
Nguyên tắc 6. Đừng bao giờ mua bình quân giá xuống để tránh thất bại thảm hại
Trong đầu tư chứng khoán, khái niệm bình quân giá xuống được nhiều nhà đầu tư áp dụng với kỳ vọng giảm giá vốn trung bình khi cổ phiếu giảm giá. Tuy nhiên, chiến lược này không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà còn là con dao hai lưỡi, dễ dẫn đến thua lỗ nặng nề. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn lạm dụng chiến lược này vì tâm lý “gỡ gạc” hoặc tự tin vào khả năng phục hồi của thị trường.
Việc bình quân giá xuống có thể khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng:
– Gia tăng thua lỗ: Khi thị trường tiếp tục giảm, việc mua thêm cổ phiếu không chỉ làm tăng quy mô vốn đầu tư mà còn khiến mức lỗ ngày càng lớn.
– Tâm lý “gỡ gạc”: Nhà đầu tư dễ rơi vào trạng thái cố chấp, tiếp tục rót thêm tiền để mong hòa vốn, dẫn đến mất kiểm soát kế hoạch đầu tư.
– Mất kiểm soát danh mục: Việc dồn vốn vào một vài cổ phiếu có xu hướng giảm giá dài hạn sẽ làm gia tăng rủi ro hệ thống cho danh mục. Thay vì cách làm đúng là bán tài sản kém để tăng vốn cho các tài sản tốt, nhà đầu tư lại bán sớm các tài sản tốt để mua thêm một thứ đang mất giá. Khiến cho danh mục tài sản đầu tư toàn thứ đang thua lỗ. Chẳng bao lâu, danh mục sẽ toàn thứ thua lỗ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Lời khuyên của nhà đầu tư huyền thoại W. O’Neil và Paul Tudor John về bình quân giá xuống
Nhà đầu tư huyền thoại Paul Tudor Jones nhấn mạnh rằng việc trung bình giá xuống là sai lầm lớn nhất của các nhà đầu tư. Ông đóng khung dòng chữ “Losers Average Losers” (Trung bình giá xuống, cầm chắc thất bại), treo lên tường trước bàn giao dịch để tự nhắc nhở bản thân.
Trong cuốn sách kinh điển “Nhà đầu tư thành công”, W. O’Neil đưa ra những lời khuyên vô giá cho các nhà đầu tư để tránh rủi ro từ bình quân giá xuống. Khi bạn đã tuân thủ các nguyên tắc mua CASLIM, đã vào xong vị thế đầy đủ mà bạn mong muốn, nhưng cổ phiếu lại quay đầu giảm giá, vi phạm mức dừng lỗ đã xác định trước, thì đừng mua thêm để trung bình giá xuống. Cũng đừng bao giờ mua các cổ phiếu đang trong downtrend dài hạn. Ông nói:
“Một nguyên tắc bất di bất dịch là: Đừng bao giờ mua trung bình giá xuống với bất kỳ cổ phiếu nào trong danh mục đầu tư của bạn. Nếu bạn mua một cổ phiếu với giá 50 và nó giảm về 45, đừng bao giờ mua thêm. Vâng, đôi khi bạn sẽ tháo chạy khỏi cổ phiếu này, nhưng thỉnh thoảng bạn sẽ mua thêm để trung bình giá xuống. Về lâu dài, cách mua trung bình giá xuống này sẽ chống lại bạn, và bị tổn thương nặng nề chỉ là điều sớm muộn.
Hãy cảnh giác với bất kỳ nhà môi giới nào khuyên bạn mua thêm một cổ phiếu đã giảm giá so với giá mua ban đầu; về bản chất, nhà môi giới này đang bảo bạn ném tiền qua cửa sổ. Hãy tìm một nhà môi giới khác thông minh hơn. Ở đây, một lần nữa, bản chất con người đang chi phối cuộc chơi. Sẽ dễ dàng hơn khi nói với bạn rằng cổ phiếu mà họ đã giới thiệu giờ đây là một món hàng thậm chí còn tốt hơn để mua, vì giá rẻ hơn, trong khi đáng ra họ phải thừa nhận sai lầm và khuyên bạn phải bán để cắt lỗ. Ngay cả những người môi giới biết rõ điều này cũng sẽ gặp khó khăn khi nói ra, vì đó là điều cuối cùng mà khách hàng của họ muốn nghe. Các chuyên gia giỏi nhất đều mua trung bình giá lên, chứ không mua trung bình giá xuống.
