
BÁO CÁO ĐẶC BIỆT: TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH THUẾ MỚI CỦA HOA KỲ ĐỐI VỚI VIỆT NAM & TRIỂN VỌNG PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG
Đánh giá từ TSI Research
Trong bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị thực thi chính sách thuế quan mới mang tính toàn cầu từ ngày 5/4 và đặc biệt là mức thuế đối ứng riêng biệt từ ngày 9/4/2025, chúng tôi xin gửi đến Quý vị bản đánh giá nhanh tác động đến Việt Nam và cơ hội đầu tư tiềm năng trong kịch bản này.
Theo tuyên bố từ chính quyền Hoa Kỳ, mức thuế nhập khẩu cơ bản 10% sẽ được áp dụng đối với tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Riêng với các quốc gia mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại lớn và duy trì các rào cản thương mại bị đánh giá là không công bằng, mức thuế đối ứng riêng biệt sẽ được áp dụng. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị áp thuế đối ứng cao, với mức 46%, chỉ sau Campuchia (49%). Mức thuế này không cộng gộp với 10% cơ bản, mà được xem là mức thuế độc lập theo đánh giá riêng của Hoa Kỳ.
Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại có mức thặng dư lớn với Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt khoảng 103,6 tỷ USD trong khi nhập khẩu chỉ đạt 13,1 tỷ USD, tương đương mức chênh lệch gần 90%. Đây chính là cơ sở mà phía Hoa Kỳ viện dẫn cho con số “thuế tương đương” 90%, mặc dù trên thực tế mức thuế áp dụng là 46%. Đồng thời, báo cáo 2025 National Trade Estimate (NTE) của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liệt kê hàng loạt quan ngại về các rào cản mà Việt Nam áp dụng, bao gồm rào cản phi thuế trong nhập khẩu, sự phân biệt trong đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, hạn chế sở hữu nước ngoài trong một số ngành dịch vụ, các quy định chưa minh bạch về dược phẩm, sở hữu trí tuệ và công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, nguy cơ Việt Nam tiếp tục bị duy trì mức thuế 46% là tương đối thấp nhờ vào những hành động chính sách chủ động mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi có phản hồi tích cực và thực chất trước các quan ngại của Mỹ. Cụ thể, Chính phủ đã cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng then chốt của Hoa Kỳ như ethanol, ô tô, thực phẩm chế biến; cấp phép cho Starlink hoạt động, mở cửa lĩnh vực viễn thông; ban hành Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược nhằm đảm bảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường nhập khẩu LNG, thiết bị y tế, máy bay từ Mỹ; và đặc biệt là chủ động đối thoại ở cả cấp chính phủ và TIFA với USTR. (Chi tiết được trình bày trong phần phụ lục).
Những hành động này đã được phía Hoa Kỳ ghi nhận và xem là các bước “giảm nhẹ” (mitigation), một điều kiện đủ để Washington xem xét điều chỉnh hoặc rút giảm thuế theo chính sách linh hoạt mới được ban hành.
Dựa trên tổng hợp dữ liệu và phân tích, chúng tôi đánh giá xác suất Việt Nam được Mỹ giảm thuế từ mức 46% vừa công bố xuống thấp hơn đáng kể là khoảng 50%, trong khi xác suất bị duy trì thuế 46% là thấp, khoảng 30–35%. Cơ hội được miễn thuế hoặc áp mức thuế rất thấp (dưới 10%) là thấp hơn, và tùy thuộc các thông tin tiếp theo từ quá trình đàm phán, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu Việt Nam đạt được đột phá chiến lược trong đàm phán cấp cao sắp tới.
Từ góc nhìn đầu tư, chúng tôi cho rằng tác động ngắn hạn của chính sách thuế này chủ yếu nằm ở yếu tố tâm lý, đặc biệt trong nhóm cổ phiếu xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ như dệt may, gỗ, thủy sản và điện tử. Tuy nhiên, nếu quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tiến triển tích cực trước thời điểm ngày 9/4, hoặc có tín hiệu giảm thuế rõ ràng, thị trường sẽ có cơ hội phục hồi, đặc biệt ở các nhóm ngành được mở cửa như viễn thông, logistics, năng lượng và dịch vụ công nghệ. Đây là những lĩnh vực được Mỹ quan tâm trong các cuộc thương lượng gần đây và cũng là nơi Việt Nam đã có tín hiệu cải cách rõ rệt.
