
“Từ VFG, BMP đến FPT, FRT, BAF…: Bài học về đầu tư P/E thấp và chiến lược nắm giữ cổ phiếu tăng trưởng”
Nhiều bạn mới tập đầu tư thường quen chơi các cổ phiếu có PE thấp, vì cảm thấy mua như vậy là rẻ. Nên thấy cổ như FPT FRT là bù lu bù loa lên chê tăng ảo, tăng láo, chê PE cao. Chiến lược PE thấp không sai, đặc biệt khi các bạn biết cách tiếp cận chuẩn. Ví dụ, cổ phiếu P/E thấp là món hời trong một số trường hợp sau:
1. Doanh nghiệp PE thấp vì bị thị trường lãng quên nhưng có nền tảng tài chính ổn định và lợi nhuận đều đặn, không bị giảm tăng trưởng, đột nhiên KQKD tăng vọt làm cho P/E đột ngột từ cao xuống rất thấp. Nhiều DN dạng này có KQKD đột nhiên tăng vọt nhờ một sản phẩm mới, một chính sách có lợi, hoặc chi phí đầu vào như nguyên vật liệu đột ngột giảm, hoặc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, hoặc một công ty đối thủ lớn gặp khủng hoảng…. Ví dụ điển hình là case VFG mà team chúng tôi tham gia đầu năm, hoặc BMP chúng tôi tham gia năm 2023.
2. Doanh nghiệp sở hữu tài sản tiềm năng chưa được khai thác, điển hình là các công ty BDS có dự án “cỏ mọc” của chu kỳ trước, khi bước vào bong bóng BDS là giá cổ phiếu tăng vọt.
3. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau khó khăn.
4. Ngành nghề chu kỳ đang ở đáy và sắp bước vào giai đoạn phục hồi.
Các công ty này có thể đánh nhanh thắng nhanh, ăn nhanh khi nhảy vào đúng chu kỳ tăng giá của chúng, thường là đánh vài tháng đến dưới 1 năm, nhưng nắm giữ dài hạn thì không phù hợp cho lắm vì đa số sẽ giảm giá trở lại, hoặc không đi được xa hơn nữa khi đã tăng đến mức PE phù hợp, không tiếp tục tăng bền vững được.
Các trường hợp PE thấp cần tránh xa:
1. Các công ty có PE thấp vì đang giảm tăng trưởng, đang phải co hẹp quy mô doanh thu. Loại này bị thị trường trừng phạt thẳng tay nên giá giảm trước pe, nên có thể là động không đáy, cứ mua là chết.
2. Các công ty có PE thấp vì mô hình hoạt động không thể mở rộng quy mô doanh thu một cách dễ dàng, ví dụ như các nhà máy nhiệt điện, điện khí… Vì phải đầu tư rất lớn, sau mỗi lần đầu tư lớn phải mất cả chục năm khấu hao để trả dần nợ, phần lợi nhuận còn lại thường chia cổ tức chứ không giữ lại để tái đầu tư nhà máy điện mới. Cổ phiếu kiểu này thì có thể chờ giai đoạn khấu hao gần hết thì vào đầu cơ 1 đoạn, nhưng đòi hỏi khả năng timming rất tốt mới vào đúng được. Nếu không có ý định nắm giữ dài ăn cổ tức, với mức cổ tức chỉ hơn gửi tiết kiệm một chút, thì hãy tránh xa nhóm này.
3. Công ty có PE thấp vì thị trường đã bão hoà, không còn khả năng mở rộng nữa. Loại này trên thị trường có rất nhiều.
4. Các công ty BDS vừa book lãi khủng từ bàn giao dự án và giá đã chạy xa so với vùng nền giá trước đó, nhưng không có dự án tiếp tục cho doanh thu trong thời gian tới. Loại này mua xong thì ngồi ngọn cây hóng mát vì trước khi báo cáo ra, người ta đã nhìn ra trước nhờ xem tiến độ dự án và xem người mua trả trước, nên giá được đẩy lên trước khi báo cáo được công bố, rất khó có ăn khi mua theo PE thấp.
