
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome H. Powell Ngày 23 tháng 8 năm 2024 tại hội thảo kinh tế “Đánh giá lại hiệu quả và truyền tải chính sách tiền tệ” do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Kansas City, Jackson Hole, Wyoming tài trợ.
Ngọc Tuyên dịch
Bốn năm rưỡi sau sự xuất hiện của COVID-19, những tác động tiêu cực nhất của đại dịch lên nền kinh tế đang dần lùi xa. Lạm phát đã giảm đáng kể. Thị trường lao động không còn nóng như trước, và điều kiện hiện tại đã bớt căng so với trước đại dịch. Những hạn chế về nguồn cung ứng hàng hoá do đứt gãy chuỗi cung ứng đã trở lại mức bình thường. Và sự cân bằng giữa hai nhiệm vụ của chúng tôi đã thay đổi. Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục sự ổn định về giá cả trong khi duy trì thị trường lao động mạnh mẽ, tránh tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao như đã thấy trong những giai đoạn kìm chế lạm phát trước đây khi kỳ vọng về xu hướng lạm phát còn chưa đi đúng hướng theo mục tiêu đặt ra. Chúng ta đã thu được nhiều tiến bộ trong việc kìm chế lạm phát về ngưỡng mục tiêu. Dù nhiệm vụ còn chưa hoàn tất, nhưng chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ.
Hôm nay, tôi sẽ bắt đầu bằng việc xem xét tình hình kinh tế hiện tại và định hướng tiếp theo cho chính sách tiền tệ. Sau đó, tôi sẽ chuyển sang thảo luận về các sự kiện kinh tế kể từ khi đại dịch bắt đầu, khám phá lý do tại sao lạm phát tăng lên mức chưa từng thấy trong hàng chục năm qua, và tại sao lạm phát đã giảm mạnh trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.
Triển Vọng Chính Sách Ngắn Hạn
Hãy bắt đầu với tình hình hiện tại và triển vọng chính sách ngắn hạn.
Trong suốt ba năm qua, lạm phát đã tăng vượt rất xa mức mục tiêu 2% mỗi năm của chúng tôi, và điều kiện thị trường lao động rất căng. Sự tập trung chính của Ủy ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) là giảm lạm phát, và điều này là hoàn toàn hợp lý. Trước giai đoạn này, hầu hết thế hệ người Mỹ hiện tại chưa trải qua nỗi đau lạm phát cao kéo dài. Lạm phát đã mang lại nhiều khó khăn, đặc biệt là cho những người thu nhập thấp gặp hạn chế về khả năng chi trả cho các chi phí tăng cao về những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, nhà ở và vận tải. Lạm phát cao gây nhiều bất ổn cho tới nay.
Chính sách tiền tệ hạn chế của chúng tôi đã giúp khôi phục sự cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu tổng thể, giảm áp lực lạm phát và đảm bảo kỳ vọng về lạm phát vẫn được giữ vững. Lạm phát hiện tại đã về gần với mục tiêu của chúng tôi, với mức giá tăng chỉ 2,5% trong 12 tháng qua. Tiến trình giảm lạm phát về 2% gặp trở ngại vào đầu năm nay, nhưng sau đó lạm phát đã tiếp tục đi xuống theo lộ trình. Tôi ngày càng tự tin rằng lạm phát đang trên con đường giảm bền vững trở lại mức 2%.
Chuyển sang việc làm, trong những năm trước đại dịch, chúng tôi nhận thấy những lợi ích lớn cho xã hội từ một giai đoạn dài điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ: tỷ lệ thất nghiệp thấp, tỷ lệ tham gia thị trường lao động cao, khoảng cách về việc làm giữa các chủng tộc ở mức thấp kỷ lục, song song với lạm phát thấp và ổn định, mức tăng lương thực tế lành mạnh, ngày càng tập trung vào những người có thu nhập thấp hơn.
