
Nguyên tắc 2. Đầu tư tập trung theo nguyên tắc bình quân giá lên
Một chìa khóa khác để quản lý danh mục đầu tư hiệu quả cao là hiểu được mục tiêu của bạn trên thị trường không chỉ là đúng, mà là kiếm được số tiền lớn khi đúng. Để kiếm được số tiền lớn, bạn cần đầu tư tập trung và sáng suốt, mua theo phương pháp trung bình giá lên đúng đắn, thay vì đa dạng hóa vào một danh mục dài dằng dặc và khó quản lý.
Đầu tư tập trung, đừng đa dạng hoá danh mục
Hầu như tất cả mọi người đều như bị tẩy não khi tin rằng đa dạng hóa vào một danh mục rộng, tức là chia lẻ tiền vào nhiều cổ phiếu thay vì một số ít, là bí quyết để đầu tư an toàn và thận trọng. Nhưng điều này chỉ đúng một phần. Đúng vậy, càng đa dạng hóa danh mục đầu tư, bạn càng có ít rủi ro trong bất kỳ một loại cổ phiếu nào. Nhưng cách này không thể bảo vệ bạn khỏi những đợt điều chỉnh đáng kể của thị trường chung, và chắc chắn bạn chưa nghĩ đến việc cần phải kiếm được số tiền lớn khi bạn đúng.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư, theo như tôi nghĩ, chỉ là cách phòng ngừa rủi ro cho những người thiếu kiến thức. Bạn không chắc mình nên sở hữu những cổ phiếu nào, vì vậy bạn mua rất nhiều cổ phiếu khác nhau, đều là những cổ phiếu mà bạn không biết nhiều về chúng. Bằng cách đó, những vị thế sai sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bạn như khi bạn đầu tư tập trung hơn.
Nếu bạn muốn đa dạng hóa để phòng ngừa rủi ro, có một cách tốt hơn nhiều. Khi quyết định số tiền phải đầu tư, hãy luôn đặt ra giới hạn nghiêm ngặt cho số lượng cổ phiếu bạn sẽ sở hữu trong danh mục đầu tư của mình. Sau đó, thực thi giới hạn đó bằng cách từ chối mua thêm loại cổ phiếu mới cho đến khi bạn đã bán đi một cổ phiếu trong danh mục. Nếu đã quyết định sở hữu không quá 10 cổ phiếu và bạn muốn thực hiện một giao dịch mua mới, bạn nên buộc mình phải bán những cổ phiếu kém hấp dẫn nhất trong số 10 cổ phiếu bạn có và sử dụng số tiền thu được để mua mới. Nếu không đặt giới hạn, bạn sẽ thấy rằng mặc dù chỉ dự định sở hữu 10 cổ phiếu, nhưng cuối cùng bạn sẽ có 15, 20 rồi 25 cổ phiếu. Và trước khi nhận ra, bạn đã có đầy rẫy những khóm cỏ dại trong vườn hoa của mình.
Không ai có thể hiểu cặn kẽ và theo dõi sát một loạt vài chục cổ phiếu. Qua nhiều năm, tôi nhận thấy tốt hơn hết bạn nên cho tất cả trứng vào một vài chiếc giỏ và sau đó quan sát những chiếc giỏ đó thật kỹ, biết rõ những cổ phiếu nào trong số chúng đang tiến bước, và những cổ phiếu nào đang lùi bước.
Nếu tôi chỉ sở hữu bốn cổ phiếu và thị trường chung bắt đầu đi vào một đợt suy giảm quan trọng, tôi có thể sẽ bán một trong bốn cổ phiếu vì một quy tắc bán nào đó bị kích hoạt, như quy tắc đỉnh cao trào cổ điển, hoặc quy tắc chốt lãi ở mức 20 đến 25%, hoặc quy tắc cắt lỗ. Một cổ phiếu khác có thể đã được bán vì tôi không thích cách thị trường chung hoạt động, ví dụ thị trường có quá nhiều ngày phân phối với khối lượng cao. Bằng việc bán ra 2 cổ phiếu, tôi đã có 50% tiền mặt trên con đường bảo vệ bản thân bằng cách mua bảo hiểm để tránh khả năng thị trường mất giá nghiêm trọng. Sở hữu đến cả chục cổ phiếu sẽ khiến bạn khó hành động hơn rất nhiều. Về lâu dài, bạn cần phải thực hành thói quen chỉ sở hữu 4-6 cổ phiếu tốt nhất mà thôi.
