
R – Quản lý rủi ro bằng cách Nghiên cứu kỹ lưỡng (Risk Management and Research: A thorough approach)
Phương pháp đầu tư tăng trưởng CANSLIM tập trung vào việc đánh giá các yếu tố cơ bản như tăng trưởng EPS mạnh mẽ theo quý (C) và hàng năm (A), cùng với các tiêu chí khác như:
– N: Yếu tố mới (sản phẩm, dịch vụ, hoặc ý tưởng đột phá).
– S: Cung cầu cổ phiếu trên thị trường.
– L: Cổ phiếu dẫn đầu ngành.
– I: Sự tham gia của các tổ chức lớn.
Khi các yếu tố này hội tụ, nhà đầu tư có thể nhận diện các cổ phiếu tăng trưởng chất lượng mà không cần phân tích sâu về nguồn gốc lợi nhuận. Tuy nhiên, các cổ phiếu chu kỳ khi bắt đầu giai đoạn phục hồi thường không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của CANSLIM. Những cổ phiếu này thường:
– Thiếu yếu tố mới (N).
– Không thể hiện rõ ràng vai trò dẫn đầu (L).
– Thiếu sự tham gia mạnh mẽ từ các tổ chức đầu tư lớn (I).
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu chu kỳ có tăng trưởng đột biến đến từ các nguồn thu không bền vững, như lợi nhuận từ bán tài sản hoặc cắt giảm chi phí tạm thời. Điều này dẫn đến sự bất ổn, dễ tạo ra bẫy phục hồi.
Vai trò của chữ “R” trong CANSLIM-PRE
Để khắc phục những hạn chế này, chữ “R” – “Quản trị rủi ro thông qua nghiên cứu kỹ lưỡng” – đã được bổ sung vào phương pháp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu cẩn thận trước khi ra quyết định đầu tư. Chữ “R” giúp nhà đầu tư: 1) Đánh giá chất lượng lợi nhuận. 2) Xác định và phân tích rủi ro tiềm ẩn. 3) Tránh bẫy lợi nhuận. 4) quản lý kỳ vọng hợp lý, tránh kỳ vọng quá mức.
Tại thị trường Hoa Kỳ, các nhà đầu tư CANSLIM được hỗ trợ bởi đội ngũ chuyên gia của nhật báo IBD thông qua dịch vụ tư vấn trên Investor.com. Các cổ phiếu trong danh sách IBD50 đã được sàng lọc và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi cung cấp cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, các dịch vụ tương tự chưa khả dụng. Do đó, nhà đầu tư trong nước phải tự nghiên cứu và phân tích cổ phiếu một cách cẩn thận. Chữ “R” trở thành lời nhắc nhở nhà đầu tư phải tự lực cánh sinh bằng cách: 1) Đào sâu nghiên cứu cổ phiếu với sự cẩn trọng tối đa. 2) Xem xét kỹ các yếu tố liên quan để giảm thiểu rủi ro.
Nâng cấp quản trị rủi ro với CANSLIM-PRE
Hệ thống CANSLIM truyền thống đã bao gồm yếu tố quản trị rủi ro thông qua phương pháp cắt lỗ khi lệnh không thành công. Tuy nhiên, CANSLIM-PRE nâng cấp thêm một bậc, phù hợp hơn với thực tế thị trường Việt Nam, bằng cách tập trung sâu hơn vào việc đánh giá rủi ro trước khi đầu tư.
MỘT SỐ GỢI Ý ĐÁNH GIÁ RỦI RO VÀ ĐÀO SÂU NGHIÊN CỨU
1. Đánh giá tính bền vững của lợi nhuận quý vừa công bố
Khi chọn một cổ phiếu vừa công bố báo cáo lợi nhuận đột phá (đạt tiêu chí Chữ C) với P/E hấp dẫn (dưới 10, thỏa mãn tiêu chí P), cần trả lời câu hỏi quan trọng: “Liệu doanh thu, lợi nhuận và EPS này có bền vững không?”
