
ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CUỘC HỌP FOMC THÁNG 12/2024 ĐẾN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM: VN THỰC SỰ MONG ĐỢI GÌ?
Bối cảnh cuộc họp FOMC tháng 12/2024
Cuộc họp FOMC tháng 12/2024 đã quyết định hạ lãi suất 0,25% xuống biên độ mới, nhưng đồng thời phát đi tín hiệu thận trọng hơn về tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025. Kỳ vọng ban đầu của thị trường là Fed sẽ giảm lãi suất nhanh hơn, với 3-4 lần giảm trong năm tới, đưa lãi suất mục tiêu hết năm 2025 về còn 3,25-3,5%. Tuy nhiên, hiện nay Fed chỉ dự kiến hạ lãi suất thêm 2 lần trong năm 2025, mỗi lần 0.25%, đưa lãi suất mục tiêu đến hết 2025 về mức 3.75-4%.
“Hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và lạm phát tăng vừa phải”, Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc Fed nhận xét trong thông báo. Họ cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các số liệu sắp tới, cả về triển vọng và rủi ro, để ra quyết định lãi suất.
Quyết định này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, đồng thời kéo theo sự điều chỉnh trên nhiều thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng này cần được đánh giá chi tiết cả về ngắn hạn và trung-dài hạn để có cái nhìn toàn diện hơn.
I/ Tác động tiêu cực ngắn hạn (1 vài phiên) là khó tránh
– Tác động ngắn hạn của sự kiện này đến thị trường chứng khoán Việt Nam là điều khó tránh, do Hiệu ứng tâm lý. Thông thường, khi không phân tích được vấn đề, thì mọi người thường hành động theo hướng “Cứ bán bớt cho nó chắc”.
– Việc Đô la index tăng vượt 108 sau cuộc họp FOMC có thể gia tăng hiệu ứng tâm lý cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên ảnh hưởng ra sao thì cần đánh giá kỹ.
Đánh giá sức ép tỷ giá và ảnh hưởng ngắn hạn đến thị trường
1. Tình hình toàn cầu
– Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Anh (BoE) giữ nguyên lãi suất, làm đồng JPY và GBP suy yếu. Đây là hai đồng tiền trong rổ tính chỉ số DXY, chúng suy yếu góp phần làm DXY tăng lên.
– Chỉ số DXY Index (đo sức mạnh USD so với rổ tiền tệ khác) tăng lên mức 108,4 điểm do định hướng lãi suất 2025, tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND.
2. Tình hình trong nước
– Can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV): SBV đã bán 1 tỷ USD trên thị trường giao ngay, nâng tổng số USD bán ra từ đầu năm lên 7,5 tỷ USD để kiểm soát tỷ giá. Dù vậy, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn ở mức cao 25,463 VND/USD, tăng 4,9% từ đầu năm.
– Dự báo: Tỷ giá sẽ giảm xuống khoảng 25,200 VND/USD vào cuối năm 2024 nhưng có thể tăng trở lại ở mức cao 25,800 – 26,000 VND/USD trong năm 2025.
3. Đánh giá ảnh hưởng đến thị trường VN về ngắn hạn
– Áp lực lên thị trường: Áp lực tỷ giá và lãi suất khiến thị trường trong nước kém hấp dẫn hơn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài và trong nước trong ngắn hạn. Cho nên, về ngắn hạn, vấn đề tỷ giá có thể kìm chân thị trường một thời gian cho tới khi tỷ giá hạ nhiệt. (Về dài hạn thì không có gì phải lo, như trong bài viết trước).
– Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý:
+ Từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, SBV đã bán ra 6.5 tỷ đô để ổn định tỷ giá, nhưng đó lại là giai đoạn thị trường tăng điểm mạnh, lên vượt 1300. Nên đợt này SBV bán đô la cũng là chuyện đáng mừng, vì biết rằng tỷ giá trước đang được kiểm soát. Và biết rằng khi SBV bán đô la thì thị trường tăng, như diễn ra giai đoạn tháng 4 đến tháng 7.
+ Trong bối cảnh hiện nay, sức ép tỷ giá đã dần trở nên “bình thường hơn”, mọi người hầu như đều ý thức được điều này rồi, không còn là yếu tố gây bất ngờ.