Đừng bao giờ mua một cổ phiếu trên đường đi xuống, đừng bao giờ trung bình giá xuống. Hãy nhanh chóng cắt bỏ tất cả các vị thế thua lỗ… Nếu không, bạn hoàn toàn có thể lỗ nặng với tỷ lệ mất mát có thể lên tới 50-90%.”
Kinh nghiệm thực tế công việc tư vấn đầu tư của tôi cho thấy rất nhiều nhà đầu tư bán sớm các cổ phiếu có lãi để mua thêm cổ phiếu đang lỗ để hạ giá vốn. Làm như vậy, danh mục sẽ luôn luôn trong tình trạng tích tụ toàn các mã thua lỗ. Đầu tư vui thì không nói, chứ đầu tư lớn mà danh mục toàn mã lỗ, lỗ quanh năm ngày tháng, thì cón tâm trí đâu mà làm việc.
Phân biệt bình quân giá xuống với mua kéo ngược trên các cổ phiếu đang trong uptrend tổng thể
W. O’Neil cũng nhấn mạnh sự khác nhau giữa bình quân giá xuống với việc mua kéo ngược ở các cổ phiếu đang trong uptrend tổng thể để bình quân giá lên:
“Đừng nhầm lẫn giữa trung bình giá xuống với việc mua gia tăng các cổ phiếu trong những lần kéo ngược sau khi chúng đã tăng lên một chút. Ví dụ, bạn mua một cổ phiếu khi nó rời khỏi nền giá thích hợp tại mức 50, sau đó cổ phiếu tăng lên, chẳng hạn như mức 57, rồi kéo ngược trở lại mức 53 hoặc 54, về đường trung bình động 10 tuần, kế đó cổ phiểu bật tăng lên từ đường 10 tuần với khối lượng tăng mạnh mẽ, bạn mua thêm ngay tại thời điểm này. Cách mua thêm này là trung bình giá lên chứ không phải là trung bình giá xuống (lần mua đầu tiên của bạn là 50). Chỉ cần nhớ rằng: không bao giờ bỏ thêm nhiều tiền hơn vào thứ gì đó trừ khi khoản tiền đầu tiên có hiệu quả. Nói chung, bạn có thể mua gia tăng tỷ trọng một công ty dẫn đầu thị trường xuất sắc trong hai lần kéo ngược đầu tiên về đường trung bình động 10 tuần, sau khi đã mua tại điểm mua phá vỡ nền giá.”
Ngoài ra, sự khác biệt quan trọng cần làm rõ là trong trường hợp bạn tìm được một cổ phiếu tiềm năng đang trong giai đoạn tích lũy nền giá thuộc xu hướng tăng tổng thể (uptrend) của giai đoạn 2, việc giải ngân nhiều lần tại nhiều mức giá khác nhau ở các vùng điều chỉnh hợp lý theo chiến lược bạn đã vạch rõ, không được coi là bình quân giá xuống.
Ví dụ, bạn đã xác định cổ phiếu này phù hợp với chiến lược đầu tư và dự kiến phân bổ 25% tổng NAV vào cổ phiếu này. Khi theo dõi diễn biến giá, bạn nhận thấy cổ phiếu đạt đỉnh tạm thời ở mức 50, sau đó điều chỉnh về vùng 40 và hình thành đáy rõ ràng tại đây (có thể là mô hình Vai-Đầu-Vai ngược tiếp diễn tại đáy nền giá, mẫu hình tay cầm thấp 3-C, hoặc đáy thắt chặt vài tuần…). Lúc này, bạn quyết định giải ngân một phần nhỏ tại các mức giá khác nhau trong vùng đáy này, ví dụ: lần 1 ở mức 41, lần 2 ở mức 40, lần 3 ở mức 39.5 và lần 4 quay lại mức 40.5.
Cách làm này không được xem là bình quân giá xuống bởi vì:
– Cổ phiếu vẫn nằm trong xu hướng tăng tổng thể – điều chỉnh chỉ là một nhịp tạm thời trong cấu trúc giá.
– Bạn có kế hoạch giải ngân rõ ràng và vùng giá mua được xác định dựa trên phân tích kỹ thuật hợp lý, tập trung vào vùng hỗ trợ hoặc nền giá tích lũy.
– Đây là chiến lược mua trong một cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục tăng giá, thay vì hành động “bắt đáy, trung bình giá” cổ phiếu đang trong xu hướng giảm giá để hy vọng giá sẽ hồi phục.