Đầu tiên, hãy xem xét nguồn gốc lợi nhuận. Lợi nhuận có thể đến từ doanh thu bán hàng, đầu tư tài chính hoặc các hoạt động khác. Nếu lợi nhuận chủ yếu đến từ nguồn không bền vững như bán tài sản, bán công ty con, hoặc cắt giảm chi phí tạm thời, những nguồn này sẽ khó lặp lại trong tương lai. Khi đó, lợi nhuận và EPS có thể sụt giảm, khiến cổ phiếu mất động lực tăng giá. Vì vậy, nên ưu tiên vốn cho những cổ phiếu có triển vọng bền vững hơn.
Tiếp theo, cần đánh giá môi trường kinh doanh của ngành. Các yếu tố như chính sách quản lý, xu hướng tiêu dùng, hoặc sự thay đổi cạnh tranh trên thị trường có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận doanh nghiệp. Nếu ngành đang được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực, khả năng duy trì tăng trưởng sẽ cao hơn.
J. Stine, tác giả “Làm giàu từ Siêu Cổ Phiếu,” gợi ý một số câu hỏi quan trọng để đánh giá:
– Công ty có sản phẩm hoặc dự án mới mang lại doanh thu không?
– Có sáng kiến giảm chi phí lâu dài không?
– Công ty có khách hàng mới hoặc đã loại bỏ bộ phận gây thua lỗ chưa? (Lợi nhuận lớn sau khi rút khỏi một số mảng thua lỗ là dấu hiệu tái cơ cấu thành công)
– Ngành có các chất xúc tác tích cực như xu hướng thị trường kinh doanh tốt lên hoặc sự suy yếu của đối thủ không?
Dù là yếu tố nào, cần đào sâu phân tích xem liệu những chất xúc tác này có duy trì hoặc gia tăng trong các quý tới không. Báo cáo lợi nhuận thường có thông tin về triển vọng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Nếu ban lãnh đạo cam kết tăng trưởng ổn định, việc đánh giá sẽ dễ dàng hơn.
Cuối cùng, cần trả lời các câu hỏi: Có yếu tố nào đe dọa lợi nhuận gộp không? Tăng trưởng doanh thu chỉ thuộc doanh nghiệp này hay toàn ngành, nếu cả ngành đều báo cáo lợi nhuận tốt thì ít khả năng công ty làm ảo thuật với kết quả kinh doanh? Việc xác định các yếu tố bền vững sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn.
2. Lợi nhuận bứt phá quý gần nhất, nhưng liệu có duy trì trong quý tới?
Lợi nhuận của một doanh nghiệp đã bứt phá trong quý gần nhất, nhưng liệu đà tăng trưởng này có thể tiếp tục trong quý tiếp theo hay không là một vấn đề đáng quan tâm, và cần đánh giá để phân biệt một siêu cổ phiếu thực sự với một cổ phiếu đang trồi sụt thất thường.
Cổ phiếu tăng trưởng thường dựa vào động lực từ sản phẩm hoặc dịch vụ vượt trội, giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng ổn định qua nhiều quý. Ngược lại, cổ phiếu chu kỳ thường phải đối mặt với tình trạng trồi sụt trong kết quả kinh doanh, khiến việc đánh giá tiềm năng tăng trưởng của chúng trở nên khó khăn hơn.
Hãy xem xét một doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 3/2024 là 100 tỷ đồng, tăng 300% so với con số 33 tỷ đồng của quý 3/2023. Mức tăng trưởng này thoạt nhìn có vẻ rất ấn tượng. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào con số của quý 3/2023, bạn cần nhìn xa hơn đến kết quả của quý 4/2023 để đánh giá khả năng duy trì đà tăng trưởng.
– Trường hợp thuận lợi: Nếu quý 4/2023 lợi nhuận chỉ đạt 30-35 tỷ đồng, thì mức 100 tỷ kỳ vọng cho quý 4/2024 sẽ tiếp tục là một bước nhảy vọt, tạo ấn tượng mạnh mẽ với nhà đầu tư.
– Trường hợp bất lợi: Ngược lại, nếu quý 4/2023 đã đạt 85-90 tỷ đồng, thì lợi nhuận 100 tỷ của quý 4/2024 sẽ chỉ mang lại mức tăng trưởng khiêm tốn, không đủ để thu hút sự chú ý từ thị trường.
