Điểm mua kéo ngược về kiểm tra điểm phá vỡ nền giá
Nhiều cổ phiếu sau khi breakout vượt đỉnh nền giá sẽ có 1 nhịp giật lùi để kiểm tra điểm mua phá vỡ nền giá. Nếu bạn bỏ lỡ điểm mua phá vỡ nền giá thì nhịp giật lùi sẽ cung cấp cơ hội để bạn mua vào.
Nhưng không phải lúc nào cổ phiếu cũng xảy ra giật lùi, thường chỉ có 1 nửa số trường hợp (hoặc thậm chí thấp hơn nữa, tùy loại nền giá) xảy ra giật lùi sau khi phá vỡ, các cổ phiếu mạnh nhất – tốt nhất thường chạy thẳng về đích. Nói cách khác, không nên chờ đợi điểm giật lùi như một cơ hội để mua vào, trừ khi bạn bỏ lỡ mất điểm mua phá vỡ thì buộc phải chờ cơ hội ở điểm giật lùi.
Thông thường, tôi sẽ mua 1 phần vị thế khi nhìn thấy một cổ phiếu có cơ bản mạnh đang xây một nền giá kiến tạo (ví dụ thắt chặt về biên độ giá và khối lượng), có thể mua tại các điểm mua sớm như Pocket Pivot, các vùng thắt chặt… Sau đó bổ sung thêm khi cổ phiếu tăng một chút, cuối cùng khi cổ phiếu Breakout tôi sẽ mua đủ vị thế hoàn hảo (25% NAV), ít khi chờ đến khi cổ phiếu xảy ra giật lùi mới vào lệnh, trừ khi đó là một cổ phiếu hoàn toàn nằm ngoài danh sách theo dõi.
Cách mua theo kiểu này khá đơn giản, canh mua tại điểm giật lùi về tại đúng mức giá breakout hoặc về gần mức giá breakout (càng gần càng tốt), nhưng phải chú ý Khối lượng trong nhịp kéo ngược. Khối lượng phải thấp và hành động giá kiến tạo mới mua, cụ thể, tôi muốn thấy khối lượng trong các phiên kéo ngược thấp dần, với biên độ giá ngày sau nhỏ hơn ngày trước. Tuyệt đối tránh kiểu hành động giá và khối lượng tiêu cực, theo kiểu mẫu hình 3 con quạ đen (3 ngày giảm liên tục, KL tăng dần, biên độ giá rộng dần) đó chắc chắn là 1 cú phá vỡ thất bại và không được phép mua.
