
Nguyên tắc 5. Tránh cổ phiếu “trà đá” và cổ phiếu thanh khoản thấp; Đừng bao giờ giao dịch phái sinh, chứng quyền
Đừng mua cổ phiếu rác giá rẻ và các cổ phiếu thanh khoản thấp
Một nguyên tắc chắc chắn khác để quản lý danh mục đầu tư chuyên nghiệp là tránh những cổ phiếu được bán với giá rất thấp hoặc được giao dịch với thanh khoản rất mỏng (khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày thấp). Luôn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng theo nguyên tắc chung, mọi thứ đều được bán đúng với giá trị của nó vào thời điểm đó. Một cổ phiếu đang giao dịch ở mức 20 đáng giá 20, một cổ phiếu giao dịch ở giá 10 đáng giá 10, và một cổ phiếu đang giao dịch ở giá 5 đáng giá 5. Xác suất để hầu hết các cổ phiếu giá rẻ đang được bán ở mức 2 hoặc 5 tăng giá lên rất nhiều là thấp. Nó giảm về mức giá đó vì có gì đó không ổn với nó ngay từ đầu. Ngược lại, cổ phiếu đang giao dịch ở giá 50, 75 hoặc 100 được bán ở mức giá đó vì nó thành công hơn. Và trong điều kiện thị trường bò tót, khả năng để những cổ phiếu này tiếp tục tăng giá là cao hơn.
Thông thường, các tổ chức lớn không thể xây dựng những vị thế hàng triệu cổ phần trong các cổ phiếu giá 2. Họ có tổng số tiền lớn để đầu tư, và họ không thích tham gia vào các cổ phiếu chất lượng thấp hơn, là những cổ phiếu có tính thị trường kém và có mức bảo trợ của các tổ chức thấp. Nếu bạn sở hữu một cổ phiếu trị giá 2 hoặc 5, bạn sẽ bán nó cho ai khi có sự cố? Không có nhiều tay chơi chuyên nghiệp xung quanh sẵn sàng mua những cổ phiếu trong danh mục đó. Những gì bạn muốn đằng sau các công ty của mình là hoạt động mua của những thế lực chuyên nghiệp quy mô lớn, có hiểu biết và có sự bảo trợ mạnh mẽ bởi các tổ chức. Và bạn sẽ nhận được điều đó chủ yếu trong các cổ phiếu chất lượng cao, được định giá cao hơn. Bạn phải tìm kiếm công ty tốt nhất trong một ngành, chứ không phải công ty tệ nhất.
Nhiều người có kinh nghiệm lâu năm đặt ra quy tắc không bao giờ mua cổ phiếu dưới 20. Bạn hoàn toàn có thể mua cả các cổ phiếu giá dưới 10, nhưng đòi hỏi phải thẩm định kỹ càng, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Nhìn chung, nên tránh những cổ phiếu chất lượng thấp, giá rẻ. Việc loại bỏ các cổ phiếu giá thấp giúp bạn tiết kiệm thời gian quý báu khi kiểm tra các danh sách các cổ phiếu chính quan trọng hơn.
Bản tính con người khiến bạn cho rằng nếu giao dịch cổ phiếu giá thấp bạn có thể mua nhiều cổ phiếu hơn và kiếm được nhiều tiền nhanh chóng. Hầu hết các nhà đầu tư nghiệp dư hoặc các nhà đầu tư mới đều nghĩ theo cách này. Nhưng suy nghĩ này chỉ đơn giản là không đúng sự thật. Những gì bạn thực sự đang giao dịch là những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, không có nội tại vững vàng, và ít khi có sự bảo trợ của các tổ chức. Vì vậy, xác suất để bạn đầu tư thành công bền vững dài hạn là thấp hơn, và nguy cơ thua lỗ lớn cao hơn. Tôi đã thấy nhiều người thông minh, nhưng sự thông minh của họ không giúp họ nhận ra hoặc phá vỡ thói quen cờ bạc tồi tệ này.
Đừng nghĩ về số lượng cổ phiếu bạn có thể mua, mà hãy nghĩ: “Tôi có rất nhiều tiền để đầu tư, và tôi sẽ đặt số tiền đó vào những khoản đầu tư tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy.” Các khoản đầu tư tốt nhất thường không có giá dưới mệnh giá, chính xác là thường không dưới 20. Và nếu đã không mua cổ phiếu giá 5, bạn chắc chắn nên tránh đầu tư những cổ phiếu giá thấp hơn. Chúng thậm chí còn rất rất rất tệ.
Hãy đầu tư số tiền mồ hôi nước mắt của bạn vào những cổ phiếu tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy, với bất kỳ số lượng cổ phần nào bạn có thể mua được. Nếu bạn chỉ đủ tiền để mua 100 hoặc 200 cổ phần, hãy cứ mua chừng đó.
Bạn cũng không cần nhiều tiền để bắt đầu tham gia thị trường. Theo thời gian, bạn có thể bỏ thêm vốn vào những khoản đầu tư của mình, giống như khi gửi tiết kiệm. Và khi bạn học được cách đầu tư tốt hơn thông qua đọc và nghiên cứu, tiền vốn của bạn sẽ tăng lên theo thời gian.
Những gì bạn vừa đọc là những lời khuyên vô giá từ huyền thoại đầu tư W. O’Neil.
Đừng giao dịch phái sinh, chứng quyền
W. O’Neil cũng khuyên các nhà đầu tư không nên cố gắng làm giàu nhanh chóng bằng cách giao dịch vô độ chứng quyền hoặc hợp đồng phái sinh. Những công cụ này có đòn bẩy quá cao, và việc chú trọng quá mức hoặc giao dịch vô tội vạ những thứ này sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ lớn.
Dan Zanger, một kỷ lục gia giao dịch với những thành tựu đáng nể, cũng khuyên các nhà đầu tư nên tránh thật xa các loại chứng quyền, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Ông cho rằng Chứng quyền, với sức hấp dẫn nhờ tính đòn bẩy cao và khả năng sinh lời nhanh, thường là công cụ được các nhà đầu tư nghiệp dư lựa chọn. Tuy nhiên, chính tính chất này cũng làm nó trở thành một “con dao hai lưỡi.” Thị trường chứng quyền đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về thời điểm, biến động giá và xu hướng thị trường, điều mà phần lớn nhà đầu tư cá nhân không đủ kinh nghiệm để xử lý. Kết quả, họ thường rơi vào trạng thái “chơi bạc” thay vì đầu tư có tính toán.
Quan điểm của Dan Zanger nhấn mạnh rằng sự thành công bền vững trong đầu tư không nằm ở việc tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng thông qua các công cụ rủi ro cao, mà ở việc xây dựng chiến lược kỷ luật, quản lý rủi ro tốt, và tập trung vào các cơ hội đầu tư có cơ sở. Việc “từ bỏ chứng quyền” của ông không chỉ là từ bỏ một công cụ tài chính mà còn là từ bỏ cách tiếp cận đầy rủi ro và thiếu kỷ luật – một bài học mà mọi nhà đầu tư, dù mới hay lão luyện, đều nên ghi nhớ.
“Tôi luôn nói với mọi người rằng, tôi chưa bao giờ thực sự kiếm được tiền từ chứng khoán cho đến khi tôi từ bỏ giao dịch chứng quyền, hay nói đúng hơn là từ bỏ “chơi bạc” với chứng quyền. Những người nghiệp dư thường ưa thích giao dịch chứng quyền, và đó là lý do tại sao họ mãi mãi là nghiệp dư.” (Dan Zanger)