Việc phân tích lợi nhuận không chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng hiện tại mà cần xem xét cả khả năng duy trì hoặc bứt phá trong các quý tiếp theo. Đánh giá đúng bối cảnh và so sánh hợp lý với các quý trước sẽ giúp bạn nhận diện cơ hội tốt và tránh những cổ phiếu như trong trường hợp bất lợi. Bởi nhiều khi, cổ phiếu đã tăng giá trước khi công bố lợi nhuận quý gần nhất. Nếu mức tăng lợi nhuận không được duy trì trong quý tiếp theo, PE sẽ không hạ thêm được, khiến bạn rơi vào tình trạng kẹt vốn.
Hình bên dưới là ví dụ một cổ phiếu mà bạn cần tìm kiếm: Lợi nhuận đang tăng tốc tăng trưởng, tăng bền vững, và dễ dàng vượt xa cùng kỳ trong các quý tiếp theo. Nó đã mang lại cho tôi mức lợi nhuận lên đến 70% với tỷ trọng 60% NAV trong nhịp tăng mạnh nhất của nó giai đoạn tháng 7 đến tháng 9 năm 2021.
3. Nghiên Cứu Tình Hình Đơn Hàng
Thị trường chứng khoán thường phản ánh trước các kỳ vọng tương lai. Khi có thông tin về đơn hàng tồn đọng tăng mạnh hoặc có lượng đơn hàng ký mới đáng kể, nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sẽ cải thiện lợi nhuận trong các kỳ tới, dẫn đến giá cổ phiếu tăng ngay cả khi lợi nhuận thực tế chưa thay đổi.
Những công ty có số liệu đơn hàng tồn đọng gia tăng hoặc ký kết được các hợp đồng lớn mới thường sở hữu tiềm năng tăng giá cổ phiếu đáng kể. Đơn hàng tồn đọng phản ánh lượng công việc kinh doanh trong tương lai đã ký kết nhưng chưa thực hiện, thường chuyển hóa thành doanh thu và lợi nhuận trong 2-4 quý tiếp theo. Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá triển vọng của doanh nghiệp, cũng là dấu hiệu cho sự tăng lợi nhuận bền vững. Các cổ phiếu có sự gia tăng đơn hàng tồn đọng và đơn hàng ký mới thường ít rủi ro hơn. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu thị trường mạnh mẽ và hiệu quả kinh doanh tiềm năng.
Các cổ phiếu ngành xây dựng dân dụng, xây lắp dầu khí, tư vấn và xây lắp điện, dệt may, bất động sản… thường bắt đầu tăng giá ngay khi có thông tin về đơn hàng tồn đọng tăng mạnh, ngay cả khi chưa có báo cáo lợi nhuận tăng cao. Dưới đây là kinh nghiệm của tôi khi ứng dụng tiêu chí ĐƠN HÀNG để chọn cổ phiếu và xác định thời điểm mua ở một số ngành:
– Ngành bất động sản: Các dự án bất động sản thường ghi nhận dòng tiền từ người mua trả trước theo tiến độ, được phản ánh trong khoản mục “người mua trả trước” trên bảng cân đối kế toán. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chuyển Tài sản dở dang dài hạn sang hàng tồn kho (bao gồm Tài sản dở dang ngắn hạn hoặc thành phẩm sẵn sàng bán) khi dự án tiến tới giai đoạn hoàn thành. Nếu quan sát thấy “người mua trả trước” và “hàng tồn kho” tăng đáng kể trong báo cáo tài chính quý, đây có thể là dấu hiệu cho thấy công ty sắp bàn giao dự án và ghi nhận lợi nhuận lớn trong kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thẩm định kỹ các thông tin về tiến độ bàn giao, nhu cầu thị trường, và tình hình tài chính của công ty để xác định thời điểm tham gia cổ phiếu bất động sản một cách hiệu quả trước khi lợi nhuận được công bố.