Nếu tôi rải tiền vào 50 cổ phiếu, khi thị trường quay đầu đi xuống, việc bán một hoặc hai cổ phiếu sẽ không giúp tôi bảo vệ được gì cả. Tôi hầu như vẫn đầu tư toàn bộ giá trị tài sản ròng, và sẽ phải hứng chịu toàn bộ tác động từ sự sụt giảm của thị trường chung. Hãy nhớ rằng: khi thị trường đi xuống, ba trong số bốn cổ phiếu của bạn sẽ đi xuống theo thị trường. Các nghiên cứu toàn diện lịch sử thị trường cũng cho thấy rằng nhiều cổ phiếu khi đã trải qua một đợt sụt giảm nghiêm trọng sẽ không tăng trở lại. Do đó, một nhà đầu tư có danh mục đầu tư đa dạng hóa rộng có thể kết thúc với nhiều cổ phiếu có thể từng là cổ phiếu dẫn đầu trong quá khứ, nhưng hiện tại đã trở nên lỗi thời, không còn được thị trường quan tâm. Các khoản nắm giữ này có thể bào mòn tài khoản trong nhiều năm, làm loãng hiệu suất đầu tư tổng thể mà một nhà đầu tư có thể đạt được.
Đa dạng hoá khôn ngoan bằng phương pháp bình quân giá lên
Bạn cũng có thể đa dạng hóa khôn ngoan hơn bằng cách xây dựng các vị thế cổ phiếu của mình một cách thận trọng và có cân nhắc hơn. Đừng bao giờ đặt cược toàn bộ tiền vào một quyết định. Thay vào đó, hãy buộc bản thân phải thực hiện xây dựng vị thế từng phần theo thời gian, và chỉ mua thêm vị thế sau khi các khoản nắm giữ khác trong danh mục đầu tư của bạn bắt đầu có tiến triển. Bằng cách này, bạn đang đa dạng hóa theo thời gian và chỉ mua thêm khi mọi thứ diễn ra theo ý bạn. Nếu không, chẳng có lý do gì để tiếp tục bỏ thêm tiền! Bạn không bao giờ nên đầu tư toàn bộ tiền cho đến khi bạn đang kiếm được lợi nhuận và nhìn thấy một số cổ phiếu bạn sở hữu tiến bước.
Giả sử bạn có 1 tỷ đồng và quyết định bỏ phần tiền bằng nhau vào không quá 5 cổ phiếu, tức là mỗi cổ phiếu sẽ đầu tư 200 triệu. Bạn không cần giải ngân toàn bộ 200 triệu trong lần đầu tiên mua mỗi cổ phiếu. Bạn có thể giải ngân một nửa số tiền, và sau đó nếu 100 triệu ban đầu bắt đầu cho thấy hiệu quả, hãy từ từ giải ngân bổ sung số tiền còn lại cho đến khi đạt được vị thế đầy đủ 200 triệu.
Nếu bạn bán các cổ phiếu hoạt động kém nhất của mình khi thực hiện quản trị danh mục đầu tư, một phần tiền đó có thể được chuyển không chỉ vào các vị thế mới mà còn vào các cổ phiếu tốt hơn mà bạn sở hữu, nếu chúng đang ở các điểm mua mới. Theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng danh mục đầu tư đa dạng gồm 10 cổ phiếu sẽ được xén bớt lại thành 6, 7 hoặc 8 cổ phiếu. Danh mục đầu tư của bạn vẫn đa dạng, nhưng sẽ mạnh hơn vì bạn chuyển tiền từ những cổ phiếu hoạt động kém hơn sang những lựa chọn tốt hơn. Tôi gọi đây là phương pháp “vỗ béo ép buộc”. (Thông thường, tỷ lệ tốt nhất là 25% tổng tài khoản cho một vị thế, có nghĩa sở hữu 4 cổ phiếu là tốt nhất, vừa đủ để tập trung lớn để kiếm được nhiều khi đúng, vừa đủ để tránh những khoản lỗ lớn khi bạn không may chọn sai).
Chính thị trường sẽ giúp bạn trong quá trình này bằng cách phân loại danh mục đầu tư của bạn và tách thóc (những cổ phiếu tăng giá) ra khỏi vỏ trấu (những cổ phiếu không tăng giá). Bạn chỉ cần đảm bảo bản thân không tranh cãi với các quyết định của thị trường.