Hiện tại, thị trường lao động đã giảm nhiệt đáng kể so với trạng thái quá nóng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng lên từ hơn một năm trước, và hiện đang ở mức 4,3% – vẫn là mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử, nhưng cao hơn 0.1% so với đầu năm 2023. Phần lớn sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp này xảy ra trong sáu tháng qua. Tính đến nay, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp không phải là kết quả của việc sa thải cao, như thường thấy trong các giai đoạn suy thoái kinh tế. Thay vào đó, sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp chủ yếu phản ánh sự gia tăng đáng kể về nguồn cung lao động (ND: do gia tăng nhập cư) và sự chậm lại so với tốc độ tuyển dụng nhanh chóng trước đó. Dù vậy, sự giảm nhiệt trong điều kiện thị trường lao động là không thể phủ nhận. Số lượng việc làm vẫn vững vàng nhưng đã chậm lại trong năm nay. Số lượng việc làm còn trống đã giảm, và tỷ lệ giữa số việc làm còn trống so với tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại phạm vi trước đại dịch. Tỷ lệ tuyển dụng và tỷ lệ nghỉ việc hiện thấp hơn so với các mức trước năm 2018 và 2019. Mức tăng lương danh nghĩa đã giảm. Tổng thể, điều kiện thị trường lao động hiện tại ít căng thẳng hơn so với ngay trước đại dịch vào năm 2019, khi lạm phát dưới 2%. Có vẻ như không có khả năng thị trường lao động sẽ trở thành nguồn gây áp lực lạm phát cao trong thời gian tới. Chúng tôi không tìm kiếm hay hoan nghênh sự giảm nhiệt thêm nữa trong điều kiện thị trường lao động.
Tổng thể, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc. Nhưng dữ liệu về lạm phát và thị trường lao động cho thấy tình hình đang thay đổi. Rủi ro lạm phát tăng cao đã giảm đi. Và rủi ro giảm số lượng việc làm đã gia tăng. Như chúng tôi đã nhấn mạnh trong tuyên bố FOMC gần đây, chúng tôi chú ý đến các rủi ro với cả hai mặt của nhiệm vụ kép (lạm phát và việc làm).
Đã đến thời điểm điều chỉnh chính sách. Hướng đi của lạm phát đã rõ ràng, và thời gian cũng như tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào, triển vọng và sự cân bằng của các rủi ro đang thay đổi.
Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ cho thị trường lao động được mạnh mẽ vì giá cả đang dần ổn định. Với việc nới chính sách một cách hợp lý, nền kinh tế sẽ trở lại mức lạm phát 2% trong khi duy trì được thị trường lao động mạnh mẽ. Mức lãi suất chính sách hiện tại cho phép chúng tôi có đủ không gian để đối phó với bất kỳ rủi ro nào chúng tôi có thể gặp phải, bao gồm cả rủi ro về sự suy yếu thêm nữa mà chúng tôi không mong muốn trong điều kiện thị trường lao động.
Sự Tăng – Giảm Của Lạm Phát
Bây giờ hãy chuyển sang các câu hỏi về lý do tại sao lạm phát tăng lên, và tại sao lạm phát giảm mạnh như vậy ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Có ngày càng nhiều nghiên cứu về các câu hỏi này, và đây là thời điểm tốt để thảo luận về những nghiên cứu đó. Dĩ nhiên, còn quá sớm để đưa ra các đánh giá cuối cùng. Giai đoạn này sẽ còn được phân tích và tranh luận lâu dài sau này.
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc toàn thế giới phải phong tỏa một cách nhanh chóng. Đây là thời điểm mọi thứ đều hoàn toàn bất định và rủi ro xảy ra những tiêu cực nghiêm trọng. Như thường thấy trong các thời kỳ khủng hoảng, người Mỹ đã thích nghi và đổi mới. Các chính phủ đã phản ứng với sức mạnh chưa từng có, đặc biệt là Quốc hội Mỹ đã đồng thuận thông qua Đạo luật CARES. Tại Cục Dự trữ Liên bang, chúng tôi đã sử dụng quyền lực của mình ở mức chưa từng thấy để ổn định hệ thống tài chính và giúp ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế.
Sau cuộc suy thoái sâu rộng nhưng ngắn ngủi nhất lịch sử khi covid xảy ra, đến giữa năm 2020, nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. Khi các rủi ro về thời kỳ suy thoái nghiêm trọng kéo dài giảm dần, và khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chúng tôi đã phải đối mặt với rủi ro lặp lại tình trạng phục hồi chậm chạp đau đớn mà chúng tôi thấy sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2008.