– Ngành xây dựng dân dụng và dầu khí, xây dựng hạ tầng giao thông: Các dự án lớn thường có giá trị cao, tác động trực tiếp đến kỳ vọng dòng tiền và biên lợi nhuận, nên giá cổ phiếu dễ phản ứng ngay. Ví dụ PVS chúng tôi đầu tư năm 2023 với dự án lớn Lô B – Ô Môn, cổ phiếu này đã tăng rất mạnh mẽ mang lại lợi nhuận lớn.
– Dệt may: Ngành này có tính chu kỳ cao, đặc biệt nhạy cảm với các đơn hàng xuất khẩu lớn. Khi có thông tin về các hợp đồng mới hoặc gia tăng đơn hàng, giá cổ phiếu thường tăng nhanh vì thị trường kỳ vọng vào doanh thu sắp tới.
4. Xem Xét Giao Dịch Nội Bộ
Kết hợp tín hiệu giao dịch của người nội bộ với các yếu tố khác trong CANSLIMPRE có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội lớn trên thị trường.
Người nội bộ mua cổ phiếu bằng tiền riêng là một tín hiệu mạnh mẽ, cho thấy họ tin tưởng vào khả năng tăng giá của cổ phiếu. Đây không chỉ là hành động cam kết cá nhân mà còn ám chỉ những yếu tố xúc tác lớn về cơ bản sắp xuất hiện. Nhiều nghiên cứu cho thấy các cổ phiếu có giao dịch mua của người nội bộ thường có khả năng tăng giá mạnh hơn phần còn lại của thị trường.
Các yếu tố cần chú ý:
– Thời điểm: Giao dịch mua diễn ra trong giai đoạn cổ phiếu hình thành nền giá dài hoặc sau cú phá vỡ đầu tiên thường đáng chú ý.
– Quy mô: Quy mô giao dịch lớn so với thu nhập của người mua thể hiện sự cam kết mạnh mẽ.
– Sự đồng thuận: Khi nhiều người nội bộ cùng mua, khả năng cổ phiếu tăng giá càng cao.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng với các giao dịch mua sau một thông tin xấu (khả năng chỉ ra tin để đỡ giá nhưng không mua), chỉ mua ít mang tính tượng trưng. Cũng cần cẩn trọng với việc mua lại cổ phiếu của công ty làm cổ phiếu quỹ vì không đảm bảo cổ phiếu sẽ tăng giá, có thể chỉ là doanh nghiệp không biết làm gì với số tiền đang có, đồng nghĩa tiềm năng tăng trưởng bị nghi ngờ.
5. Cổ Phiếu Có Nhiều Nhà Đầu Tư Giỏi Đồng Hành
Những nhà đầu tư giỏi không chỉ nhìn vào tiềm năng tăng trưởng mà còn đánh giá cẩn thận các rủi ro. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một trong những cách hiệu quả để nhận diện cổ phiếu tiềm năng là xem xét liệu có những nhà đầu tư uy tín đang đồng hành hay không. Đây là những người giàu kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc và có tầm nhìn dài hạn.
Những nhà đầu tư này thường chia sẻ thông tin trên các diễn đàn chứng khoán, tham gia thảo luận tại các nền tảng như FireAnt, hoặc xuất hiện trong các nhóm Facebook chất lượng về đầu tư. Ngoài ra, họ cũng thường phân tích và chia sẻ nhận định qua trang cá nhân hoặc các phòng thảo luận riêng. Các thông tin mà họ cung cấp thường được xây dựng dựa trên quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và có giá trị cao.
Thực tế cho thấy, những cổ phiếu tốt thường thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư giỏi. Họ có khả năng nhận diện tiềm năng từ sớm, trước khi phần lớn nhà đầu tư khác nhận ra. Vì vậy, khi phát hiện một cổ phiếu có triển vọng dựa trên các tiêu chí như CANSLIMPRE, bạn nên dạo qua các diễn đàn, nhóm đầu tư và trang cá nhân của những nhà đầu tư uy tín. Nếu nhận thấy nhiều nhà đầu tư giỏi đều quan tâm đến cùng một cổ phiếu, đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ hội lớn. Hãy ưu tiên dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng cổ phiếu này để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.
