
Nguyên tắc 4. Phân bổ vốn và tài sản đúng cách
Có một điều khác cần cân nhắc khi quản lý danh mục đầu tư, đó là bạn nên dành bao nhiêu tỷ trọng cho cổ phiếu trong một nhóm ngành hoặc một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, tỷ trọng bao nhiêu cho cổ phiếu ngành công nghệ, bao nhiêu cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao nhiêu cho bán lẻ? Bạn không nên đầu tư quá nhiều vào bất kỳ nhóm nào, bởi vì bạn sẽ bị tổn thương nếu nhóm đó đột nhiên không còn được ưa chuộng hay bị điều chỉnh mạnh. Giống như việc xác định số lượng cổ phiếu riêng lẻ bạn sẽ sở hữu trong danh mục đầu tư của mình, bạn nên đặt giới hạn về tỷ trọng đầu tư vào một ngành đơn lẻ.
Giới hạn của những nhà đầu tư lão luyện, như W. O’Neil, là khá cao, có thể từ 50% đến 60% cho một ngành. Nhưng hãy nhớ, đó là tỷ trọng của người đã có kinh nghiệm đầu tư nhiều năm. Hầu hết mọi người có lẽ nên đặt giới hạn thấp hơn mức này.
Phân bổ vốn để đầu tư tập trung
Chắc chắn bạn đang nghĩ: việc phân bổ vốn vào nhiều nhóm ngành thế này là đi ngược lại với nguyên tắc về đầu tư tập trung mà chúng ta mới thảo luận ở phần trước, vốn là chìa khóa để kiếm tiền lớn khi bạn đúng. Và thực sự là như vậy. Nhưng ở đây, tôi nói một lần nữa, bạn có thể đưa ra các ngoại lệ nếu bạn có kinh nghiệm, biết mình đang làm gì và luôn sẵn sàng thực hiện các kỷ luật bán nghiêm ngặt để bảo vệ bản thân.
Nếu bạn sở hữu những cổ phiếu tốt nhất trong nhóm ngành tốt nhất và nếu bạn là người đi đầu với một khoản tiền lãi ngọt ngào trong những cổ phiếu đó, thì không có gì sai khi nâng tỷ trọng lên 50% hoặc 60% trong một lĩnh vực. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thể xử lý được khi đầu tư tập trung nhiều như vậy vào một nhóm ngành. Bạn phải nhanh chân vì về cơ bản bạn có nhiều rủi ro hơn. Bởi vậy, tỷ trọng đầu tư giới hạn điển hình cho một ngành có lẽ nên là 25 đến 30%. Bạn có thể bị tổn thương nặng nếu đầu tư quá tập trung vào một lĩnh vực, hoặc tệ hơn nữa là sở hữu chúng bằng tiền vay ký quỹ.
Chiến lược phân bổ tài sản phù hợp
Một khái niệm quan trọng khác được quảng bá rộng rãi, tương tự như đa dạng hóa danh mục đầu tư, gọi là phân bổ tài sản. Cách làm này thoạt nghe có vẻ mang lại sự an toàn và thận trọng, nhưng thực tế không thể tạo cho bạn được mức lợi nhuận tối ưu, nên không thể coi là một cách để quản trị danh mục đầu tư. Đúng vậy, mọi người đều phải xác định rõ họ cần chi bao nhiêu tiền cho cuộc sống, bao nhiêu cho những trường hợp khẩn cấp, cần tiết kiệm bao nhiêu và sẽ đầu tư bao nhiêu. Và sau đó, từ “ổ trứng” dùng để đầu tư này, họ lại phải tính toán bao nhiêu sẽ đầu tư vào cổ phiếu.
Nhưng nhiều nhà đầu tư, với sự thúc giục của các cố vấn tài chính, đã đi quá xa. Họ sẽ xác định tỷ lệ bao nhiêu phần trăm vốn đầu tư được phân bổ cho cổ phiếu thường, bao nhiêu cho trái phiếu, bao nhiêu cho cổ phiếu quốc tế, bao nhiêu cho vàng, vân vân và vân vân. Ở đây, một lần nữa, mục đích lại là đa dạng hóa rộng: bạn càng đầu tư vào nhiều loại tài sản, bạn càng an toàn. Nếu bạn là người rất, rất thận trọng, thì điều này có giá trị. Nhưng phân bổ tài sản theo cách này chắc chắn dẫn đến một cái kết tất yếu là hiệu quả sinh lời tổng thể rất tầm thường. Nếu bạn sử dụng các quy tắc bán đã được thực tế chứng minh để giảm rủi ro cho danh mục đầu tư ở những thời điểm thích hợp, tôi thấy có rất ít lý do để phân bổ vốn đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp hoặc các quỹ trái phiếu.
Phân bổ tài sản chắc chắn phải có, miễn là giới hạn chủ yếu ở các cổ phiếu phổ thông và tiền mặt. Nói cách khác, phân bổ tài sản phải thực hiện một cách đơn giản. Bạn có được sự bảo vệ trong giai đoạn thị trường xấu nhờ bán cổ phiếu phổ thông và chuyển trở lại tiền mặt. Sự bảo vệ không đến từ việc giảm tỷ trọng từ 55% cổ phiếu xuống 50% và tăng vị thế trái phiếu lên 5 hoặc 10%. Các nhà đầu tư theo chiến lược phân bổ tài sản cũng có thể gặp rủi ro từ việc tăng hoặc giảm phân bổ quá muộn hoặc sai thời điểm. Bên cạnh đó, phân bổ không đảm bảo chống lại thua lỗ trong thị trường gấu: nếu bạn đang sở hữu 70% cổ phiếu, bạn cắt giảm phân bổ xuống còn 60%, và bạn đang ở trong một thị trường gấu khủng khiếp, bạn vẫn có thể thua lỗ nặng nề, bởi vì tỷ trọng thay đổi là quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể. Các nhà đầu tư cũng có thể sai lầm khi giảm phân bổ vốn đầu tư vào cuối thị trường gấu, rồi chuyển nhiều tiền hơn vào trái phiếu, sau đó không quay trở lại cổ phiếu kịp thời khi thị trường chắc chắn đã chạm đáy và bắt đầu một xu hướng tăng mới. Do đó, một nhà phân bổ phải đưa ra hai quyết định chính xác: khi nào lùi bước và khi nào trở lại.
Hơn nữa, một số khoản đầu tư có thể hoạt động kém hiệu quả ngay cả trong thời kỳ thị trường chứng khoán tăng giá. Ví dụ như Vàng, vàng là thứ sẽ chẳng đi đến đâu trong nhiều năm thị trường chứng khoán bùng nổ, vàng chỉ tạo được một đợt tăng giá mạnh khi thị trường gấu ngắn ngủi dịch chuyển, sau đó nằm im, và người ta lại biện minh rằng đây là loại tài sản phải sở hữu lâu dài.
Cũng giống như đa dạng hóa, phân bổ tài sản quá mức là cách phòng ngừa rủi ro của những người thiếu hiểu biết. Trong trường hợp này là sự thiếu hiểu biết về cách đầu tư đúng đắn. Nhưng nó cung cấp cho một số nhà cố vấn tài chính lý do để thực hiện các điều chỉnh trong tài khoản với hy vọng cải thiện kết quả hoặc bảo vệ thành quả, và lý do này được người ta chấp nhận rộng rãi. Việc phân bổ tài sản mà họ đề xuất có luôn mang lại hiệu quả cho hầu hết các nhà đầu tư hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm thực tế của người cố vấn được công ty tư vấn đầu tư tuyển dụng.