+ Tỷ giá có thể sẽ tăng, nhưng sẽ tăng ở một giới hạn chấp nhận được, vì sức chống chịu của VN khá ổn nhờ nhiều khía cạnh khác nhau.
+ Và chính phủ cũng đang quyết liệt triển khai nhiều chiến lược khác bên cạnh các điều hành để góp phần cân đối áp lực. Ví dụ như: 1) Tăng ngoại hối đi vào bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu và thặng dư thương mại để tích lũy thêm ngoại tệ, đồng thời thu hút thêm dòng vốn FDI và kiểm soát dòng vốn ngắn hạn; 2) Tái cơ cấu nợ nước ngoài: việc này đã được chính phủ thực hiện từ 2023 khi đưa nợ cong từ 38% GDP xuống 28% GDP, và vừa rồi thấy mua đô la để trả nợ thêm 1-2 tỷ đô nữa (Con số chính xác lát xem lại). Bên cạnh đó, còn có các biện pháp có thể xem xét như: Kéo dài thời gian trả nợ, chuyển đổi nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn để giảm áp lực thanh toán; 3) Nâng hạn thị trường, golive KRX để cân đối dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán…
Tóm lại: Chuyện áp lực tỷ giá không phải chuyện gì bất ngờ và ghê gớm. Không bất ngờ, không ghê gớm thì không phải lo.
II/ Ảnh hưởng trung và dài hạn thế nào?
Mặc dù tác động tâm lý ban đầu là có, nhưng những tín hiệu từ cuộc họp FOMC không hoàn toàn là tin xấu cho thị trường Việt Nam khi xét về trung và dài hạn. Bởi vì:
1/ Môi trường lãi suất toàn cầu vẫn đang hạ nhiệt: Fed vẫn hạ lãi suất 0.25% trong kỳ họp tháng 12, và vẫn dự kiến hạ hai lần trong năm 2025, mỗi lần 0.25%. Mặc dù tốc độ có chậm hơn kỳ vọng, nhưng rốt cục thì lãi suất toàn cầu vẫn đang trên xu hướng giảm, giúp hỗ trợ thanh khoản và cải thiện điều kiện tài chính. Việt Nam, vốn đã xoay sở thành công trong giai đoạn lãi suất cao, sẽ tiếp tục hưởng lợi khi áp lực này giảm dần.
2/ Kinh tế Mỹ ổn định là tín hiệu tích cực: Việc Fed hạ lãi suất chậm đồng nghĩa nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được sự vững mạnh, điều này sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu hàng hóa. Đây là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, thủy sản, và điện tử… nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP của VN, gia tăng niềm tin có thể đạt được kế hoạch +8% GDP mà chính phủ đặt ra cho 2025. Và vì vậy, kết quả cuộc họp FOMC của FED đêm 19/12/2024 có lẽ lại chính là điều VN mong đợi nhất.
3/ Cải thiện dòng vốn đầu tư nước ngoài: Các biện pháp như nâng hạng thị trường chứng khoán và dòng vốn FDI từ các tập đoàn lớn (ví dụ Nvidia) sẽ tạo lực đẩy cho dòng tiền vào Việt Nam trong trung hạn. Trong bối cảnh TTCK Mỹ giảm điểm, các nhà đầu tư có thể cân nhắc ở lại thị trường mới nổi như Việt Nam, nhờ đó giảm bán ròng.
4/ Nội tại kinh tế Việt Nam đang trên đà cải thiện: Đơn hàng xuất khẩu, việc làm, và GDP đang trên đà phục hồi. Các chính sách tái cơ cấu ngành bất động sản và khơi thông tín dụng từ Chính phủ đang tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tóm lại: Cuộc họp FOMC tháng 12/2024 tạo ra hiệu ứng tâm lý tiêu cực ngắn hạn, nhưng không phải là tin xấu đối với thị trường Việt Nam. Điều thực sự tốt cho VN là FED tiếp tục hạ lãi suất, nhưng đồng thời cũng cần kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh để còn mua hàng hoá của VN >> Kết quả cuộc họp FOMC của FED đêm 19/12/2024 có lẽ lại chính là điều VN mong đợi nhất.