6. Nghiên Cứu Kỹ Rủi Ro Pha Loãng Cổ Phiếu
Những công ty thường xuyên phát hành thêm cổ phiếu tiềm ẩn rủi ro pha loãng lớn, làm giảm giá trị cổ phiếu và niềm tin của nhà đầu tư. Các đợt chào bán này thường xuất phát từ ba lý do: 1) Thiếu tiền mặt: Công ty cần vốn để duy trì hoạt động, dấu hiệu của tình trạng tài chính không lành mạnh; 2) Mở rộng kinh doanh: Huy động vốn cho các dự án mới nhưng đi kèm rủi ro pha loãng. Trường hợp này có thể đầu tư được nếu thị trường chung đang rất tốt, nền kinh tế đang thuận lợi và nhóm ngành đó đang có cơ hội lớn để các công ty trong ngành dễ dàng phát triển; 3) Nhiều công ty sẽ tận dụng giá cổ phiếu cao để phát hành huy động vốn khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, gây thiệt hại cho cổ đông hiện tại.
Hậu quả chính của chào bán thứ cấp bao gồm giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS), tăng chi phí cố định và mất niềm tin từ nhà đầu tư. Vì vậy, sau khi phát hiện một cổ phiếu có nhiều đặc điểm CANSLIMPRE, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng rủi ro pha loãng, bằng cách:
– Xem xét lịch sử phát hành thêm. Cần tránh các cổ phiếu hay phát hành thêm trong quá khứ. Đây là dấu hiệu của công ty có chiến lược tài chính không tối ưu, nên thường xuyên tăng vốn hút máu cổ đông.
– Đánh giá dòng tiền: Chỉ đầu tư vào công ty có dòng tiền đủ mạnh, không cần phát hành thêm cổ phiếu.
– Theo dõi thông tin tài chính: Nhận diện ý định chào bán thứ cấp từ các báo cáo tài chính hoặc họp cổ đông.
– Chờ đợi sau chào bán: Đợi ít nhất 6 tháng để quan sát tác động trước khi đầu tư.
7. Tiếp Thu Góc Nhìn Tiêu Tực, Chuẩn Bị Tinh Thần Cho Điều Không Mong Muốn
Trong cuốn Làm giàu từ siêu cổ phiếu, tác giả Jesse Stine khuyên nhà đầu tư nên đào sâu các quan điểm trái chiều để phát hiện rủi ro. Ông khuyên nhà đầu tư: “Hãy tiếp thu góc nhìn tiêu cực, chuẩn bị tinh thần cho điều không mong muốn, và đào xới những quan điểm đối nghịch.”
Jesse Stine gợi ý rằng trước khi quyết định đầu tư, hãy tìm kiếm những bài viết, phân tích hoặc bình luận có quan điểm tiêu cực về cổ phiếu đó, thậm chí cả những ý kiến “chim lợn” trên các diễn đàn. Việc đọc báo cáo thường niên và phần rủi ro của công ty cũng là một bước quan trọng. Ông khuyên bạn không nên sợ hãi trước những thông tin trái chiều, vì chính những thông tin này có thể giúp bạn phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo để tránh đầu tư vào một cổ phiếu xấu.
Hãy lưu ý rằng việc nghiên cứu các góc nhìn đối lập này phải được thực hiện trước khi mua cổ phiếu. Khi đã trở thành cổ đông, hãy giữ vững quan điểm tích cực và tránh để những thông tin tiêu cực làm lung lay quyết định của bạn, trừ khi các dấu hiệu bán rõ ràng xuất hiện theo các tiêu chí bán của hệ thống CANSLSIMPRE.
8. NÂNG CAO HIỂU BIẾT CỦA BẢN THÂN
Hẳn những bạn đọc tinh ý đã nhận ra rằng các gợi ý tôi chia sẻ không hề mới lạ. Thật vậy, chúng không phải do tôi tự nghĩ ra mà là kết quả của quá trình học hỏi từ những nhà đầu tư xuất sắc. Những điều này được tôi chắt lọc từ các cuốn sách quý giá mà tôi đã có cơ hội biên dịch – chủ yếu từ các tác giả người Mỹ – và từ việc tự học, không ngừng trau dồi để nâng cao kỹ năng đầu tư của bản thân.