Quốc hội đã cung cấp sự hỗ trợ tài khóa đáng kể vào cuối năm 2020 và tiếp tục vào đầu năm 2021. Chi tiêu đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021. Đại dịch kéo dài đã tạo ra cách thức phục hồi trong chi tiêu. Những lo ngại COVID sẽ kéo dài đã ảnh hưởng đến chi tiêu cho các dịch vụ trực tiếp. Tuy nhiên, chính điều đó làm nhu cầu bị dồn nén, cùng với chính sách kích thích, những thay đổi trong công việc và thói quen giải trí do đại dịch, và khoản tiết kiệm bổ sung liên quan đến hạn chế các chi tiêu dịch vụ đều đã góp phần vào sự gia tăng chưa từng có trong lịch sử về chi tiêu tiêu dùng hàng hóa.
Đại dịch cũng đã gây ra sự tàn phá nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng (ND: đứt gãy chuỗi cung ứng). Tám triệu người đã rời khỏi lực lượng lao động khi đại dịch bắt đầu, và cho tới đầu năm 2021 quy mô lực lượng lao động vẫn còn thấp hơn 4 triệu so với mức trước đại dịch. Phải đến giữa năm 2023 lực lượng lao động mới trở lại xu hướng trước đại dịch. Chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do sự kết hợp của việc mất công nhân vì nhiều người không trở lại làm việc, các liên kết thương mại quốc tế bị gián đoạn, và sự thay đổi mạnh mẽ nhu cầu ở cả cơ cấu và mức độ (đối với từng loại hàng hoá). Rõ ràng, điều này không giống sự phục hồi chậm chạp sau Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Toàn Cầu.
Lạm phát cuối cùng cũng xảy đến. Sau khi ở dưới mức mục tiêu suốt năm 2020, lạm phát đã tăng vọt vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021. Làn sóng lạm phát ban đầu tập trung vào một số mặt hàng chứ không lan rộng, với sự tăng giá rất lớn cho các hàng hóa khan hiếm, chẳng hạn như phương tiện giao thông. Tôi và các đồng nghiệp đã đánh giá ngay từ đầu rằng những yếu tố liên quan đến đại dịch này sẽ không kéo dài, và do đó sự gia tăng lạm phát đột ngột có khả năng sẽ qua đi khá nhanh mà không cần phản ứng bằng chính sách tiền tệ – tóm lại, lạm phát sẽ chỉ là tạm thời. Quan điểm tiêu chuẩn từ lâu đã cho rằng, miễn là kỳ vọng lạm phát vẫn được giữ vững, thì ngân hàng trung ương có thể xem xét (chấp nhận) sự gia tăng lạm phát tạm thời.
Hầu hết các nhà phân tích chính thống và các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển đều đồng thuận rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Kỳ vọng chung đều cho rằng điều kiện cung ứng sẽ được cải thiện tương đối nhanh chóng, sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng (ND: do bị dồn nén) sẽ kết thúc, và nhu cầu sẽ chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, làm giảm lạm phát.
Trong một thời gian, dữ liệu khớp với giả thuyết lạm phát chỉ là tạm thời. Các chỉ số hàng tháng về lạm phát cơ bản đã giảm mỗi tháng từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2021, mặc dù tiến trình chậm hơn so với mong đợi. Tình hình bắt đầu thay đổi vào khoảng giữa năm, như đã phản ánh trong các thông báo của chúng tôi. Từ tháng 10, dữ liệu bắt đầu chống lại giả thuyết lạm phát chỉ là tạm thời. Lạm phát bắt đầu gia tăng và lan rộng từ hàng hóa sang dịch vụ. Rõ ràng lạm phát cao không phải là tạm thời và sẽ cần có phản ứng chính sách mạnh mẽ nếu muốn giữ vững kỳ vọng lạm phát mục tiêu. Chúng tôi đã nhận thức được điều đó và thay đổi hướng đi bắt đầu từ tháng 11. Các điều kiện tài chính bắt đầu thắt chặt. Sau khi dừng mua vào tài sản, chúng tôi đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm 2022.