Chúng tôi sẽ cho rằng nđt nên theo sát tin tức về tiến trình đàm phán Việt – Mỹ, tránh hành động vội vàng trước ngày 9/4 KHI MÀ THỊ TRƯỜNG ĐÃ GIẢM RẤT SÂU. Với kịch bản chính phủ đạt được đồng thuận giảm thuế, THỊ TRƯỜNG CÓ CƠ HỘI PHỤC HỒI VÀ ỔN ĐỊNH TRỞ LẠI.
Các quốc gia cần làm gì để tránh bị Hoa Kỳ áp thuế cao? VN đã làm được những gì?
1. “Mitigate” – Giảm nhẹ rào cản thương mại
Theo thông cáo từ Nhà Trắng, không nhất thiết phải xóa bỏ hoàn toàn rào cản, mà chỉ cần thể hiện rõ ràng rằng quốc gia đang thực hiện các bước giảm nhẹ, điều chỉnh, hoặc cải thiện môi trường thương mại là có thể đủ điều kiện:
– Thoát khỏi danh sách bị áp thuế cao,
– Hoặc được giảm mức thuế đang áp dụng: (Trong văn bản của Nhà Trắng và điều khoản IEEPA 2025 có ghi rõ: “…Không nhất thiết các quốc gia phải loại bỏ hoàn toàn rào cản, chỉ cần ‘mitigate’ – giảm nhẹ – là đủ điều kiện để được xem xét điều chỉnh mức thuế hiện tại hoặc đưa ra khỏi danh sách áp thuế cao.”)
→ Trích nguồn: Văn bản Nhà Trắng ngày 2/4/2025; Báo cáo NTE 2025.
2. Giải quyết các “concerns” cụ thể nêu trong báo cáo NTE
Các quốc gia cần rà soát và có hành động thực tế với các vấn đề đã bị USTR nêu đích danh trong báo cáo NTE, ví dụ như:
– Rào cản phi thuế (testing nội địa, yêu cầu chứng nhận, dữ liệu),
– Thuế phân biệt đối xử (như thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán lại),
– Hạn chế sở hữu nước ngoài hoặc điều kiện hiện diện trong ngành dịch vụ,
– Thiếu minh bạch pháp lý, đặc biệt trong dược phẩm, ICT, IP.
3. Đưa ra kế hoạch hành động chính sách – kèm thời gian biểu rõ ràng
Việc công bố các nghị định, luật sửa đổi, hoặc kế hoạch cải cách với mốc thời gian rõ ràng là cách thể hiện cam kết cải thiện đủ mạnh.
Ví dụ của Việt Nam:
– Ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược (liên quan đến công nghệ và sở hữu trí tuệ),
– Điều chỉnh chính sách thuế ethanol, viễn thông, IP.
→ Những hành động này được phía Mỹ ghi nhận và coi là tín hiệu tích cực để điều chỉnh thuế.
4. Tận dụng các kênh đàm phán song phương – đặc biệt là TIFA
Các quốc gia cần chủ động:
– Tham vấn sớm với USTR qua hội đồng TIFA,
– Gửi thư chính thức đề xuất giảm thuế, cung cấp bằng chứng cải cách,
– Chủ động gặp gỡ cấp cao, không đợi đến khi bị áp thuế rồi mới phản ứng.
– Việt Nam là ví dụ điển hình đang tận dụng kênh TIFA để trình bày các nỗ lực giảm rào cản.
5. Thể hiện thái độ hợp tác thay vì phản kháng thương mại
Các quốc gia thể hiện thiện chí hợp tác – cải thiện – đàm phán, thay vì kiện tụng hoặc đáp trả, thường sẽ được Mỹ ưu tiên tháo gỡ thuế.
→ Đây cũng là lý do vì sao Việt Nam được USTR đánh giá là “một trong các quốc gia phản hồi tích cực nhất”.
Tag:thuế quan