CÁC CÔNG TY TĂNG TRƯỞNG XỊN NHẤT, PE LUÔN LUÔN KHÔNG THẤP
Còn các công ty tăng trưởng mạnh và có khả năng mở rộng quy mô công ty mạnh mẽ thì PE luôn luôn cao, muốn giá thấp đến mức PE hấp dẫn thì nhìn vào kết quả kinh doanh gần đây để tính EPS, sau đó lên cỗ máy thời gian quay về quá khứ mà mua để có P thấp. Lý do đơn giản cổ phiếu thực sự ngon luôn luôn không rẻ là vì tiền nào thì của ấy. Cụ thể những lý do mà cổ phiếu tăng trưởng ngon luôn có P/E cao là vì:
1. P/E cao phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai
Khi một doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai, nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho cổ phiếu, ngay cả khi lợi nhuận hiện tại (EPS) còn thấp. Điều này dẫn đến P/E cao, bởi vì kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng vượt bậc trong các năm tới, khiến giá cổ phiếu hiện tại được định giá cao hơn so với lợi nhuận hiện tại.
Ví dụ:
a) Cổ phiếu công nghệ như Amazon hay Tesla: Trong giai đoạn đầu, lợi nhuận của họ rất thấp (thậm chí âm), nhưng nhà đầu tư vẫn đẩy giá cổ phiếu lên rất cao vì kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
b) Các doanh nghiệp có triển vọng AI, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, thường có P/E cao vì thị trường kỳ vọng những lĩnh vực này sẽ bùng nổ trong vài năm tới. (ChatGPT bây giờ sắp thay thế Google search hoàn toàn đến đít rồi mà nhiều người vẫn nghĩ rằng AI chỉ là trend nhất thời. Nói chân tình: bây giờ, cụ nào vẫn dùng google làm công cụ tìm kiếm chủ yếu thì đang bị tụt hậu đó, tìm hiểu AI đi kẻo thành người tối cổ.)
2. P/E cao vì công ty đang trong giai đoạn đầu tư mạnh mẽ và lợi nhuận chưa phản ánh đủ
Các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh thường cần đầu tư lớn vào tài sản, công nghệ hoặc mở rộng thị phần trong giai đoạn đầu, dẫn đến:
– Lợi nhuận hiện tại thấp hoặc thậm chí âm.
– Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai khi đầu tư bắt đầu mang lại kết quả.
P/E cao trong giai đoạn này phản ánh việc thị trường chấp nhận hy sinh lợi nhuận hiện tại để đổi lấy tăng trưởng dài hạn.
Ví dụ: Một chuỗi nhà thuốc như Long Châu hay công ty công nghệ như FPT: Doanh nghiệp chấp nhận đầu tư lớn để mở rộng mạng lưới hoặc hạ tầng AI, lợi nhuận ngắn hạn có thể chưa cao nhưng tiềm năng tăng trưởng dài hạn rất lớn.
3. So sánh với P/E quá khứ và P/E của ngành: không phải ngành nào và công ty cùng ngành nào cũng có cùng mức P/E
Không thể đem PE của tất cả các ngành đánh đồng làm 1 được, vì có ngành nặng tính chu kỳ, có ngành thì không, có ngành tính chu kỳ nhẹ hơn. Rồi các công ty trong cùng ngành cũng không cùng mức P/E được, ví dụ công ty đầu ngành vị thế cạnh tranh tốt – quy mô doanh nghiệp lớn – tài chính vững mạnh luôn có PE cao hơn công ty nhỏ hơn – yếu tài chính hơn, quy mô nhỏ hơn… Các cổ phiếu cùng ngành nhưng đang tăng trưởng luôn có P/E cao hơn so với P/E trung bình ngành vì doanh nghiệp này được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng vượt trội sơ với các DN khác trong ngành. Vì vậy, việc so sánh PE cũng phải có sự phân biệt đối xử (giữa các ngành, giữa các công ty trong cùng một ngành…) chứ không thể tính PE cá mè một lứa được.
Nhà đầu tư chấp nhận mua cổ phiếu với mức giá cao hơn vì tin rằng doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lợi nhuận nhanh hơn các đối thủ và xứng đáng với mức định giá cao. Nhà đầu tư trả giá cao hơn cho ngành công nghệ, bán lẻ… là vì chúng xứng đáng được định giá cao hơn các ngành chu kỳ – vốn dĩ chỉ có lãi 1 2 hoặc 3 năm rồi lại chìm vào thua lỗ hoặc lợi nhuận trở lại mức phọt phẹt.
