong nhiều năm.
4: Tác động Dài hạn và Chiến lược Đầu tư Tương ứng
Tái định hình Thị trường Chứng khoán: Yếu tố định giá cổ phiếu sẽ thay đổi. Thay vì P/E dựa trên lợi nhuận gia công, thị trường sẽ trả giá cao cho các công ty có công nghệ lõi, năng lực R&D, quản trị theo chuẩn ESG và vị thế không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của các MNCs.
>> Cả hai kịch bản đều sẽ tốt cho TTCK