Vào đầu năm 2022, lạm phát toàn phần vượt 6%, lạm phát cơ bản vượt 5%. Các cú sốc cung ứng mới xuất hiện. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine dẫn đến giá năng lượng và hàng hoá tăng mạnh. Những cải thiện trong điều kiện cung ứng và sự chuyển dịch nhu cầu từ hàng hóa sang dịch vụ kéo dài hơn dự kiến, một phần do các đợt COVID bùng phát trở lại ở Mỹ. COVID tiếp tục làm gián đoạn sản xuất toàn cầu, bao gồm các lệnh phong tỏa mới và kéo dài ở Trung Quốc (ND: Cuối 2022 Trung Quốc mới từ bỏ Zero covid).
Tỷ lệ lạm phát cao là một hiện tượng toàn cầu, các quốc gia đều trải qua tình trạng chung: nhu cầu hàng hoá gia tăng nhanh chóng, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường lao động thiếu nhân lực (ND: do công nhân không trở lại nhà máy), và hàng hóa tăng giá mạnh mẽ. Tính toàn cầu của lạm phát không giống bất kỳ thời kỳ nào kể từ những năm 1970. Vào thời điểm đó, lạm phát cao trở thành một hiện tượng kéo dài – là kết quả mà chúng tôi hoàn toàn cam kết không để xảy ra lần nữa.
Vào giữa năm 2022, thị trường lao động cực kỳ căng thẳng, với việc tăng thêm hơn 6,5 triệu người kể từ giữa năm 2021. Sự gia tăng nhu cầu lao động này một phần được đáp ứng bởi những người lao động trở lại lực lượng lao động khi lo ngại về sức khỏe bắt đầu giảm bớt. Nhưng nguồn cung lao động vẫn bị hạn chế, và vào mùa hè năm 2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Từ tháng 3 năm 2022 đến cuối năm, số lượng việc làm còn trống gần gấp đôi số người thất nghiệp, cho thấy sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Lạm phát đạt đỉnh ở mức 7,1% vào tháng 6 năm 2022.
Tại bục phát biểu này hai năm trước, tôi đã thảo luận về khả năng việc giải quyết lạm phát có thể mang lại một số đau thương như tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và tăng trưởng chậm lại. Một số người lập luận rằng việc kiểm soát lạm phát sẽ cần một cuộc suy thoái và một khoảng thời gian dài thất nghiệp cao. Tôi đã đưa ra cam kết khôi phục hoàn toàn sự ổn định về giá cả và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách cho đến khi công việc được hoàn thành.
FOMC không nao núng trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, và các hành động của chúng tôi đã minh chứng rõ ràng cho cam kết khôi phục sự ổn định giá cả của chúng tôi. Chúng tôi đã tăng lãi suất chính sách lên 4.25% vào năm 2022 và thêm 1% vào năm 2023. Chúng tôi đã giữ lãi suất chính sách ở mức hiện tại kể từ tháng 7 năm 2023.
Lạm phát đã giảm từ mức đỉnh mùa hè năm 2022. Lạm phát giảm 4,5 điểm phần trăm từ mức đỉnh hai năm trước đã xảy ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp – một kết quả đáng hoan nghênh và hiếm hoi trong lịch sử.
Làm thế nào lạm phát giảm mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao vượt mức tự nhiên?
Đại dịch đã gây ra những biến đổi về cung ứng và nhu cầu, cũng như các cú sốc nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng và hàng hóa, là những yếu tố quan trọng gây ra lạm phát cao, và sự đảo ngược của chúng đóng một vai trò lớn trong việc giảm lạm phát. Việc giải quyết các yếu tố này mất nhiều thời gian hơn dự kiến nhưng cuối cùng đã đóng góp lớn vào tiến trình giảm lạm phát. Chính sách tiền tệ thắt chặt của chúng tôi góp phần làm giảm nhu cầu tổng thể, kết hợp với những cải thiện trong cung ứng tổng thể để giảm áp lực lạm phát, trong khi cho phép tăng trưởng tiếp tục ở mức lành mạnh. Khi nhu cầu lao động cũng được điều tiết, mức độ tuyển dụng cao kỷ lục so với tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại bình thường chủ yếu thông qua việc giảm số lượng tuyển dụng, mà không có tình trạng sa thải lớn và gây gián đoạn, đưa thị trường lao động đến trạng thái không còn là nguồn gây áp lực lạm phát.
