
THUẾ 125% VỚI TRUNG QUỐC, CƠ HỘI 90 NGÀY CHO VIỆT NAM VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Tác giả: Khúc Ngọc Tuyên & TSI Research
Ngày: 10/04/2025
1. Bối cảnh mới: Thuế 125% và cơ hội từ khoảng trống chiến lược
Tổng thống Trump vừa tuyên bố áp thuế 125% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – mức cao nhất trong lịch sử thương mại Mỹ – Trung. Đồng thời, hơn 75 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, được giảm thuế tạm thời xuống 10% trong vòng 90 ngày. Tuyên bố này không chỉ là một động thái mang tính trừng phạt, mà còn là lời mời đàm phán công khai. Trung Quốc bị đưa ra ngoài bàn đàm phán. Phần còn lại của thế giới – đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển – đang được Trump ngầm yêu cầu đưa ra bản đề nghị. Ai không trả đũa, sẽ được ưu đãi có điều kiện.
2. Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ đàm phán mới của Mỹ?
Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có thể tận dụng khoảng trống Trung Quốc để tiếp cận thị trường Mỹ với vị thế chiến lược. Việt Nam hiện có 17 hiệp định thương mại, chi phí sản xuất thấp, và kết nối mạnh với cả Đông – Tây. Rất có thể, trong con mắt của Mỹ, Việt Nam là ‘ứng viên lý tưởng để thay thế một phần vai trò sản xuất của Trung Quốc’.
3. Tại sao 90 ngày là cơ hội vàng – và 45 ngày là đủ để hành động?
Khoảng thời gian 90 ngày không đơn thuần là tạm hoãn thuế, mà là thời gian để các nước chuẩn bị cam kết thương mại kỹ thuật với Mỹ. Với Việt Nam, chỉ cần 30–45 ngày để xây dựng một gói cam kết gồm: minh bạch hóa thủ tục nhập khẩu, tỷ giá, mở room đầu tư tài chính, và phối hợp chuỗi cung ứng LNG. Nếu hành động nhanh, Việt Nam có thể ký kết một ‘biên bản ghi nhớ’ sớm với USTR để rút thuế sớm hơn và chuyển sang giai đoạn hợp tác lâu dài.
4. Ai sẽ chịu thiệt với mức thuế 10%?
Mức thuế 10% tưởng chừng như “nhẹ nhàng” hơn so với mức 125% đánh vào Trung Quốc, nhưng thực chất là một hình thức thu ngân sách ngầm – và người chịu thiệt cuối cùng không ai khác ngoài người tiêu dùng Mỹ. Khi mức thuế này được áp đồng loạt cho hơn 75 quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài không mất lợi thế cạnh tranh – họ đơn giản chuyển phần thuế vào giá bán. Do vậy, người tiêu dùng Mỹ là bên thực sự phải trả giá, thông qua việc giá hàng nhập khẩu tăng đều từ 10–15%, trong bối cảnh không có sản phẩm thay thế nội địa.
Về phía các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam, đây thậm chí có thể trở thành cơ hội để chiếm thị phần từ Trung Quốc – vốn đang bị áp thuế cực cao. Doanh nghiệp Việt có lợi thế về giá, chuỗi cung ứng linh hoạt, và có thể chủ động đề xuất giảm thuế thông qua các thỏa thuận kỹ thuật hoặc các “mini-deal” trong khung 90 ngày. Theo một số nguồn tin trong nước, Việt Nam có thể cần khoảng 45 ngày để hoàn tất các điều kiện kỹ thuật cơ bản cho một FTA hoặc biên bản ghi nhớ. Vì vậy, thủ tướng đã đề xuất gia hạn tối thiểu 45 ngày, trong khi mốc 90 ngày mà Mỹ đưa ra vẫn là một khoảng thời gian khá dư giả cho cuộc “chạy đua mềm” về chính sách.
Bên cạnh đó, như đã phân tích, Mỹ không thể rời bỏ thị trường châu Á – khu vực có gần 5 tỷ dân, chiếm phần lớn năng lực sản xuất toàn cầu. Việc đánh thuế cao vào các quốc gia châu Á không phải là dấu hiệu bị xem nhẹ, mà ngược lại – là minh chứng cho tầm quan trọng chiến lược mà Mỹ dành cho khu vực này.