Đừng bao giờ từ bỏ mục tiêu quan trọng nhất: Kiểm soát rủi ro
Mục tiêu quan trọng nhất khi đầu tư chứng khoán là “Kiểm soát rủi ro để thành công bền vững”. Mua trung bình giá xuống đồng nghĩa bạn lờ đi mục tiêu quan trọng nhất: Quản trị rủi ro, và thất bại là điều sớm muộn. Thành công trên thị trường không phải tránh mọi tổn thất, mà là kiểm soát chúng một cách chặt chẽ. Trong hầu hết trường hợp, cần đặt lệnh dừng lỗ để bảo vệ vốn và nhanh chóng loại bỏ các vị thế thua lỗ. Nếu chơi bình quân giá xuống, thì bạn đặt dừng lỗ ở đâu?
Các kiểu sai lầm của nhà đầu tư liên quan đến bình quân giá xuống
Theo quan sát và trải nghiệm thực tế của tôi, có hai lỗi bình quân giá xuống mà nhà đầu tư hay mắc phải. Và đôi khi, biết sai vẫn mắc.
1. Mua bình quân giá xuống cổ phiếu yếu, đang downtrend dài hạn
Đây là sai lầm phổ biến nhất. Các nhà đầu tư mới tham gia thị trường thường không biết đánh giá tương lai dài hạn của một doanh nghiệp, nên thường ngại độ cao. Họ tham gia thị trường chỉ với một chiến lược giống hệt nhau là mua bắt đáy các cổ phiếu đang giảm giá, thường là các cổ phiếu đang giảm mạnh liên tục do vấn đề nội tại. Khi cổ phiếu tiếp tục giảm, họ nạp thêm tiền để mua rẻ hơn. Cách chơi này rủi ro rất cao. Bản thân tôi, sau 2 năm đầu dùng cách này đã mất sạch tiền và nghiên cứu để tìm ra cách đúng đắn.
2. Bình quân giá xuống cổ phiếu tốt trong thị trường gấu
Trong giai đoạn thị trường gấu năm 2022, nhiều nhà đầu tư nhận thấy đây là cơ hội bắt đáy các cổ phiếu tốt, đặc biệt khi giá giảm sâu từ 1500 xuống 1200, 1100 rồi 1000. Họ tin rằng những mức giá này đã quá rẻ, và việc thị trường giảm thêm là điều khó có thể xảy ra. Nhưng thực tế, thị trường tiếp tục lao dốc xuống. Khi đã dùng hết tiền mặt, nhiều nhà đầu tư quyết định dùng margin để mua thêm, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ sớm hồi phục. Tuy nhiên, thay vì hồi phục, thị trường giảm sâu hơn, về tận 870, vượt xa khả năng chịu đựng, khiến danh mục của họ lỗ nặng, margin bị call, buộc phải bán ra ở mức giá rất thấp.
Điều đáng nói là rất nhiều nhà đầu tư này từng chiến thắng lớn trong con sóng thần cổ phiếu bất động sản cuối năm 2021. Những khoản lợi nhuận khổng lồ đã đẩy cái tôi lên cao, khiến họ tự tin rằng mình không thể sai lầm. Trong mắt họ, việc bắt đáy cổ phiếu trong thị trường giảm giá chỉ là “cơ hội vàng”. Khi các cổ phiếu bất động sản bắt đầu giảm mạnh từ đỉnh, thay vì nhận ra rủi ro và thoát hàng, họ lại bình quân giá xuống. Ban đầu có thể chỉ là tâm lý: “đang lãi to, múc thêm sợ quái gì”. Sau đó, cổ phiếu và thị trường tiếp tục giảm, nhiều người đã phát sinh tâm lý càng rẻ càng mua, vì cổ phiếu này đã từng có giá tiền tăm, bây giờ còn ba chục thì sợ gì nữa. Họ đi vay để mua, tăng mức đòn bẩy lên cao hơn, tin rằng cổ phiếu chắc chắn sẽ quay đầu tăng trở lại. Nhưng thị trường đã chứng minh điều ngược lại: cổ phiếu giảm không phanh, và họ nhanh chóng mất sạch vốn. Không chỉ toàn bộ lợi nhuận từ trước đó tan biến, nhiều người còn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
3. Biết sai vẫn mắc
Câu chuyện của tôi cũng là minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm khi bình quân giá xuống trong tâm lý hưng phấn tột độ. Sau những năm thắng lớn thời kỳ bong bóng COVID, trở lại thị trường tháng 3/2023 rồi tiếp tục thắng lớn trong đợt sóng phục hồi mạnh từ tháng 3 đến 15 tháng 9 năm 2023, tôi tự tin rằng mình đã nắm trong tay bí quyết chiến thắng thị trường. Chính sự tự tin đó đã khiến tôi phạm phải sai lầm lớn dù đã biết rõ rủi ro của mua Bình quân giá xuống.