Có một số cách để mua bổ sung các vị thế dài hạn. Nếu bạn là một nhà đầu tư rất thận trọng, bạn có thể chỉ mua một nửa trong những lần mua đầu tiên, sau đó chờ xem liệu chúng có tăng 20 đến 25% hay không. Nếu chúng tăng 20-25%, sau đó xây dựng những nền giá hoàn toàn mới có vẻ vững trãi, bạn có thể thực hiện mua lần thứ hai, với số lượng ít hơn một chút khi chúng phá vỡ từ nền giá đó.
Các nhà đầu tư năng động hơn nên bổ sung ngay lập tức các vị thế sau lần mua đầu tiên khi cổ phiếu tăng từ 2 đến 3% so với giá mua ban đầu. Chỉ cần đảm bảo bạn mua số lượng tiền ít hơn ở lần mua thứ hai, để không làm tăng giá vốn trung bình quá nhanh. Ví dụ: nếu mua ở mức 50, sau đó cổ phiếu tăng lên 51, bạn có thể tiếp tục mua thêm, lý do chỉ đơn giản vì nó đã tăng lên 51, là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang đi đúng hướng. Nếu bạn đã mua 10.000 cổ phiếu ở lần mua đầu tiên, bạn có thể mua 6.500 cổ phiếu lần thứ hai, để giải ngân thêm một ít tiền vào một vị thế có thể đúng, số lượng ít hơn lần mua đầu. Lần mua thứ hai của tôi hầu như luôn diễn ra một cách tự động và được thực hiện ngay khi giá tăng 2 đến 3 % so với giá mua ở lần mua đầu tiên. Bằng cách đó, tôi sẽ không bao giờ bỏ lỡ việc mua thêm một cổ phiếu có tiềm năng chiến thắng. Lần mua thứ ba có thể được thực hiện sau đó với số lượng 3.500 cổ phiếu khi giá tăng lên mức 52. Nhưng đừng mua bình quân giá lên kiểu kim tự tháp nếu giá đã vượt quá 5% so với điểm mua đúng của bạn là 50. Trong trường hợp này, đừng mua khi cổ phiếu đã tăng quá 52,5 nếu không bạn sẽ có nguy cơ bị gia tăng rủi ro trong đợt giảm giá tự nhiên kế tiếp, là điều thường xuyên xảy ra.
Nếu sau lần mua đầu tiên tại mức 50, giá nhanh chóng giảm xuống còn 48, hãy bỏ nó lại đó. Đừng mua thêm với lý do cổ phiếu đang rẻ hơn. Làm như vậy có nghĩa là bạn đang tranh cãi với thị trường, bạn tuyên bố rằng thị trường đang sai. Như tôi đã nói trước đây, chống lại thị trường là hành động dại dột, tiềm ẩn nguy hiểm.
Sẽ luôn có những trường hợp cổ phiếu tăng từ 50 lên 51, sau đó lao dốc rồi cuối cùng sụp đổ. Nhưng đó chỉ là thiểu số, còn xét về lâu dài, phương pháp mua thêm vị thế ở cổ phiếu tăng giá có hiệu quả tốt hơn, giúp bạn đầu tư nhiều tiền hơn vào những cổ phiếu bạn có thể đúng, và đầu tư ít tiền hơn vào những cổ phiếu có thể sai. Hãy luôn tăng thêm tiền cho những cổ phiếu hiệu quả và cắt giảm những cổ phiếu không hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp mua kim tự tháp chỉ áp dụng trong thị trường bò tót. Phương pháp này hoàn toàn không hoạt động tốt trong thị trường gấu, vì trong thị trường gấu hầu như mọi điểm mua phá vỡ hay những đợt phục hồi đều thất bại.
Trong thị trường gấu, bạn chủ yếu nên giữ tiền mặt. Khi xu hướng tăng được xác nhận, hãy quay lại thị trường bằng cách giải ngân từng phần, và nếu những lần đầu giải ngân hiệu quả bạn mới giải ngân tiếp. Nếu giải ngân một vài lần đầu mà bị thua lỗ, các quy tắc bán dừng lỗ sẽ đẩy bạn ra mà không phải chịu tổn hại lớn.