Về tầm quan trọng của kỳ vọng lạm phát, các mô hình kinh tế chuẩn từ lâu đã cho rằng lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu khi thị trường hàng hóa và thị trường lao động được cân bằng – mà không cần phải có tình trạng dư thừa lao động và dư thừa công suất sản xuất – miễn là kỳ vọng lạm phát vẫn đâng đi đúng hướng mục tiêu của chúng ta. Đây là quan điểm của các mô hình kinh tế, nhưng tính ổn định của kỳ vọng lạm phát dài hạn từ những năm 2000 đến nay chưa được thử thách bởi một đợt bùng nổ lạm phát cao liên tục như vừa qua. Nên không thể chắc chắn rằng kỳ vọng lạm phát sẽ giữ vững. Những lo ngại về việc lạm phát sẽ tăng trở lại nếu nới lỏng chính sách sai thời điểm đã dẫn đến quan điểm rằng tiến trình giảm lạm phát về mức mục tiêu sẽ cần có tình trạng dư thừa trong nền kinh tế và cụ thể là trong thị trường lao động. Một bài học quan trọng từ kinh nghiệm gần đây là kỳ vọng lạm phát được duy trì ổn định, được hỗ trợ bởi với các hành động mạnh mẽ của ngân hàng trung ương, có thể giúp giảm lạm phát mà không cần phải có tình trạng dư thừa lao động và công suất trong nền kinh tế.
Phần lớn sự gia tăng lạm phát những năm qua là do sự kết hợp đặc thù giữa nhu cầu quá nóng – bị biến dạng tạm thời (ND: do đặc thù thời covid) với nguồn cung bị hạn chế (do đứt gãy chuỗi cung ứng vì covid). Mặc dù các nhà nghiên cứu có những khác biệt về phương pháp và vì vậy ở mức độ nào đó đưa ra kết luận có chút khác nhau, nhưng dường như đang hình thành một sự đồng thuận, đó là phần lớn sự gia tăng lạm phát được gán cho sự kết hợp đặc thù này. Tóm lại, sự phục hồi từ những biến dạng do đại dịch, sự nỗ lực của chúng tôi trong điều tiết nhu cầu tổng thể, và sự neo giữ kỳ vọng đã cùng nhau giúp lạm phát đi theo một con đường ngày càng có vẻ bền vững để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của chúng tôi.
Giảm lạm phát trong khi duy trì sức mạnh của thị trường lao động chỉ có thể thực hiện được với kỳ vọng lạm phát được giữ vững, phản ánh sự tin tưởng của công chúng rằng ngân hàng trung ương sẽ duy trì lạm phát ở mức 2% theo thời gian. Sự tin tưởng đó đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ và được củng cố bởi các hành động của chúng tôi.
Đó là đánh giá của tôi về các sự kiện.
Kết luận
Hãy để tôi kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng nền kinh tế đại dịch là khác biệt so với bất kỳ nền kinh tế nào khác, và vẫn còn nhiều điều cần học hỏi từ giai đoạn đặc biệt này. Tuyên bố của chúng tôi về Các Mục tiêu Dài hạn và Chiến lược Chính sách Tiền tệ nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc xem xét các nguyên tắc của chúng tôi và thực hiện các điều chỉnh thích hợp thông qua một cuộc đánh giá công khai toàn diện mỗi năm năm. Khi chúng tôi bắt đầu quá trình này vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ đón nhận ý kiến đóng góp và ý tưởng mới, đồng thời vẫn giữ những thế mạnh trong khung chính sách của chúng tôi. Chúng tôi có sự giới hạn về kiến thức vì những đặc trưng của đại dịch là chưa từng xảy ra – đòi hỏi tinh thần khiêm tốn và đặt câu hỏi tập trung vào việc rút ra những bài học từ quá khứ và áp dụng chúng một cách linh hoạt vào những thách thức hiện tại mà chúng tôi đang đối mặt.