Sau khi bán đúng đỉnh 1250, ngồi ngoài thị trường đến 1126, tôi bắt đầu giải ngân các mã như NTL, FPT, VTP, CTR và một vài mã khác như GIL PC1. Bất chấp thị trường tiếp tục giảm từ 1126 về 1100, danh mục của tôi vẫn kháng đà giảm và có lãi đệm. Tin rằng thị trường đã trở lại xu hướng tăng tổng thể nhờ các tín hiệu từ chu kỳ tín dụng, tôi cho rằng nhịp chỉnh này chỉ về tầm 1080 là cùng.
Danh mục của tôi với các cổ phiếu kháng đà giảm tốt và mang lại lãi đệm dày đã tạo sự tự tin thái quá. Có lẽ vì điều này, cộng với sự phấn khích từ các chiến thắng quá lớn trước đó, tôi đã quyết định sử dụng margin để mua thêm khi thị trường xuống mốc 1100. Tuy nhiên, khi các tin đồn nhảm xuất hiện, thị trường tiếp tục lao dốc về mức 1020, thấp hơn nhiều so với dự tính của tôi. Dù nhanh chóng bán bớt để giảm đòn bẩy, cú giảm nhanh đã khiến NAV của tôi mất 40% thành quả con sóng 2023.
Rất may, thị trường nhanh chóng phục hồi, nhờ vẫn còn các mã tốt trong danh mục nên NAV của tôi cũng phục hồi theo. Tuy nhiên, sai lầm nghiêm trọng ở đây chính là việc sử dụng đòn bẩy khi thị trường chưa phục hồi rõ ràng, vô tình trở thành sai lầm trung bình giá xuống. Tâm lý hưng phấn sau chuỗi chiến thắng lớn chính là nguyên nhân đẩy tôi vào rủi ro cao không cần thiết.
Bài học này nhắc nhở tôi rằng, dù biết rõ quy tắc “không bình quân giá xuống”, nhưng cái tôi quá lớn sau chuỗi thắng lớn đã khiến tôi “biết sai vẫn mắc”, hay nói đúng hơn là “không còn đủ tỉnh táo để nhận ra mình đang làm sai”. Khi để cảm xúc chi phối, bạn sẽ dễ rơi vào vòng xoáy “biết sai vẫn mắc”, dẫn đến mất số tiền lớn một cách không đáng.
Tôi rút ra thêm vài sợi dây kinh nghiệm sau đây trong bộ sưu tập hàng ngàn sợi dây kinh nghiệm của bản thân:
– Nếu chọn được danh sách cổ phiếu tốt, và muốn giải ngân khi thị trường còn đang điều chỉnh, chỉ được giải ngân tiền mặt, không dùng đòn bẩy cho đến khi danh mục có lãi đệm đủ dày (tầm trên 10%) và thị trường chung phát tín hiệu tạo đáy rõ ràng.
– Khi thị trường chưa xác nhận tạo đáy, chỉ nên mua các mã vốn hoá lớn có triển vọng rất tốt, có nhiều tổ chức nắm giữ, nếu mua các mã vốn hoá nhỏ hơn thì chỉ mua tỷ trọng thấp, để hạn chế sự biến động nếu thị trường giảm ngoài dự tính của bạn.
– Dù doanh nghiệp có tốt đến đâu, cần nhớ rằng thị trường chung quyết định phần lớn biến động giá trong ngắn hạn. Sự an toàn vốn quan trọng hơn là cố gắng tối ưu hóa lợi nhuận trong thị trường xấu.
– Không để sự tự tin quá mức làm che mờ lý trí. Hãy luôn giữ sự tỉnh táo và kỷ luật trong đầu tư.
Thị trường chứng khoán không tha thứ cho những quyết định thiếu kỷ luật. Bình quân giá xuống là con dao hai lưỡi, dễ dẫn đến thua lỗ nặng nề và mất kiểm soát danh mục. Đừng để cái tôi hoặc cảm xúc chi phối, thay vào đó hãy tập trung vào quản trị rủi ro và tuân thủ các nguyên tắc đầu tư cốt lõi. Thành công lâu dài đến từ việc bảo vệ vốn, học hỏi từ sai lầm, và duy trì sự tỉnh táo trong mọi quyết định.
Tin rằng rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán cũng bị như tôi, khi biết rõ bình quân giá xuống là sai, nhưng mắc phải, hoặc vô tình mắc phải vì không nhận ra là bản thân đang chơi bình quân giá xuống.