Có ba lý do khiến các nước châu Á bị áp thuế cao nhưng vẫn được đặt gần trung tâm cuộc chơi: Thứ nhất, châu Á là khu vực sản xuất chủ lực toàn cầu. Thứ hai, các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều giữ vai trò chuỗi cung ứng chiến lược và có thể làm đối trọng với Trung Quốc. Thứ ba, việc áp thuế là một đòn bẩy đàm phán – Mỹ không loại bỏ, mà đang ép các đối tác then chốt “đàm lại luật chơi” theo hướng có lợi hơn cho Washington.
Tóm lại, bị đánh thuế cao không đồng nghĩa với việc bị loại khỏi chiến lược của Mỹ. Ngược lại, đó là cách Mỹ tái định hình trật tự thương mại tại châu Á – và những ai bị đánh mạnh nhất, có thể chính là những người được chờ đợi ngồi vào bàn mặc cả sớm nhất.
5. Đây là cuộc đàm phán chiến lược toàn cầu – và Việt Nam vẫn đang có cửa thắng
Chính sách thuế 125% là cách Mỹ gạt Trung Quốc ra khỏi bàn mặc cả, đồng thời mở đường cho phần còn lại của thế giới bước vào cuộc chơi với vai trò mới – chủ động hơn, có điều kiện hơn, nhưng cũng có cơ hội rõ ràng hơn. Đối với Việt Nam, đây không còn là nguy cơ, mà là thời cơ mang tính cấu trúc. Hành động đủ nhanh, đủ quyết đoán để phát đi thông điệp chính sách, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành mắt xích trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới mà Mỹ đang cố tái định hình. Đây là một cuộc đua không dành cho người chậm chạp – mà là cho những ai hiểu luật chơi, biết mặc cả, và dám bước vào đúng thời điểm. VN đã có sự chuẩn bị mạnh mẽ, nên VN sẽ không đến sau trong cuộc đua này.
Việc Mỹ đưa thuế quan về mốc 10% là động thái “ngửa bài”: không phải để đánh gục các bên liên quan, không phải để thu thuế một cách “dở hơi và vô lý”, mà là để tạo không gian đàm phán. Với 90 ngày được tạm hoãn, áp lực và cú vỗ mặt lần này cũng chính là cơ hội để chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam tăng tốc cải cách, chuẩn bị các gói cam kết chính sách kỹ thuật, và thúc đẩy các thỏa thuận song phương thực chất. Nếu tận dụng tốt giai đoạn này, Việt Nam hoàn toàn có khả năng bước được vào cuộc chơi lớn với tư cách là đối tác có chủ quyền, có tiếng nói – chứ không đơn thuần là bên xin miễn thuế một cách bị động như vừa rồi.
Câu chuyện lúc này không phải là sau 90 ngày sẽ là gì, mà câu chuyện đã rõ ràng. 90 ngày là quá đủ để các bên thương thảo ký kết các hiệp định. Một bước lùi áp thuế 90 ngày thực chất là một cái gật đầu cho VN rồi.
6. Nhà đầu tư nên hành động thế nào
Trong những tình huống đặc biệt như hiện nay, nhà đầu tư không thể đợi thị trường “xác nhận xu hướng”, hay chờ các mã cổ phiếu có trend trở lại… như các giáo trình kinh điển thường hướng dẫn. Chúng ta phải hành động dựa trên bản chất và chiều hướng của tin tức. Giống như đáy COVID-19 năm 2020 – đợi đến khi xu hướng được xác lập đã bỏ lỡ phần lớn nhịp hồi phục mạnh mẽ nhất. Tin tức đảo chiều chính là tín hiệu hành động.
Trước cú sốc vừa qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rời bỏ thị trường, khiến nguồn cung cổ phiếu trở nên trống vắng, chủ các doanh nghiệp phải đỡ giá nên nuồn cung về 1 mối, tạo tiền đề cho các nhịp bật lại nhanh chóng. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư có tiền mặt, hoặc những ai đã thoát vị thế kịp thời, quay lại thị trường.
Các cổ phiếu thuộc danh mục TSI Stock Leader như STB, BAF, FPT, TCB, ACB, CTG, MBB… nếu có nguồn cung hàng, nên được ưu tiên mua trở lại ngay khi thị trường mở cửa. Nhà đầu tư đã hạ tỷ trọng từ cuối tuần trước có thể chủ động tái lập lại vị thế.
Nếu không tham gia được các mã đó, thì các mã bị bán tháo mạnh – như KBC, MSN, DGC… và nhóm xuất khẩu, vận tải biển… cũng có khả năng bật tăng mạnh theo hình chữ V. Nhà đầu tư có thể cân nhắc phân bổ hợp lý, với tư duy hành động theo tin tức – không phải theo lý thuyết kỹ thuật thông thường.