Vì vậy, ví dụ trong ngành công nghệ, có P/E trung bình ngành = 20 lần, nhưng một doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số có P/E = 30-40 lần, điều này cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của doanh nghiệp đó. Không thể đem PE công ty đầu ngành công nghệ, bán lẻ ra so với ngành chu kỳ như bank, thép, bds… So như thế là dở người.
Một cái quan trọng nữa, cùng là một công ty trong ngành công nghệ, nếu chỉ có yếu tố tăng trưởng thuần tuý thì PE chỉ đạt 20, nhưng tăng trưởng mà lại đi kèm với tiềm năng dẫn đầu nhiều ngành công nghiệp mới thì PE có thể đạt mức cao hơn rất nhiều. Cũng công ty đó, nhưng đạt mốc doanh thu tỷ đô xuất khẩu phần mềm để rồi ký kết được nhiều hợp đồng kỷ lục mới thì PE lại có thể được trả cao hơn nữa. Các giai đoạn phát triển khác nhau thì PE cũng không giống nhau được.
4. “Growth Stock” và sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận
Cổ phiếu có P/E cao thường là cổ phiếu tăng trưởng (growth stock). Nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tạo ra tăng trưởng lợi nhuận kép trong tương lai.
Tuy nhiên, nhà đầu tư xác định đầu tư vào đây cũng chấp nhận rủi ro cao hơn. Bởi Nếu doanh nghiệp không đạt được tăng trưởng kỳ vọng, giá cổ phiếu có thể điều chỉnh mạnh. Nhưng ngược lại, nếu doanh nghiệp thành công, lợi nhuận sẽ bùng nổ và P/E sẽ tự động giảm dần khi EPS tăng mạnh.
Ví dụ:
Cổ phiếu Vinamilk (VNM) khi còn tăng trưởng +20%/năm từng có P/E 25-27 lần và vẫn được xem là rẻ. Nhưng khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, P/E giảm mạnh, thì giá cổ phiếu cũng đi xuống, rồi khi lợi nhuận ổn định, giá giảm đủ thì bước vào giai đoạn ngang, bị lãng quên. Còn cổ phiếu công nghệ như FPT hiện nay có P/E cao, nhưng nếu doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 20-25%/năm, P/E sẽ nhanh chóng “hợp lý hóa”.
5. Kỳ vọng P/E sẽ “giảm” theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận
Khi doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ, EPS tăng nhanh hơn giá cổ phiếu, điều này làm P/E giảm dần theo thời gian. Nhà đầu tư tin rằng P/E cao hiện tại là hợp lý, miễn là doanh nghiệp đạt được các mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
Ví dụ: Một doanh nghiệp công nghệ với P/E 30 lần nhưng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 25%/năm. Sau 3 năm, P/E sẽ giảm xuống khoảng 15-20 lần, nếu giá cổ phiếu giữ nguyên.
Túm váy lại: Cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai thường có P/E cao vì:
1. Kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc trong các năm tới.
2. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư mạnh, lợi nhuận hiện tại chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng.
3. Nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn hơn để đổi lấy lợi nhuận cao hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý:
– Cần phải đánh giá khả năng thực hiện kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. “P/E cao có thể là cơ hội hoặc rủi ro, tùy thuộc vào việc doanh nghiệp có thực hiện được kỳ vọng tăng trưởng mà thị trường đặt ra hay không.” Thị trường luôn ưu ái các công ty tăng trưởng cao, nhưng nếu công ty không đáp ứng được kỳ vọng, thị trường sẽ trừng phạt nó xứng đáng.
– Tránh bị cuốn vào tâm lý hưng phấn quá đà khi P/E quá cao mà không có nền tảng cơ bản hỗ trợ. Mua cổ phiếu đăng tăng giá mạnh làm cho PE trở nên quá cao nhưng giá trị cốt lõi doanh nghiệp không có hoặc không rõ ràng thì rủi ro rất cao. Còn trường hợp của FPT và FRT là có nền tảng cơ bản hỗ trợ chứ không phải tăng láo, tố láo. Anh chị chưa tìm hiểu kỹ thì nên bắt tay tìm hiểu, chứ đừng phán bừa ạ.
– NĐT cũng cần kết hợp phân tích các yếu tố khác như doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền và triển vọng ngành để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.