Những nhà đầu tư giỏi nhất đã truyền cảm hứng và chỉ dẫn tôi về các kiến thức cần thiết, cũng như những nguồn tài liệu đáng tin cậy. Giờ đây, tôi muốn chia sẻ lại những điều đó với bạn – người đang đọc bài viết này. Việc tự học, theo tôi, chính là nền tảng quan trọng để xây dựng khả năng phân tích và đánh giá cổ phiếu một cách sâu sắc và hiệu quả.
Dưới đây, tôi xin giới thiệu một số cuốn sách mà bạn nên tham khảo. Phần lớn trong số đó là những tác phẩm tôi đã dịch – không phải vì tôi muốn quảng bá chúng, mà vì tôi thực sự tin vào giá trị to lớn mà mỗi cuốn sách mang lại. Tôi đã đọc, say mê, và đầu tư tâm huyết để dịch chúng. Những cuốn sách này không chỉ là kiến thức, mà còn là hành trang quý báu cho hành trình đầu tư của bạn.
-
Làm Giàu Từ Siêu Cổ Phiếu – Jesse Stine. Jesse Stine đã biến 45.721 USD thành 6,8 triệu USD trong 28 tháng, đạt mức tăng trưởng 14.972%. Thành công của ông, không dựa vào chuyên môn Phố Wall, đến ngay sau bong bóng internet khi S&P 500 chỉ tăng 25%. Sách chia sẻ phương pháp đầu tư độc đáo và giàu cảm hứng, phù hợp cho những ai tìm kiếm cách tiếp cận mới.
- Báo Cáo Tài Chính Dưới Góc Nhìn Của Warren Buffett. Sách cung cấp cách phân tích báo cáo tài chính và tìm cổ phiếu tiềm năng qua dữ liệu thực tế. Với lối viết dễ hiểu, đây là tài liệu hữu ích cho người mới, đồng thời truyền cảm hứng để bạn khám phá sâu hơn.
- Nhà Đầu Tư Thành Công – William J. O’Neil. Cuốn sách chia sẻ 5 bước đầu tư hiệu quả: xác định xu hướng, ưu tiên phần thưởng lớn hơn rủi ro, chọn thời điểm mua bán, và quản trị danh mục. Đây là một hướng dẫn thực tiễn, giúp bạn tránh sai lầm và đạt thành công bền vững.
- Cách Dan Zanger – Biến 11.000$ Thành 42 Triệu $ Trong 23 Tháng. Dan Zanger lập kỷ lục khi biến 10.775 USD thành 42 triệu USD trong 23 tháng. Sách tập trung vào phương pháp phân tích biểu đồ giúp Zanger nắm bắt cơ hội thị trường, với minh họa rõ ràng và hướng dẫn chi tiết, là tài liệu quý giá cho nhà giao dịch muốn cải thiện kỹ năng.
-
Giao Dịch Như Đệ Tử Chân Truyền Của O’Neil. Tác phẩm tổng hợp kinh nghiệm từ học trò xuất sắc của William J. O’Neil, người sáng lập CANSLIM. Sách trình bày chiến lược thực tế, bài học thành công và thất bại, nhấn mạnh kỷ luật và học hỏi, giúp bạn áp dụng CANSLIM hiệu quả hơn.
- Những Bậc Thầy Đầu Tư Theo Đà Tăng Trưởng. Sách tổng hợp kinh nghiệm từ các nhà đầu tư hàng đầu như Mark Minervini, David Ryan, Dan Zanger và Mark Ritchie II. Từ phân tích biểu đồ đến quản lý tâm lý, sách mang đến bài học giá trị giúp cải thiện hiệu quả đầu tư.
-
Làm Giàu Từ Bán Khống – Gil Morales & Chris Kacher. Hai học trò của O’Neil chia sẻ hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật bán khống, minh họa bằng biểu đồ thực tiễn. Sách giúp bạn nhận diện cổ phiếu tạo đỉnh và tối ưu hóa chiến lược giao dịch.