
Phân tích tác động tích cực của chính sách chi 130.000 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ nghỉ việc khi sắp xếp bộ máy nhà nước.
Tác giả: TSI Research – Nhà Đầu Tư Thành Công
Ngày: 11/3/2025
Chính sách chi 130.000 tỷ đồng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp bộ máy không chỉ có tác động tích cực đối với bản thân những người hưởng lợi mà còn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Nó góp phần thúc đẩy tổng cầu, tạo động lực cho thị trường lao động, tối ưu hóa hiệu quả ngân sách nhà nước và hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, đây là một chính sách hợp lý, tạo động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Tron báo cáo này, TSI sẽ phân tích chi tiết tác động của chính sách trên đến nền kinh tế, thị trường lao động và thị trường chứng khoán. Nội dung chi tiết bài viết “Bộ Nội vụ: Dự kiến cần 130.000 tỉ chi chế độ, chính sách cho cán bộ khi sắp xếp bộ máy” tại đây.
1. Chính sách này như một gói kích cầu gián tiếp vào nền kinh tế
Khoản chi 130.000 tỷ đồng thực chất là một hình thức bơm tiền có định hướng vào nền kinh tế. Khi một lượng tiền lớn được giải ngân, nó sẽ đi vào nền kinh tế qua các kênh như chi tiêu tiêu dùng, đầu tư, tiết kiệm hoặc thanh toán nợ. Phần lớn số tiền này sẽ được sử dụng để mua sắm hàng hóa, dịch vụ, giúp thúc đẩy tổng cầu và tạo ra hiệu ứng lan tỏa lên nền kinh tế. Những người có tư duy kinh doanh có thể tận dụng nguồn vốn này để đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc tham gia vào thị trường tài chính. Ngay cả trong trường hợp số tiền này được gửi tiết kiệm, hệ thống ngân hàng cũng sẽ có thêm nguồn lực để cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, qua đó gián tiếp hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
2. Thúc đẩy sự dịch chuyển tích cực trong thị trường lao động
Một tác động quan trọng của chính sách này là tạo ra sự chuyển đổi nguồn lao động từ khu vực hành chính sang khu vực tư nhân hoặc khởi nghiệp. Khi cán bộ, công chức rời khu vực công, họ sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ hoặc thương mại, nơi có năng suất cao hơn và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế. Chính sách hỗ trợ tài chính giúp họ có thêm thời gian và điều kiện thuận lợi để tìm kiếm cơ hội mới, đầu tư vào nâng cao kỹ năng, chuyên môn trước khi tái gia nhập thị trường lao động. Việc này cũng giúp khu vực tư nhân tiếp cận với nguồn nhân lực có kinh nghiệm, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc chung của nền kinh tế.
3. Tối ưu hóa hiệu quả tài khóa và cải thiện cơ cấu chi ngân sách
Dù khoản chi 130.000 tỷ đồng có thể tạo áp lực tài khóa trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn, chính sách này giúp cắt giảm chi phí vận hành bộ máy hành chính, giảm áp lực chi thường xuyên cho ngân sách nhà nước. Chính phủ dự kiến tiết kiệm khoảng 113.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm nhờ giảm chi cho biên chế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp khác. Điều này tạo ra dư địa tài chính cho các chính sách đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích nền kinh tế. Ngoài ra, sự tinh giản bộ máy hành chính có thể giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền, giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.
4. Thúc đẩy khởi nghiệp và khu vực tư nhân phát triển
Một bộ phận cán bộ, công chức sau khi rời khỏi khu vực nhà nước có thể sử dụng nguồn vốn hỗ trợ để tự khởi nghiệp hoặc tham gia vào các doanh nghiệp tư nhân. Điều này giúp tăng số lượng doanh nghiệp mới, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô nền kinh tế. Khi bộ máy hành chính trở nên gọn nhẹ hơn, môi trường kinh doanh cũng sẽ trở nên minh bạch và hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.
5. Ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán
Chính sách chi 130.000 tỷ đồng để hỗ trợ cán bộ trong quá trình sắp xếp bộ máy không chỉ mang ý nghĩa tài khóa mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh sau năm 2024, khi hầu hết các loại tài sản đều đã có đợt tăng giá mạnh, từ vàng, bất động sản, chứng khoán thế giới đến tiền số… thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là nhóm ngân hàng và các cổ phiếu chất lượng cao, đang trở thành điểm hút dòng tiền nhờ mức định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng bền vững. Việc giải ngân lượng tiền lớn này sẽ kích thích tổng cầu, thúc đẩy dòng tiền chảy vào nền kinh tế, qua đó củng cố thanh khoản thị trường chứng khoán. Nhóm ngân hàng hưởng lợi trực tiếp khi tiền nhàn rỗi từ nhóm đối tượng nhận hỗ trợ có thể được gửi vào hệ thống ngân hàng hoặc đầu tư vào cổ phiếu. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng gia tăng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ, tài chính và bất động sản. Khi nền kinh tế bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, chính sách tinh giản bộ máy hành chính giúp cải thiện hiệu quả vận hành của chính phủ, hỗ trợ môi trường kinh doanh, từ đó nâng cao định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
Tag:cải cách thể chế